Đại tá Hoàng Long Xuyên – bách niên lão thực
VNTN - Sống thọ 100 tuổi là niềm mơ ước của bao người. Sống thọ ngoài 100 tuổi mà vẫn khỏe mạnh, minh mẫn như Đại tá Hoàng Long Xuyên lại càng là mong ước.
Người lính Cụ Hồ sống qua 2 thế kỷ, trải qua 4 cuộc kháng chiến vệ quốc và giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước: chống Pháp, chống Nhật, chống Mỹ, chống Trung Quốc bảo vệ biên giới phía Bắc (1979). Ông cầm quân chỉ huy nhiều trận đánh mà ít người biết cho tường tận. Tính ông kín đáo, kiệm lời. Gặp ông, tôi không thể ngờ được khi đã 103 tuổi, ông vẫn rành rọt nhắc lại những ký ức đã trên 80 năm.
Tôi đến nhà đường đột, không hẹn trước. Sau 4 năm mới có dịp quay lại hỏi chuyện ông. Tôi bất ngờ khi ông thủng thẳng từ trong nhà ra cổng đón. Hai tay đút túi áo, lưng vẫn thẳng, mắt vẫn tinh, giọng vẫn sang sảng. Trước mắt tôi, vẫn hiện hữu bằng xương bằng thịt vị Tư lệnh phó cánh quân phía Tây của Mặt trận Thập Vạn Đại Sơn - Quân đội Nhân dân Việt Nam tham gia giúp Trung Quốc đánh quân Tưởng Giới Thạch, góp phần thành lập nước CHND Trung Hoa (1/10/1949).
TƯ LỆNH PHÓ CÁNH QUÂN PHÍA TÂY MẶT TRẬN THẬP VẠN ĐẠI SƠN
Thập Vạn Đại Sơn là một dãy núi non trùng điệp hùng vĩ ngăn đôi hai tỉnh Quảng Tây và Quảng Đông của Trung Quốc. Đầu năm 1948, đồng chí Trang Điền được chỉ thị của đồng chí Chu Ân Lai sang Việt Bắc gặp các đồng chí lãnh đạo nước ta. Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí trong Thường vụ Trung ương Đảng đã tiếp phái viên Trang Điền ở Lục Giã (Thái Nguyên).
Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể lại trong hồi ký “Chiến đấu trong vòng vây” về sự kiện này như sau: “Đồng chí Trang Điền thông báo tình hình chiến tranh giải phóng ở Trung Quốc. Quân Tưởng tăng cường càn quét những lực lượng vũ trang cách mạng ở Hoa Nam để củng cố hậu phương. Những đơn vị du kích của bạn đang gặp khó khăn và thiếu lương thực. Bác và chúng tôi bàn với phái viên của bạn về sự phối hợp chiến đấu, giúp đỡ lẫn nhau giữa hai quân đội cách mạng”.
Sau đó, Bộ chỉ huy chiến dịch chung được thành lập như sau: Đồng chí Lê Quảng Ba (sau này là Thiếu tướng), làm Tư lệnh chiến dịch; đồng chí Trần Minh Giang, cán bộ của Quân giải phóng Trung Quốc, làm Chính trị ủy viên. Bộ chỉ huy chiến dịch lấy phiên hiệu là Bộ Tư lệnh khu Thập Vạn Đại Sơn.
Chiến dịch Thập Vạn Đại Sơn chia làm hai mặt trận. Mặt trận thứ nhất là Điền Quế do đồng chí Nam Long (sau này là Trung tướng) làm chỉ huy trưởng; đồng chí Hoàng Bình, cán bộ Quân giải phóng Trung Quốc làm chỉ huy phó; đồng chí Đỗ Trình (sau này là Trung tướng) làm chính trị viên.
Mặt trận thứ hai là Long Châu, do đồng chí Thanh Phong (sau này là Đại tá) Phó tư lệnh Liên khu 1, làm Tư lệnh; đồng chí Chu Huy Mân (sau này là Đại tướng), Trung đoàn trưởng Trung đoàn 74 và đồng chí Long Xuyên (sau này là Đại tá), Trung đoàn trưởng Trung đoàn 28 làm Phó Tư lệnh.
Khu Long Châu là một trong 14 khu quân sự của Quốc dân đảng Trung Quốc tại tỉnh Quảng Tây do hai trung đoàn bảo an, một số đội cảnh vệ, tuần sát, dân đoàn ở các huyện đóng giữ. Ngoài ra còn có lực lượng của địa chủ có vũ trang ở các hương (xã) bổ sung. Người lính già đã 103 tuổi, song ông vẫn rất minh mẫn nhớ đến chiến dịch và những đồng đội cũ, đặc biệt ông nhớ đến Ngọc Trình, người đại đội trưởng đã hy sinh và nằm lại bên đất Trung Quốc.
Mũi chỉ huy của Tư lệnh phó Hoàng Long Xuyên có hai đại đội độc lập của Văn Uyên và đại đội độc lập Thoát Lãng. Nhiệm vụ của cánh quân này là đánh sang Bằng Tường, Ninh Minh giáp huyện Thoát Lãng, Văn Uyên, tỉnh Lạng Sơn. So với toàn bộ Chiến dịch Thập Vạn Đại Sơn thì hướng này gặp khó khăn, phức tạp hơn, vì ở đây ta vừa phải chống Pháp đang đóng ở một số đồn biên giới, vừa phải chặn đám tàn quân Tưởng chạy sang phía đồn Pháp, vừa phải dẹp bọn thổ phỉ còn đang ẩn núp và phá rối ở địa phương.
Về trận Bằng Tường, Tư lệnh phó Hoàng Long Xuyên kể: “Trinh sát ta báo cáo về có hai đại đội của Tưởng ở Bằng Tường lên cứu. Khoảng 8 giờ sáng, trinh sát báo cáo về cho tôi ở chỉ huy sở đặt ở Hải Khẩu “Đội hình đã lọt vào trận địa phục kích”. Tôi truyền lệnh cho anh em: “Cứ theo kế hoạch mà thi hành”.
Khoảng 9 giờ sáng, nghe tiếng súng nổ rộ độ nửa giờ, rồi im ắng hẳn. Đại đội báo cáo về đã bắn chết tại trận 5 tên, bắt sống một tiểu đội, thu được 12 khẩu thất cửu. Quân Tưởng rút chạy tán loạn về Bằng Tường. Tôi ra lệnh: “Tiếp tục truy kích!”.
Khi nhận được tin cánh quân của Tư lệnh Thanh Phong và Chính ủy Chu Huy Mân đã tiến vào huyện lỵ Ninh Minh, Tư lệnh phó Hoàng Long Xuyên cho bộ đội tiến đến Ninh Minh và hội quân.
Đang chuẩn bị qua sông tiếp tục đánh quân Tưởng còn lại ở nửa huyện lỵ bên kia sông thì nhận được lệnh của Đại tá Đào Văn Trường - Chỉ huy trưởng Mặt trận đường số 4 “đem quân về nước, có nhiệm vụ mới”.
ĐÔNG TIẾN TỪ CAO BẰNG ĐẾN LẠNG SƠN
Lần đầu tiên tôi gặp Đại tá Hoàng Long Xuyên khi chiều hè dần buông. Ông đang trên đường từ Bắc Sơn (Lạng Sơn) về nhà riêng ở thị trấn Chùa Hang (Thái Nguyên). Không cần nghỉ ngơi, người lính già khi ấy 99 tuổi, đã kể cho tôi nghe những năm tháng trong đời binh nghiệp của mình. Đời binh nghiệp của ông gắn bó với Lạng Sơn. Ông từng làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 28 Lạng Sơn; Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lạng Sơn… Trung đoàn 28 trong ký ức của nhiều cựu chiến binh vẫn thường được gọi bằng cái tên thân thuộc: Trung đoàn Long Xuyên.
“Trung đoàn 28 xây dựng từ đại đội giải phóng, đến tiểu đoàn chủ lực rồi trung đoàn. Thấy cần phải có trung đoàn chủ lực của Việt Bắc thì mới lấy 1 tiểu đoàn chủ lực của Lạng Sơn, 1 tiểu đoàn chủ lực của Bắc Cạn và 1 tiểu đoàn chủ lực ở Cao Bằng thành lập Trung đoàn 174. Lúc ấy ông Chu Huy Mân làm Chính ủy, ông Đặng Văn Việt làm Trung đoàn trưởng. Còn ông vẫn tiếp tục xây dựng trung đoàn tỉnh Lạng Sơn. Bởi vì trên bảo ông đã nắm và quen được các cơ sở rồi, nếu cho ông đi làm Trung đoàn 174 thì không được. Cái đó thì nhiệm vụ trên giao thế nào thì ông cứ đi thôi, mệnh lệnh là phải thực hiện, cháu ạ”.
Nghe Đại tá Hoàng Long Xuyên kể đến đây, tôi chợt nhớ tới những cán bộ lão thành cách mạng mà tôi từng có may mắn được gặp gỡ và trò chuyện. Đối với các ông thuở khai sinh quân đội, người chiến sĩ nào cũng sẵn sàng đi bất cứ đâu, nhận bất cứ nhiệm vụ gì do tổ chức phân công mà không nề hà, thắc mắc, băn khoăn.
Phong trào cách mạng toàn huyện Hòa An phát triển mạnh mẽ. Các tổ chức vũ trang của Mặt trận Việt Minh tiến hành đánh phá các cơ sở tổ chức của Pháp, Nhật.
Khoảng trung tuần tháng 3 năm 1945, phân đội của ông Long Xuyên nhận được lệnh cấp trên nhanh chóng đến địa điểm Phổ Nuống (sau này thuộc xã Nam Tuấn) tập trung mít tinh toàn tỉnh và phân công công tác. Ông Đàm Minh Viễn liên Tỉnh ủy viên lãnh đạo trực tiếp thay mặt cấp trên giao nhiệm vụ Đông tiến mở đường giao thông liên lạc tới Lạng Sơn và mở rộng căn cứ Cao Bằng đến các huyện thuộc Lạng Sơn.
Phương châm hoạt động của đoàn Đông tiến, theo lời kể của ông Long Xuyên là: “Lấy chính trị làm trọng, quân sự hỗ trợ cho chính trị. Phân đội là một đơn vị chủ lực của Việt Nam Giải phóng quân, xuống Lạng Sơn cùng cán bộ chính trị, quân sự tỉnh Lạng Sơn xây dựng cơ sở quần chúng và đánh đồn địch. Trận đầu tiên phải thắng để gây thanh thế cho Việt Minh ở tỉnh Lạng Sơn. Ở Cao Bằng, ta đã thắng giòn giã Phai Khắt, Nà Ngần”.
Sau một ngày chuẩn bị lương thực và kiểm tra lại vũ khí, đạn dược, đêm ngày 18 tháng 3 năm 1945, phân đội Long Xuyên xuất phát từ Phơ Muống đi theo đường mòn xuyên rừng tiến xuống xã Văn Trình, rồi xã Tuất Tính thuộc huyện Thạch An. Hai xã này giáp giới huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn. Xã Tuất Tính là quê của Trung tướng Đàm Văn Ngụy (1927 - 2015), nguyên Tư lệnh Quân khu I. Tại đây, đã có một ít cơ sở do Đàm Văn Ngụy xây dựng. Phân đội Long Xuyên dừng lại ở xã Tuất Tính một ngày đêm, chuẩn bị để vượt qua ranh giới giữa hai huyện Thạch An, Tràng Định.
Những ngày cuối năm 2019, một đồng nghiệp ở Điện ảnh Quân đội hỏi tôi muốn làm phim tư liệu về những nhân chứng tham gia giải phóng Đông Khê trong Chiến dịch Biên giới (1950). Tôi giới thiệu ngay Đại tá Hoàng Long Xuyên, người đã chỉ huy Trung đoàn 28 vừa hành quân từ Long Châu (Trung Quốc) trở về sau Chiến dịch Thập Vạn Đại Sơn để chuẩn bị Chiến dịch Biên giới. Trước đó, tôi cũng giới thiệu với một đồng nghiệp kênh Truyền hình Biên phòng về người lính già tuổi đời hơn thế kỷ này, cũng là người chỉ huy cũ của mình thuở mới xây dựng lực lượng với tên gọi Công an nhân dân vũ trang.
Trở lại với câu chuyện của tôi trong cuộc hầu chuyện Đại tá Hoàng Long Xuyên khi bóng chiều xuống. Sau chiến thắng Biên giới, năm sau Bộ Tổng Tư lệnh ra quyết định thành lập Đại đoàn 316 trên cơ sở 3 trung đoàn: trung đoàn 174, trung đoàn 98 và trung đoàn 176. Trung đoàn trưởng Hoàng Long Xuyên tiếp tục ở lại xây dựng bộ đội chính quy cho Tỉnh đội Lạng Sơn.
Miền Bắc được giải phóng, ông được cử sang làm Tư lệnh Công an vũ trang (nay là Tư lệnh Bộ đội Biên phòng) Khu tự trị Việt Bắc. Bộ ba Chu Văn Tấn (Thượng tướng), Mai Trung Lâm (Đại tá) và Hoàng Long Xuyên (Đại tá) gắn liền với nhau cho đến nay.
Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tổ chức lại điều ông phụ trách công tác Quân pháp, mà như lời ông kể thì bây giờ gọi là Điều tra hình sự trong Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng. Vừa làm nhiệm vụ của Quân đội, vừa làm nhiệm vụ của Công an, do cấp trên giao phó, ông chia sẻ với tôi: “Ông không được học hành nhiều lắm đâu, nhưng mà ông cố gắng” để làm tốt công việc.
Nhân nhắc lại thế hệ bạn bè của ông thời đi hoạt động bí mật, ông cười nhẹ với tôi rằng: “Mất hết rồi, cháu muốn hỏi ai cũng chẳng có nữa đâu”. Rồi ông nhắc tới những dũng tướng gắn liền với núi rừng Việt Bắc như Đại tá Thanh Phong - Tư lệnh phó Liên khu Việt Bắc; Trung tướng Nam Long - Phó Giám đốc Học viện Quốc phòng; Đại tá Mai Trung Lâm - Chính ủy kiêm Giám đốc Công an Khu tự trị Việt Bắc; Thượng tướng Đàm Quang Trung - Chính ủy kiêm Tư lệnh Quân khu 1, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước…
Tôi càng ngạc nhiên hơn khi ông cho biết mình có bệnh tim. Vậy mà người lính già vóc hạc ấy có một sức sống tiềm tàng. Trả lời câu hỏi của tôi, bí quyết gì để sống đại thọ và minh mẫn như vậy, ông cười nhẹ như một làn gió thoảng:
“Bí quyết của ông là sống lạc quan. Sau này có con cháu cũng hết sức quan trọng. Các con, các cháu đều khỏe mạnh, học giỏi, công ăn việc làm ổn định. Đó là điều kiện sống ảnh hưởng đến suy nghĩ của mình”.
Bỗng nhớ ra còn một người bạn cũ, Đại tá Hoàng Long Xuyên nhắc tôi trước khi ra về: “Vẫn còn một người, Đặng Văn Việt - Hùm xám đường số 4 đấy. Ông ấy ở Hà Nội”.
Người cựu chiến binh bách niên lại thủng thẳng đưa tôi ra cổng khi những hạt nắng chiều vương. Mùa xuân Canh Tý (2020) đến, Đại tá Hoàng Long Xuyên cũng đón mùa xuân thứ 104 của mình.
HỘI NGỘ CHỚP NHOÁNG
Xa nhà đi học quân sự bên Trung Quốc đã 4 năm. Hoàng Long Xuyên được trở về chốn cũ quê xưa. Đồng chí Bắc Việt (tức Nông Công Dũng - Chủ nhiệm Hậu cần Quân khu I sau này) gặp riêng ông cho biết, thượng cấp giao nhiệm vụ để ông về thăm mẹ. Khi đó, mẹ ông đã gần 70 tuổi.
Đến làng Đông Hoan (huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng), ông vừa mừng vừa lo. Mừng vì sắp gặp được mẹ. Lo vì ông biết tính mẹ thường dễ xúc động. Dõi về phía con đường mòn… Mẹ ông đang lom khom bước từng bước một đến... Tim ông thắt lại. Ông bước nhanh chân xuống đón mẹ.
Hai mẹ con ôm chầm lấy nhau, đoạn cùng ngồi xuống bên đường, những giọt nước mắt chảy tràn trên gương mặt. Trong 4 năm qua, biết bao biến động. Tây về bắt dân đi giam tù, bắn chết cán bộ cách mạng, chặt đầu, đem đi cắm ở đầu chợ Nước Hai (tên địa phương là chợ Háng Cáp). Cuộc hội ngộ giữa hai mẹ con chỉ thoáng dăm phút rồi bà cụ lại lom khom theo con đường mòn trở về nhà…
KIỀU MAI SƠN
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...