Đền thờ hai vị Vua Bà ở Phổ Yên
VNTN - Thuộc vùng đất gần dòng sông Quân Chu, giáp sườn núi Tam Đảo, đền Vua Bà thuộc xóm 4, xã Phúc Thuận (Phổ Yên) vừa nghiêm trang, thanh bình vừa phảng phất sự hoài cổ. Với tên “Đền Nhị vị Vua Bà”, đây là nơi thờ hai vị Công chúa Diên Bình và Thiều Dung, hai người vợ tài sắc toàn vẹn, thủy chung son sắt của Phò mã lang Dương Tự Minh. Ngôi đền linh thiêng này gửi gắm kỷ niệm sâu sắc về hai nàng công chúa miền xuôi lên miền rừng núi.
Từ trung tâm thị xã Phổ Yên rẽ theo tỉnh lộ 261 khoảng 13 km, qua xã Đắc Sơn, Minh Đức, phường Bắc Sơn là đến UBND xã Phúc Thuận, nơi có đền Vua Bà.
Đền Vua Bà tên thường gọi là đền Nhị vị Vua Bà, ngoài ra còn có tên gọi là Miếu Dổi vì ngày xưa di tích nằm dưới gốc cây dổi cổ thụ. Từ xa nhìn vào đền thực là nơi có phong cảnh phong quang thoáng đãng. Đền Vua Bà xưa là một công trình kiến trúc cổ kính, được xây dựng từ thời nhà Mạc (thế kỷ XVI) và tiếp tục được nhân dân đóng góp, tu sửa vào thời Nguyễn (thế kỷ XIX). Trải qua bao biến cố của lịch sử, ngôi đền Vua Bà xưa không còn, năm 2013, nhân dân phục dựng lại.
Lễ đón nhận bằng xếp hạng Di tích Lịch sử cấp tỉnh đền Vua Bà. Nguồn phoyen.thainguyen.gov.vn
Đền Vua Bà tọa lạc trên một địa thế bằng phẳng ở trung tâm xóm 4, xã Phúc Thuận, là nơi sinh hoạt của nhân dân các xóm: xóm 4, xóm Đức Phú và xóm Bãi Hu. Chính diện đền trông về hướng nam, bởi theo quan niệm truyền thống của người Việt, hướng nam là hướng mát mẻ, đem đến cho cuộc sống con người những điều tốt đẹp, hạnh phúc. Đây là cách chọn phong thủy tiêu biểu thường gặp trong kiến trúc đình, đền, chùa Việt Nam. Hiện tại, đền Vua Bà được thiết kế theo kiểu kiến trúc chữ Đinh, nhà tiền bái có ba gian, một gian hậu cung thông với nhà tiền bái là nơi thờ phụng. Đền Vua Bà có diện tích 77m2. Gian giữa đền dựng một ban thờ Thượng cung ba tầng, tầng trên cùng được đặt hai ngai bằng gỗ thờ Nhị vị Vua Bà là: Cung phi Linh Quang Hoàng Thái Hậu và Đương Giang Hiển Ứng Hoàng Thái Hậu. Phía trên có treo bức hoành phi: “Thần hộ lực” (Lực của thần trợ giáng cho dân). Bên tả, hữu dựng hai lọng, màu vàng rực rỡ tạo nên sự kính cẩn thâm nghiêm. Ban thờ được thiết kế theo kiểu khám thờ. Khám thờ có y môn cửa võng bằng vải thêu hình “lưỡng long chầu nguyệt”. Hai bên có câu đối: “Cầu thiên địa phong hòa vũ thuận. Kính thánh thần phúc hưởng ân lưu”(Cầu trời đất cho mưa thuận gió hòa. Khấn thánh thần được hưởng phúc ơn sâu). Hoành phi ngoài, phía trên hai câu đối là hàng chữ Hán: “Nhị Vương thần nữ” (Thờ hai vị Vua Bà).
Trong khu di tích đền Vua Bà còn các hạng mục công trình như: Đền thờ Nhị vị Vua Bà; sân đền được lát gạch đỏ, có đền thờ Mẫu, nhà tiếp khách, nhà bếp, ao, giếng, cổng vào. Ngoài việc sinh hoạt tín ngưỡng, đền còn là nơi sinh hoạt của cộng đồng, nơi hội họp của nhân dân địa phương.
Trong khu di tích, nhân dân lập đền thờ mẫu. Đền có diện tích 30m2, cũng nhìn về hướng Nam phía trước có sân, khuôn viên rộng rãi với những hàng cây xanh cổ thụ, tán lá sum suê mang lại những không gian thoáng mát. Đền có ba gian tiền đường và một gian hậu cung, xây một ban thờ chính giữa gian tiền đường thông với hậu cung. Ban thờ có 3 tầng, trên cùng thờ ba vị thần là Mẫu Thiên, Mẫu Địa và Mẫu Thoải, tầng dưới thờ Liễu Hạnh công chúa, hai bên là thờ chầu đệ nhất và chầu đệ nhị, dưới cùng là thờ ngũ hổ.
Theo bản Thần tích làng Thượng Vụ bằng chữ Hán Nôm do Đông các Đại học sĩ Nguyễn Bảo (Tiến sĩ thời Lê) soạn năm 1462 vào thời Lê được Lý trưởng xã Thượng Vụ, phủ Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên sao lại năm 1938 lưu tại địa phương cho biết: Đền thờ Nhị vị Vua Bà là Cung phi Linh Quang Hoàng Thái Hậu và Đương Giang Hiển Ứng Hoàng Thái Hậu. Đây là hai vị Công chúa nhà Lý (thế kỷ XII): Diên Bình và Thiều Dung, là vợ Phò mã lang Dương Tự Minh, đã có công âm phù giúp tướng nhà Trần là Trần Quang Khải đánh thắng giặc Nguyên khi ông về đóng quân tại trang Thượng Vụ. Sau đó, triều đình đã ban Sắc phong cho hai Bà và được nhân dân địa phương duy trì thờ cúng.
Theo sử sách thì Nhị vị Vua Bà có công rất lớn đối với triều đại nhà Lý và dân tộc ta trong việc củng cố khối đoàn kết dân tộc và bảo vệ thống nhất quốc gia. Vương triều Lý đã thi hành nhiều chính sách “Nhu viễn” (tức là mềm mỏng đối với phương xa) nhất là với các dân tộc thiểu số và đã thu được hiệu quả đáng kể; sau này dần trở thành định chế của các triều đại kế tiếp trong chính sách đối với các dân tộc thiểu số, nhất là tại các vùng biên cương xa xôi. Vào thời Lý Thái Tông, nhiều công chúa được gả làm vợ các tù trưởng miền núi, công chúa Diên Bình và Thiều Dung là một trong những trường hợp tiêu biểu của chính sách này.
Ngoài ra, trong cuốn Lịch sử Đảng bộ xã Phúc Thuận (1947 - 2014), do Đảng ủy xã Phúc Thuận chỉ đạo biên soạn, xuất bản năm 2015 cho biết: Năm 1947, Đảng bộ huyện Phổ Yên tổ chức lễ kết nạp 200 đảng viên mới; riêng xã Phúc Thuận có 13 đồng chí vinh dự được kết nạp Đảng. Ngày 19/8/1947, cuộc họp công bố quyết định của Huyện ủy Phổ Yên về việc thành lập Chi bộ xã Phúc Thuận được tổ chức tại Miếu Dổi xóm Đức Phú, nay là đền Vua Bà, xóm 4, xã Phúc Thuận, thị xã Phổ Yên do đồng chí Dương Văn Chế làm Bí thư chi bộ.
Đền thờ Nhị vị Vua Bà là Di tích có giá trị giáo dục tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tinh thần bất khuất của những vị anh hùng dân tộc; năm 2017 UBND tỉnh Thái Nguyên xếp hạng đền Vua Bà là Di tích Lịch sử cấp tỉnh. Ngoài ra đền Vua Bà cũng là nơi gắn với phong tục tốt đẹp của nhân dân, là nơi sinh hoạt văn hóa tinh thần, tổ chức lễ hội của nhân dân địa phương.
Hằng năm, cứ dịp đầu xuân, vào ngày mồng 5 tháng Giêng, Đền mở hội, nhân dân trong vùng đến dự rất đông. Lễ hội có nhiều hoạt động nhằm tôn vinh truyền thống văn hóa dân tộc, ôn lại lịch sử hào hùng của dân tộc, giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống yêu nước, đồng thời góp phần củng cố tinh thần đoàn kết cộng đồng. Trong tỉnh, đây là một trong những ngôi đền thờ vợ của danh nhân lịch sử Dương Tự Minh còn duy trì được việc thờ cúng và tổ chức lễ hội khá bài bản, cũng là nơi giữ gìn duy trì thuần phong mỹ tục tôn vinh các nhân vật có công với dân, với nước, là nơi để nhân dân thể hiện truyền thống tốt đẹp hướng về cội nguồn dân tộc.
Đối với nhân dân địa phương, đền Vua Bà là niềm tự hào về một công trình văn hóa ghi lại sự kiện lịch sử quan trọng và thờ người có công với dân với nước.
NGUYỄN ĐÌNH HƯNG
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...