Đang vắng dần những tác phẩm mang nỗi buồn nhân thế?
VNTN - Hồi còn trẻ tôi đã từng được đọc những bài thơ, những truyện ngắn, tiểu thuyết mà khi đọc xong thường lưu giữ trong tâm khảm một nỗi buồn, một nỗi buồn đeo bám mãi không nguôi. Đó là những tác phẩm có khi hết sức bình dị, không hề cầu kì. Thơ thì không có sự lên ngôi của thi ảnh, của từ ngữ, của các biện pháp tu từ… Truyện ngắn, tiểu thuyết cũng không có sự độc đáo của cốt truyện, gay cấn của tình huống, biến hóa của nhân vật, thậm chí là chặt chẽ của cấu trúc (là những yếu tố thường được các nhà phê bình ngày hôm nay vận dụng để định ra giá trị của tác phẩm). Nỗi buồn ấy có thể ví như một chút hương lan tỏa, là một thứ tưởng như bên ngoài văn bản. Những tác phẩm ấy rất không nên và rất khó đem ống kính khoa học để soi chiếu rành rẽ; khó dùng lí trí, lí luận để phân tích, bình bàn. Và nếu bình bàn chệch thì còn hại cho tác phẩm, hại cho sự thưởng thức. Nhưng hiện nay, văn đàn có vẻ đang vắng dần những tác phẩm kiểu như vậy.
Viết những dòng này không phải tôi có ý cho rằng văn chương đang suy yếu. Công bằng mà nói, những thập kỉ này, các nhà văn, nhà thơ đã và đang được trang bị nhiều kiến thức về văn chương, lại được sống trong một hiện thực muôn hình muôn vẻ, sự hiểu biết về con người cũng đang ở một cấp độ cao. Văn chương thế giới cũng như Việt Nam đã có không ít thành tựu. Nhiều tác phẩm lớn xuất hiện. Tuy nhiên, riêng tôi (và có lẽ không quá ít độc giả cũng mang tâm trạng giống tôi) vẫn luôn đón chờ và ao ước được đọc những tác phẩm tuy không quá cao siêu về phương pháp nghệ thuật, không quá li kì, phức tạp…nhưng đã “điểm huyệt” (tạm diễn tả bằng một ngữ như vậy) trúng vào tâm hồn con người.
Các nhà văn, nhà lí luận, khi đọc các tác phẩm có giá trị thường có sự ghi nhận về sự lớn lao, mới mẻ trong bút pháp, trong tư tưởng, nhưng với đông đảo người đọc bình thường thì cái đập vào trái tim họ thường là những thân phận, đặc biệt là những thân phận không may mắn, đầy khổ hạnh. Nhớ đến các nhân vật, các cảnh đời trong tác phẩm, người đọc thường nhớ về những nỗi buồn, nỗi buồn mang màu sắc thẩm mĩ mà các nhà văn đem đến cho tâm hồn họ. Những nỗi buồn mĩ cảm ấy được độc giả xuyên thấm, chiêm nghiệm sẽ trở thành những liều thuốc tinh thần giúp họ có thể vượt qua cuộc đời xưa nay vốn được mệnh danh là “bể khổ”. Thiết nghĩ, người đọc cần điều ấy, hay nói một cách khác, trước hết cần những điều đó hơn mọi thứ.
Các phương pháp sáng tác dù cao vời đến mấy thì vẫn chỉ là phương tiện. Dù là phi lí, siêu thực, dòng ý thức, tân hình thức, hiện thực huyền ảo… nhưng nếu để tác phẩm mất đi những gì thuộc về tâm hồn con người thì văn học sẽ lâm nguy (từ dùng của Tzvetan Todoro - người Pháp gốc Bunlgarie). Cái nhạy cảm nhất đối với cuộc đời của con người chính là nỗi buồn. Đánh mất nỗi buồn trong văn chương là đánh mất cái hạt nhân của văn chương. “Bi kịch vĩ đại hơn hài kịch” đó là quan niệm của nghệ thuật Hi Lạp. Còn các nhà tư tưởng nghệ thuật Đức thì cho rằng “Khóc không bao giờ nhạt, nhưng cười chưa nhiều đã nhạt rồi”. Ở châu Á, nhà văn Nhật Bản Jakonova cũng từng nói: “Trong mỹ học truyền thống Nhật Bản, nỗi buồn, nỗi u sầu, nỗi cô đơn không tách khỏi khái niệm vẻ đẹp, bởi vì vẻ đẹp sẽ không đầy đủ nếu thiếu nỗi buồn”. Các nhà lí luận Việt Nam cũng luôn song trùng với những quan niệm này. Trong một tiểu luận, GS Trần Đình Sử viết: “Thơ ca, văn học nhân loại xưa nay có nhiều thứ, nhưng chỉ những ai động đến nỗi đau con người thì văn chương mới hay”.
Với tôi, cũng luôn tin rằng nỗi buồn sẽ làm cho tâm hồn con người trở nên thanh sạch hơn, chứ không phải là niềm vui. Những đao phủ mà trái tim ít nhiều thấm đẫm nỗi buồn của văn chương chắc hẳn mỗi khi xuống đao cũng sẽ thấy lòng nhói đau.
Đọc tác phẩm văn học, trừ những nhà nghiên cứu, nhà phê bình, nhà giáo là những người mà trong công việc chuyên môn luôn cần phải nhớ và hiểu tỉ mỉ các tác phẩm, còn lại những người đọc bình dân đại chúng chỉ có thể lưu giữ lại những gì làm cho họ xúc động, ám ảnh mà thôi. Đọc “Những người khốn khổ” của Victor Huygo, cho dù trong đó có nhiều sự kiện vĩ đại, nhiều tình tiết lớn lao được nhà văn nêu ra trong tác phẩm nhưng hỏi mấy ai nhớ một cách đầy đủ và tỉ mỉ những tình tiết như về cống ngầm Pari chẳng hạn. Nhưng tin rằng những nỗi buồn trở thành bi kịch của một Phăng - tin, nỗi bất hạnh của một Cô- dét, những nỗi đau cao thượng và cô đơn của một Giăng van- giăng thì rất ít người quên. Bởi thông qua đấy, người ta cảm nhận thấy cả nỗi đau của chính mình. Truyện ngắn “Cố hương” của Lỗ Tấn cũng vậy. Hồi đi học, tôi được thày giáo dạy văn giảng giải, phân tích rất nhiều điều nhưng đến tận hôm nay, nhắc đến “Cố hương” tâm trạng của tôi chỉ thấy lan tỏa một nỗi buồn da diết thông qua hình tượng nhân vật Nhuận Thổ, thông qua hình ảnh một xứ sở mờ xa, một miền quê xơ xác, tiêu điều của Trung Hoa thời đó; về hình ảnh những người nông dân bị bần cùng hóa, ngu muội hóa thật đáng thương. Đó cũng là nỗi buồn chung của nhân loại. Những kiểu tác phẩm như thế, người đọc có thể quên đi nhiều thứ, nhưng nỗi buồn man mác như hương nhẹ thoảng bay trong tác phẩm của các nhà văn danh tiếng này thì luôn đọng lại trong tâm khảm.
Trong văn học dân gian và Trung đại, chúng ta đã từng có những câu thơ khó quên về nỗi buồn như vậy. “Trăm năm dù lỗi hẹn hò/ Cây đa bến cũ con đò khác đưa” (ca dao); “Buồn trông cửa bể chiều hôm/Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa/Buồn trông ngọn nước mới sa/Hoa trôi man mác biết là về đâu” (Truyện Kiều - Nguyễn Du). Chỉ là một câu thơ, vài câu thơ rất ngắn, không diễn giải, không triết lí dài dòng nhưng dường như đã gói trọn cả ngàn nỗi chia li đầy nước mắt, tạo nên nỗi buồn khó mờ phai trong tâm hồn người đọc.
Các nhà văn hiện đại của nước ta như Thạch Lam, Nam Cao, Khái Hưng, Nhất Linh hay các nhà văn trên thế giới như Mau Passant, Alphonse Daudet, Paustovsky, Aitmatov… cũng đã từng làm nên những tác phẩm kì diệu như vậy.
Mỗi nỗi buồn thường mang một hình hài. Nhưng trong văn chương còn có cả những nỗi buồn không hình hài và không cần tới hình hài. Những nỗi buồn vô ngôn, vô thanh, vô hình vô ảnh mà vẫn làm người đọc nức nở khó nguôi ngoai.
* * *
Ngày hôm nay, vì sao những tác phẩm mang nỗi buồn đang có chiều hướng vơi cạn dần? Trả lời được câu hỏi này hoàn toàn không dễ dàng. Tôi còn nhớ, vài thập kỉ trước, có lúc từng có một vài nhà lí luận quan phương và đôi ba nhà quản lí văn nghệ ấu trĩ bảo thủ đã quá vội vàng khi cho rằng Xã hội chủ nghĩa không có bi kịch. Tôi đã từng được chứng kiến truyện ngắn “Chuyện xảy ra trong mùa cá vật” của nhà văn Vi Hồng khi ông mô tả nhân vật chính tự tử và đã bị một nhà quản lí văn hóa văn nghệ của tỉnh (một cán bộ lãnh đạo vốn chỉ học xong cấp 2) phê phán kịch liệt như thế nào. Đứng trên bình diện mĩ học, bi kịch là một giá trị thẩm mĩ, nếu chưa muốn nói nó là một giá trị trường tồn và bất biến. Tuy nhiên, cũng không nên khơi sâu vào nguyên nhân có tính thời đoạn ấy. Sự thiếu vắng những tác phẩm viết về nỗi buồn có một nguyên nhân căn cốt hơn. Với sự ngẫm nghĩ của riêng tôi thì có lẽ phần nào đó chính là hiện thực cuộc sống xô bồ, vội vã, thực dụng… đã phần nào làm cho các tác phẩm như vậy khó còn đất nẩy mầm. Chúng ta, trong đó có các nhà văn đang sống và làm việc trong một xã hội có sự thăng tiến không ngừng về kinh tế cùng sự nhảy vọt của khoa học kĩ thuật. Sự lên ngôi của kinh tế thị trường, sự đầy đủ về vật chất cùng sự phát triển rầm rộ của văn minh nút bấm, nhanh nhạy của truyền hình, đề cao tốc độ sống… ngần ấy thứ, chừng như không còn chỗ cho sự cô đơn, cho những nỗi buồn chăng? Trên thực tế, có không ít các nhà văn đang quan tâm đến điện tử, những siêu nhân, phi cơ, viễn tưởng, tên lửa vũ trụ, những chương trình, sự kiện to lớn, nhộn nhịp mang tầm quốc gia, quốc tế… Vì vậy mà trong tâm hồn họ khó còn một khoảng trống để cô đơn, để buồn chăng? Có thể, nếu có tài năng thật sự họ sẽ đạt được những tác phẩm vạm vỡ cả về nội dung lẫn nghệ thuật, tác phẩm của họ có thể mang tính hiện đại… nhưng để làm nên những tác phẩm mang dấu ấn của nỗi buồn thì quả là không chỉ cần có vậy. Nói thế, không phải là sự cổ xúy quá đà và quan niệm chỉ những tác phẩm mang nỗi buồn mới là những tác phẩm lớn. Hoàn toàn không phải vậy.
Nhưng nhà văn luôn cần sự cô đơn. Hàn Mặc Tử trong bóng tối nghiệt ngã của bệnh tật, của cô đơn, của khát vọng, của định mệnh mới sinh ra thơ siêu thực, siêu thực về nỗi buồn. Thạch Lam cũng vậy. Ông phải đắm chìm, mặc tưởng trong cái tịch mịch của thiên nhiên hiu quạnh, phải đớn đau cùng những cảnh đời mới có thể viết ra những truyện ngắn như “Hai đứa trẻ”, “Gió lạnh đầu mùa”… để buồn lây sang bao thế hệ. Thiết nghĩ, không có sự cô đơn thi sĩ thì khó có thể sinh ra những tác phẩm mang nỗi buồn đau nhân thế.
Hẳn sẽ có ai đó sẽ nói rằng, cuộc sống đang mỗi lúc một trào dâng những niềm vui cùng sự đi lên của bao tiện nghi đời sống thì ắt nỗi buồn, nỗi bất hạnh sẽ phải nhường chỗ cho những nụ cười. Về điều này, có lẽ cần vận đến câu nói rất nổi tiếng của nhà văn Đumbatzê, nhà văn Nga Xô viết đoạt Giải thưởng Lê-nin năm 1980: “Phần hồn nặng gấp ngàn lần phần xác”. Đúng vậy. Dù xã hội có phát triển đến “thế giới đại đồng” đi nữa thì những nỗi đau thuộc phần hồn sẽ không bao giờ vơi cạn.
Nhân loại sẽ vĩnh viễn cần đến những tác phẩm nói về nỗi buồn nhân thế.
Hồ Thủy Giang
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...