Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024
20:42 (GMT +7)

Đi tìm hương vị Tết

Cuối năm là thời điểm bộn bề hơn cả. Có lẽ với ai cũng thế! Vậy nhưng, dù có bận cỡ nào thì tôi cũng vẫn sẽ thưởng cho mình chuyến đi tới một nơi để tìm hương vị Tết.

Đi tìm hương vị Tết
Bưởi Tràng Xá vừa thơm, vừa ngọt được người tiêu dùng ưa chuộng

Lạc vào miền trái ngọt

Chắc số đông sẽ đồng ý với tôi rằng, nhiều khi chỉ cần “va” phải hương thơm của cây mùi già, gạo nếp, lá dong hay bưởi chín là đã đủ cho ta cảm nhận được “vị Tết”. Thế nên, thử tưởng tượng xem, nếu như được thong dong ở nơi bạt ngàn “vị Tết” ấy, thì sẽ còn nao nức đến chừng nào.

Vậy là tôi đi. Đi tìm vị Tết của mình. Tôi cho xe chạy vào Khe Mo, Văn Hán (Đồng Hỷ) nhằm hướng Võ Nhai. Những tia nắng buổi sớm nhẹ nhàng xuyên chênh chếch qua những đồi keo, bạch đàn tạo ra những ánh sáng ven đẹp đến mê hoặc.

Từ năm 2013, khi tuyến đường Tràng Xá - Đèo Nhâu dài 9 km, đi qua 2 xã Liên Minh, Tràng Xá của huyện Võ Nhai được nâng cấp, trải nhựa, tôi thường chọn lối này mỗi dịp đi công tác Võ Nhai. Xe tôi vừa vượt lên đỉnh Đèo Nhâu, hình như có gì đó khác lạ. Là gì nhỉ!?

Tôi chầm chậm trôi xuôi con dốc dài, không còn thấy tia nắng chênh chếch nào, thay vào đó là một màn sương mờ giăng kín. Tầm nhìn xa của tôi bị giảm xuống đột ngột. Rõ là bên tai nghe tiếng động cơ xe máy rất gần, tiếng còi xe vang lên càng lúc càng gần lắm mà tôi vẫn không thể nhìn thấy bất kể một phương tiện nào. Tôi chuyển đèn xe sang ánh sáng vàng, bấm còi cảnh báo lại. Trong màn sương như đặc quánh, lúc các phương tiện vừa kịp nhận ra nhau cũng là lúc lướt qua nhau.

Cỏ cây hai bên đường có lẽ được ướp sương từ đêm nên ướt mềm, những nhánh cây thân mềm khẽ rủ. Quá thích thú với sự thay đổi trạng thái của thiên nhiên chỉ bên này và bên kia con dốc, tôi cho xe tấp vào lề đường, dừng lại để chiêm ngưỡng kiểu thời tiết khiến tôi ngỡ như mình đang ở “xứ sở sương mù”. Bên trái đường, chỗ những thửa ruộng trũng, nước mấp mé ngọn những đám cỏ dại. Sương mù sà xuống thấp, gần đến mức chỉ cần với cánh tay là chạm được vào mặt nước mềm như nhung vậy.

Hình thái thời tiết đặc biệt đó chỉ xuất hiện ở một phạm vi rất hẹp, vì tôi mới rời đi một đoạn ngắn đã gặp lại ánh nắng như bên kia triền đèo. Loáng một cái, tôi đã đến Tràng Xá. Chẳng cần phải nhìn biển báo hay cột mốc trên đường, cứ thấy khi nào ánh mắt chạm phải những trái bưởi vàng ruộm, lúc lỉu trên cành thì đó là đất Tràng Xá.

Đi tìm hương vị Tết
Anh Hoàng Văn Trường, Chủ tịch Hội Nông dân xã (bên phải) thăm vườn bưởi của  hội viên Nguyễn Đạt Ánh, xóm Lò Gạch

Thời điểm này, Tráng Xá chỉ còn bưởi Diễn, bưởi Hoàng và bưởi Da xanh đã được thu hoạch từ thời điểm rằm tháng 8 đến độ đầu tháng 10. Bưởi Diễn cũng là loại khi chín cho hương thơm nhất so với 2 loại bưởi còn lại. Vì sự phù hợp của thổ nhưỡng và giá trị kinh tế nên bưởi Diễn được trồng ở hầu hết các xóm trên địa bàn xã. Sau hơn 30 năm bén rễ ở Tràng Xá, đến nay diện tích bưởi đã phát triển lên hơn 200 ha, trong đó bưởi Diễn chiếm tới 90% diện tích.

Đi trong những vườn bưởi chín vàng ở thời điểm đất trời chuẩn bị chuyển giao, được nghe câu chuyện về sự no ấm của người nông dân nhờ trồng bưởi, tôi chợt nghĩ, hình như ông trời đã nhìn thấu lòng người nên mới dồn hết tinh tuý vào trái bưởi mọng căng để bù đắp cho những lam lũ của người nông dân vậy.

Anh Hoàng Văn Trường, Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết: Mỗi cây bưởi trồng lâu năm sẽ cho trung bình từ 100 - 150 quả, đặc biệt có cây lên tới 200 quả mỗi vụ. Những cây mới hơn ít nhất cũng cho 50 - 70 quả/cây. Bưởi diễn sẽ ngon nhất từ thời điểm cuối tháng 11 trở đi. Bưởi trồng ở Tràng Xá được thương lái và người tiêu dùng đánh giá có chất lượng cao vượt trội. Nhiều năm trước, khi bưởi Diễn được giá, không hiếm các gia đình ở Tràng Xá thu về 500 - 600 triệu mỗi vụ.

Nói đến đây, giọng anh Trường khẽ chùng lại: Tuy nhiên, khoảng 2 - 3 năm nay giá bưởi có phần giảm, do các địa phương lân cận trồng nhiều. Thu nhập của người dân vì thế cũng giảm đi đôi chút. Nhưng ngay sau đó, giọng anh vui tươi trở lại. Trước tình hình đó, địa phương định hướng cho người dân không trồng thêm diện tích mới mà tập trung chuyển trọng tâm sang chăm sóc để nâng cao hơn nữa chất lượng quả bưởi. Nhờ vậy nên dù giá bưởi có “hạ nhiệt” hơn trước, song khâu tiêu thụ vẫn khá ổn. Bưởi vẫn là cây trồng chủ lực, là nguồn thu chủ yếu của nhiều gia đình.

Say sưa với câu chuyện, không biết chúng tôi đã đi dạo qua bao nhiêu vườn bưởi. Những cơn gió thoảng nhẹ mang theo hương bưởi chạy vào khứu giác rồi như lan xuống từng đường gân thớ thịt của tôi, khiến tôi hít lấy hít để như thể cố gom rồi cất đi, dùng dần được vậy.

“Cán bộ xuống thăm bà con đấy à?”. Tiếng nói khỏe khoắn của một người đàn ông làm tôi như bừng tỉnh. Anh Trường đáp lời, vườn của anh Ánh bán hết chưa? Vườn bưởi chúng tôi đang dừng chân là của vợ chồng anh Nguyễn Đạt Ánh, xóm Lò Gạch.

Tay thoăn thoắt cắt những trái bưởi vàng ruộm, tròn đều xếp vào rổ, anh Ánh vui vẻ cho biết, bưởi của gia đình anh đã bán hết, anh để lại một vài cây để nhà ăn thôi. Bưởi năm nay tuy không được giá như những năm trước nhưng vẫn dễ bán. Những gốc bưởi lâu năm được chăm sóc theo hướng hữu cơ, cho mã đẹp, mọng nước, múi bưởi vừa ngọt, vừa thơm vẫn bán được giá cao (20 nghìn đồng/quả). Mấy trăm gốc bưởi của gia đình anh Ánh nói riêng và của bà con trong xóm Lò Gạch nói chung cơ bản đều vẫn bán hết tại vườn chứ không cần mang ra chợ.

Cũng theo chia sẻ của anh Ánh thì dù giá bưởi có giảm 5 - 10 nghìn đồng/quả so với thời điểm 5 - 10 năm trước thì giá trị từ quả bưởi mang về vẫn khá tốt mà “trồng lúa không thể nào sánh được”. Niềm vui của anh Ánh hiện rõ trên nét mặt. Anh hồ hởi khoe: Bưởi năm nay nói đẹp từ trong ra ngoài quả là không ngoa. Quả to, tròn đều, cầm chắc tay, những quả bồm bộp gần như không có. Chỉ cần nhìn đã biết bưởi sẽ rất ngon.

Như để minh chứng lời mình nói, sau vài ba đường dao khía vỏ, những múi bưởi căng mọng đã lộ ra. Quả hái trực tiếp từ cây, chưa cần để cho “xuống nước” như kinh nghiệm dân gian, đưa vào miệng, chao ôi đã ngọt đậm, thơm dịu, tép ráo mà mọng xíu.

Anh Trường cho tôi biết thêm, cây bưởi Diễn cũng hay gặp phải sâu bệnh, vì thế muốn bưởi có chất lượng tốt thì khâu chăm sóc phải sát sao lắm. Nếu chỉ vì thấy giá thấp mà có tâm lý chán nản, bỏ mặc nó hậu quả sẽ thấy ngay. Như nhà anh Ánh đây, do chăm sóc cây đúng kỹ thuật, thường xuyên và liên tục nên dù hiện nay thị trường chung bưởi Diễn bán tại vườn chỉ có giá 10 - 15 nghìn đồng/quả, anh ấy vẫn bán được 20 nghìn đồng/quả. Và, những vườn bưởi bán được giá cao hơn giá thị trường ở Tràng Xá cũng không phải là ít.

“Có sức người sỏi đá cũng thành cơm”

Đi tìm hương vị Tết
Thanh Long đã và đang trở thành cây trồng mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân

Chợt nhớ ra, tôi hỏi anh Trường: Các xóm miền Đông Bo vài năm trước bà con mở rộng diện tích bưởi khá nhiều, điều đó có đáng lo không? Như cởi tấm lòng, anh Trường hân hoan: Đúng là cách đây dăm bảy năm, bà con trên đó có mở rộng diện tích nhưng khi được địa phương tuyên truyền, nên tập trung vào chăm sóc nâng cao chất lượng, không nên trồng mới ồ ạt bà con đã làm theo. Ngoài diện tích bưởi đã khá ổn định, mấy năm gần đây tận dụng lợi thế đất đồi rừng nhiều, người dân đang phát triển cây lâm nghiệp rất tốt. Ngoài keo, bà con đang trồng bạch đàn mang lại nguồn lợi không hề nhỏ. Nếu như keo trung bình từ 5 - 6 năm mới bắt đầu cho khai thác thì bạch đàn người dân chỉ mất 3 - 4 năm.

Rồi anh Trường nhẩm tính: Mỗi ha trồng bạch đàn được từ 1.500 cây đến 2.000 cây. Khi thu hoạch người dân thu về khoảng 200 triệu đồng. Đặc biệt, bạch đàn là giống tái sinh nên chỉ cần trồng một lần nhưng thu được 2 vụ. Tôi có chút băn khoăn: Nguồn lợi đã thấy rõ nhưng địa phương có lo ngại việc trồng bạch đàn khiến đất bị bạc màu về lâu dài không?

 - Tình trạng ấy sẽ được hạn chế bởi chúng tôi định hướng bà con có thể trồng bạch đàn và keo luân phiên nhau chứ không trồng mãi một loại cây trên cùng một diện tích. Cứ sau 2 vụ bạch đàn, người dân sẽ cải tạo đất và chuyển sang trồng keo.

Tôi gật gù rồi lại hỏi, người xưa thường điểm các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hoà” khi nhắc đến một thành công nào đó. So với các xã trên địa bàn huyện nói chung và các xã vùng Đông Nam của huyện nói riêng, sự phát triển của Tràng Xá có phần nổi bật. Vậy theo anh đó là nhờ yếu tố nào?

Anh Trường chậm rãi: Tôi nghĩ, Tràng Xá may mắn khi nằm ở vị trí trung tâm của cụm 5 xã phía Đông Nam của huyện. Nhờ vậy mà điều kiện tự nhiên có phần thuận lợi hơn so với một số xã vùng cao, vùng xa khác. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng mấu chốt cho sự phát triển của địa phương chính là nhờ người dân. Người nông dân của Tràng Xá không chỉ cần cù, chịu khó mà bà con còn rất sáng tạo, chịu khó học hỏi.

Để chứng minh lời mình nói, anh Trường dẫn tôi tới thăm xóm Hợp Nhất, một trong những xóm khó khăn nhất của xã, cũng là một trong 50 xóm đặc biệt khó khăn của tỉnh theo Quyết định số 433/QĐ-UBDT phê duyệt danh sách thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025. Hợp Nhất nằm ở xa trung tâm xã, địa hình không bằng phẳng, giao thông đi lại khó khăn, đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Thế nhưng những gì tôi được mắt thấy, tai nghe ở đây đã khiến tôi hiểu rõ hơn những gì anh Trường nói.

“Thâm sơn cùng cốc” là cách nhiều người gọi Hợp Nhất trước đây. Đường giao thông đi lại khó khăn, nước tưới tiêu không thuận lợi, tập quán canh tác lạc hậu, ngoài một vụ lúa thì các vạt ruộng hầu như để hoang hoá. Cuộc sống của phần đa người dân trong xóm đều thiếu trước, hụt sau. Giờ thì khác, đường vào trung tâm xóm đã được đổ bê tông sạch sẽ nhờ chương trình xây dựng Nông thôn mới. Những vạt ruộng hoang hóa trước đây đã mướt xanh màu của chè, thanh long, bưởi và nhiều cây ăn quả khác.

Câu chuyện bà con xóm Hợp Nhất kể cho nghe càng làm tôi có thiện cảm sâu sắc với mảnh đất này. Sau khi xóm cũ (Khuôn Ruộng) sáp nhập với xóm Tân Đào để tạo thành xóm Hợp Nhất thì xét về mọi khía cạnh Hợp Nhất đều rất khó. Nằm trong danh sách các xóm đặc biệt khó khăn, bà con trong xóm được thụ hưởng nhiều chính sách của Nhà nước nhưng người dân chỉ coi những sự hỗ trợ đó là động lực để tiến lên chứ không trông chờ vào đó mà ỷ lại. Hợp Nhất - tên xóm mới hình như cũng hàm chứa quyết tâm ấy! Năm 2018, khi có chủ trương sáp nhập 2 xóm Tân Đào và Khuôn Ruộng, xóm được cấp trên gợi ý lấy tên là xóm Hòa Bình. Nhưng khi họp xóm, bà con thống nhất và kiến nghị được lấy tên xóm là Hợp Nhất. Với ý nghĩa, dù có khó khăn nhưng khi hợp lại sẽ tạo thành sức mạnh thống nhất để vươn lên.

Đi tìm hương vị Tết
Những chuyến xe thu mua nông sản ở Tràng Xá với khối lượng lớn

Tinh thần của người dân được thể hiện rõ qua việc ngày càng nhiều các đồi cây ăn quả, các mô hình trồng trồng rau, quả trong nhà lưới được hình thành. Trong lĩnh vực này, một số người dân xóm Khuôn Ruộng cũ có kinh nghiệm hơn, đã đi tiên phong tìm tòi, trồng thử nghiệm và nhân rộng các mô hình. Hiệu quả kinh tế đã được khẳng định, những nông dân này không giữ kinh nghiệm ấy cho riêng mình mà sẵn sàng chia sẻ, khuyến khích và giúp đỡ những người cùng xóm khi họ có nhu cầu. Với tư duy rất đáng trân trọng của những người nông dân tiến bộ, khi diện tích cây ăn quả trên địa bàn xóm được mở rộng, kinh nghiệm hay được truyền cho nhiều người sẽ tạo ra vùng nguyên liệu chất lượng cao và dồi dào về số lượng. Khi ấy tự khắc có đơn vị bao tiêu tìm đến. Bên cạnh đó, khi kinh tế của nhiều gia đình đủ mạnh sẽ kéo theo điều kiện sống, không gian sống của mọi nhà đi lên. Vậy là ai cũng có lợi. Và, khoảng cách giữa xóm với các xóm ở khu vực trung tâm thậm chí là miền xuôi sẽ được kéo gần.

Ngoài bưởi là cây trồng chủ công từ trước, cả xóm hiện nay có đến hơn 1 vạn gốc thanh long. Có nhà trồng nhiều, thu trên dưới 2 tấn/lứa, như nhà anh Chu Thanh Hùng hay Trần Văn Nga. Chất đất mát lành hợp với giống cây nên quả cho mã đẹp lại ngon. Thương lái cứ đến mua kìn kìn. Ngoài ra, trong số 5ha chè của cả xóm, một số hộ đã chuyển đổi từ trồng chè ta sang chè cành. Giá chè khô trước đây chỉ khoảng 50 - 70 nghìn đồng/1kg thì nay đã tăng lên khoảng 150 - 200 nghìn/1kg tùy loại. Trước đây làm chè, người dân phụ thuộc hoàn toàn vào lượng nước mưa tự nhiên nên không ai làm được chè dịp cuối năm. Nay nhiều người đã đầu tư máy bơm nước, lắp đặt các vòi tưới tự động để chủ động trong việc chăm sóc và quyết định thời vụ cho diện tích chè của gia đình.

Đi tìm hương vị Tết
Nhiều nương chè đã lắp đặt hệ thống tưới tự động giúp người làm chè chủ động thời vụ

Trên đường rời Hợp Nhất, câu chuyện người dân thoát nghèo, làm giàu của chúng tôi vẫn tiếp tục nối dài. Anh Trường thông tin thêm: Bên cạnh các loại cây đã phát triển ổn định, Tràng Xá đang triển khai cho người dân trồng thí điểm những giống cây trồng mới có hiệu quả kinh tế cao như đỗ tương, măng lục trúc. Hiện nay, cây giống măng lục trúc đã được ươm, dự kiến ra Tết sẽ triển khai trồng trên diện tích 3 ha trước khi nhân rộng. Cùng với đó, xã tiếp tục mở rộng diện tích hơn 100 ha na đã có với các giống na ta và na Đài Loan. Đặc biệt tuyên truyền, hướng dẫn người dân chú trọng sản xuất sản phẩm nông nghiệp an toàn để gia tăng diện tích bưởi, bí đỏ và nhãn, chè được chứng nhận tiêu chuẩn VietGap…

Tôi lại mong đến một ngày không xa, được trở lại Hợp Nhất để tận mắt chứng kiến những thành quả của người dân nơi đây đang và sẽ thực hiện nay mai…

Kim Ngân

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy