Chủ nhật, ngày 06 tháng 10 năm 2024
08:47 (GMT +7)

Cử chỉ kèm lời trong tác phẩm văn học

VNTN - Cử chỉ kèm lời thuộc về các phương tiện phi ngôn ngữ trong giao tiếp. Đó là các cử chỉ do các bộ phân của cơ thể người nói thực hiện trước,   sau hoặc đồng thời với lời, được người nói sử dụng có ý tức hoặc không có ý thức, có tác dụng biểu đạt những thông tin bổ sung cho lời nói. Ví vụ:

Xuân Tóc Đỏ cúi đầu:

- Chúng tôi rất hân hạnh...

Rồi  ưỡn ngực mà tiếp:

- Mesừ  Xuân, giáo sư quần vợt, cái hy vọng của Bắc Kỳ.

(Vũ Trọng Phụng)

 Các cử chỉ cúi đầu, ưỡn ngực là những vận động của bộ phân cơ thể đi kèm theo lời nói, mang giá trị thông tin bổ sung cho lời. Đó là những cử chỉ kèm lời (CCKL). Cũng gọi là CCKL khi một CC nào đó dùng thay cho lời. Ví dụ: một người hỏi có đồng ý không, người đối thoại chỉ gật đầu mà không nói thêm câu gì.

Những hiện tượng phản ứng sinh lý như đỏ mặt, tái mặt, mà con người không kiểm soát được có thể tạo ra những thông tin bổ sung, nhưng không phải người nói chủ động sử dụng một cách có ý thức, thì không thuộc CCKL. ( Xuân đỏ mặt hồi lâu rồi ấp úng; Ông Phán kinh hãi đến tái mặt ấp úng giới thiệu...)

Cũng không phải là CCKL khi những CC xảy ra ngẫu nhiên trong khi nói mà không liên quan gì đến lời nói.

Trong các phẩm văn học, tiểu thuyết , truyện ngắn, nhà văn dựng lên những cuộc đối thoại giữa các nhân vật. Các nhân vật trong truyện khi đối thoại thường có những cử chỉ kèm lời, được nhà văn miêu tả một cách ngắn gọn, súc tích với những dụng ý khác nhau. Khi đọc các tác phẩm văn học, chúng tôi chỉ để ý khảo sất  các cử chỉ đặc biệt, bất thường như thở dài, thở hắt ra, nhìn chằm chằn, liếc, lườm và những CC  đột biến trong đối thoại như: đang ngồi bỗng dưng đứng lên, đang nói chuyện bỗng đi đi lại lại, hai tay đang để yên bỗng đập mạnh xuống bàn, gật đầu....

Sơ bộ thống kê qua một số tác phẩm văn học Việt Nam chúng tôi thu được kết quả những lượt lời của nhân vật được nhà văn miêu tả những CC kèm theo như sau:

- Hoàng Lê nhất thống chí: 30 lời / 215 trang truyện

- Truyện Kiều: 25 lời / 3254 câu lục bát

- Mùa lá rụng trong vườn:  264 lời/ 290 trang truyện

- Số đỏ: 183 lời / 235 trang truyệnn

- Sống mòn: 214 lời /221 trang truyên

- Bỉ vỏ: 268 lời / 162 trang truyện

( số liệu thống kê của Sinh viên LTMN)

Trong các tác phẩm văn học, CCKL của các nhân vật được các nhà văn miêu tả có thể xếp thành hai loại: CC đơn bộ phận và CC đa bộ phận.

CC đơn bộ phận là những CC do một bộ phân nào đó của cơ thể thực hiện.

+ CC dùng mắt:  mở to mắt;  lườm; lừ mắt; chớp mắt; nhắm mắt; trợn mắt, liếc nhìn; nháy mắt; nhìn thẳng vào mặt người đối thoại. Một vài ví dụ:

*“Bà phó Đoan mở to cặp mắt sung sướng nói:

- Ờ, thế sao y như họ nói anh và tôi! Xấu hổ lắm đấy, anh đừng tưởng bỡn”

*“Chết tôi tưởng... ông cụ thì làm gì có tiền

Thé thì chị không biết rồi – Lý trợn mắt”

*“ Phượng lườm yêu chồng:

- Thế mới cần có nam giới, mới cần có anh chứ

+ CC dùng nét mặt: Cười (cười là vân động của môi, nhưng cũng kéo theo sự vận động của các ở trên mặt, nên có thể xem cười là CC của mặt).Có thể nói trong các tác phẩm văn học, CCKL cười được nhà văn miêu tả nhiều nhất. Có nhiều kiểu cười khác nhau: cười như mếu; cười tung tóa; cười gượng, cười xòa; cười tủm tỉm; cười ồ ồ; cười mặn mà; cười khì, cười ra dằng mũi; bật cười, cười khẩy, cười nhỏn  nhẻn; cười ngượng nghịu, cười rũ rượi; cười gằn, cười sằng sặc; cười nức nở;  cười nhăn răng; cười hí hí...

*“ Lý cười khành khạch, bưng bát bún cuả Phượng lên:

- Ăn nốt đi chứ! Lại có kén rồi hay sao đấy!”

*“ Thứ cười chua chát:

- Mày tính cơm nước thế nào mà chúng tao ăn chả được! Cơm nhà mày còn nuót được nữa là!...”

Khóc : Khóc là vận động điều tiết của mắt nhưng cũng kéo theo sự thay đổi của nét mặt: *“ Quán tới lạy  chúa, vừa khóc vừa kêu gào rằng:

- ối trời ơi! Tôi giết chúa tôi rồi, trời có hay chăng?”

Nguýt: Nguýt có thể là CC của mồm, mắt hoặc cả hai nhưng nguýt cũng làm thay đổi nét mặt;

*“ Mặt Lý kéo một vệt nguýt sắc lẻm:

- Để sẵn gạo thị đấy, chỉ có việc nấu mà cũng lười!”

Nhăn mặt:

*“Cụ Hồng lại nhăn mặt lần thứ mười mà khẽ gắt cũng lần thứ mười rằng:  - Biết rồi! Biết rồi! Khổ lắm nói mãi!”

Cau mặt:

“Bà vợ không còn nhịn được. Ba cau mặt:

Nói be bé chứ! Làm gì phải quát lên như vậy?... Khiếp thật thôi..”

Nhăn trán, cau mày, nhíu mày... cũng là những CC thường được các nhà văn miêu tả với tính cách là những CCKL.

CC dùng chân: những CC như giậm chân, đá chân thường được miêu tả như là CCKL có tác dụng bổ sung thông tin về tình cảm , thái độ hoặc nêu yêu cầu gì đó đối với người nghe.

*“Thầy số đá chân Xuân mà rằng:

- Đích con cầu tự thật”.

- CC dùng vai:  so vai, nhún vai.

*“Bà Văn minh so vai mà rằng:

-Thưa bà, chúng tôi chỉ tiến theo luật tiến hóa chung của xã hội. Giữa buổi canh tân này, cái gì là bảo thủ thì bị đào thải đi ...

CC dùng ngực

“ Xuân Tóc Đỏ ưỡn ngực mà rằng- Mesừ Xuân, giáo sư quần vợt, cái hy vọng của Bắc Kỳ”.

CC dùng cổ (đầu): C dùng cổ và đầu gồm: Cúi đầu; gật đầu; gật gù; vênh mặt; lắc đầu; quay đầu sang hướng khác; hất hàm. Ví dụ:

“Lặng nghe lẩm nhẩm gật đầu:

Ta đây nào phải ai đâu mà rằng!

Nàng đà biết đến ta chăng

Bể trầm luân lấp cho bằng mới thôi “

*“Lý ôm cái ví đứng ngoài rìa đám khách (...)  hất hàm rất quyền thế và thân thuộc :

- Hai ba mươi nhé!

 CC dùng miệng và các cơ quan trong miệng: trề môi, bĩu môi; chép miệng, nhổ bọt; thở dài, nghiến răng, chặc lưỡi – tặc lưỡi, nhếch mép.Ví dụ:

*“ Y chép miệng:

- Giá chúng mình chưa có vợ con gì cả!”

*“Xuân Tóc Đỏ nghiến răng nói dồn:

- Có thực nó cảm không?”

CC dùng tay: các CCKL dùng tay được các nhà văn miêu tả nhiều nhất và phong phú nhất; Có thể phân loại thành bốn nhóm;

- Dùng tay tác động đến một bộ phân khác của cơ thể người nói: tay chống đầu, tay vỗ trán, tay gãi cổ; gãi gáy; vỗ đầu, chống tay lên háng, hai tay chống sườn, xoa hai bàn tay vào nhau, đập tay vào đùi; mân mê hai bàn tay; để tay lên mồm khẽ suỵt một tiếng; vỗ ngực ...

- Dùng tay tác động trực tiếp vào người đối thoại.: bắt tay; vỗ vai; lay vai, vuốt má, vuốt tóc, kéo áo...

- Dùng tay tác động đến các đồ vật: cầm thước đập vào bàn; gõ ngón tay lên bàn, đấm xuống thành giường, ném quyển sổ đang cầm trên tay xuống bàn...

- Các CC dùng tay khác: vung tay; vỗ đấm tay vào không khí, giơ tay lên trời mà than, giơ hai tay lên trời mà thề, dùng ngón tay chỉ vào người hoặc vật được nói đến...

CC đa bộ phận: đó là loại CCKL người nói thực hiện với sự phối hợp nhiều bộ phận cơ thể trong khi nói. Thuộc về loại CC đa bộ phậnn, có thể nêu một số trường hợp sau

- CC nhiều bộ phận. Ví dụ: *“Bà trưởng phòng đập thình thình cái bàn, giậm chân và đi đi lại lại rất hùng hổ, chốc chốc lại rít lên một hồi rất giận dữ”

- CC toàn thân. Đây là những cử chi làm thay đổi  vị trí hay tư thế của cơ thể, như:

+ đứng lên:* “ông Phán đứng phắt dây (...) kêu thất thanh”

+Ngồi xuống: *”Cần ghé ngồi xuống cạnh giường cha:”

+ Ngồi dậy:* “Tức thì cụ ông ngồi dậy quả quyết

+ Nhhảy lên: *“Lý nhảy chồm chồm”

+ Đứng lại: *”Xuân đứng dừng lại kinh ngạc hỏi dồn”

+ Quỳ lạy:* “Luận quỳ xuống cạnh giường cha(...) nghẹn ngào”.

.....

Từ những liệt kê trên đây có thể thấy CCKL được người Việt sử dụng trong giao tiếp rất phong phú, và nhà văn đã phản ánh những CC đó vào tác phẩm rất đa dạng và sinh động. Có những CC được dùng phổ biến thành nghi thức xã hội, như bắt tay khi chào hỏi, kẻ bề dưới quỳ lạy bề trên khi bẩm tâu. Có những cử chỉ có tính riêng biệt thể hiện nét riêng của từng nhân vật, trong những tình huống giao tiếp riêng biệt. Ví dụ: “Ăn nữa - San  gân cổ  đáp, rồi chống đũa xuống lòng bát không, ngồi dòm đĩa thịt. Y có vẻ muón ăn nữa thật”.

CCKL và lời nói có quan hệ mật thiết với nhau. Có những CC được thực hiện trước khi phát ngôn, Ví dụ: “Mắt y gà gà, díp lại. Y mở chúng ra, từ từ nhìn vòng quanh tất cả mọi người một lượt kêu lên:

- Ô này! Thôi cả thế à? Ăn  đi chứ? Tôi còn ăn cơ mà!”CCKL có thể được thực hiện theo sau lời nói. Ví dụ: - “ Gớm! Gớm! Thế thì cậu khinh cô giáo con quá - Mô ngửa mặt lên cười rồi lại nghiêm nét mặt lại.” Và có những CC thay lời.  Nhưng phổ biến hơn cả là những CC được thực hiện đồng thời với việc nói ra lời. Ví dụ: “ Ông đưa  cho Mô một chén: - Cậu Mô xơi nước”. Trong giao tiếp nhiều khi cùng hành động ngôn ngữ, nhưng người nói sử dụng CC khác nhau thì giọng điệu cũng sẽ khácn  hau; Ví dụ:

“San và thứ cúi chào:

- Bà ạ.

- Cháu không dám ạ! Lạy hai ông”

“ Xuân tóc đỏ hất hàm hỏi:

- Ông hỏi gì? Mời ông ngồi!

CC “cúi chào”  biểu thị thái độ tôn trọng, lễ phép. CC “hất hàm” biểu thị thái độ trịch thượng đối với người đối thoại. Các CC như “trợn mắt, quay phắt lại, đập bàn ... là những CC biểu thị sự tức giận, sự nóng nảy và thường đi kèm theo những câu cảm thán hoặc  nghi vấn.

- *”Câm ngay! Tôi cấm cô động đến chuyện ông cụ Chí. Đồ vô đạo đức!

Đông đấm mạnh tay vào bậu cửa, quát rồi đi ra khỏi phòng”

CC và lời nói có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, hỗ trợ nhau.  Những cử chỉ như bịt miệng, xua tay, chỉ tay, lắc đầu... vừa giúp cho  lời nói có hiệu quả hơn, vừa gây sự chú ý cho người nghe.

Căn cứ vào kết quả khảo sát qua các tác phẩm văn học, chúng ta có thể thấy các nhà văn đã miêu tả CCKL của các nhân vật với những chức năng chủ yếu sau:

a) CC có tác dụng bổ sung làm rõ nội dung của lời. Thường là, CC có tác dụng minh họa cho nội dung của lời.

“Nghị Hách cười ha hả một hồi, cứ vỗ mãi vào vai Long (...) vừa nấc nấc vừa nói:

- Mày còn ngu lắm! Mày có biết ở những nơi phồn hoa đô hội như Hà Nội, Hải phòng, người ta bán chữ trinh của người ta bao nhiêu không?(Đến đây, lão xòe bàn tay ếch ra) Năm đồng (...)”

CC có tác dụng cụ thể hóa hành vi ngôn ngữ, làm cho người nghe biết rõ mình phải làm gì.

“Long bỗng đứng phắt lên trỏ tay ra cửa:

- Ông đi đi ! Ông đi ngay đi!”

CC trỏ tay ra cửa kết hợp với lời nói” đi đi..” có nghĩa yêu cầu người nghe phải đi ngay, đi lối này”

Với chức năng bổ sung những thông tin cho lời về việc phản ảnh cái thực tại, các CCKL trong tác phẩm văn học có giá trị khắc họa rõ nét tính cách nhân vật. Đọan văn miêu tả Xuân  Tóc Dỏ  diễn thuyết là một ví dụ tiêu biểu: “Hỡi công chúng! Mi chưa hiểu rõ những lời lẽ cực kì to tát khiến ta phải đành nhường giải cho nhà vô địch Xiêm La!  Quần chúng nông nổi ơi! Mi đã biết đâu cái lòng hi sinh cao thượng vô cùng (nó vỗ ngực) nó khiến ta phải chối từ danh vọng riêng của ta đi để góp một phần vào việc tiến bộ trong trật tự và hòa bình của tổ quốc! Giữa cái giờ phút nghiêm trọng này, điều cốt yếu của người xả thân cứu nước không phải là chỉ nghĩ đến mình, mà là cốt giữ cái mối thiện cảm của một nước lân bang (nó đấm tay xuống không khí)! Ta (nó giơ cao tay lên)không muốn cho hàng vạn mạng người làm mồi cho binh đao, mắc lừa bọn buôn súng! (nó đập tay xuống). Hỡi quần chúng! (...) Hoà bình vạn tuế (...) Như một bậc vĩ nhân, nó giơ quả đấm chào loài người, nhảy xuống đất, lên xe hơi. (Vũ Trọng Phụng)

 b) CC có tác dụng phụ trợ làm tăng hiệu lực của lời nói:

“ -Cô xóa ngay con số một trăm ấy đi cho tôi! Không được chị ạ.

- Tôi yêu cầu!

Bà đập bàn đánh chát rồi bỏ ra giữa phòng”

CC đập bàn có giá trị như sự bộc lộ tức giận, một sự ra lệnh, dồn ép người nghe phải thực hiện yêu cầu của người nói.

c) Các CC kèm lời có tác dụng biểu lộ những tình cảm thái độ của người nói. Vỗ tay biểu lộ sự đồng tình, ủng hộ; khuyến khích , động viên : “Ngần ấy người đều vỗ tay reo lên:- Được lắm! được lắm!” Lắc đầu tỏ thái độ không đồng ý, từ chối; không đồng tình.”Lắng nghe vừa ý gật đầu/ Cười rằng tri kỉ trước sau mấy người”CC đập bàn thể hiện sự tức giận, sự phủ nhận một điều gì đó: Đông đập bàn gào lên thống thiết và uất hận: - Khốn nạn! tôi ghê sợ!” Nếu vai giao tiếp thuộc bề trên, CC đập bàn có gía trị ra uy, ép buộc người nghe thực  hiện yêu cầu của mình: “ Viên quản đập bàn: - Im! Im ngay! Để bản chức hỏi đã.. Ai phải, ai trái? Đầu đuôi ra sao? Anh này đánh người kia vì lẽ gì? Khai ra! “Vỗ đùi “ là CC thể hiện sự tán thưởng: “Jóseph Thiết vỗ đùi kêu to lên: -Hay! Hay! Bravô!”  CC thở dài biểu thị tâm trạng buồn chán, bi quan, thất vọng: “ Lẳng lặng một lúc lâu. rồi Liên bỗng thở dài, rầu rầu bảo: - Tôi vẫn định chẳng nói ra làm gì để nghĩ ngợi thêm phiền. Nhưng ở nhà này khổ lắm(...)”

Tóm lại, trong các tác phẩm văn học, các CCKL được nhà văn miêu tả rất phong phú, tù thuộc vào ctính cách nhân vật, hoàn cảnh nói năng. Nó cũng tùy thuộc vào nền văn hóa của từng vùng , từng dân tộc và thời đại.  Nhưngvượt lên trên những nét riêng cảu từng nhân vật, ta vẫn tháy CCKL có các hức năng chung: minh họa cho lời nối, bổ sung những thông tin về điều được nói đến, về tâm trang của hân vật và bổ sung về những đòi hỏi của người nói đối với người nghe.

Lương Bèn

[su_button url="https://vannghethainguyen.vn/2016/11/22/10565/"]Trở về thư viện tác giả[/su_button]

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy