Thứ sáu, ngày 20 tháng 09 năm 2024
13:26 (GMT +7)

Độc đáo cuộc sống của tộc người Turkana

VNTN - Tộc Turkana là một trong các tộc người du mục lớn nhất ở Kenya - châu Phi (nơi khô cằn nhất thế giới), sau người Maasai. Do sống bằng nghề chăn thả nay đây mai đó, nên nhà cửa của họ khá mộc mạc, dễ di dời và thường bằng que quẽ, lá cọ, da thú chập lại. Thế nhưng, chúng đều có thể chống được khí hậu vô cùng khắc nghiệt quanh bờ hồ Turkana, một nơi được xem là khắc nghiệt nhất trái đất. Tại đây, nhiệt độ ban ngày thường lên tới 45 độ C, còn địa hình thì nham nhở đầy đá núi lửa lồi lõm.

Dù trời nóng nực, song ai nấy đều ăn vận rất sặc sỡ, nổi bật với màu đỏ, vàng, lam hoặc tím, cũng thoa mình đỏ rực bằng các loại đất son, để dễ nhận trong đám đông hay khoảng cách xa. Nam giới Turkana còn dắt trên đầu những lông chim đà điểu và đeo ở tai, cổ, bắp tay, cổ tay, thắt lưng những cái vòng hạt cườm rất bắt mắt, cho họ là những chàng trai đỏm nhất sa mạc. Chưa hết, ở nhiều người xưa kia và hôm nay là các cụ ông, quanh, cánh tay còn có những vết xăm cho thấy sức mạnh và lòng dũng cảm khi chiến đấu với kẻ thù, và sau mỗi chiến tích họ lại khắc một dấu trên thân thể, khiến người xem phải trầm trồ thán phục. Rất dễ thấy những hình xăm này bởi nam giới thường cởi trần quanh năm và chỉ che kín bộ hạ bằng một chiếc váy.

Một gia đình Turkana

Nói chung, cả nam nữ Turkana đều mặc váy, là những tấm chăn len dày quấn quanh người. Nam quấn một chiếc quanh bụng, còn nữ quấn hai chiếc ở thân trên và thân dưới. Tuy nhiên, ngày nay nhiều người đã mặc áo cộc, thay cho những tấm vải, nhưng các trang sức vẫn giữ nguyên vì chúng là của cải gắn theo người và sau này là hồi môn của cha mẹ dành tặng con cái. Trang sức của nam nữ đều là những xâu vòng rất to và nặng quanh cổ, trung bình lên tới năm kilôgam, và sắp từng lớp hàng chục cái, khiến cái cổ dài ra hoặc cằm bị chìm trong vòng. Từ nhỏ, trai gái đã quen đeo, tết các loại hạt làm vòm cườm và tua rua trên trang phục. Từ vô số hạt cỏ, hạt đất, hạt thủy tinh, vỏ ốc, vỏ trứng đà điểu… họ tạo nên những trang sức vòng khuyên, dây cột cực kỳ ấn tượng. Tuy làm nghề chăn nuôi, song với họ, sự giàu có không phải ở việc nhà có bao nhiêu con bò, con dê, con cừu mà là có bao nhiêu vòng cổ, trang sức nên liên tục đầu tư công sức để làm hay mua vòng. Nhà nghèo hay nhà giàu chí ít cũng phải có một xâu vòng hoặc rời rạc hoặc kết đĩa, và rất hiếm khi tháo chúng ra khỏi người, trừ lúc ốm đau cần chuyển nhượng. Vì các vòng xuyến đóng vai trò rất quan trọng, biểu thị địa vị, quyền lực của gia đình nên chồng con luôn muốn vợ và mẹ đeo thật nhiều trang sức. Ngoài vòng cườm, phụ nữ có chồng còn đeo một cái vòng nhôm hay đồng quanh cổ, và là cây kiềng- sính lễ của nhà trai dẫn cưới. Nam nữ nhiều khi còn đeo vòng môi, tức là một cái ghim vào môi, có đầu nhọn cắm qua thịt. Hôm nay, các cụ bà vẫn đeo vòng này ở môi, còn cụ ông thì đội một búi tóc bằng đất đính lông đà điểu ý chỉ đã già. Song hành với địa vị, vòng xuyến cũng là vật mang tới vẻ đẹp lộng lẫy, kiêu sa nên ai muốn lấy vợ, lấy chồng nhất thiết phải đeo vòng. Ai không đeo sẽ không được chú ý dù dung mạo có mỹ miều tới đâu, cho thấy quan niệm về sắc đẹp của người Turkana rất khác lạ.

 

Thanh niên Turkana

Vì liên tục đi trong gió bụi khi chăn thả, lại thiếu nước do sông hồ và lượng mưa trên sa mạc khan hiếm, nên người Turkana rất ít tắm gội. Thay vì tắm, họ dùng một hỗn hợp bơ, mỡ, đất đỏ, nhựa cây, nước lá, nước hoa để bôi khắp người và lấy vỏ cây esekon chát đắng đánh răng. Do vậy, ai cũng có làn da như cháy nắng, màu son. Người đỏ, trang phục của họ cũng dính đất đỏ theo. Để giảm bớt độ nóng, vướng víu, cả hai giới cũng hay cạo trọc hoặc để tóc lưa thưa; trẻ em và phụ nữ thường tết tóc thành những lọn nhỏ giữa đỉnh đầu, còn nam giới thì để trống và khi cần đội tóc giả. Trên mái tóc này, họ thường đính cả chục cái lông chim bay phất phơ lôi cuốn, và gợi nhớ đến các vương miện của các tù trưởng bộ lạc ngày xưa thời đại hoàng kim. Sở dĩ như vậy vì họ vốn là các chiến binh, chuyên đi săn các động vật hoang dã, và hôm nay đã chuyển sang chăn nuôi gia súc, chủ yếu là bò, dê, cừu, lừa và lạc đà, để lấy thịt, da, sữa, lông,… Chuyện kể rằng, người Turkana đã từng sống ở một vùng rất xa xôi thuộc miền đông bắc Uganda, và khi họ đuổi theo một con bò mộng đã tới đây, rồi quyết định dừng chân, định cư với số dân hiện giờ lên tới 250 nghìn người. Không còn nghề săn bắn nên họ phụ thuộc hoàn toàn vào nghề chăn thả gia súc, trong khi vẫn thỉnh thoảng đi bẫy thú nhỏ, đi câu và tìm kiếm mật ong. Nam giới phải trông nom một đàn gia súc rất lớn, thường đi xa dài ngày nên ai nấy đều rất nghị lực và có cơ thể cường tráng. Ngoài cao to vạm vỡ, rất dễ nhận ra họ khi đi chăn bò với những vũ khí như của chiến binh, gồm: một cây giáo dài 2,4 mét, một cây khiên từ da bò, hà mã, hươu cao cổ, một cây dùi cui, một con dao găm…

Để duy trì truyền thống chiến binh anh dũng, đến tuổi dậy thì, nam nhi Turkana cũng phải vượt qua một nghi lễ cổ xưa nhằm công nhận đã trưởng thành. Đó là săn về một con thú bằng một lưỡi giáo chỉ trong một lần ném. Tức là phóng lao một lần trúng luôn, vì thế cú phóng phải cực mạnh và chính xác, đòi hỏi người phóng phải có thể lực và sự tập luyện khá lâu. Thế nhưng, trước khi săn được con vật, nhiều khi còn phải đuổi theo nó hàng giờ, nên dù mới 14,15 tuổi các, em đã có cặp giò dài thượt. Săn được cũng phải tự vác nó về, không cần trợ giúp để khẳng định mình đã đủ lớn, già dặn. Về nhà, con vật sẽ được làm tế phẩm và phân nó sẽ được bôi khắp người như một lời chúc mừng. Kể từ đây, cậu bé sẽ được đeo hai lông chim trên đầu thể hiện cho tuổi thành niên, bay nhảy, với mỗi lông chim có giá trị bằng nửa con dê, và cũng chính thức được cha chú giao cho trọng trách chăn bò, phụ giúp những việc nặng nhọc, tỷ mỉ như rèn rũa, khắc, chạm, làm đồ mộc, gồm cả việc khéo tay chế tác ra các loại vòng cổ, khuyên tai kim loại. Theo người Turkana, nam giới đều sẽ có hai độ tuổi là tuổi trẻ nimur (những viên đá), ý chỉ thanh thiếu niên còn non nớt và tuổi già nerisai (con báo) là thanh niên, trung niên già dặn. Một khi đã trưởng thành, người con trai phải thể hiện được trí anh hùng, không sợ hãi - đau đớn, trong đó có việc đi săn và chiến đấu. Xưa kia, nơi hoang dã, một người luôn phải đối mặt với cả chục con báo, sư tử, linh cẩu và trên chiến trường phải chống trả hàng trăm tên địch. Những người đàn ông đích thực là những người dám tả xung hữu đột, thậm chí tay không giết giặc. Và họ có tục xăm ở người những hình về kẻ thù, khi hạ được một đối thủ nam họ sẽ khắc một vết ở vai phải và hạ đối thủ nữ khắc một vết ở vai trái. Ngày nay, thanh niên không xăm gì, song thân thể cũng rất nhiều sẹo do phải vật lộn với đàn gia súc và thú dữ, thậm chí là kẻ bắt trộm mà ngoài dùng giáo, họ phải dùng đến súng đạn.

Đánh răng bằng que

Mỗi khi đi đâu, người Turkana mang đồ rất nhẹ nhàng, hoặc vác bên mình, hoặc dùng la chở, song không thể thiếu được những khúc gỗ để làm ghế ngồi hay gối ngủ trên nền cát sa mạc nóng bỏng. Vì ngồi trên ghế có thể giảm bớt vài độ. Họ cũng có thể mang cả ngôi nhà khi cần thiết do cái lều cũng gọn nhẹ chỉ bằng que quẽ nhỏ. Đồ đạc trong đó cũng khá ít ỏi. Còn thức ăn phần lớn đều là đồ khô, chế biến sẵn. Đại thể, lều của người Turkana có hình tròn như chiếc bát úp, và nằm san sát nhau để chống gió lốc. Mỗi gia đình thường có vài lều, mỗi căn ở được hai, ba người, và chia làm hai khu: cho ông chủ và cho bà chủ cùng các con. Ngoài ra còn có lều của bà chủ để làm việc ban ngày ekal và ban đêm akai. Mỗi căn lều đều có cửa quay về hướng đông để biết sáng tối mà dậy làm việc. Kế đó là khu nuôi nhốt gia súc, và thường gần những cái cây để buộc chúng. Giữa nhà luôn có một bếp lửa, và vì ít củi nên thường xuyên phải đun nấu bằng phân bò khô. Để có than đốt, người ta nuôi rất nhiều bò, dê, cừu - lạc đà, cũng nuôi chó nhằm canh giữ chúng. Tuy nhiên, khác với phân bò, phân chó lại được dùng làm thuốc trị nấm, côn trùng, rồi bôi trơn ở cổ tránh vòng gây chày xước. Từ sữa gia súc, họ chế được khá nhiều món ngon, trong đó có món sữa khô edodo làm từ sữa tươi đun chín sấy khô. Thỉnh thoảng, họ cũng thịt bò để ăn, lấy da làm chiếu, bạt che và xăng đan. Riêng lừa và lạc đà thường để dành chuyên chở, thồ hàng. Mọi nhà còn nuôi nhiều bò vì mục đích làm của hồi môn, sính lễ ngày cưới, do ở đây thách cưới rất cao, tới cả chục bò dê. Nhà nào có nhiều bò, nhà ấy càng dễ kén vợ, và đặc biệt nếu có thể lấy nhiều vợ. Không như các nơi khác, lễ kết hôn ở đây cũng kéo dài suốt ba năm, kể từ lúc cô dâu về nhà chồng đến khi có con, và chỉ hoàn tất khi đứa trẻ đầu lòng biết đi. Điều này có lẽ là để cho hai bên vui vẻ, hòa hợp với nhau, và nó rất đúng với khí chất độc lập, dũng cảm, linh hoạt của người Turkana. Có thể nói họ không sợ gì, chỉ sợ trời không mưa. Nên một niềm vui nữa, sau ngày cưới, sinh con là trời mưa thật lớn và cả làng cùng đổ ra đường nhảy múa, ca hát.

Theo Daily Mail và Theo Far And Wild Travel

Biên dịch THỦY TRƯỜNG

 

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy