Đi câu ếch mùa hè
Bút kí. Quang Khải
VNTN - Đấy là khoảng tầm tháng 7, những cơn mưa rào cuối cùng khiến ao, đầm, dềnh dềnh nước. Nước lên mang cả côn trùng sâu bọ, những sinh vật hàng ngày ẩn kín giờ cũng phải ngoi ra lềnh bềnh theo nước. Chúng chính là thức ăn khoái khẩu cho những loài lưỡng cư, trong đó có ếch.
Thấy anh kê chiếc ghế, rồi đứng lên đó để rút chiếc cần câu đại bằng trúc vàng óng giắt trên mái lá phía trái nhà xuống là tôi mừng húm. Tôi biết đã đến mùa câu ếch và lại sắp được cùng anh rong ruổi khắp những ao chuôm.
- Chiều đi câu ếch đi! Hôm trước em thấy mấy con nổi đầu đen sì ở ao nhà ông Tình ấy. Ném tới mấy phát, nó còn còn chẳng thèm lặn kia…
Thực ra tôi cứ nói phét thế để thúc anh đi câu sớm, tôi còn được bám càng chứ đã thấy con ếch nào đâu. Mà nghe đi câu ếch là tôi đổi giọng gạ gẫm ngọt lắm, còn thường ngày, dù kém anh 5 tuổi nhưng tôi vẫn dám xấc, xưng mày tao.
Đoán ra được phần nào ý nghĩ của thằng em láu cá, nhưng anh vẫn không thèm đáp lời, chỉ hì hụi lau chùi. Lát sau khi chiếc cần đã bóng như lên nước, anh mới cẩn thận dựng nó lẫn với đám cần câu cá, rồi nheo nheo mắt ngắm nghía như đang tính chuyện quan trọng lắm. Nhìn chiếc cần câu, trống ngực tôi đập liên hồi. Chiếc cần trúc thẳng tắp, đứng như một vị tướng quân. Phía vút cần cong tự nhiên đang vươn cao lên nền trời xanh mang theo cái ước mơ vĩ đại của tôi - một thằng bé gần 10 tuổi, có ngày sẽ được sở hữu một chiếc cần như thế.
Thực ra để có một cần câu ếch bằng các vật liệu khác thì không quá khó. Lũ trẻ trong xóm tăm tia vài tuần là cũng có thể kiếm được trong những rặng hóp đá quanh xóm những cây dáng thẳng đẹp để làm cần. Nhưng để có chiếc cần câu ếch bằng trúc thì quả là hiếm, bởi trúc thì không dễ kiếm.
Chẳng biết tự bao giờ loài trúc đã được chọn làm các loại cần câu. Trúc vừa nhẹ, đốt bé, lại thẳng, những gióng trúc có đường kẻ và rãnh khía như đường chạm khắc của thiên nhiên. Để có cần câu ếch, anh tôi phải trồng cả rặng trúc ở trên đồi. Rồi đợi đến mùa măng, thấy cây măng nào to nhất bằng cỡ cái chuôi dao là canh chừng. Đợi khi trúc vừa ra đủ các lá bánh tẻ bấy giờ mới nhẹ vít ngọn thấp xuống để tỉa bớt cành lá từ nửa thân tới đỉnh ngọn. Làm thế trúc sẽ ít cành lá phía trên nên không bị gió thổi làm cong và cứ như vậy mà lên thẳng tắp. Vài năm sau, khi trúc đã già đanh mới chặt, róc sạch cành, để khô rồi buộc thêm cước, chì, lưỡi câu, là đã có một chiếc cần câu ếch như ý.
- Em đi hái hoa mướp nhé!
- Không cần, chiều đi, lấy một thể - anh tôi đáp gọn lỏn.
Tôi cũng chỉ chờ câu xác nhận đó để khỏi bị hồi hộp. Ấy vậy mà ngày hôm đấy tôi vẫn cứ thấp thỏm không yên. Dù có đi chơi khăng, chơi đáo, hay bắt cua, cá thì cũng chỉ loanh quanh trong xóm, và cứ hóng sao cho nhanh đến đầu buổi chiều.
*
Nắng hè vàng mật xiên qua những đám cây, thỉnh thoảng nắng chạy như đuổi bắt nhau trên đường. Anh tôi hãnh diện vác chiếc cần câu ếch trên vai, tôi lũn cũn xách chiếc giỏ đi phía sau, túi áo đựng đầy hoa mướp… Cỏ may phía dưới đâm vào chân và găm đầy ống quần rằm rặm. Mặc. Chúng tôi vẫn mê mải teng chuồn chuồn. Những chú chuồn chuồn con được buộc vào đầu sợi cỏ, rồi quay quay nhử bắt chuồn chuồn to làm mồi câu.
Câu ếch, ngoài cần, cước và lưỡi câu cùng kinh nghiệm và độ khéo léo của người câu thì mồi câu cũng là vấn đề quan trọng. Mồi câu ếch có thể là nhái con, cào cào, châu chấu… nhưng loại mồi câu của anh em tôi ưa dùng là chuồn chuồn. Đây cũng là thứ mồi câu đặc biệt do chúng tôi tự “nghiên cứu” được. Nhìn những con chuồn chuồn trâu béo ngậy đang xập xè trước mắt thì dù là những chú ếch đang kễnh bụng no mồi, hay những ếch cụ tinh khôn cũng không thể cưỡng được. Và xoạp… chỉ một cú đớp là hàm ếch đã ngậm tới lưỡi. Khi đó thêm một cú giật nhẹ là 99% ếch dính câu.
Xóm tôi là xóm Cầu Tre, một xóm nhỏ nửa đồng bãi, nửa thành thị. Dù nằm trong thành phố nhưng xóm có cả con suối Làng Đanh loằn ngoằn như hình một con rắn bò. Suối chảy qua xóm, chạy dài hơn cây số song song với tuyến đường sắt Đồng Quang - Quán Triều. Xung quanh suối là những bụi tre, bụi hóp um tùm, gần phía thượng nguồn bắc ngang dòng là chiếc cầu tre bập bềnh xinh xinh dân tự làm để vượt suối. Cũng vì thế cả khu này có tên gọi là xóm Cầu Tre.
Trong xóm có rất nhiều ao chuôm, có thể là những chiếc ao tự nhiên, cũng có thể là ao do dân đào sau này từ những hố bom thời chiến tranh để tăng gia. Thường những ao này vẫn nguyên hình tròn lòng chảo. Thỉnh thoảng lũ trẻ trong xóm may mắn còn nhặt được những mảnh bom bằng gang còn vương vãi quanh miệng đổi đồng nát lấy kẹo kéo, kẹo vừng… Gọi là thành phố nhưng đa phần người trong xóm là nông dân, số còn lại một phần là công nhân và dân buôn bán lặt vặt ở chợ. Đặc biệt xóm có cả những gia đình cán bộ trí thức làm việc ở hai trường: Đại học Nông nghiệp III và Đại học Sư phạm Việt Bắc, nay là Đại học Nông Lâm và Đại học Sư phạm Thái Nguyên, sống xen kẽ. Tuy có nhiều thành phần xã hội nhưng thời bao cấp, kinh tế khó khăn, nên nhà nào có ruộng cũng đều trồng lúa, nhà đất hẹp thì cũng làm chuồng để nuôi lợn và khoảng ao nhỏ để nuôi cá tăng gia.
Ếch là một loại sinh vật tinh khôn và thích mát mẻ, chúng sống và trú ẩn nhiều ở những ao sâu và rậm rạp. Mọi người thường nghĩ ếch hay ăn cá con mới thả trong ao, nên việc đi câu ếch của những đứa trẻ trong xóm khá thuận lợi.
Hai anh em tôi đầu trần đội nắng, tóc vàng hoe, cứ đi như vậy, vừa nhử ếch, vừa teng chuồn chuồn ở những chiếc ao gần phía cánh đồng. Áng chừng đã đủ mồi câu chúng tôi mới tiến vào những ao nằm sâu trong xóm.
Xuỵt… Vừa đến đầu một bờ ao anh tôi ra hiệu, bắt tôi im lặng và đứng yên một chỗ. Còn anh nhẹ nhàng tiến lại phía bờ ao. Dù đã có mệnh lệnh của anh, nhưng tôi vẫn cố mon men thêm vài bước để được tận mắt nhìn. Nép ở bờ đất, anh tôi đảo mắt vài vòng quanh ao tìm kiếm và xác định vị trí. Thao tác này khá quan trọng, cần kinh nghiệm và đầu óc tính toán của người câu. Bởi nếu trong ao có nhiều ếch, người câu sẽ phải cân nhắc xem câu con nào trước con nào sau để bắt được nhiều ếch nhất. Nếu làm không khéo, ếch thấy bị động là cả đàn nhảy trốn mất ngay.
Lấy chuồn chuồn mắc vào lưỡi câu, anh tôi thả xuống cạnh một chú ếch gần nhất. Đang thu mình lim dim nhìn đàn cá phía trước, thấy mồi ngay bên cạnh. Chẳng nghi ngờ, bằng cú táp ngang, mồi câu đã nằm gọn trong miệng. Nhanh như cắt, một cú giật quyết đoán của anh tôi khiến ếch ta chỉ kịp treo mình trong không trung kêu ẹc…ẹc… vài tiếng rồi nằm gọn trong tay anh. Hai ngón trỏ của anh kẹp cứng chiếc eo, ếch ta chỉ còn biết ngoan ngoãn im lặng. Tôi mon men bò đến gần để anh đút chú ếch vào giỏ.
- Im. Giữa ao còn một con nữa - anh nghiêm giọng.
Mắc chiếc hoa mướp vào lưỡi câu, anh bung mồi ra phía có đám bèo cách chú ếch cỡ sải tay, rồi vừa kéo rê vừa nhấp nhấp nhẹ nhàng. Đến lần quăng mồi thứ hai thì chú ếch xoay đôi mắt thao láo rồi lặn ngay xuống để đuổi theo mồi. Xoạp... Lại một cú đớp bất ngờ khiến đám bèo nghiêng ngả. Tim tôi như đang nhảy loạn trong ngực. Cảm giác gai gai, vừa hồi hộp vừa sung sướng đang lan khắp cơ thể. Trời ơi, một ếch cụ đen thùi lụi nấp trong đám bèo đã chộp gọn chiếc hoa mướp và giơ 2 chân trước như hai bàn tay ngấu nghiến giằng lấy mồi từ sợi cước. Chú ếch phía ngoài đang bơi lại gần, thấy cảnh đó không dám tiến nữa, đành thèm thuồng nhìn từ xa. Anh tôi vẫn không giật mà chỉ kéo căng sợi cước vừa đủ để giằng chiếc hoa mướp gắn lưỡi câu ra khỏi mồm ếch cụ. Dù sốt ruột nhưng tôi cũng hiểu nếu giật câu lúc này thì khả năng bị trượt rất cao, bởi mồi hoa mướp ếch không ngậm sâu. Mà bông hoa cũng khá to nên lưỡi câu cũng khó đâm vào hàm ếch. Ếch bị giật hụt như chim sợ cung tên, lần sau nhát mồi rất khó bắt. Quả như dự đoán chỉ một lúc cụ ếch đã nhận ra vật mình đang ngậm không phải một chú bướm. Cụ quơ quơ bàn chân rồi nhả mồi.
Nhẹ nhàng móc chú chuồn chuồn bằng ngón tay út, anh tôi cẩn thận lựa thế tung một cú thả mồi tốt nhất.
Gâu… gâu… Hai con vện lực lưỡng xô ra từ vườn sắn, nhe nanh chực lao vào anh tôi. Thấy động cụ ếch lặn mất tăm, còn chú ếch nhỡ lao như bay trên đám bèo rồi phi thẳng xuống nước. Anh tôi đành thu cần và ném cái nhìn giận dữ về phía hai con vện. Hai chú chó vẫn đang nhe nanh sủa ông ổng như cố bù lu, bù loa báo hiệu chiến công, đã phát hiện kẻ gian đột nhập. Lúc này nếu không nhanh thì chủ nhà ra, chúng tôi sẽ ăn mắng vì tội leo rào vào ao. Ngày ấy các nhà không có tường rào thường chỉ dấp cành rong, nhà nào sang thì trồng được bờ rào cây găng hoặc cây ô rô để tránh trâu, bò vào phá vườn. Mỗi lần đi câu ếch chúng tôi ghét nhất là những cơn mưa rào và lũ chó coi nhà. Mưa, người vừa bị ướt mà ếch lại chẳng ra ăn mồi. Còn lũ chó thì to mồm và dai dẳng. Chúng lại còn thích dọa trẻ con. Có con, anh em tôi đã đi xa cả trăm mét mà vẫn cố đuổi theo cắn hóng.
*
Cứ lang thang như vậy cả buổi chiều, chúng tôi đi được cỡ gần hai chục cái ao trong xóm. Khát nước, chúng tôi nhai lá dứa, lá mua để cầm cự đợi đến một nhà trong xóm xin nước giếng uống, hoặc anh tôi lấy cần câu ngoắc quả roi dại hoặc ổi chín ven đường ăn. Nước giếng trong mát ngọt lịm, chúng tôi thi nhau tu ừng ực, bao giờ thấy bụng nặng và kêu òng ọc ở phía trong mới thôi. Buổi câu kết thúc khi trời đã sẩm tối, tuy không được nhiều, vì ếch mùa mưa còn no mồi nhưng bao giờ buổi câu đầu mùa cũng để lại nhiều ấn tượng nhất.
Mùa hè chúng tôi câu ếch ở ao. Bắt đầu chớm thu, khi lúa đã lên bông và chuẩn bị thu hoạch thì câu cả ếch ở ruộng. Đi câu từ quá trưa, đến sẩm tối lại ra đồng câu ếch ruộng. Ếch ở ruộng bé hơn ếch ao vì đa phần là ếch đầu vụ mới lớn. Câu ếch ruộng cũng dễ hơn ếch ao và không hồi hộp và thú vị bằng bởi không nhìn thấy cảnh ếch đuổi mồi. Khi câu chỉ thò cần, nhấp nhấp mồi ở gốc lúa. Ếch ăn mồi, thấy rung rung nằng nặng… là giật.
Từ tháng 7 cho đến tận cuối tháng 10 hầu như ngày nào anh em tôi cũng đi câu. Ngày ít cũng được dăm con, có bữa nhiều đầy cả giỏ. Nhiều hôm phải tước thêm sợi dây bằng cây vông để trói ếch. Trong các loại dây trói ếch thì dây cây vông là mềm, sợi dài và dai nhất. Chỉ có điều, nếu buộc ếch như vậy đi cả buổi ếch sẽ bị khô lớp nhớt ở da, yếu dần và dễ bị chết, mang về không thể thả hầm nuôi được. Sau những buổi câu, chúng tôi chọn những con yếu để mẹ làm thịt. Còn những con to khỏe lại đem thả xuống chiếc hầm đất tự đào sâu cả mét, rộng gần như chiếc giếng con, rồi bắt ốc, nhái thả xuống nuôi. Số ếch đó làm thức ăn dự trữ hết cả mùa đông. Có năm tới tận gần Tết vẫn còn thịt ếch.
Thịt ếch trắng hơn thịt gà nên còn gọi là “gà đồng”. Thời bao cấp thiếu thốn, thịt - cá là thứ xa xỉ thì ếch là loại thực phẩm quý giá sẵn có của mấy anh em chúng tôi. Mâm cơm với rau, dưa đạm bạc thỉnh thoảng lại có món thịt ếch om thơm ngon khiến bữa ăn thêm ấm cúng.
Ếch giờ bán ở chợ được nuôi bằng cám công nghiệp, dài dại mà chậm chạp. Anh em tôi cũng đã trưởng thành nhưng vẫn da diết nhớ tuổi thơ. Mỗi lần gặp nhau vẫn xuýt xoa thèm món đùi ếch rang mẻ, chả ếch cuốn lá lốt. Nhưng lạ chưa, vẫn là món ăn đấy, dù chế biến kiểu gì vẫn không thể nào tìm được cảm giác ngon lành như món ếch của mẹ nấu khi xưa. 30 năm qua rồi, giờ xóm tôi đã thành phố xá. Những đồng bãi, ao, hồ đã san phẳng quy hoạch thành khu đô thị. Mưa hè cả tháng may lắm mới nghe thấy tiếng ếch lạc lõng đâu đây, như vọng từ hư không...
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...