Thứ tư, ngày 04 tháng 12 năm 2024
15:12 (GMT +7)

Đặc sắc múa dân gian của người Cao Lan

Người Cao Lan ở Thái Nguyên là một trong những tộc người thiểu số còn giữ được kho tàng văn hóa, văn nghệ dân gian rất phong phú và đa dạng. Hiện nay, mặc dù nhóm Cao Lan nói ngôn ngữ Tày - Thái, nhưng trong văn tự của họ như sách cúng, sách hát, thơ ca, hò vè đều sử dụng tiếng nói và chữ viết Cao Lan. Ngoài ra họ còn lưu giữ loại hình múa dân gian rất đặc sắc mang triết lý tộc người, là hình thái ph biến được lưu truyền từ đời này qua đời khác.

Hát nghi lễ Sấng cọ, của đồng bào Sán Chay (nhóm Cao Lan)
Hát nghi lễ Sấng cọ, của đồng bào Sán Chay (nhóm Cao Lan)

Nguồn gốc và các loại hình múa dân gian

Tộc người Cao Lan có một nền văn hóa khá phong phú, thể hiện qua kho tàng văn hóa, văn nghệ dân gian đa dạng như sách cúng, sách hát, thơ ca, hò vè: Lịch vạn niên (thông slây), Sách hát (slây ca), Hát ngoài đường (ca óc lẩn), sách hát trong nhà (óc lân), do Lưu Ba soạn… Đặc biệt còn có vũ điệu “Tắc Xình” là một sinh hoạt văn hóa văn nghệ hết sức độc đáo riêng biệt minh chứng cho nền văn hóa của cộng đồng.

Nông nghiệp lúa nước chiếm vai trò chủ đạo trong đời sống của người Cao Lan vì vậy họ luôn tìm mọi cách để cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Những nét văn hóa ruộng đồng, nưong rẫy cũng được khắc họa trong múa dân gian nhằm tái hiện cuộc sống hiện thực với những ý nghĩa riêng của từng động tác, từng điệu múa.

Múa dân gian Cao Lan còn được thể hiện trong các nghi lễ tín ngưỡng. Những động tác biểu hiện thế giới tâm linh của con người, cầu mong sự che chở, phù hộ của các đấng thần linh, trời, đất… thể hiện những hành vi ứng xử của con người, tạo môi trường không gian để con người đến với nhau, thể hiện tình cảm của con người, đồng thời qua đó phản ánh những giá trị đạo đức. Đó là lòng tôn kính và biết ơn với những người có công khai thiên lập địa, các anh hùng dân tộc. Những giá trị đó được lưu giữ và tồn tại có tính bền vững trong tộc người Cao Lan.

Không gian sinh tồn của người Cao Lan ở huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên
Không gian sinh tồn của người Cao Lan ở huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên

Xem xét và phân loại, người Cao Lan có hàng trăm điệu múa khác nhau nhưng được chia làm hai loại hình cơ bản đó là múa trong sinh hoạt, lao động và múa tín ngưỡng.

Các điệu múa trong sinh hoạtlao động: Múa sinh hoạt và lao động, phản ánh cuộc sống lao động phong phú, đa dạng qua những động tác múa. Nó được thể hiện từ nội dung đến hình thức, đến ngôn ngữ động tác, tính chất, phong cách, tính cách múa. Đó là bức tranh muôn màu về cuộc sống lao động của con người, đem lại giá trị lớn cho nghệ thuật múa Cao Lan nói riêng và múa dân gian nói chung.

Múa“Chim Gâu” trong các dịp hát Sình ca. Đây là điệu múa có sự kết hợp khéo léo giữa người nam, người nữ và những thanh âm phát ra từ bộ gõ. Đối với nam thanh nữ tú thì đây là cơ hội để tâm sự, hẹn hò và có nhiều đôi trai gái đã phải lòng nhau rồi nên vợ nên chồng sau khi múa điệu này. Múa Chim Gâu đơn giản, dễ múa, hình thức mô phỏng mang tính chất tả thực, được rất nhiều người tham gia và là một hoạt động sôi nổi trong lễ hội dân gian...

Điệu múa “Chim Gâu” trong trình diễn nghệ thuật múa dân gian Tắc Xình
Điệu múa “Chim Gâu” trong trình diễn nghệ thuật múa dân gian Tắc Xình

Múa “Pâng loóng - múa giã cốm” ra đời từ rất lâu và đến nay vẫn được lưu truyền trong đời sống người Cao Lan. Đây là điệu múa cảm ơn Thần Nông cho làm ăn được mùa, còn gọi là múa ăn cơm mới. Điệu múa này không diễn ra ở các cuộc nghi lễ tín ngưỡng mà chỉ diễn ra ở tết mừng cơm mới mang tính ước lệ cao, miêu tả lại quá trình làm nương của người Cao Lan, từ lúc tra hạt cho đến lúc thu hoạch mang về giã thành gạo.

Ở điệu múa Soọc cộng (múa xúc tép) diễn tả cuộc đi xúc tép dưới suối của các cô gái Cao Lan. Tiếng nhạc nổi lên, mỗi “cô gái” (nam đóng) cầm vợt nhảy theo tiếng trống có kèn đệm. Không khí vui nhộn, đoàn múa vừa đi vừa nhảy, tay cầm vợt xúc xuống nước đi theo hình ngoằn nghèo như dòng suối. Múa xúc tép không hạn chế về số lượng, tuổi tác và giới tính, nên mỗi dịp tổ chức múa đều tạo sự vui tươi, phấn khởi. 

Ngoài các điệu múa kể trên người Cao Lan còn cóVũ điệu Tắc Xìnhphản ánh cuộc sống lao động sản xuất, đó chính là tổng hợp các điệu múa dân gian trong sinh hoạt và trong lao đông của người Cao Lan. Múa Tắc Xình có 9 động tác mô phỏng đời sống của người Cao Lan gồm: Múa Thăm đường; múa Lập làng, múa Phát nương dọn rẫy… cho đến múa hát mừng mùa vụ, múa Chim Gâu. Trong lễ hội Cầu Mùa, những điệu múa này diễn tả cách điệu hóa, phản ánh các hoạt động sinh hoạt của cuộc sống cộng đồng. Sự uyển chuyển nhịp nhàng của người múa hòa với tiếng trống, tiếng khèn đã phản ánh sinh động đời sống cũng như khát vọng của người Cao Lan.

biểu diễn nghệ thuật múa Tắc Xình của người Sán Chay (nhóm Cao lan)
Biểu diễn nghệ thuật múa Tắc Xình của người Sán Chay (nhóm Cao Lan)

Các điệu múa trong tín ngưỡng: Đối với người Cao Lan múa trong tín ngưỡng gồm hai thể loại chính đó là múa trong đám tang và múa trong các nghi lễ.

Múa trong đám tang: gồm có múa Tam Thanh và múa Thắp đèn. Múa Tam Thanh (thiu slam sênh) là điệu múa trong đám tang của những người có chức sắc, địa vị xã hội hoặc những người làm nghề thầy cúng. Còn những người bình thường khi chết trong đám tang không có điệu múa này. Múa Tam Thanh phải có “mênh kênh” (nhà lầu). Điệu nhảy múa này thể hiện tín ngưỡng theo quy luật âm dương đối đãi sinh trí tượng để đưa vong hồn đến nơi thiên đàng. Còn điệu múa Thắp đèn (khai tăng/ hoi tăng) thường được múa trong “đám tăng”. Điệu múa này nhằm dâng đèn cho thần thánh hoặc linh hồn người chết để dùng ở cõi âm. Ngoài ra trong đám tang còn có một số điệu múa khác như: Múa Phát đường, sửa đường (sán lờ, pát lờ) có ý nghĩa như làm đường để vong hồn nguời chết có đuờng đi về cõi âm phủ (miền cực lạc). Sau đó là điệu múa Giờ chia ly (sỉ pết phàm lôi), là sự chia tay giữa người sống với nguời đã mất. Tiếp theo là múa Thắp đèn (khai tăng) thể hiện vẻ đẹp của đèn và ý nghĩa của nó là để nguời chết có đèn soi sáng dùng trong cõi âm.

Múa trong các nghi lễ:  Đó là các điệu múa tín ngưỡng kết hợp với múa văn nghệ và hát Sình ca. Các điệu múa biểu diễn tại các nghi lễ thờ cúng, tế lễ thần thánh, cầu an, giải hạn... Các điệu múa này chủ yếu thể hiện cử chỉ, ngoại hình của thánh thần, thể hiện niềm vui đón chào các vị thần. Các điệu múa phục vụ nghi lễ, tín ngưỡng nổi bật là:

Múa “Sau quat”: Miêu tả bàn tay Phật “Phúi mạc lừ”, diễn tả đôi tai thần thánh, “bat bat hooc, bạt bạt hoi” đóng cửa trời, mở cửa trời để thánh thần đi lại giao tiếp với thế giới loài người; “Sìa cời”: Gọi cờ múa cờ cho thánh thần... Các điệu múa này thực hiện khá nhiều kiểu cách, chi tiết cầu kỳ. Trong đó, có sự kết hợp tiếng trống, tiếng nhạc, tiếng hát cùng nhịp chân nhảy, tay múa uyển chuyển.

Ở điệu múa “Khai tăng”: Được biểu diễn tại các nghi lễ, với ý nghĩa khai đèn cho thánh thần chiếu sáng cho khắp nhân gian. Người thực hiện là bốn đệ tử của các thầy cúng  gồm có các đạo cụ như chuông nhỏ, cờ, đèn… di chuyển vòng tròn, xoay tròn rồi 4 người chụm vào, tỏa ra. Tất cả được kết hợp nhịp nhàng dưới sự chỉ huy của thầy cúng.

Giữ vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần

Mỗi điệu múa dân gian Cao Lan không chỉ là bức tranh muôn màu về cuộc sống lao động của con người, mà còn mang đậm nét đặc trưng về quan niệm thẩm mỹ và hệ thống biểu cảm. Chúng có mục đích tín ngưỡng, thể hiện nhân sinh quan, thế giới quan và các yếu tố tâm linh khác, đó là sự gắn bó trong tổng thể của các nhân tố: con người, địa dư, thiên nhiên, kinh tế, xã hội, tập tục và đặc biệt là môi trường tín ngưỡng với các nghi lễ, hình thức cụ thể như múa nhảy Tam Thanh (trong đám tang), múa Tắc Xình (trong lễ hội Cầu Mùa). Múa dân gian được xem như là một phương tiện văn hóa, giống như lời cầu xin đưa tiễn linh hồn, động tác xua đuổi tà ma, động tác mô phỏng cảnh lao động, mô phỏng thiên nhiên. Các động tác múa khi uyển chuyển, duyên dáng, khi sôi nổi mạnh mẽ, khi dồn dập tưng bừng, đó là kết quả của sự sáng tạo nghệ thuật độc đáo của người Cao Lan.

Vai trò của âm nhạc trong múa dân gian Cao Lan là phương tiện hỗ trợ đắc lực biểu hiện động tác múa, tác phẩm múa, có thể coi “Âm nhạc là linh hồn của múa”. Các nhạc cụ phụ họa cho múa Cao Lan bao gồm: trống, kèn, thanh la, chập cheng, chuông, chiêng. Đặc biệt hơn cả là âm nhạc sử dụng trong múa với nhịp lẻ đã tạo ra đặc điểm, tính cách của múa dân gian tộc người Cao Lan.

Ngoài phương diện về góc độ hình dáng đường nét, kỹ năng động tác (đứng, quỳ, đi, chạy, quay, nhảy), sự mô phỏng - biểu hiện của động tác, luật động tác thì phương tiện biểu hiện của múa Cao Lan còn là đội hình múa. Ví dụ trong điệu múa Tam Thanh (do các thầy, đạo tràng trong đám nhà xe múa) thì phải tuân theo quy luật âm dương đối đãi sinh trí tượng. Trí tượng là Đông, Tây, Nam, Bắc và sự chuyển động sinh ra bát quái.

Ngoài ra, các yếu tố như tuyến múa đóng vai trò làm thay đổi động tác, đội hình, hoặc hình tượng múa góp phần thể hiện nội dung, gợi cảm xúc thẩm mỹ cho người xem. Tuy nhiên, đối với múa dân gian nói chung và múa Cao Lan nói riêng, tính chất hoạt động của một bài múa phụ thuộc rất nhiều vào khả năng ứng tác, ứng diễn của người tham gia, tạo nên nét phong phú và độc đáo của bài múa, tạo sự hài hòa, có khả năng khắc sâu ấn tượng cho người xem.

Hát giao duyên của người Cao Lan
Hát giao duyên của người Cao Lan

Mang đậm nét văn hóa đặc sắc

Múa dân gian của người Cao Lan có giá trị nhân văn mang tính giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn, giáo dục tình đoàn kết, cố kết cộng đồng vượt ra khỏi phạm vi dòng họ vì có sự tham gia của cộng đồng. Đó là sự chia sẻ, cộng cảm của những con người cùng chung cội nguồn, tổ tiên dòng họ. Múa dân gian của người Cao Lan trong lễ hội Cầu mùa còn là không gian trao truyền văn hóa, những thực hành nghi lễ, những điệu múa, điệu nhảy nghi lễ được trao truyền trực tiếp giữa thầy dạy nhảy và các học trò, trong đó nghệ thuật múa, âm nhạc và ngôn ngữ múa vừa đơn giản dễ thực hiện, nhưng cũng rất bác học và tinh tế.

Về giá trị nghệ thuật, múa dân gian Cao Lan giúp con người lấy lại cân bằng trong cuộc sống xã hội, khởi động lại sinh lực thể chất để bắt đầu chu trình hoạt động tích cực của cơ thể, tiếp tục niềm tin vào cuộc sống của con người cũng như mối liên hệ của nó với thế giới tự nhiên, khai phát khả năng siêu nhiên tiềm ẩn trong con người.

Múa dân gian của người Cao Lan còn mang đậm giá trị thẩm mỹ mang đậm sắc thái văn hóa tộc người. Cùng với âm nhạc, sân khấu, thơ ca dân gian phản ánh hiện thực bằng những hình tượng nghệ thuật. Chúng được phản ánh bằng những hình tượng múa hiện thực, không chỉ để thỏa mãn nhu cầu thẩm mỹ mà còn tác động phát triển trí tuệ và nhận thức của con người trong việc tìm hiểu thế giới tự nhiên, đó là cảnh trong lao động như phát rẫy, tra hạt, đi nương; cảnh nhảy múa sinh hoạt văn hóa công đồng hay trong lễ nghi đám nhà xe, đám tang…

Đặc biệt, múa dân gian của người Cao Lan còn mang giá trị tâm linh sâu sắc, đó là tục thờ cúng tổ tiên, ông bà, cha mẹ… Trong các điệu múa của tộc người Cao Lan, múa Tắc Xình là điệu múa gắn liền với nghi thức lễ “Cầu Mùa”, mang đậm giá trị tinh thần gắn liền với sự hình thành và phát triển tộc người, phản ánh lịch sử phát triển tộc người. Đó là quá trình phát triển của phương thức sản xuất, tín ngưỡng đa thần. Múa Cao Lan còn là nơi gìn giữ các giá trị văn hoá tâm linh, tôn trọng tự do tín ngưỡng vẫn được đồng bào chăm chút giữ gìn. Đây là nét đẹp truyền thống quý giá, mà từ xưa con người thông qua lễ hội và múa múa dân gian lưu truyền và gìn giữ cho đến ngày nay.

Có thể nói, múa dân gian đã trở thành một nếp sinh hoạt văn hóa tinh thần không thể thiếu trong đời sống của tộc người Cao Lan. Đây là dịp để mọi người nghỉ ngơi, thư giãn sau những khoảng thời gian làm việc căng thẳng mệt mỏi. Đồng thời cũng qua đó nhắc nhở, răn dạy các thế hệ người phải biết ơn và tôn kính tới các bậc tiền nhân, tổ tiên, dòng họ đã có công khai phá, chinh phục thiên nhiên xây dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc cho hôm nay và mai sau.

Trần Thị Mai

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy