Độc đáo nghề in vải truyền thống của Ấn Độ
VNTN - In ấn trên vải là một nghề thủ công vô cùng độc đáo ở Ấn Độ. Bằng sự khéo léo của đôi bàn tay, cộng với những bản khắc in chi tiết, những nghệ nhân in, vẽ và nhuộm vải lụa nước này đã cho ra đời được hàng nghìn loại hoa văn rực rỡ. Và nhiều những họa tiết độc đáo còn là một bức tranh thiên nhiên, người - vật xinh đẹp, hấp dẫn. Đa số các kỹ thuật in đều đã ra đời cách đây vài nghìn năm, và được phát triển ở nhiều khu vực, tạo nên bản sắc rất riêng. Trong bài viết, chỉ xin kể tới một vài kỹ thuật in truyền thống, phản ánh các phong tục, tập quán, tín ngưỡng lâu đời của Ấn Độ.
Đầu tiên phải kể tới là kỹ thuật in Bandhani ở bang Gujarat và Rajasthan. Đây là một phương pháp cổ xưa, hoàn toàn thủ công, ngẫu hứng, gắn liền với những móng tay linh hoạt và sự tinh tế trong trang trí nhà cửa của phụ nữ. Cách thức là cấu véo, tạo nếp, rồi buộc, thắt ở nhiều điểm trên vải trước khi nhuộm sẽ cho ra các họa tiết như các dấu chấm, đường kẻ, vân sóng, hình tim, hình vuông, hình quả trám liên tiếp hoặc cách quãng đẹp mắt. Mỗi mét vải hoàn thành thường chứa cả triệu chấm nhỏ (bheendi) sắp thành hình sặc sỡ, mà chủ yếu là vàng, đỏ, xanh lam, xanh lá và đen. Ngoài ra còn có màu trắng từ những chỗ vải được buộc chặt không bị thấm màu. Theo tiếng Sanskrit, Bandhani có nghĩa là buộc. Xuất hiện từ thời văn minh Thung lũng Indus 4.800 năm trước, nó có lẽ là một kỹ thuật lâu đời nhất và tạo ra loại vải lâu bền nhất Ấn Độ. Người ta đã tìm thấy nhiều họa tiết Bandhani trên các bích họa thế kỷ thứ sáu, đặc tả cuộc đời Đức Phật. Có lẽ trong thời đại của Ngài, loại vải này đã được sử dụng rộng rãi, và đến nay được gọi là Bandhej Saree.
Độc đáo không kém là kỹ thuật vẽ Batik, cũng tại Gujarat. Về ý nghĩa kỹ thuật này là chấm trên vải, nhưng kỳ thực nó có thể vẽ rất nhiều hoa văn từ cây cối, chim muông tới thuyền bè, nhà cửa... Dùng một cây bút chứa sáp hoặc chấm sáp nóng, người nghệ nhân sẽ vẽ lên vải những mô típ yêu thích, sau đó nhuộm từng chỗ để tạo ra các màu riêng, và luộc trong nước sôi cho sáp tan chảy, để lộ những họa tiết đa dạng, thú vị. Có bốn kỹ xảo trong in Batik là: kỹ xảo vảy sáp- cho sáp bắn, rải rác trên vải, tạo ra các mảng miếng như vừa bị nổ màu sắc sau khi nhuộm; kỹ xảo in khuôn mẫu- dùng các con dấu khắc họa tiết để rập lên vải; kỹ xảo vẽ bằng tay- áp dụng phương pháp Kalamkari để vẽ, vờn các họa tiết và cuối cùng là kỹ thuật cào, trám hồ dán, cũng như vẩy tạo các vết rạch thay vì các giọt chảy.
Kalamkari lại là một kiểu in kỳ diệu khác trên phông tại các đền thờ của những nhạc sĩ lang thang chitrakars xưa, và phổ biến từ thời Trung Cổ đến nay. Theo tiếng Ba Tư, nó là vẽ bằng bút mực. Tổng cộng có tới 23 bước để vẽ một tấm vải, chứa nội dung phong phú mà thường tả về thần thoại, gồm linh hoa, linh thú, tượng thần trong sử thi Mahabharata, Ramayana cùng nhiều vị Phật, Bồ Tát. Tất cả như một bức tranh, có thể treo, bày, làm trang phục, chăn màn. Trong Kalamkari, cũng có tới hai trường phái: Machilipatnam và Srikalahashi. Tuy nhiên kỹ thuật của hai trường phái này gần giống nhau. Đại thể, thợ in sẽ ngâm vải trong hỗn hợp sữa bò và Kadukka pinju khoảng 1 tiếng rưỡi, rồi phơi khô. Kế tiếp, dùng gỗ me đốt thành than, làm chì phác thảo hoa văn, rồi vót một mẩu tre làm bút và buộc ở ngang thân một miếng mút hoặc bông thấm thuốc nhuộm để viền và tô. Sau đó, bôi phèn lên vải, giúp nó luôn chắc khỏe, bền màu. Sau mỗi lần tô, đều giặt vải, để độ phèn cũng nhạt đi, nhưng vẫn đủ đảm bảo chất lượng. Thứ tự tô màu thường là vàng, đỏ, tím, nâu, xanh chàm… Để màu bám, không bị nhòe, mảnh vải sau đó được luộc trong nhiệt độ từ 80-100 độ C và phơi dưới cát để hút bớt màu.
Ikat cũng là một kỹ thuật nhuộm thiên về các sợi tạo hình hơn là dệt cửi. Đại thể, nó giống với Bandhani ở chỗ buộc và nhuộm vải, đồng thời dùng một loại chất để bảo vệ các hoa văn cần thiết. Nếu cả sợi dọc và ngang đều buộc và nhuộm sẽ cho ra một tấm vải có hai mặt khác biệt. Nói chung, từng sợi hay bó sợi sẽ được quấn chặt theo các hình, rồi nhuộm. Và khi dệt, thợ dệt sẽ vừa dệt vừa tháo các phần đó, làm nên những hoa văn lung linh, huyền ảo. Mặc dù có mặt ở nhiều nơi, song Ikat hiện hữu nhiều nhất ở Gujarat và Telangana. Nhuộm Ikat phục vụ mọi thành phần, tôn giáo và mỗi cộng đồng đều đưa vào nó các mô típ riêng. Người Jain thường thích họa tiết trừu tượng, còn người Muslim lại chuộng hình Vohra Gaji Bahaat, trong khi phụ nữ Hindu ưa voi, hoa, vẹt, tố nữ và lá đề.
Phương pháp in Ajrakh cũng là một kiểu in dùng con dấu bằng gỗ để in họa tiết lên vải. Không chỉ đều đặn, liên tiếp, mà còn nhanh chóng, chính xác. Ít nhất một họa tiết sẽ được in hai lần với hai bản khắc đối lập. Bản đầu là in đường nét, bản sau là in chi tiết, tô màu. Cá biệt một tấm vải sẽ có hàng trăm lần in, nếu nó chứa nhiều hoa văn khác nhau. Và thời gian làm thường kéo dài tới 21 ngày, qua nhiều công đoạn. Vải sau đó được nhuộm màu nền, phơi khô rồi nhuộm tiếp, cuối cùng giặt trong nước soda cho tươi rói, sáng bóng. Màu sắc vải in thường là bốn màu cổ truyền, gồm: đỏ, xanh, đen và trắng. Các màu được ví như cả vũ trụ, với đỏ tượng trưng cho đất, xanh là trời, đen là đêm và trắng là mây. Đặc biệt, nhiều tấm vải thường có màu lam bí ẩn. Vì màu lam này, nên kỹ thuật mới có tên Ajrakh, theo tiếng Ả Rập là xanh. Ajrakh hiện nay rất thịnh hành trong cộng đồng Khatris tại Barmer- Rajasthan.
Tại Rajasthan và cụ thể là thành phố Jaipur có kỹ thuật in rát vàng và bạc lá Varak, còn gọi Chandi Ki Chhapai, một phương pháp rất tinh tế, để đưa những mảnh vàng, bạc cực mỏng lên vải. Thông thường những lá vàng, bạc này (Varak) chỉ dày hai phần mười của một micron đến hai milimet. Ngày xưa, kỹ thuật này chỉ thấy dùng trên lá cờ, tràng phan, biểu thị cho quyền lực, địa vị cao quý của người dùng, mà chủ yếu là hoàng gia và tăng lữ, khi mà Ấn Độ đang ở thời hoàng kim, nổi tiếng vì sự giàu có đứng đầu thế giới về sản xuất vàng. Tuy nhiên, ngày nay trước nhu cầu thị trường, chúng đã xuất hiện trên nhiều loại khăn cùng áo saree Chanderi, với một đặc điểm là ở hai phía đều in rát vàng, bạc lôi cuốn. Song vì cầu kỳ, tốn kém nên cả kỹ thuật lẫn vải in Varak đều hiếm gặp. Để làm được một tấm vải ưng ý, thợ in thường phải mất cả tháng trời. Từ những mẩu kim loại quý, họ sẽ dập mỏng chúng thành từng lá vàng. Sau đó, phết nhựa cây saresh lên vải, và dùng một bản khắc gỗ áp những lá vàng lên, vàng sẽ dính chặt vào vải óng ánh. Để đảm bảo họa tiết không bị bong tróc, người mặc sẽ chỉ giặt khô, chứ không vò ướt.
Tương tự Batik, song Dabu lại dùng bùn để làm chất cản màu và những con dấu chấm mực in lên vải. Người ta trải tấm vải lên một mặt bàn rất rộng và in hàng loạt họa tiết xinh xắn giống nhau. Đó thường là những hình vẽ rất mộc mạc từ thiên nhiên và cuộc sống nhà nông, với lúa thóc, ngô khoai; các loại hoa quả như trái xoài, quả mít; các loại gia cầm, gia súc. Hình sóng nước và hình học được lặp đi lặp lại, tạo nên một đặc điểm ấn tượng. Đa số đều có màu trắng trên nền xanh lam. Mà để được như vậy, sau khi in hoa văn, thợ in sẽ phải trát một lớp bùn dày lên họa tiết. Hỗn hợp này gồm sét đen kaali mitti, bột mỳ bidhan, nhựa cây guar và nước vôi trong có tác dụng chống thấm, bít kín các mô típ không cho ngấm màu. Bùn thường dính vào nhau khi cuộn, nên tấm vải còn được rải thêm một lớp mùn cưa đã hong khô, sau đó đem nhuộm, dùng chất liệu tự nhiên như kashish cho màu nâu xám, lá chàm cho màu xanh lam và quả lựu cho màu vàng, đỏ… Sau vài tiếng phơi khô, vải được giặt để giũ bùn và lộ hoa văn, họa tiết. Ngoài ra do bùn đôi khi cũng bị nứt nên còn tạo nên nhiều đường vân lạ mắt. Phổ biến hơn nghìn năm, kỹ thuật Dabu tưởng chừng đã phôi phai, song đầu thế kỷ 21, nó đã phát triển và nảy nở ở nhiều ngôi làng, như làng Akola, quận Chittorgarh- Rajasthan, và được dùng may áo cholis, khăn xếp turban.
Hơi trái ngược với Dabu, vải vóc của cộng đồng Chippa ở làng Bagru lân cận lại có hoa văn sặc sỡ trên nền vải màu kem hoặc màu sáng. Hơn thế, họa tiết cực kỳ dồi dào, khai thác nhiều đề tài dân dã. Chippa theo tiếng địa phương nghĩa là in, nhuộm và phơi khô. Do người dân ở đây đều là bậc thầy về in, đến thăm làng của họ, sẽ thấy bạt ngàn những cánh đồng phơi vải rực rỡ và đến nhà nào cũng chất đầy ván in lạ mắt. Khi in, người ta tùy ý quyết định sẽ dùng bao nhiêu con dấu cho một hoa văn, song thông thường là từ bốn đến năm con dấu. Và họ liên tục sáng tác dấu mới để phát triển thêm nhiều nội dung. Con dấu đầu sẽ là dấu để in nền- gudh, dấu thứ hai in nét- rekh, dấu thứ ba in chi tiết và dấu cuối cùng tô màu- datta. Mỗi dấu có một độ ăn mực khác nhau và được đẽo từ nhiều loại gỗ đặc biệt như sagwan- gỗ tếch, sheesham- gỗ hồng và rohida- gỗ tếch hoang. Sagwan khá mềm dẻo cho những hình thù phóng khoáng bên ngoài, còn sheesham cứng, rắn cho những chi tiết tinh vi bên trong. Ngoài thiên nhiên, một nội dung chính của kỹ thuật này là những biểu tượng lấy từ kiến trúc Islam với hình sóng nước leher, tam giác kangura và mắt cáo jaali…
Kỹ thuật in Bagh cũng là một kiểu in bằng ván cầu kỳ, nhiều công đoạn. Trước tiên, người ta sẽ phải giặt mảnh vải dưới sông, trong dòng nước chảy độ hai tiếng để loại bỏ tinh bột. Kế đến, ngâm vải vào muối khoáng, phân dê, thầu dầu và nhấc ra phơi khô, nhuộm trắng. Thợ in tiếp tục dùng ván khắc để in họa tiết, thường là những hoa văn cổ 200- 300 tuổi cùng nhiều mô típ từ các bích họa 1.500 tuổi ở động Bagh, Madhya Pradesh. Tùy nội dung mà việc in phải mất từ 8 đến 14 ngày mới xong. Một lần nữa, vải được đưa ra sông, đập vỗ nhằm tẩy màu thừa. Sau đó, luộc trong nước hoa dhavda, đảo liên tục bằng que tre khi nhiệt độ tăng lên cho màu đạt độ chính xác. Riêng khâu này cũng kéo dài vài tiếng. Cuối cùng, vải được giặt thêm ba lần thì hoàn chỉnh.
Thủy Trường
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...