Đôi điều về tượng mồ Tây Nguyên
VNTN - Pho tượng mồ tưởng như vô tri vô giác kia, té ra quá nhiều chuyện để nói. Trên hết nó là tài năng tuyệt vời của người nghệ nhân dân gian không tuổi không tên, nhưng bằng sự dấn thân đến tận cùng số phận, tận cùng cõi sống, anh cho ra đời một tuyệt tác mà anh không hề biết rằng nó là tuyệt tác…
Ấy là một buổi chiều của một năm thuộc thập kỷ 80 của thế kỷ trước. Chúng tôi là một tốp nhà văn đi thực tế, cứ lang thang trong khu nhà mồ Jrai của một làng thuộc xã Chư Drăng, hồi ấy thuộc huyện Ayun Pa, giờ là Ia Pa. Tự lúc nào tôi tách ra khỏi đoàn, cứ một mình mê mải. Mà cái nắng quái buổi chiều cứ rờn rợn nhưng lại như mê hoặc khiến tôi cứ vạch cây ra mà vào khu nhà mồ, cứ hun hút mà vào. Hồi ấy tượng còn rất nhiều, rất đẹp. Từng pho tượng như đang phập phồng thở, như đang tâm tình, đang nói chuyện, đang ưu tư… đến khi ngẩng lên thì, còn mỗi tôi trong cái khu nhà mồ ấy.
Về đến chỗ tập kết, mọi người ngồi chờ mỗi mình tôi. Cái ấn tượng buổi chiều với nắng rười rượi ma quái ấy, cái hoang mang khi một mình lạc trong khu nhà mồ mà như người đang sống ấy, cái ám ảnh thân phận, kiếp người, tình yêu… đeo đẳng tôi từ lâu rồi, giờ có dịp bùng lại. Chỉ nửa ngày sau tôi viết xong bài thơ Tượng mồ và may mắn, nó được nhiều người chấp nhận.
Vấn đề là, trước đó, tôi đã có một thời gian dài nghiên cứu, tìm hiểu về tượng mồ và văn hóa Tây Nguyên.
Với người Tây Nguyên, chết chưa phải là hết, mà chết là một trạng thái nghỉ, chuyển từ trạng huống sống này sang trạng huống sống khác, đấy là thế giới của A Tâu, của một tầng trời vĩnh hằng khác. Ở đó, con người luôn mơ về, dù không ai hình dung ra hình hài nó thế nào, và vì thế mà nó luôn lung linh, luôn luôn đẹp…
Trong thời gian ấy, người sống vẫn thường xuyên ra thăm người chết trong mồ. Cái mồ ấy khi chôn người ta vẫn để hở một lỗ phía trên và người sống mang cơm nước thức ăn ra bón cho người chết qua lỗ thông hơi ấy. Người ta còn chia của cho người chết. Trong nhà có gì đều được chia đều cho người ngoài mồ, nhưng để phân biệt thì người ta đục thủng hoặc làm hỏng đồ vật ấy đi, rồi mang ra chất xung quanh nhà mồ.
Cho đến khi đã đủ điều kiện, cả về kinh tế và thời gian thì người ta làm một cái lễ bỏ mả (Pơ Thi).
Các điều kiện tiên quyết để có lễ bỏ mả là: kinh tế, phải có bò gà dê lợn, ít nhất mỗi thứ một con. Có rượu, ít thôi, vì bà con dân làng sẽ mang đến… Nhưng cái quan trọng là nhà mồ và tượng mồ.
Tượng mồ là những cây gỗ tươi nguyên, được những trai tráng khỏe mạnh trong làng đi hàng tháng trời trong rừng, đốn và khiêng về. Còn lại là việc của nghệ nhân.
Không phải ai cũng đẽo được tượng mồ, mà mỗi làng chỉ có vài ba người làm được việc này.
Không phải lúc nào cũng có thể đẽo được tượng mồ. Mà phải chọn (và biết cách làm cho) cảm xúc thăng hoa nhất, nói nôm na là… Giàng nhập.
Và, chỉ một con rựa, một cái rìu, người nghệ nhân tài hoa ấy “Đẽo đi những phần thừa” để còn lại là một pho tượng mồ sống động, cô đọng tinh hoa của con người. Chưa hết, chưa đủ, không chỉ tinh hoa, mà nó là cảm xúc, là toàn bộ tình yêu của người sống đối với người đã mất.
Tôi đã khai thác yếu tố này trong thơ.
Rằng là, xác rồi thì đã tan rữa, đã hòa trong đất.
Hồn thì rong chơi đâu đó trên cõi đời rộng lớn và mông lung này.
Nhưng cái còn lại là tình yêu của con người. Mãi mãi, còn lại tình yêu trên cõi đời này. Tất cả mọi thứ rồi sẽ mất đi, kể cả những thứ tưởng như vĩnh hằng nhất, như Thái Sơn, như vườn treo Babilon, như tháp Ephel, như Vạn Lý Trường Thành… nhưng tình yêu thì không thế, nó mãi mãi thổn thức cùng con người, song hành cùng con người, kể cả khi con người đã mất đi, thì tình yêu vẫn còn ở lại.
Tượng mồ của người Tây Nguyên mang thông điệp ấy. Nó là khát vọng tình yêu của con người, là cái còn lại cuối cùng của con người, gửi cho con người, gửi cho chúng ta.
Tuy thế, tình yêu ấy nó cũng mong manh lắm. Và thế nó mới quý, chứ nó cứ sừng sững như Chô Mô Lung Ma thì rồi nó sẽ vô cảm mất.
Tôi nhớ tới câu chuyện của ông họa sĩ Xu Man kể cho tôi. Ông Xu Man bảo khi người thân mất, người Tây Nguyên ít khóc than, mà họ dùng những cách bày tỏ sự tiếc thương ấy rất ấn tượng và… bạo lực. Ấy là lấy dao cứa vào da thịt, là lấy thanh củi đang cháy dí vào ngực vào đùi - ngực và đùi ông Xu Man chằng chịt sẹo là thế - và cao hơn, họ dồn tình yêu ấy vào tượng mồ…
Thôi thì, không cùng đi với nhau một con đường, không chung nhau cái rẫy, không với nhau cái sàn nhà, không có nhau những cơn ấm lạnh cuộc đời… thì đành ai nấy đi. Nhưng trước khi mãi mãi quên nhau, mãi mãi mỗi người một phía, mỗi người một miền mặt trăng mặt trời, một giấc mơ riêng, một hơi thở riêng… ta làm cái tượng mồ, để nó thay ta, mang theo tình yêu của ta, đi cùng mình, mãi mãi…
Cũng nói cho công bằng, bây giờ một anh sinh viên điêu khắc, thậm chí là một ông thợ mộc, cũng có thể, trong vòng vài tiếng đồng hồ, có thể đẽo ngon ơ một cái tượng mồ, y như thế, giống như hệt cái tượng mồ dựng trong khu nhà mồ kia. Nhưng nó vẫn không phải là tượng mồ.
Bởi nó thiếu cái cảm xúc tình yêu, cái cảm giác thăng hoa tận cùng, cái đớn đau tận cùng, cô đơn tột cùng, mất mát tận cùng… những thứ làm nên hồn cốt một pho tượng mồ.
Cũng như tình yêu vậy. Con người hơn con gà là bởi chính cái phần tình yêu ấy, chứ còn thì nó cũng truyền giống, cũng sinh con đẻ cái, nhưng gà quyết không thể là người.
Thì nghệ thuật, tận cùng nó, cũng là đánh thức tình yêu, hướng về tình yêu, khát khao tình yêu, và bởi vì yêu nên thấm cái nỗi cô đơn tận cùng, cái đớn đau tận cùng, cái hạnh phúc tận cùng… để rồi nó rưng rưng tươi mởn cho ra tác phẩm.
Và đấy chính là yếu tố khác nhau giữa cái tượng mồ Tây Nguyên với cái tượng mồ do các anh thợ khác đẽo, dù tượng của thợ có thể sắc sảo hơn, tinh tế hơn, đẹp hơn… Nhưng nó vô hồn.
Và bởi vô hồn nên nó không chạm vào miền sâu kín nhất của con người, bắt con người phải đau đớn, khổ sở, phải vật vã sống đi chết lại.
Pho tượng mồ tưởng như vô tri vô giác kia, té ra quá nhiều chuyện để nói. Trên hết nó là tài năng tuyệt vời của người nghệ nhân dân gian không tuổi không tên, nhưng bằng sự dấn thân đến tận cùng số phận, tận cùng cõi sống, anh cho ra đời một tuyệt tác mà anh không hề biết rằng nó là tuyệt tác, bởi, pho tượng ấy, sau khi dựng quanh nhà mồ, mọi người sẽ quên ngay, tác giả của nó cũng sẽ quên ngay, coi như đã chính thức lìa xa nhau, mặc nắng mặc mưa, mặc gió mặc bão, người sống lại về với công việc hàng ngày với tất cả những bề bộn lo toan, người chết đã có bức tượng bầu bạn, cùng dìu nhau lên một cõi vô cùng khác, ở đó, lộng lẫy và trong veo, tinh khiết và công bằng, ở đó, có thể lại bắt đầu một tình yêu mới…
Thì biết làm sao được, tình yêu mà, ai cấm nó cứ mãi thổn thức cho con người, vì con người, dù có thể, họ đã xa chúng ta mãi mãi, cả về thời gian và không gian.
Văn Công Hùng
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...