Thứ tư, ngày 27 tháng 11 năm 2024
10:24 (GMT +7)

Đền thờ Hindu: thế giới của các vị thần

VNTN - Ấn Độ là một quốc gia đa tín ngưỡng có tới hai triệu vị thần. Dân gian thường suy nghĩ rằng, không nên sống ở những nơi mà thiếu vắng đền chùa và nhìn thấy một tòa tháp là thấy được mười triệu điều lành. Vì thế, tại đâu cũng xây dựng đền đài, đặc biệt người Hindu còn kiến tạo được số lượng đền thờ lớn nhất cả nước.

Tùy nơi, đền thờ Hindu được gọi là mandir, gudi, kovil, alayam hay devasthana, song tựu chung đây là một kiến trúc thuôn dần lên cao - hùng vĩ và nhìn từ trên xuống có khá nhiều ngọn tháp lô xô như các đỉnh núi. Ngoài sự đồ sộ thì một đặc điểm nổi trội của ngôi đền là có rất nhiều mảng phù điêu, trạm khắc trên bề mặt, tạo nên một vẻ đẹp rực rỡ, sống động.

Đền Meenakashi ở thành phố Madurai

Về cơ bản có ba loại đền thờ Hindu phổ biến ở nước này. Kiểu Nagara đã ra đời từ thế kỷ 5 tại miền Bắc có dạng tổ ong với các đường cong vươn lên, và trên cùng là một đĩa đá amalaka đựng một búp sen kalasa, cái này gọi là tháp hoặc đỉnh sikhara. Ngược lại, kiểu Dravida từ thế kỷ 7 ở miền Nam là kim tự tháp có bậc đi lên đỉnh vimana. Và kiểu Vesara ở miền Trung là sự lai ghép tổng hợp của hai dạng trên.

Người Hindu xem mỗi ngôi đền đều như một quả núi, trong đó tháp chính giữa và các tháp nhỏ bốn bên, tượng trưng cho Meru - ngọn núi cao nhất trong dãy Himalaya, nơi ngự trị của thần linh. Không chỉ vậy, nhiều ngôi đền thường được sơn trắng giống Tuyết Sơn và ngày xưa có hào nước, ngụ ý về một biển lớn dưới núi. Cái biển ấy chính là trần thế với những ham muốn, khổ đau, cần giải thoát, song cũng phì nhiêu lắm của cải. Mỗi công trình do vậy dù theo kiểu nào cũng tuân theo vũ trụ luận Hindu, đại thể là một kiến trúc cân xứng vastu-purusha-mandala, vừa có ý để ở, sinh hoạt vừa thờ tự và ngưỡng vọng thần linh. Căn cứ vào bốn phương, người ta lập nên một hình vuông, bên trong lại chia thành 64 hoặc 81 ô bằng nhau, gọi là các pada, mỗi pada gắn với một vị thần. Nói như vậy thì có 64 hoặc 81 vị thần ở đây. Trong đó hình vuông trung tâm được dành cho thần sáng tạo Phạm Thiên, cũng là nơi gìn giữ Đại ngã - những gì tốt đẹp nhất, hồn cốt của sự vật. Bên trong hình vuông là một hình tròn có ý nghĩa thâu tóm và dung chứa vũ trụ. Hình vuông thể hiện cho nền tảng tri thức và kinh nghiệm đã đạt được, còn hình tròn thì tượng trưng về những gì chưa biết, cần quan sát. Cả hai kết hợp, vươn cao và chụm lại ở đỉnh, tạo nên một búp sen hay một đinh ba hội tụ thành công.

Đền Brihadishwara

Nói chung, mỗi ngôi đền gồm có các phần sau: quan trọng nhất là thần đường garbha griha - một điện có hình vuông, nằm trung tâm và đặt tượng chủ thần là người được thờ chính của ngôi đền. Hình ảnh của tôn tượng sẽ làm nên cái tên của đền, chẳng hạn như đền thờ Visnu, Krisna, Shiva, Rama, Lakshmi, Durga… Cũng có khi nó không có tượng thần mà chỉ có một sinh thực khí - linga. Người ta tin rằng, mọi năng lượng, sức mạnh, phép màu mà vị thần ban cho dân chúng đều phát xuất từ đây. Vì thế, để giữ gìn nguồn năng lượng, thần đường thường chỉ có một cửa, còn ba phía bít kín, thiết lập các ô cửa giả. Trong điện cũng thấy rất ít trang trí để tín đồ tập trung suy nghĩ vào chủ thần, mà không sao lãng bởi yếu tố khác. Ngược lại, mandapa và hành lang quanh thần đường lại có nhiều tranh tượng thờ và giải trí. Đây là nơi hàng ngày mọi người vui chơi, chiêm bái, thực hiện các nghi lễ múa hát, cầu cúng... Mỗi ngôi đền đều có ít nhất một vài sảnh đường mandapa với những cột kèo điêu khắc hấp dẫn. Phần quan trọng thứ hai, làm nên diện mạo lôi cuốn từ xa là mái đền và hệ thống cửa cổng hướng về bốn phương. Đó là một kiến trúc thượng tầng mang rất nhiều mảng phù điêu hoành tráng, chứa đựng vô số thần linh mặc dù đền chủ yếu chỉ thờ một vị. Từ các điện, vươn lên các tòa tháp, nhọn dần, ở các trụ, hốc và gờ đua ra những tác phẩm trạm khắc tinh xảo. Tương ứng với bốn phương là bốn mảng trang trí khác nhau. Hướng đông, được xem là hướng lành gắn với sự sống, trong khi hướng tây là hướng dữ gắn với cái chết. Hướng nam có xu hướng trung tính và hướng bắc là thế giới tự nhiên. Các ngôi đền thường quay về hướng đông và ở đó có hình ảnh thần mặt trời Surya. Tại hướng đông và bắc cũng thấy hình ảnh các thiên thần, phúc thần khác cùng nhiều họa tiết tươi vui như voi, khỉ, chim công, rồng rắn naga và hoa lá. Ở hướng tây và nam lại thấy những loài ma quỷ, âm binh u buồn. Nói chung, trên các mặt tường và thành cổng sẽ có tượng của các vị thần các phương ashtadikpala có vai trò bảo vệ, ngoài ra ở lối vào đền Nagara sẽ có tượng nữ thần sông Hằng và sông Yamuna, ở cổng tháp gopuram của đền Dravida có hộ pháp Dwarapala, quỷ dạ xoa yaksha, cửu hành tinh navagraha, cảnh trai gái ôm ấp mithuna như một pháp đồ trấn địa.

Đền Murudeshwar

Càng lên cao và vào sâu càng thấy nhiều mô típ và câu chuyện từ kinh Veda, sử thi Mahabharata, Ramayana và thần thoại kỳ thú. Đặc biệt là hình ảnh của các đại thần, vua chúa và danh tướng. Đa số các vị thần thường được miêu tả có nhiều cánh tay, hoặc để tạo tác, phá hủy hoặc để chiến đấu với quỷ dữ. Mỗi cánh tay thể hiện cho một pháp lực, trên đó cầm pháp khí như ở thần Visnu là con ốc, Shiva là đinh ba… trong khi dưới chân là các bàn tọa như Durga ngồi trên con sư tử, Ganesh trên con chuột… Cùng thần thánh, cũng thấy quỷ quái, với đặc điểm nhiều đầu, nanh vuốt, biểu thị cho những ác tính đe dọa dân lành. Tuy dữ tợn song cuối cùng chúng luôn bị thần thánh trấn áp, hoặc bứt đầu hoặc dẫm đạp lên thể xác, để trả lại sự bình an cho thế giới.

Tựu chung, có ba nhóm hình ảnh hấp dẫn thường tái hiện trên tường là: Hình ảnh sinh hoạt dân dã khắc họa các nhu cầu của cuộc sống như yêu ghét, danh vọng, tiền tài, sự nghiệp và sự giải thoát (kama, artha, dharma và moksa); Hình ảnh kinh hãi miêu tả quỷ thần dữ tợn, được dùng như một biểu tượng của sự trừng phạt (raudra và ugra); Và hình ảnh thư thái là các tiên nữ nhảy múa, ca hát có tính khuyến thiện, ca ngợi cuộc sống (shanta và saumya). Ở các đền thờ Shiva, trong chính điện thường có sinh thực khí - linga và bò thần Nandi nằm đối diện mang lại sinh sôi, thanh bình.

Có thể nói mỗi đền thờ Hindu là tổng hòa của cả đại thiên và tiểu thiên thế giới, ở đó ta thấy những cái rất lớn cũng như cái bé nhỏ, cái thiêng lẫn cái phàm cùng nhiều sự tưởng tượng và thể hiện đa dạng. Có rất nhiều ngôi đền lừng danh là kỳ quan kiến trúc và văn hóa Ấn Độ. Một trong đó nổi bật là đền Meenakshi ở thành phố Madurai, bang Tamil Nadu. Đây là một đền thờ quan trọng nhất thờ nữ thần Meenakshi, hóa thân của Parvati, vợ thần Shiva. Đền được vua Kulasekarer Pandya xây dựng cách đây 2600 năm và có hình ảnh hôm nay từ thế kỷ 16 -18, cũng là thời hoàng kim của Madurai về văn học nghệ thuật, kiến trúc, tôn giáo… Công trình trải ra trên 45 mẫu gồm có 14 tòa tháp sừng sững, trong đó tháp phía nam cao 52 mét, là một tháp cao nhất cả nước. Mỗi tháp là một tòa nhà đa tầng hình kim tự tháp, bên trên gắn hàng nghìn pho tượng sặc sỡ. Bên trong là điện thờ nữ thần Meenakshi cùng chồng (Sundareswara) và con trai - thần voi Ganesha. Đỉnh của điện là các tháp vàng chói lòa. Tổng cộng có đến 33 nghìn tượng thần, chiến binh và nhân vật sử thi. Giữa quần thể đền còn có một hồ nước soi bóng các hàng cây và tháp cổ. Hồ nước này là một đầm sen - truyện kể do Shiva làm và có tuổi đời còn cao hơn ngôi đền. Du khách thường rửa tay ở đây trước khi vào điện. Hiện nay, theo danh sách về bảy kỳ quan thế giới mới của UNESCO, ngôi đền là ứng cử đứng hàng thứ 30 trong hàng trăm ứng cử di sản văn hóa nhân loại.

Đền Brihadishwara ở thành phố Thanjavur - Tamil Nadu cũng là một công trình đẹp không kém, và hơn thế còn là đền làm hoàn toàn bằng đá granite đầu tiên của thế giới. Được vua Rajaraja I triều Chola xây dựng vào thế kỷ 11 cao 66 mét, đây là ngôi đền cao nhất thế giới. Cũng thờ Shiva - một đại thần có quyền năng hơn cả trong vũ trụ, và nhờ sự lồng lộng của ngài mà ngôi đền không bao giờ bị đổ bóng vào trưa.

Tirupati Balaji lại là đền tráng lệ và giàu có thứ hai cả nước. Công trình nằm ở thị trấn vùng núi Tirumala của Andhra Pradesh, thờ thần Venkateshwara còn gọi Balaji, hóa thân của Visnu. Từ xưa, nó đã linh thiêng nên được các vị vua Nam Ấn tới thăm, cung tiến và mở ra các lễ hội đông vui, như lễ hội Brahmotsavam chín ngày nhằm dâng vàng bạc và bánh kẹo lên thần linh. Hàng năm, ngoài khoản tiền cúng to lớn, nơi này còn kiếm được sáu triệu đô la từ tóc của những người gọt tóc trong nghi lễ xuống tóc.

Ngoài ra, còn có nhiều ngôi đền nổi tiếng khác như đền Simhachalam ở Andra Pradesh, Visnudham - Bihar, Bhoramdeo - Chhattisgarh, Akshardham - Dehli, Jagat Mandir - Gujarat, Murdeshwar - Karnataka, Mặt trời Konark - Orissa, Rajagopalaswamy- Tamil Nadu…

Chu Mạnh Cường

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy