Thứ bảy, ngày 21 tháng 09 năm 2024
01:37 (GMT +7)

Đền Túc Duyên

VNTN - Ngự tại tổ 14 phường Gia Sàng, thành phố Thái Nguyên (trước đây nơi này có tên là làng Xuân Quang), đền Túc Duyên nhỏ bé nép dưới tán đa khổng lồ, gốc đa đồ sộ dăm người dang tay ôm không xuể. Trong đền không có nhiều pho tượng tráng lệ như ở nhiều ngôi đền khác trên địa bàn, nhưng toát lên vẻ tôn nghiêm, thanh tịnh.

Cây đa có tuổi đời hàng trăm năm

Trong cuốn “Miền bắc khai nguyên” của Toan Ánh (Nhà xuất bản Tiến Bộ, năm 1969), trang 272 và 275 có ghi: Trên đường Hà Nội đi Thái Nguyên, cách tỉnh lị hơn 2 cây số có làng Túc Duyên, huyện Đồng Hỷ, ở đó có đền thờ Túc Duyên. Đền rất cổ. Sân đền có một cây cổ thụ cao hơn 20 thước, đường kính khoảng một thước…

Chắp nối thông tin từ một số tài liệu, có thể cho rằng vào thời nhà Nguyễn (1802-1945), địa danh Gia Sàng thuộc xã Túc Duyên. Điều đó lý giải vì sao đền mang tên Túc Duyên nhưng ở trên đất Gia Sàng như hiện nay.

Ông Bùi Văn Khang sinh năm 1940, thủ nhang của đền Túc Duyên, người có cuộc đời gắn bó kỳ lạ với ngôi đền này. Ông kể: Gia đình tôi quê gốc ở xã Tân Thành, huyện Vụ Bản, tỉnh Thái Bình. Năm 1943, bố tôi đưa mẹ, 2 vợ, các con và 2 người em gái của bố lên Thái Nguyên làm ăn. Năm tôi 8 tuổi thì bố tôi mất, 2 năm sau (1950) mẹ tôi đưa tôi đến nơi này, ở nhờ đất Đền 3 năm để khai thổ làm nhà và ở cạnh Đền từ đó đến nay. Đền khi ấy diện tích chỉ khoảng 30m2. Trong đền có 1 pho tượng mẫu, một số bát hương thờ các cung, sở và hai bản sắc phong. Làng Xuân Quang lúc ấy còn có 1 ngôi đình và 1 ngôi chùa (nay không còn). Năm 1954 cải cách ruộng đất, đồ thờ của đền và của chùa như tượng Thích Ca, tượng Đức Ông… dồn về để ở đền Túc Duyên này. Năm 1965 tôi đi bộ đội, đền Túc Duyên vẫn còn nhưng không ai hương khói. Năm 1970, đền bị phá, chỉ còn đống gạch vụn. Người ta bỏ các đồ thờ xuống giếng. Cái giếng đền hiện nay chúng tôi đã đánh dấu, hy vọng nếu khai quật có thể tìm thấy một số đồ nào đó.

Theo trí nhớ của ông Khang, cây đa trước cửa đền hiện nay có tuổi đời hàng trăm năm. Trước đây trong khuôn viên đền còn có 1 cây si búp đỏ, 1 cây sanh, 4 cây sau sau, nay không còn nữa.

Trước nguyện vọng của nhân dân, ngày 13 - 5 - 1995, UBND tỉnh Bắc Thái ra văn bản cho phép khôi phục lại đền - Túc Duyên và ông Khang làm thủ nhang từ đấy.

Sau khi có đền, một số đồ thờ đã được những người giữ gìn mang trả. Đầu tiên phải kể đến bát hương bằng sành do cụ Khanh (nay đã mất) mang đến làm lễ xin trả lại sau 25 năm bảo quản tại điện thờ riêng. Tương tự, chiếc đỉnh đồng, chiếc lệnh và quả chuông cũng “quay” về Đền bằng nhiều cách, hiện được lưu giữ cẩn thận tại hậu cung.

Ông Bùi Văn Khang cho biết: Trước đây, Đền có 2 đạo sắc phong thần, thời Cảnh Trị và Khải Định, trong đó sắc phong do vua Khải Định ban ngày 25/7/1924 ghi rõ “Sắc cho tỉnh Thái Nguyên huyện Đồng Hỷ, xã Túc Duyên - theo trước mà thờ phụng vị thần Chiêu (Thiều) Dung phu nhân tôn thần được nguyên tặng là Trinh uyển Dực Bảo Trung Hưng tôn thần, người đã có công bảo vệ đất nước, che chở cho muôn dân, thờ cúng đều linh ứng”. Theo truyền thuyết, khi về làm vợ Dương Tự Minh (Thủ lĩnh phủ Phú Lương, người có công đánh thắng giặc Tống ở thế kỷ 12), công chúa Thiều Dung đã lập trang trại ở khu vực này, dạy nhân dân trồng trọt, chăn tằm, ươm tơ, dệt vải. Sau khi mất, bà được dân làng tôn xưng là Thánh Mẫu và dựng đền thờ. Khi Đền bị phá, một số đệ tử đã mang sắc phong trên về Đền Đuổm (xã Động Đạt, huyện Phú Lương - nơi thờ Dương Tự Minh) quản lý. Nay tại Đền Túc Duyên chỉ còn chiếc hộp gỗ sơn son hình chữ nhật đựng sắc phong mà thôi.

Vị trí giếng đền đã được đánh dấu.

Cách đền Túc Duyên vài trăm mét, cũng trên đất xóm Xuân Quang xưa, là Khu Di tích lịch sử quốc gia thanh niên xung phong, nơi 60 liệt sĩ thanh niên xung phong Đại đội 915, Đội TNXP 91 Bắc Thái hy sinh đêm Noel 24/12/1972 khi làm nhiệm vụ giải tỏa hàng chi viện cho chiến trường miền Nam. Trong trận rải thảm bom bằng máy bay B52 này, đế quốc Mỹ cũng đã hủy diệt 162 nóc nhà, sát hại gần 100 người dân vô tội của xóm Xuân Quang. Nhiều gia đình bị trúng bom chết cả nhà như gia đình ông Đỗ Văn Tùy (chết 8 người), Cao Văn Vượng (chết 6 người). Đau thương xé lòng, nhưng nhân dân xóm Xuân Quang (Gia Sàng) đã bất chấp hiểm nguy, cùng các lực lượng tìm kiếm, đào bới, khâm liệm các thanh niên xung phong hy sinh.

Đầu năm 2018, tỉnh Thái Nguyên đã quyết định tiến hành bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích. Dự kiến mặt bằng Khu di tích sẽ được điều chỉnh mở rộng, trong đó có đền Túc Duyên. Như vậy nơi này sẽ trở thành địa điểm tâm linh kết nối xưa và nay, mang ý nghĩa và tầm vóc lớn hơn, có giá trị lịch sử và giáo dục sâu sắc với nhân dân trong và ngoài tỉnh.

Minh Hằng

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy