Độc đáo Lễ hội Tết Độc lập của người Mông
Nếu như Tết truyền thống của người Mông chỉ gói gọn trong phạm vi của gia đình, họ hàng, hoặc giữa các bản làng với nhau thì Lễ hội Tết Độc lập lại diễn ra rộng hơn bởi có sự liên kết giữa đồng bào Mông và các dân tộc khác như: Thái, Mường, Kinh, Dao… ở các vùng lân cận và nhiều vùng miền khác nhau.
Lễ hội Tết Độc lập ban đầu chỉ có riêng và duy nhất của đồng bào Mông ở huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La, sau này đã trở thành nét sinh hoạt độc đáo của đồng bào Mông ở các vùng miền khác trên dải đất Tây Bắc Việt Nam.
Ở vùng Tây Bắc, Lễ hội Tết Độc lập không chỉ thu hút đồng bào Mông ở các huyện Sông Mã, Thuận Châu, Yên Châu, Phù Yên... của tỉnh Sơn La, và người Mông ở các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Lào Cai, Hà Giang,Thanh Hóa, Nghệ An, mà còn thu hút nhiều dân tộc khác như: Thái, Mường, Kinh, Dao... ở các tỉnh lân cận và cả ở nước bạn Lào cũng về đây vui Tết. Vì thế, mỗi năm Tết Độc lập không chỉ “giàu” về lượng khách tham gia, mà còn “giàu” cả về nội dung, hình thức và sản vật. Nét văn hóa đẹp này đến nay vẫn được đồng bào Mông ở Mộc Châu nói riêng và vùng núi Tây Bắc nói chung gìn giữ và phát huy.
Nguồn gốc Tết Độc lập của người Mông
Giả thiết thứ nhất: Do cuộc sống của người Mông dưới thời thực dân Pháp đô hộ rất hà khắc trên toàn cõi Đông Dương, người Mông ở Việt Nam cũng không nằm ngoài sự áp bức bóc lột của chế độ đó. Họ phải rời bỏ nơi sinh sống của mình, nay đây mai đó để tìm kiếm một cuộc sống tốt hơn. Rồi Đảng và Bác Hồ đã lãnh đạo toàn dân tộc đứng lên giành chính quyền, độc lập, ấm no, hạnh phúc được mang lại.
Ngày Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (2/9/1945), người Mông ở Mộc Châu đã rất trân trọng và coi đó là Tết Độc lập của dân tộc mình. Vì ơn nghĩa ấy, đồng bào Mông đã lấy ngày mùng 2/9 hàng năm làm ngày Tết Độc lập, tết của những con người được tự do. Cũng từ đó, cứ vào ngày mùng 2/9 hàng năm người Mông ở các bản xa xôi huyện Mộc Châu, nô nức xuống đường đến trung tâm huyện để vui chơi, họ cùng nhau xem cờ, thổi khèn, múa hát, nam nữ thanh niên rủ nhau đi tâm tình thâu đêm cho đến sáng mới chia tay... Lâu dần đã trở thành Lễ hội Tết Độc lập của người Mông ở huyện Mộc Châu. Họ xem đây là ngày tết quan trọng thứ hai sau Tết cổ truyền của dân tộc.
Giả thiết thứ hai: Lễ hội Tết Độc lập của người Mông ở Mộc Châu có nguồn gốc từ tục bắt vợ. Tục bắt vợ mang một ý nghĩa quan trọng trong đời sống tinh thần của người Mông, đó là sự khát khao hạnh phúc, niềm vui của tình yêu đôi lứa và xe duyên vợ chồng. Chuyện kể rằng: “Trước Cách mạng Tháng Tám có đôi trai gái người Mông yêu nhau say đắm nhưng vì chế độ thực dân phong kiến hà khắc họ không lấy được nhau. Nhờ có Đảng, Bác Hồ lãnh đạo giành lại chính quyền, từ đó cuộc sống của người Mông được đổi thay, được làm chủ vận mệnh của mình... Đôi trai gái ngày ấy giờ đã thành ông, thành bà, họ gặp lại nhau trong ngày hội Tết Độc lập, họ mừng lắm, kể cho nhau nghe những đổi thay ở bản làng mình, khi chia tay họ hẹn năm nào cùng gặp nhau trong ngày hội Tết Độc lập và họ vẫn gặp nhau trong những hội tết các năm sau. Cho đến ngày hội năm ấy, bà vẫn đi hội để được gặp ông nơi đã từng hò hẹn. Hội đã tan song chẳng thấy ông đến. Cuối ngày hội một cô gái đến trao cho bà một chiếc vòng bạc và nói, trước khi nhắm mắt ông có dặn lại con cháu dịp ngày hội mang kỷ vật này tặng bà rồi đón bà về thăm gia đình ông…”. Tuy nhiên cho đến nay tục bắt vợ chủ yếu mang yếu tố tượng trưng, điều đó đánh dấu một bước tiến bộ trong nhận thức của người Mông, mang đầy tính nhân văn cao cả. Đồng bào Mông quan niệm Lễ hội Tết Độc lập là ngày sum họp, đoàn tụ, là ngày của tình yêu đôi lứa, đã tạo thành một nét đẹp văn hóa có một không hai của núi rừng Tây Bắc.
Giả thiết thứ ba cho rằng: Lễ hội Tết Độc lập ra đời từ những sự tích mà đồng bào người Mông vẫn truyền tai nhau:
Sự tích thứ nhất: “Lễ hội Tết được ra đời nguyên do từ cái thời khai hoang vùng đất mới, có một vị tộc trưởng người Mông không quản gian nan, vất vả lặn lội lên mảnh đất Mộc Châu để khai hoang kiếm kế sinh nhai, cứu sống đồng bào người Mông. Nhưng do nơi rừng thiêng nước độc vị tộc trưởng này đã vĩnh viễn nằm lại trên mảnh đất Mộc Châu. Do vậy, hàng năm cứ đến ngày mất của vị tộc trưởng, đồng bào Mông ở các bản làng tụ hội về Mộc Châu để tưởng nhớ ông ”.
Sự tích thứ hai: “Trước kia, có vị Vua Mèo sinh sống trên đất nước Lào, ông đã có tình yêu đẹp với một người phụ nữ Lào và kết duyên vợ chồng. Khi vua Mèo sang Mộc Châu (Việt Nam) khai hoang vùng đất mới giúp cho người Mông bớt đói khổ, do khoảng cách địa lý xa xôi cách trở lâu ngày, ông nên duyên một người phụ nữ khác.
Sau nhiều năm trôi qua, tình yêu và nỗi nhớ đối với người chồng ngày một lớn dần. Người vợ cũ của ông vua đó đã quyết định vượt đường xa vạm dặm tìm đến với người chồng ngày đêm mong nhớ của mình. Khi đến Mộc Châu, đồng bào Mông nơi đây đã mở hội ăn mừng để chào đón bà. Gặp lại người chồng và vợ hai cả ba đều bùi ngùi xúc động, họ cùng nhau chia sẻ ngọt bùi vui sống hạnh phúc đến cuối cuộc đời. Từ đó, người Mông lấy ngày đó trùng vào ngày 2/9 hàng năm làm cái ngày để đôi lứa hò hẹn, giao duyên trao nhau những thề ước và ước nguyện hạnh phúc trọn đời…”.
Mọi giả thiết, mọi câu chuyện, mọi sự tích đều mang những giá trị, ý nghĩa riêng, gắn chặt với tập tục, văn hóa truyền thống của đồng bào Mông ở Mộc Châu, hình thành nên một Lễ hội. Nhưng Lễ hội Tết Độc lập vẫn luôn mang một ý nghĩa to lớn đó là sự biết ơn của người Mông đối với Đảng và Bác Hồ đã đem đến cho đồng bào cuộc sống tự do, ấm no, hạnh phúc.
Lễ hội Tết Độc lập của người Mông ở huyện Mộc Châu
Như đã thành thông lệ cứ vào dịp mùng 2 tháng 9 hàng năm, tất cả người Mông không phân biệt già trẻ, gái trai, giàu hay nghèo từ các bản gần xa trong huyện Mộc Châu lại nô nức rủ nhau xuống thị trấn huyện Mộc Châu cùng chung vui Lễ hội Tết Độc lập. Lễ hội Tết Độc lập không đơn thuần là ngày lễ tưởng nhớ đến Bác Hồ, người đã mang lại ngày độc lập cho dân tộc mà chứa đựng sâu xa trong đó là cả một kho tàng văn hóa của người Mông.
Lễ hội còn là dịp để thỏa mãn nhu cầu thưởng thức và thể hiện thẩm mỹ, giao lưu văn hóa giữa các dân tộc. Từ những nét văn hóa đời thường nhất, họ có cơ hội được cùng nhau giao lưu, vui chơi, trai gái người Mông đến tuổi trưởng thành thông qua Lễ hội cũng là dịp hò hẹn lứa đôi, tìm hiểu để kết duyên bè bạn. Ngày hội bắt đầu khai mạc từ 29 tháng 8, kéo dài đến ngày mùng 5 tháng 9.
Sắp tới ngày hội, ai cũng chuẩn bị cho mình bộ trang phục đẹp nhất, rực rỡ nhất. Trai thì đầu cuốn khăn, cổ đeo vòng, vai vác khèn. Gái thi xúng xính áo váy, tay cầm đàn môi rung rinh nhạc ngựa xuống thị trấn thi tài dệt nên bức tranh nhiều màu. Khắp các ngả đường đổ về trung tâm huyện dòng người mỗi lúc một đông đúc, lan tỏa ra khắp các bản trong thị trấn. Đồng bào tổ chức ca hát, vui chơi và mang đến các sản phẩm đặc trưng bản sắc văn hoá dân tộc mình để trao đổi, mua, bán, rồi cùng thưởng thức các món ăn thực đặc trưng của dân tộc.
Các hoạt động của Lễ hội diễn ra từng ngày, nối tiếp nhau theo kế hoạch định sẵn và kéo dài trong cả tuần. Có những hoạt động được tổ chức trong toàn bộ tuần lễ, nhưng đáng mong đợi nhất vẫn là đêm hội 1/9. Thông thường, Lễ hội Tết Độc lập bao gồm các bước cơ bản sau:
Đêm 29/8, khai mạc Hội chợ thương mại với sự tham gia đông đảo các thương nhân, doanh nghiệp. Nhân dân huyện Mộc Châu cùng trưng bày nhiều gian hàng giới thiệu các sản phẩm đặc trưng tiềm năng thế mạnh của huyện để giới thiệu tới du khách.
Sáng 30/8, tại sân vận động khai mạc Đại hội Thể dục thể thao và các trò diễn với các nội dung như: Bắn nỏ, đẩy gậy, kéo co, tung còn, đánh tu lu, vật gậy, giã bánh giầy, ném pao, đánh yến... thể hiện những nét độc đáo, hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách, nhân dân tham gia. Ban đêm thanh thiếu niên dân tộc Mông đã đổ về vui chơi ở thị trấn Mộc Châu, thẳc thỏm chờ đợi những thời khắc tuyệt đẹp của tình yêu. Ờ trung tâm thị trấn, ngoài những cô gái Mông còn có những cô Thái, Mường duyên dáng đi chơi hội tạo thành bức tranh lễ hội muôn màu.
Ngày 31/8, tổ chức các hoạt động: Hội trại văn hóa, văn hóa cộng đồng, văn hóa ẩm thực; trưng bày triển lãm ảnh các thành tựu kinh tế, văn hóa, xã hội của huyện Mộc Châu và tổ chức Liên hoan bản, tiểu khu văn hóa tiêu biểu trong năm.
Ngày 1/9, tại sân vận động diễn ra các trò chơi dân gian: thi giã bánh giầy, thi nấu cơm, tung còn, “tỏ má lẹ”, đi cà kheo, vật gậy, đánh tu lu, ném pao, trò chơi rồng ấp trứng; tổ chức lễ hội Chè Mộc Châu. Đêm 1/9 là khoảnh khắc đặc biệt quan trọng nhất của Lễ hội Tết Độc lập được người Mông cũng như các dân tộc anh em khác háo hức chờ đợi. Đó là chương trình nghệ thuật tổng hợp ở sân vận động trung tâm của thị trấn. Một chương trình nghệ thuật hoành tráng giới thiệu truyền thống văn hóa các dân tộc, phát huy bản sắc văn hóa nghệ thuật đồng thời thể hiện tình đoàn kết chung lòng xây dựng quê hương Mộc Châu giàu đẹp.
Rạng sáng ngày 2/9, khi chương trình ca nhạc kết thúc, màn bắn pháo hoa chào mừng Lễ hội Tết Độc lập nổ ra như báo hiệu giờ khắc thiêng liêng đã đến, các nam thanh, nữ tú người Mông đổ về các trục đường chính ở thị trấn ngày một đông đúc hơn để tham gia phiên chợ tình thâu đêm suốt sáng. Chợ tình lúc này diễn ra ở tất cả mọi nơi thuộc trung tâm thị trấn. Rồi cứ thế hòa vào dòng người đua chen các đôi nam nữ tỏa ra khắp nơi để hò hẹn, trò chuyện tâm tình với nhau suốt đêm. Hàng trăm đôi trai gái tay cầm tay, vai kề vai họ trao nhau những lời tâm tình thì thầm to nhỏ suốt đêm, ngầm hẹn ước với nhau.
Cách mà người Mông tỏ tình diễn ra rất thú vị, đặc sắc. Sau khi đôi trai gái gặp gỡ nhau qua ánh mắt, cử chỉ. Người con trai tiếp cận con gái với cử chỉ rất tự nhiên như cầm tay, kéo tay, kéo vai và theo phản xạ người con gái giãn ra, lùi ra. Người con trai tiến tới nắm chặt tay người con gái, nếu người con gái ưng bụng thì không gỡ tay vùng chạy, nếu không đồng ý thì cương quyết không cho người con trai nắm lấy tay.
Ở chợ tình, nam nữ thanh niên tâm tình hò hẹn từ đêm khuya đến gần sáng. Có những đôi dắt nhau trên lưng ngựa ra về, cũng có những đôi thề non hẹn ước tới ngày hội năm sau gặp lại. Sáng sớm mùng 2/9 dường như tại trung tâm thị trấn không còn bóng dáng người Mông nào ở lại, họ ra về trong mềm vui, niềm hân hoan do Lễ hội mang lại, dư âm của Lễ hội vẫn còn đọng lại trong mỗi người.
Được bắt nguồn từ một hoạt động văn hóa nhỏ của đồng bào người Mông, qua thời gian, Lễ hội Tết Độc lập đã tạo một âm vang bay bổng, một sức sống mạnh mẽ, dấu ấn khó quên, đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng của đồng bào dân tộc Mông toàn quốc nói chung, tỉnh Sơn La và huyện Mộc Châu nói riêng.
Mỗi khi vào ngày Lễ hội Tết Độc lập, từ chỗ "không hẹn mà tới", Mộc Châu trở thành nơi tụ hội của đồng bào Mông trong tỉnh Sơn La và cũng là nơi tụ hội của các dân tộc vùng Tây Bắc. Đây là một nét bản sắc văn hoá độc đáo đã và đang được Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc Mộc Châu gìn giữ, phát huy góp phần “xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bàn sắc dân tộc". Cũng bởi vậy, Mộc Châu luôn là điểm đến cho những du khách thích khám phá tìm hiểu về cội nguồn văn hóa dân tộc Mông ở Việt Nam.
Thùy Anh
1 đã tặng
1
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...