Điều gì mới trong tác phẩm thứ tư về đề tài lịch sử của nhà văn Phan Thái?
(Về tiểu thuyết “Thái Nguyên Hiệu quân sứ”, NXB Lao động, 2023)
Đây là tiểu thuyết thứ tư nhà văn Phan Thái viết về lịch sử trên mảnh đất Thái Nguyên. Có một điều khác ba cuốn tiểu thuyết trước, đó là lần này tác phẩm tập trung khắc họa một vị quan trẻ tuổi trong lịch sử thời Lê, sau này lại trở thành Đại thi hào với kiệt tác nổi tiếng thế giới “Truyện Kiều”.
Nói đến “Truyện Kiều” hẳn ai cũng nhớ tên Nguyễn Du, nhưng nói đến Chánh thủ Hiệu quân sứ kiêm quyền Trấn thủ Thái Nguyên từ 1783 đến 1787 thì ít ai biết đến. Ngày nay nhiều người không thể ngờ mảnh đất Thái Nguyên lại có dấu ấn của Nguyễn Du trong thời gian đó. Khi biết Phan Thái đang ấp ủ và miệt mài tìm tư liệu về Nguyễn Du thời gian làm quan ở Thái Nguyên, tôi biết ngoài niềm say mê viết về lịch sử, Phan Thái còn một sự yêu mến riêng với một đại thi hào.
Tôi cho là viết cuốn tiểu thuyết này, nhà văn Phan Thái có những thuận lợi và khó khăn riêng. Thuận lợi là anh đã qua ba lần viết về tiểu thuyết lịch sử. Từ tìm hiểu lịch sử, cách kiếm tìm tư liệu đến hình thành ý tưởng... anh đã có đôi chút kinh nghiệm. Cái rào cản vô hình về khoảng cách thời gian, về sự mai một tính xác thực của tư liệu là bức tường khó vượt nhất khi người viết xác định viết về đề tài lịch sử, thì điều này Phan Thái đã được thử thách, đã vượt qua ở các tác phẩm trước và đã có đủ tự tin khi xác định lao vào đề tài này.
Khó khăn riêng của Phan Thái lần viết này, tôi nghĩ đó là cái bóng của đại thi hào Nguyễn Du. Nó vừa là sự gợi mở nhưng lại vừa là khó khăn cho việc khắc họa một vị quan trẻ mới được kế thừa chức vị. Dù là sau này mới trở thành đại thi hào, nhưng tính cách, tâm hồn thi sĩ ấy phải được nuôi dưỡng, dung nạp cả một quá trình. Vậy thì làm thế nào để tái hiện cái tố chất ấy trong con người đang là chức quan đầu tỉnh, lại ở một giai đoạn rối ren của triều đình nhà Lê?
Một khó khăn nữa là sự nắm bắt, tìm hiểu không gian cho tiểu thuyết này. Các tác phẩm trước như “Linh Sơn tử chiến”, “Bình minh máu” hay “Thanh gươm và cây tính tẩu” được thu hẹp ở một không gian nhất định. Một vùng mỏ hay một xã. Những nơi này, Phan Thái có thuận lợi ít nhiều đã sống trên mảnh đất ấy một thời gian. Những đặc điểm địa hình, những đặc điểm văn hóa đã nắm vững dễ hơn cho việc hình dung ra không gian của truyện. Giờ là cả một tỉnh và cả sự liên quan đến triều đình, đến các miền biên viễn. Không gian rộng ắt sẽ phải có nhiều mối liên quan trong truyện một cách thấu đáo, hợp lý. Đó là một khó khăn không nhỏ.
Khi đã đọc toàn bộ tác phẩm “Thái Nguyên hiệu quân sứ” tôi cảm nhận một điều: Phan Thái đã tập trung khắc họa nhân cách của Nguyễn Du trong từng chi tiết của những biến cố 5 năm ông đứng đầu một tỉnh. Muốn khắc họa được điều này, lại phải phác lên bức tranh hiện thực thời Lê, và đặc biệt là bức tranh của Thái Nguyên những năm đó.
Chúng ta đều biết dưới thời phong kiến thì địa vị kế thừa, cha truyền con nối. Gia đình Nguyễn Du cũng là dòng tộc làm quan. Cha ông đã làm tới chức Tể tướng nhà Lê. Nguyễn Du nhậm chức Chánh thủ Hiệu quân sứ Thái Nguyên kế thừa từ người cha nuôi Phiên thần họ Hà và kiêm Trấn thủ Thái Nguyên do người anh cả giao phó khi mới 17 tuổi. Một độ tuổi còn quá trẻ, chưa trải qua việc cai quản bao giờ.
Giai đoạn này trong triều Lê quá nhiều biến động, dòng tộc Nguyễn Du cũng sóng gió nổi chìm. Khi kiêu binh phế Trịnh Cán, lập Trịnh Tông lên ngôi Chúa, anh cả Nguyễn Du là Nguyễn Khản đã bị phe cánh giam giữ thời gian trước đó, giờ được phục hồi chức quan Thượng thư bộ lại trong triều. Nguyễn Du nhậm chức Trấn thủ Thái Nguyên một năm thì kiêu binh lại nổi dậy đưa Lê Duy Kỳ lên làm thái tử. Tư dinh Nguyễn Khản lại bị phá và ông phải lánh về nơi người em là Nguyễn Điều đang trấn thủ Sơn Tây đề phòng hậu họa.
Ngay người cha nuôi Phiên thần họ Hà trao quyền cho Nguyễn Du cũng vì không bằng lòng với thực trạng triều đình mà ông cáo bệnh từ quan về ở ẩn. Người anh Nguyễn Khản quá hiểu sự bấp bênh, bạc bẽo nơi triều đình với các chức quan khi có năm bè bảy mối rình rập hất cẳng nhau. Cho Nguyễn Du về trấn thủ một xứ xa kinh thành cũng là một cách bảo toàn sự trung hiếu với triều Lê, tránh được nanh vuốt của phe cánh chúa Trịnh.
Tuy vậy, xây dựng một hình ảnh Nguyễn Du trẻ tuổi đời, non kinh nghiệm triều chính trong bối cảnh ấy không hề dễ dàng. Duy tình, bao dung như cốt cách thi sĩ nhiều khi không giải quyết được những phức tạp công việc. Duy lý, lạnh lùng chỉ vì công việc lại không lô gích với nhân cách một thi nhân sau này. Ngay những dòng đầu của chương đầu tiên, ta thấy Phan Thái đã có những chi tiết để cho Nguyễn Du tiếp chỉ với một tâm trạng sửng sốt, bàng hoàng, lo lắng khi trọng trách được giao: “Như luồng tia sét xẹt qua người, Nguyễn Du sững sờ, giây lát sau mới luống cuống đón mảnh vải lụa hồng trên tay Nguyễn Khản”. Chi tiết này tôi cho là nó ngầm hé lộ một nhân cách Nguyễn Du. Kẻ hám quyền, ham hưởng bổng lộc có lẽ sẽ chỉ biết vui sướng nhậm chức. Đằng này Nguyễn Du lại bàng hoàng lo lắng. Nó phản ánh một tâm trạng bổn phận trước muôn dân, xã tắc. Luôn sợ mình không xứng đứng ở vị trí này.
Để giải quyết vấn đề này, Phan Thái đã để cho Nguyễn Du những chỗ dựa rất hợp lý. Đó là người anh cả Nguyễn Khản và cha nuôi Phiên thần họ Hà. Hai nhân vật này xuất hiện không nhiều trong truyện, nhưng lại có một sức nặng chi phối mọi hành động của Nguyễn Du trong suốt thời gian là Trấn thủ Thái Nguyên. Họ tượng trưng cho một lớp quan lại rất rõ ràng trong sự trung hiếu, cương trực, một lòng thờ vua và vì muôn dân. Họ cũng như một kho báu về kinh nghiệm cai quản, về tầm nhìn thời thế để Nguyễn Du tìm đến khi cần.
Được người cha nuôi và người anh cả đã từng trải qua các cuộc nội chiến Lê - Mạc, Trịnh - Nguyễn chọn vào kế vị mình không phải việc ngẫu nhiên. Điều này bắt đầu phác lên chặng đường mới của Nguyễn Du sắp bước vào với tâm thế gì, vì lợi ích của ai. Ta có thể thấy điều đó qua tâm huyết của người anh Nguyễn Khản: “Ta trở lại làm quan cũng vì muôn dân, xã tắc. Đệ hãy sống sao cho xứng đáng, đừng để xấu mặt ta”. Hay lời căn dặn của cha nuôi: “Hiệu quân sứ Thái Nguyên là con của bách tính. Bấy nhiêu năm chỉ huy hiệu trấn, ta không cho dựng bất kỳ thành lũy nào. Ta nghĩ tòa thành vững bền nhất là lòng dân”.
Rồi cách hành xử đã nói lên tư tưởng và nhân cách người cha nuôi rất đồng nhất, xuyên suốt các suy nghĩ và hành động của Nguyễn Du trong tập sách. Ông đã nhìn thế sự với một cái tâm rất cương quyết, nhưng lại rất nhân văn. Khi còn quyền trấn thủ, vì ông không muốn theo lệnh triều đình phải cầm quân đi dẹp những thủ lĩnh vì bị ức hiếp mà vùng lên nên ông cáo bệnh từ quan. Khi được Nguyễn Du hỏi ý kiến về việc chiêu dụ các tộc trưởng đòi tự trị chứ không dụng binh. Người cha nuôi mừng rỡ vì đã không giao nhầm chức đó cho con nuôi của mình: “Động binh tất máu sẽ đổ. Nợ máu… đó là mối thù truyền kiếp. Ta đã nhiều lần can gián… Ngươi không phụ lòng trông đợi của ta”.
Bên cạnh đó Nguyễn Du còn có được một số vị quan cũng rất giàu kinh nghiệm tận tâm phò tá mình. Đó là Tham hiệp Trần Quốc Phương, Cai Gia, Tổng quản cơ binh Lý Long Vân. Rồi các võ quan Lý Tài Mẩy, Nông Văn Peo. Họ như một khối thống nhất để dâng kế giúp Nguyễn Du ra tay trị những tên quan tham ô, vô lại, đè nén dân chúng như tri huyện Động Hỷ Trịnh Bá. Bọn cầm đầu các khu khai thác tài nguyên đến từ phương bắc Trương Cao Mạn. Hay những tên thảo khấu chuyên cướp bóc vùng Võ Nhai; tên cầm đầu tộc họ Vương ở Linh Thông muốn dấy binh nổi loạn. Trong số những vị quan trên, Tham hiệp Trần Quốc Phương và Cai Gia như hai cánh tay đắc lực của Nguyễn Du trong suốt thời gian làm Trấn thủ Thái Nguyên. Sẽ có những câu hỏi vì sao Nguyễn Du quá trẻ như thế lại được những người tâm huyết, tài ba phò tá. Chính điều này đã nói lên nhân cách và tài năng của Nguyễn Du. Người biết thu phục nhân tài phải có hai yếu tố này.
Trong 5 năm đứng đầu một tỉnh, trong tiểu thuyết này Phan Thái khắc họa hình ảnh một Chánh thủ Hiệu quân sứ kiêm Trấn thủ Thái Nguyên không có bày binh bố trận chống ngoại xâm mà là tập trung giải quyết vấn đề nội xâm. Nào là ra tay nghiêm trị quan lại tham ô, đè đầu cưỡi cổ dân như quan tri huyện Động Hỷ, rồi Mã Giang Chất Tổng quản quân lương kiêm quản bố chính binh sứ. Việc trị nạn tham ô, móc ngoặc của một quan tri huyện có phe cánh với triều đình không hề dễ dàng. Những chi tiết thu thập và luôn trọng chứng cứ, thận trọng trong từng hành động để kẻ phạm tội phải tâm phục, khẩu phục nói lên sự kiên quyết, nhưng vẫn rất nhân văn trong con người Nguyễn Du.
Có một chi tiết tôi cho là hợp với nhân cách Nguyễn Du trong tiểu thuyết này, đó là khi người anh thay mặt triều đình lên xử án một loạt kẻ tham nhũng, khi đến phần kết án Nguyễn Du lại cáo lui về nhà trùm chăn nằm. Hình ảnh này trái ngược với thái độ phẫn nộ của Nguyễn Du khi nghe tin về hành vi của kẻ tham nhũng dưới quyền. Câu bộc bạch với người anh đã nói lên tâm trạng đó: “Đệ thấy cũng tội cho chúng. Tên nào cũng có vợ con, anh em, họ mạc. Đệ không muốn thấy lúc tuyên án, người thân chúng chết ngất”.
Rồi khi lập lại trật tự với các trường mỏ đang lộng hành thì việc đầu tiên của Nguyễn Du làm là cho người gặp gỡ, trao đổi với kẻ cầm đầu. Vừa bảo đảm sự hữu hảo bang giao, vừa mang tính độ lượng, khoan dung với những người hợp tác. Biện pháp cuối cùng mới phải dùng pháp luật khi đã tìm đủ chứng cứ sự lộng hành, gian dối.
Qua tập truyện ta còn thấy nổi rõ sự chú trọng khi cầm quyền của Nguyễn Du đó là luôn lo cho đời sống binh lính, dân chúng. Nào tìm cách khuyến khích canh nông, lập ấp tự lập tự cường. Với bối cảnh non sông đang bị chia rẽ đàng trong, đàng ngoài đem quân chém giết nhau; quan lại lăm le bè cánh, không tận trung phò vua Lê và chăm lo dân chúng. Đây là một việc cực khó như người đứng trước mớ bòng bong. Ta bắt đầu thấy bóng dáng nhân cách một vị quan trẻ sau ít ngày nhậm chức đã cải trang thành dân buôn để tìm hiểu đời sống dân chúng. Rồi đi thị sát khắp vùng để có ý đồ mở thêm trang ấp cho đời sống binh lính, dân chúng không bị đói. Rồi tập trung khắc phục lũ lụt ở khu Đồng Mỗ, chỉ đạo các tri huyện giảm thuế cho dân.
Cũng qua tập truyện, ta thấy sự mục ruỗng của triều đình. Phe phái tranh giành nhau địa vị bỏ mặc các quan lại bên dưới, bỏ mặc dân chúng. Chỉ khi thấy lâm nguy mới sai khiến họ lao vào những cuộc chiến vô ích. Hai chương cuối Phan Thái đã vẽ lên bức tranh này. Đồng thời cũng cho thấy sự khôn khéo của Nguyễn Du cùng các quan lại phò tá đang khéo léo tránh đưa tính mạng của mình cũng như binh lính vào cuộc chiến nồi da nấu thịt.
Sẽ có thắc mắc, vậy bóng dáng của thi hào đã có gì trong tập sách này. Chưa có chi tiết nào nói lên điều đó. Chưa một lần thấy ông ngồi làm hay đọc một câu thơ nào. Chỉ thấy có chi tiết ông yêu quốc sử nên mời Hoàng Vũ làm việc này. Chỉ thấy ông có thái độ với những người viết sử vì lợi ích nhóm của triều đình. Và chỉ thấy ông bị mê hoặc về một bản sắc văn hóa là điệu hát then. Tôi cho điều này rất hợp lý vì thời gian này ông còn trẻ, vừa ra làm quan. Nhân cách của ông luôn đứng về dân chúng và những người vì dân chúng. Ông luôn mê đắm những tinh hoa, bản sắc văn hóa dân tộc. Nhân cách ấy, niềm mê đắm ấy sẽ là mảnh đất nảy mầm cho tác phẩm của ông sau này.
Tóm lại, điều mới trong tác phẩm lịch sử này của Phan Thái là tập trung viết về một nhân vật lịch sử. Đặc biệt hơn là dấu ấn của một đại thi hào trên đất Thái Nguyên. Sự dẫn dắt, sắp xếp những chi tiết suốt hai mươi mốt chương đã được Phan Thái thể hiện một cách dày dặn, hợp lý. Đọc xong truyện ta hiểu rõ ý tưởng mà Phan Thái đề ra cho tác phẩm. Đó là hình ảnh, nhân cách một vị quan thời trẻ và sự lô gích với một đại thi hào sau này. Xin chúc mừng nhà văn Phan Thái với sự thành công này!
Nếu được hỏi còn chút gì băn khoăn trong cảm nhận tác phẩm thì riêng tôi thấy chi tiết Nguyễn Du say mê với những điệu hát then, múa tắc xình tới bốn lần trong dân chúng với một hoàn cảnh gần giống nhau là hơi thái quá. Dù rằng đây cũng là sự lô gích nằm trong ý đồ tác giả. Dù rằng sau này ông trở thành đại thi hào, là danh nhân văn hóa. Tôi cho rằng sự lô gích về tố chất ấy nó nằm sâu trong cốt cách, tâm hồn ông trước các phận đời nhiều hơn.
Để cảm nhận đầy đủ về cái mới trong một tác phẩm mới, không có lời chúc mừng nào lớn hơn với nhà văn Phan Thái là hãy đón đọc tác phẩm vừa chào đời của anh - Thái Nguyên hiệu quân sứ.
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...