Cuộc gọi lúc nửa đêm
LTS: Những năm qua, Văn nghệ Thái Nguyên đã luôn nhận được sự mến mộ của nhiều người Việt ở nước ngoài thông qua việc gửi bài cộng tác. Tác giả Quyên GAVOYE là một trong số những cộng tác viên của Văn nghệ Thái Nguyên ở ngoài vùng lãnh thổ đất nước.
Quyên GAVOYE (tên thật là Phạm Thị Thanh Quyên), sinh năm 1980, chuyên gia di sản, làm việc tại thành phố Besançon, Cộng hòa Pháp. Chị tâm sự: “Tôi bắt đầu viết từ năm 2019, với các thể loại: truyện ngắn, thơ, báo, ký sự... thường đề cao giá trị nhân văn và hướng tới cái thiện. Do sống xa Việt Nam đã lâu, nên tôi thường chọn những chủ đề về con người Việt Nam trong cuộc mưu sinh”.
Số báo này, Văn nghệ Thái Nguyên trân trọng giới thiệu với bạn đọc 2 truyện ngắn mới nhất của tác giả Quyên GAVOYE.
Cuộc gọi lúc nửa đêm
Đêm dày như tấm thảm nhung nặng nề trườn qua khung cửa nhỏ, những bông tuyết trắng lặng lẽ hắt vào cửa kính cái lạnh se sắt, Hoàng thở dài ngao ngán, lại một đêm mất ngủ.
Đêm thứ ba, không hiểu cái điện thoại bị ma ám hay ai đó muốn trêu tức cô, cứ đến nửa đêm khi Hoàng vừa chập chờn rơi vào giấc ngủ thì nó reo. Lần nào cũng thế, nó làm cô giật bắn mình, tim đập thình thịch, toàn thân run lẩy bẩy. Ban ngày, sấm rền bên tai thì Hoàng vẫn bình thản, nhưng ban đêm khi không gian trở lên tĩnh lặng, một con ruồi bay qua cũng khiến Hoàng căng thẳng.
Đầu bên kia, một giọng nói khó nhọc, nghe như của người già, rất già:
- Con có khoẻ không?
- Về nhà đi!… lâu rồi mày chưa về thăm mẹ.
Nửa tỉnh, nửa mơ, cô đoán là ai đó nhầm số.
- Cụ ơi, cụ nhầm số rồi.
Cuộc điện thoại cụt lủn, kết thúc trước khi cô kịp trấn tĩnh. Một giờ, vài giờ trôi qua, Hoàng trằn trọc tìm lại giấc ngủ bị mất.
Tối hôm kia, sau một đêm thức trắng, cô trở về nhà trong trạng thái toàn thân rã rời. Cái lạnh mùa đông khiến cô rùng mình. 10h đêm, lả đi vì mệt, Hoàng lên giường đi ngủ sau khi nuốt vội bát mì tôm. Hoàng rất thích đêm mùa đông, cái lạnh khiến đầu óc mụ mị giảm bớt những suy nghĩ lung tung giúp giấc ngủ sâu hơn. Chỉ cần cuộn tròn người trong lớp chăn dày là đêm qua trong vài tích tắc.
Quá mười hai giờ, chuông điện thoại lại đổ, Hoàng choàng tỉnh, trống ngực đập từng hồi, cô nhấc máy.
- Mẹ đây!... về nhà đi con!
Vẫn là giọng nói của một người già, rất già phập phù qua những tiếng thở hổn hển, đứt quãng.
- Cụ ơi, cháu đã bảo cụ từ hôm qua rồi, cụ nhầm máy. Cháu không phải là con của cụ. Giờ đang là nửa đêm...
Hoàng bỏ lửng câu nói, dán mắt vào màn hình điện thoại, số máy hiện lên được gọi sang từ Việt Nam. Giờ này, Việt Nam đã sang ngày, chỉ cô là vẫn trong màn đêm.
Hoàng buông máy, giấc ngủ biến mất.
Cô ngồi dậy, khoác chiếc áo mỏng đi vào bếp pha cốc trà nóng, hi vọng trà nóng sẽ giúp cô thư thái tìm lại giấc ngủ. Ngồi tựa đầu vào thành ghế, cốc trà phả từng lọn khói mỏng manh vào không gian tĩnh mịch. Hoàng có cảm giác như nghe được cả tiếng bay lên của làn khói. Cô với tay cầm cốc trà đưa lên miệng, hơi nóng phả vào mặt, len lỏi vào từng thớ thịt trên khuôn mặt chưa có nhiều nếp nhăn, khiến đầu óc cô dần hồi tỉnh cùng với trí tò mò. Rõ ràng không phải là sự nhầm lẫn bình thường của những cuộc gọi nội địa. Muốn gọi nước ngoài người ta phải thêm đầu mã quốc tế dài loằng ngoằng, rất khó để bấm nhầm. Hoàng cố lục lại trong trí nhớ một chút quen thuộc của giọng nói. Có thể thời gian đã xóa nhòa một vài ký ức khiến cô không thể nào nhớ ra, cũng có thể giọng nói thay đổi khi con người ta già đi.
Sau vài giờ lăn ngang lăn dọc trên tấm ga giường nhàu nhĩ, Hoàng mệt mỏi trườn ra khỏi giường, một ngày mới bắt đầu, toàn thân cô đau ê ẩm. Lại thêm một ngày dài.
Đêm qua, trước khi lên giường, Hoàng đã cẩn thận tắt chuông điện thoại, cô cần phải nghỉ ngơi. Ngày hôm nay thật dài, tuyết rơi từng đợt dày đặc, nhão nhoét bám chặt vào đế giày khiến cô mấy lần suýt té trên đường.
Hoàng ở Pháp gần hai mươi năm dưới dạng bất hợp pháp. Không đủ giấy tờ để tìm được những công việc tử tế, cô chấp nhận làm bất cứ công việc nào để kiếm sống, với đồng tiền công ít hơn mức quy định của chính phủ. Thời gian của cô trôi qua như một điệp khúc không có sự đảo phách, ngày hôm trước lặp lại ngày hôm sau và y hệt ngày mai. Hoàng ra khỏi nhà lúc mặt trời chưa mọc và trở về khi thành phố đã chìm vào giấc ngủ. Mãi rồi quen, quen rồi thì thấy bình thường, công việc đối với cô bây giờ lại giống như chơi thể thao. Những vận động viên chuyên nghiệp, một ngày không tập đối với họ thật bức bối, khó chịu, chân tay mỏi rã rời giống như cô một ngày không đi làm.
Loay hoay gần mười phút cô mới tìm ra cách ngắt chuông điện thoại. ở Pháp cô chỉ có một mình, bạn bè có vài ba người đồng cảnh ngộ. Bên Việt Nam, cha mẹ cũng qua đời, anh chị em mỗi người một nơi, vài tháng mới gọi hỏi thăm nhau được một lần. Chiếc điện thoại chỉ như một đồ vật thêm vào cho đỡ trống trải căn hộ rộng chưa đầy hai mươi mét vuông không có gì ngoài cái giường và bộ bàn ăn. Cô nhớ cái lần ông chủ quán ăn nơi cô làm phục vụ hỏi cô số điện thoại để phòng khi... Hoàng phải lục tung cả túi xách mới tìm ra cuốn sổ nhỏ ghi số điện thoại của mình trong đó. Những cuộc điện thoại với cô thật hiếm hoi.
Hoàng uể oải lên giường đi ngủ, bỏ lại sự tò mò đêm trước. Mười hai giờ đêm. Chiếc màn hình bật sáng báo hiệu có cuộc gọi đến. Tối qua Hoàng đã ngắt chuông nhưng lại không nghĩ rằng những đốm sáng lập lòe của màn hình sẽ làm cô thức giấc. Trong đêm đen, màn hình điện thoại xanh xao lập lòe như ma trơi khiến tim cô đập thình thịch, cơ thể mềm nhũn. Hoảng hốt cô nhấc máy.
- Mẹ đây, mẹ chỉ muốn biết con có khỏe không?
Chiếc điện thoại như có ma ám dính chặt vào tai Hoàng không cho cô có thời gian để định thần.
- Được nghe tiếng của con mẹ mừng lắm. Đừng làm việc nhiều quá. Lúc nào có thời gian thì tranh thủ về thăm nhà nghe con.
Chiếc điện thoại vẫn dính chặt vào tai không thể bỏ xuống. Đêm nay là đêm thứ ba cô bị quấy rầy. Bản thân là người hiền lành nhã nhặn, nhưng nỗi sợ hãi vì bị đánh thức lúc nửa đêm khiến cô nổi khùng xẵng giọng :
- Cụ ơi, cụ nhầm số rồi. Cháu hi vọng đây là lần cuối, cháu không phải là con của cụ.
Cuối cùng Hoàng cũng tỉnh ngủ để kéo chiếc điện thoại ra khỏi tai. Đầu kia, tiếng bà cụ vẫn đều đều.
- Mẹ không nhầm, mẹ vẫn nhận ra giọng nói của con…
Cô đưa tay lên ngắt máy.
Ngày hôm sau, Hoàng tắt hẳn chiếc điện thoại ma ám.
***
Những bông tuy luýp đầu tiên bắt đầu nở. Hoàng háo hức như một đứa trẻ, cô rất thích mùa xuân với đủ sắc màu hoa lá. Thời tiết nhẹ nhàng, không quá lạnh, cũng chưa hẳn nóng. Cô luôn mơ ước được một lần đi du lịch vào mùa xuân, nhưng có lẽ còn lâu lắm hoặc sẽ không bao giờ giấc mơ ấy mới được thực hiện. Không có giấy tờ, không có tiền, cô đi được bao xa.
Sáng Chủ nhật, Hoàng bước ra khỏi giường, mở tung cánh cửa sổ đón gió. Một cành đào bung biêng sắc đỏ lướt qua khung cửa. Cũng như ở Việt Nam, đào Pháp nở rộ vào mùa xuân, những nụ đào khỏe khoắn, rạng rỡ. Dọc trên các tuyến đường, những cây đào trồng, đào dại đua nhau khoe sắc. Hoàng thấy tâm hồn thư thái. Cô bật bếp nấu nước sôi pha trà. Tiếng nước reo rí rách dội âm thanh vào căn phòng im ắng. Lâu lắm rồi Hoàng chưa có một ngày thảnh thơi để cảm nhận những giây phút yên bình như thế này.
Đặt cốc trà nóng xuống bàn, cô đưa tay lật quyển lịch, còn một tuần nữa đến ngày giỗ mẹ. Chỉ một suy nghĩ đơn giản thế thôi đã khiến tâm trạng thảnh thơi vừa mới đây bỗng dưng biến mất, cô nén tiếng thở dài. Một ngày đẹp trời như hôm nay mà lòng cô chùng xuống. Gần hai mươi năm từ ngày cô trốn ở lại nơi đất khách sau cuộc du lịch giả mạo với giấc mộng kiếm tiền gửi về giúp đỡ gia đình, cô đâu ngờ, ở lại không khó, nhưng để bước ra ánh sáng và sống đàng hoàng thì không dễ chút nào. Hai mươi năm cô đánh đổi tuổi trẻ, hạnh phúc và cả lòng tự trọng để đổi lại một cuộc sống chui lủi. Số tiền kiếm được không đủ để cô mua vé máy bay về chịu tang mẹ.
Giá như khi đó cô ra trình diện chính quyền để xin trục xuất về nước thì có lẽ cô vẫn còn cơ hội làm lại từ đầu, có khi giờ đây cô đã có những đứa con và có thể đi du lịch khi xuân sang. Nếu suy nghĩ chín chắn hơn cô phải hiểu được không đâu bằng quê hương. Nhưng hồi đó cô còn trẻ quá, tự ti, xấu hổ đã trói cô vào cuộc sống di cư bất hợp pháp khiến đường trở về ngày càng xa.
Cảm giác cô đơn khiến cô muốn về nhà, muốn được cùng các em sắm mâm cơm giỗ mẹ. Cô đứng dậy lục tìm lại chiếc điện thoại cũ. Loay hoay một hồi Hoàng cũng nhớ lại mã số mở máy. Chiếc màn hình bật sáng, số điện thoại đầu tiên hiện ra trong danh bạ những cuộc gọi đến là số gọi nhầm từ Việt Nam sang từ hồi mùa đông năm ngoái. Bất chợt cô cảm thấy áy náy.
Sau cuộc gọi nhầm vào đêm thứ ba liên tiếp, Hoàng đã tắt điện thoại cho đến bây giờ. Cuộc sống bận bịu khiến cô mau chóng quên đi những tai nạn bất ngờ trong cuộc sống. Nhưng khi nhớ lại rồi thì cô thấy áy náy, ân hận vì đã cư xử cộc lốc với người khác. Một cách máy móc, cô đưa tay bấm lại số gọi đến. Sau ba hồi chuông, đầu kia nhấc máy. Không phải là giọng của cụ bà, là giọng của một người con trai. Hoàng còn đang lóng ngóng chưa biết giới thiệu như thế nào thì đầu kia người con trai lên tiếng
- Em không nhớ anh sao?
Hoàng chợt hạ chiếc điện thoại xuống để đưa lên mắt nhìn cho rõ như thể người có giọng nói trong điện thoại đang hiện lên trên màn hình, rồi lại nhấc máy lên tai. Cô đã nhận ra giọng của anh. Hai mươi năm hay ba mươi năm, cô chưa bao giờ quên giọng nói ngọt ngào ngày ấy.
- Người gọi cho em ngày ấy là mẹ anh. Mẹ đã đi xa vài ngày sau cuộc gọi cuối cùng cho em.
- Sao mẹ lại gọi cho em? Cô ấp úng hỏi lại.
- Mẹ vẫn chỉ coi em là dâu duy nhất. Từ ngày em đi, không ngày nào mẹ không nhắc về em.
Một vài giây im lặng giữa họ.
- Về đi, em đã nửa đời phiêu bạt rồi. Anh đã nghe kể về cuộc sống của em. Về đi, em sẽ không còn cô đơn. Anh sẽ nhờ bạn bè bên đó mua giúp em vé máy bay.
Vai cô rung lên. Lần đầu tiên sau hai mươi năm, những giọt nước mắt lại rơi. Cứ tưởng cuộc đời của cô sẽ mãi như một điệp khúc không có sự đảo phách, nhạt nhẽo, vô vị, đơn độc, lại có lúc đổi nhịp một cách bất ngờ. Tiếng anh vẫn đều đều.
- Em đã chọn sai con đường nhưng vẫn chưa muộn để làm lại. Đừng tự trừng phạt mình lâu hơn nữa, em sẽ đánh mất vĩnh viễn cuộc đời mình và làm đau khổ những người thân.
Hoàng bật khóc những tiếng nức nở, những giọt nước ào ạt như cơn giông sau những ngày nắng hạ cằn cỗi. Những giọt nước xót xa hay hạnh phúc, có quan trọng gì khi cô vẫn còn quê hương để trở về sau những ngày tháng hoang dại.
Một tuần sau cuộc gọi điện thoại với anh, ước mơ được du lịch vào mùa xuân của cô cũng thành hiện thực. Không phải là chuyến di cư hay cuộc bỏ trốn, là một cuộc trở về đất mẹ.
Quyên GAVOYE
Quái Vật
Tòa nhà nơi chúng tôi ở có năm tầng. Mỗi tầng có vài gia đình sinh sống. Chúng tôi chơi rất thân với nhau và biết gần hết mọi người sống trong tòa nhà. Duy chỉ có một người duy nhất mà chúng tôi không biết mặt, đó chính là Quái Vật.
Ở tầng hai, ông Còng luôn có thói quen vặn ti vi to hết nấc, vì ông bị nặng tai.
Ở tầng ba, gia đình cô Loan với đứa con hơn một tuổi thường ngủ mở toang cửa sổ.
Ở tầng bốn, bà Hòa độc thân có giọng nói to, hay quát lớn mỗi khi bị chúng tôi làm phiền.
Nhà tôi sống ở tầng trên cùng, tầng năm.
Tầng trệt là nơi ở của Quái Vật.
Hắn ở tầng một, nơi ra vào của tòa nhà, nhưng chưa ai trong chúng tôi được một lần tiếp xúc với Quái Vật dù hắn đến ở đây cũng khá lâu. Thỉnh thoảng chúng tôi thấy lờ mờ bóng hắn sau tấm rèm lúc nào cũng rủ xuống che kín các ô cửa kính của căn hộ. Hắn chỉ ra khỏi nhà khi màn đêm buông xuống.
Hắn ngồi đó, một mình trên ghế đá trong bóng tối, cách xa cột đèn. Từ tầng năm, trong màn đêm dày đặc, tôi vẫn nhận ra bóng dáng của Quái Vật. Hắn không to béo. Hắn lực lưỡng. Hai bắp tay cuồn cuộn liên tục nhấc lên hạ xuống thứ gì đó, chốc chốc lại lóe lên một tia sáng như ánh chớp. Hắn có thể ngồi hàng giờ trong đêm đen giữa mùa đông giá lạnh, quan sát những ô cửa sổ của tòa nhà chìm vào màn đêm, đầu tiên là cửa sổ các phòng khách và những gian bếp, tiếp đến là cửa sổ phòng ngủ. ở tòa nhà của chúng tôi, những phòng tắm không có cửa sổ.
Hắn chờ đến khi mọi nguồn ánh sáng trong tòa nhà tắt hết, cái bóng lực lưỡng bắt đầu chuyển động, Quái Vật đứng dậy và biến vào màn đêm....
Ban ngày, lũ trẻ chúng tôi chơi trò bấm chuông, ném đá vào cánh cửa nhà hắn rồi bỏ chạy. Mặc cho chúng tôi ném đá, cánh cửa luôn luôn khép chặt, nhưng chúng tôi vẫn cảm thấy sợ hãi. Mỗi lần ném đá xong, chúng tôi vừa chạy, vừa hét to: Quái Vật! Quái Vật!
Người lớn trong tòa nhà nhìn thấy chúng tôi ném đá, họ không nói gì, bởi có lẽ họ cũng sợ Quái Vật như chúng tôi. Chỉ riêng ông Còng thi thoảng chạy ra cằn nhằn. Ông biết hết mặt của lũ chúng tôi, nhưng không nhớ hết tên. Ông cằn nhằn cũng chỉ lấy lệ. Chắc là ông chỉ muốn nhìn mặt chúng tôi cho đỡ buồn vì phải ở trong nhà một mình cả ngày.
Từ xa, bà Hòa đi chợ về nhìn chúng tôi quát:
- Để hắn yên!
Bà làm bộ quát to nhưng lại nhe ra bộ răng vàng khè cười lớn vẻ như khuyến khích chúng tôi ném thêm. Lần nào cũng thế, hình như trò ném đá của lũ trẻ chúng tôi làm hài lòng người lớn.
Hôm nay chúng tôi chán không chơi trò ném đá, mấy đứa lớn nhất trong hội thách nhau áp mặt vào cửa kính, ngó vào bên trong nhà hắn xem đứa nào quan sát được nhiều thứ nhất và đứng được lâu nhất trước ô cửa nhà hắn. Tôi đứng được lâu nhất, mười hai giây trước khi hét lên bỏ chạy:
- Chạy mau! Hắn cầm kéo trên tay!
Trong khu phố cũng chưa một ai nhìn thấy Quái Vật. Hàng ngày, hắn gọi điện đến chợ đặt đồ ăn, người ta mang thức ăn đến giao tận cửa nhà. Hắn đợi người giao hàng quay lưng rồi mới mở cửa ra lấy đồ. Rất nhanh, chỉ hai ba tíc tắc, hắn đã biến phía sau cánh cửa.
Ngay cả quán tạp hóa bên cạnh mở cửa gần như cả ngày đêm, ông Toàn, chủ quầy mới chỉ nhìn thấy hắn một lần vào ban đêm, và từ phía sau lưng, không đủ để tả rõ khuôn mặt của hắn.
Khi chúng tôi hỏi người lớn về hắn, ông Còng thường hắng giọng mắng chúng tôi tò mò nói bậy bạ. Thằng Lam bảo hắn béo núc ních. Nhưng núc ních cỡ nào thì thằng Lam chịu, không tả được. Chúng tôi chỉ biết hắn là Quái Vật. Kẻ to béo chính là thằng Lam. Chúng tôi gọi thằng Lam là “Mập”, nó đã quen nên không còn tủi thân khóc nhè nữa. Mỗi lần chúng tôi chơi trò đuổi bắt, nó hổn hển chạy theo chúng tôi đến đổ mồ hôi, nhưng cuối cùng nó vẫn tóm được một đứa nào đó.
Dạo này, Quái Vật không chạy, hắn bước những bước cà nhắc, hắn nhấc chân phải, rồi chân trái, chốc chốc lại dừng. Trong màn đêm, dù không nhìn thấy rõ đôi mắt của hắn, tôi vẫn nhận ra hắn quay đầu liên tục, từ phải sang trái, hình như hắn tìm thứ gì đó. Để quan sát hắn rõ hơn, tôi bảo mẹ sắp xếp lại đồ đạc trong phòng, chiếc bàn học được kê gần cửa ra vào nhường chỗ gần cửa sổ cho chiếc giường ngủ. Mẹ thắc mắc vài câu rồi cũng làm theo ý của tôi.
Khi đêm đen phủ kín các ô cửa sổ, ngồi chễm chệ trên giường, tôi quan sát hắn bằng chiếc ống nhòm mà bố tặng sinh nhật năm tôi sáu tuổi. Từ bên phải rồi sang bên trái, hắn quay đầu nhìn xung quanh, đường phố vắng tanh không bóng người. Hắn cà nhắc một cách vội vã, nhưng thực tế lại vô cùng chậm chạp, hắn bước qua vùng ánh sáng của khu dân cư và biến vào màn đêm.
Trên tấm lưng to bè, hắn đeo một chiếc túi lỉnh kỉnh rất nhiều thứ nhìn giống như một túi to đầy đồ chơi. Thỉnh thoảng từ bàn tay của hắn lóe lên một tia chớp khiến tôi sởn da gà, sợ đến mất ngủ.
Sáng hôm sau, một chuyện hi hữu xảy ra, lần đầu tiên chúng tôi nghe được tiếng ti vi vọng ra từ căn hộ của Quái Vật. Âm thanh được vặn hết cỡ đánh thức ông Còng bị nặng tai ngủ ở tầng trên. Ngoài hành lang, mọi người nhốn nháo.
Ti vi nhà Quái Vật vặn mỗi lúc một to hơn.
Mọi người ngó nghiêng một hồi trước khi chạy đến gõ cửa nhà hắn. Họ gõ xong rồi áp tai vào cánh cửa nghe ngóng, tiếng ti vi có vẻ như dịu xuống, hình như có tiếng thì thầm sau cánh cửa. Hoặc cũng có thể không. Bởi đứng không xa cánh cửa, tôi nghe thấy tiếng ti vi vẫn đều đều vọng ra.
Một lúc không thấy động tĩnh ở bên trong căn hộ, mọi người bỏ đi rồi lại quay lại. Có lẽ họ đoán có chuyện không hay đã xảy ra với Quái Vật, nhưng có vẻ như họ sợ hắn nên còn đắn đo. Tiếng ti vi to hơn, chìm xuống, rồi lại to lên, cứ như hắn đang trêu dọa mọi người.
Bàn bạc một hồi, mọi người đồng ý để cô Loan chạy đi gọi bảo vệ tòa nhà. Sau vài hồi chuông, ông bảo vệ buộc phải dùng chìa khóa phụ mở cửa căn hộ bước vào, mọi người rón rén bước theo sau lưng.
Sự việc bất ngờ khiến cho dân cư của tòa nhà túm tụm lại quanh những chiếc ghế đá bàn tán. Hình như Quái Vật ốm nặng, rất nặng. Hắn không thể ngồi dậy được, không thể kêu cứu, thậm chí không thể gọi điện thoại. Khi chiếc xe cứu thương đến mang hắn đi, hẳn mười người trong đó có cả người trong tòa nhà đến khiêng hắn. Trong bàn tay co quắp của Quái Vật vẫn cầm chiếc điều khiển ti vi, mọi người phải gỡ mãi mới moi ra được.
Người ta khiêng hắn đi ngang qua những chiếc ghế đá. Người lớn đang bàn tán xì xèo bỗng dưng im bặt. Họ vẫn sợ hắn dù bây giờ hắn nằm bất động trên cáng.
Lũ trẻ nhộn nhạo tranh nhau đứng dán mắt vào cửa kính, nhưng chiếc rèm cửa khiến chúng tôi không nhìn rõ bên trong. Thằng Lam kéo tay tôi đến sát bên cánh cửa nhìn tôi thách thức:
- Tao sẽ vào nhà Quái Vật, mày vào không?
Nó nói thế nhưng trước khi đặt tay vào nắm cửa, nó quay đầu chạy mất, những đứa khác thấy thằng Lam chạy cũng toán loạn trốn lên tầng một.
Còn lại một mình, tôi mở cửa nhẹ nhàng bước vào.
Bên trong căn hộ nhà Quái Vật, tủ lạnh không to hơn tủ lạnh ở nhà tôi, chiếc giường ngủ được kê ở phòng khách, các phòng còn lại dùng để kê những chiếc bàn lớn. Trên tường những bức ảnh được cắt dán khắp nơi. Những chiếc kéo nằm lăn lóc trên sàn nhà. Những tấm ảnh cắt nham nhở vương vãi trên những chiếc bàn. Nhà của Quái Vật là tổng thể của một sự lộn xộn nhưng hài hòa.
Tiện tay tôi với mấy tấm ảnh và lật phía sau lên xem. Những bức ảnh của tòa nhà được chụp vào ban đêm lẫn lộn với những tấm ảnh chụp trong căn hộ vào ban ngày, mới nhìn có vẻ rất lộn xộn, nhưng tôi tin chắc Quái Vật đã sắp xếp chúng theo một ý đồ nào đó. Có những bức kì quái đến mức tôi không biết đó là gì, những bức ảnh mà hắn đang cắt dở và chỉnh sửa. Nhưng dù là gì, phía sau các tấm ảnh đều ghi những dòng chú thích ngộ nghĩnh.
- Nhìn này, tiếng thằng Lam làm tôi giật bắn mình. Hình của mày sau tấm rèm cửa, dán mũi vào cửa sổ hôm trước này.
Tôi khẽ rùng mình, không phải bởi tấm ảnh mà là sự quay lại không tiếng động của thằng Lam. Tôi lắc đầu bảo thằng Lam là không phải, nhưng nó vẫn quả quyết:
- Nhìn lại mà xem, mày đấy. Còn có cả ảnh của tất cả mọi đứa chúng mình. Cái nào cũng mờ ảo sau tấm rèm cửa.
Tôi không trả lời nó, để mặc thằng Lam chăm chú xem ảnh, tôi nhặt lên một quyển sách dày với tựa đề “Quái Vật”. Tò mò tôi lật thử vài trang.
Tôi tên là Quái Vật.
Tôi là Quái Vật.
Đối với trẻ con và người lớn trong tòa nhà, tôi đã trở thành Quái Vật. Trở thành Quái Vật là điều tuyệt vời nhất trong cuộc đời của tôi.
Trẻ con trêu chọc tôi mỗi ngày, chúng sợ tôi. Chúng sợ bởi đối với chúng, tôi tồn tại. Dẫu để tồn tại, tôi chỉ còn cách ra khỏi nhà vào ban đêm. Dù thế, tôi vẫn muốn mãi là Quái Vật, kẻ ám ảnh trẻ con. Tôi thích sự ám ảnh này. Nhờ nó, tôi được nghe tiếng cười ngây thơ mỗi ngày của bọn chúng. Giống như tôi, chúng hiểu rằng Quái Vật chỉ là trò đùa vẽ ra từ sự tưởng tượng. Thật ra chúng không hề sợ tôi, chúng chỉ là những đứa trẻ ngây thơ và tò mò. Cả chúng, cả tôi đều hạnh phúc với sự tò mò ấy. Giá như người lớn hiểu được...
Tôi là Quái Vật.
Mấy ngày sau vụ việc hi hữu, Quái Vật mất. Tòa nhà của chúng tôi bỗng trở nên ồn ào lạ thường, người ta bàn tán về Quái Vật, họ bảo đó là một nghệ sĩ trứ danh. Phóng viên khắp mọi miền đến vây kín tòa nhà cả ngày lẫn đêm. Chỉ sau vài ngày, chúng tôi bỗng dưng nổi tiếng khắp thế giới. Họ phỏng vấn từng người sống trong tòa nhà, ai cũng muốn trả lời, dẫu họ không biết gì nhiều về hắn. Lần đầu tiên chúng tôi được nhìn rõ khuôn mặt của Quái Vật là qua màn hình ti vi, một người bình thường như bao người khác. Họ giới thiệu những tác phẩm cuối cùng của Quái Vật, những bức ảnh, những đoạn phim ngắn về cuộc sống trong tòa nhà với những đứa trẻ tò mò, tất cả được ký tên Quái Vật.
Ở trường, lũ bạn háo hức hỏi tôi về Quái Vật nhưng tôi chỉ có thể trả lời không biết. Quả thực tôi không biết nhiều hơn những gì truyền thông kể. Tuy nhiên, có một thứ duy nhất còn lại của Quái Vật mà tôi đang cất giữ trong cặp sách, đó chính là cuốn nhật ký của Quái Vật. Ở đó Quái Vật đã kể rất rõ về cuộc đời của hắn và của cả tòa nhà. Thực ra hắn biết rõ tòa nhà hơn chúng tôi. Hắn biết tên của từng đứa trẻ và thói quen của mỗi đứa trong chúng tôi. Nhưng tôi hứa sẽ không cho ai biết, tôi muốn thay Quái Vật cất giữ những ký ức cuối cùng.
Từ ngày không còn Quái Vật, chúng tôi mất dần những nỗi sợ hãi đi ra từ trí tưởng tượng. Không còn Quái Vật, lũ trẻ cũng không còn thứ để gây sự tò mò. Không còn Quái Vật, chúng tôi không còn là những đứa trẻ.
Quyên GAVOYE
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...