Cua đồng mùa hạ
Sau mấy đợt nắng gắt, lúa cúi đầu nặng trĩu, hạt vàng óng ả, mẹ đi thăm đồng về nói rằng ngày mai sẽ bắt đầu vụ gặt. Nhà tôi có mấy vuông ruộng, địa hình cao thấp khác nhau. Có ruộng khô rang, ruộng lại ở vùng trũng, dưới gốc rạ nước xâm xấp ngập mắt cá chân. Những ruộng này khi gặt lúa tuy cực hơn nhưng lại có thêm chút cá, chút cua, phần nào cải thiện bữa cơm gia đình. Nhắc tới cua đồng, lúc đó hình ảnh mâm cơm có bát canh cua đồng cứ “chạy thẳng”, hằn sâu vào trong ký ức của tôi.
Cua đồng mùa hạ không béo bằng cua mùa mưa độ giữa mùa thu, nhưng lại khiến cho người ta nhớ hơn cả. Đó là những ngày hè oi bức, người ướt đẫm mồ hôi, sức lực dường như ai nấy đều cạn kiệt. Mâm cơm ngày hạ nhà nào nhà nấy thường có món canh gì đó để ăn cho… trôi cơm. Và canh cua đồng như một vị cứu tinh tuyệt vời. Là món ăn không những dễ ăn mà còn cung cấp nhiều chất dinh dưỡng.
Bắt cua mùa hạ thật dễ dàng vô cùng, nếu trong ruộng lúa lại càng dễ hơn nữa. Đi gặt cầm theo một chiếc xô nhựa đi cùng, vừa gặt vừa liếc mắt thoáng thấy cua bò lúc nhúc dưới chân là nhanh tay tóm lấy chúng cho vào xô. Cái thời tiết nắng nóng, lũ cua đồng lười biếng kiếm ăn, nằm im một chỗ nơi gốc lúa, hang hốc để tránh nóng. Còn nhớ mỗi khi thấy cua là tại ruộng gặt rôm rả vô cùng. Người này gọi người kia, nhất là đám trẻ con, thấy cua như bắt được vàng reo hò ầm ĩ. Chẳng đứa nào ngại bùn sình, cúi đầu ngả rạp xuống gốc rạ, nhẹ ngàng dùng tay chụp lấy chú cua đang ngơ ngác rồi bỏ gọn vào xô.
Người ở quê, cả người lớn và trẻ con thì nhìn cái đã biết đâu là cua đực, đâu là cua cái. Tuy nhiên chú cua nào cũng đáng quý, chẳng dại mà kén chọn không bắt. Cua bắt về để chúng vào chiếc chậu lớn, dùng đũa cả hoặc que to khuấy mấy vòng cho cua “say” rồi rửa lại nhiều nước cho tới khi sạch. Cái thời chưa có máy xay, thì cối đá vẫn cứ là “chân ái”. Nhà nào nhà nấy đều có một chiếc cối đá to đùng, thêm chiếc chày được đẽo từ thân cây gỗ khuynh diệp chắc chắn. Sau khi tách yếm, mai thì cho cua vào giã. Trong khi bố mẹ giã thì con cái dùng gai bưởi khều gạch để riêng ra một bát con.
Cái bát gạch cua tưởng chừng ít ỏi nhưng lại là linh hồn của cả nồi canh. Canh cua đồng nấu với loại rau gì cũng ngon hết sảy. Nhưng có lẽ ngon nhất vẫn là nấu với rau lẫn trong vườn. Hỗn hợp rau lẫn thường là một nhúm lá mồng tơi, rau đay, rau lang, bầu đất... Khi nồi nước cua đồng bắc lên sôi mấy trào, thả rau vào, sau đó là thả gạch nữa là nhấc xuống. Gạch cua vàng óng ả, béo ngậy làm tăng thêm độ bắt mắt của bát canh. Ăn canh cua đồng mùa hạ phải để thật nguội ăn mới cảm nhận độ mát lịm. Để tăng độ ngon thì canh cua đồng được ăn kèm với cà pháo muối chua. Húp một ngụm canh, cắn một miếng cà nhai cái rộp, chẳng mấy chốc mà nồi cơm hết veo lúc nào không hay.
Kết thúc vụ gặt, để thay đổi món ăn được hấp dẫn hơn mẹ tôi ra chợ mua mấy lạng miến gạo về luộc lên làm bún. Cũng hỗn hợp nước cua đun lên, nêm gia vị vừa ăn, thả vào nhúm cà chua bi chua thanh dịu mát. Ra vườn nhổ chút hành lá, mùi tàu, rau húng. Bát bún riêu cua múc ra cả nhà quây quần bên nhau ăn ngon vô cùng. Và có lẽ trong cuộc đời của tôi, đó là bát bún riêu mà tôi ăn thấy ngon nhất.
Thấm thoát vậy mà hơn hai mươi năm trôi qua. Ở quê bây giờ diện tích trồng lúa thu hẹp, phần vì người dân không còn mặn mà với nông nghiệp, phần nữa họ phải nhường đất cho các khu công nghiệp, nhà máy hay những cây trồng khác năng suất hơn. Cua đồng mùa hạ vẫn có nhưng hiếm thấy người ta đi bắt. Với những người xa quê hoài niệm, thì chúng vẫn luôn là một hình ảnh luyến nhớ, thân thương để mà soi rọi tháng năm của đời người, để biết cố gắng, vươn lên và học hỏi…
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...