Thứ bảy, ngày 27 tháng 07 năm 2024
22:24 (GMT +7)

Cổng nhà có tiếng đầu ban

- Cụ Ngạn ơi, đuổi chó giùm con với nhả! Con gửi cụ phần lộc của buổi lễ sáng nay.

- Ôi dào! Nếu thấy đứa cháu nào đi học về thì gửi chúng nó cũng được, lặn lội nắng nôi thế này, bà vất vả rồi.

Đó là tiếng của bà đầu ban Nguyễn Thị Cúc ở thôn Đình Dầm, xã Nga My, huyện Phú Bình sau một buổi đem lễ lên chùa ngày mồng Một hàng tháng đem phần chuối, oản đến nhà các cụ bà trong làng.

Một đầu ban ở xã Điềm Thụy (huyện Phú Bình) đi phát lộc đến từng nhà trong làng
Một đầu ban ở xã Điềm Thụy (huyện Phú Bình) đi phát lộc đến từng nhà trong làng

Đầu ban là tên gọi những người đàn bà ngoài năm mươi tuổi ở một khu trong làng phụ giúp lễ vật dâng lên chùa ngày Tết, lễ, mùng Một, hôm Rằm và cả việc ma chay, ốm đau. Không nhận một đồng hỗ trợ, không phải bầu bán, đến lượt thì làm, thậm chí tự nguyện xin gánh vác. Mỗi năm, từng khu chọn một người làm đầu ban. Đó là người đàn bà nhanh nhẹn, tháo vát, quán xuyến được từ việc: mua chuối chín, hoa tươi, làm số lượng oản nếp, bánh trái, rượu, nước, hương vòng, quần áo mã chúng sinh trình ban thờ Phật nấu những nồi cháo chay lớn đến việc đi từng nhà thu tiền đóng góp, gạo lễ của các cụ bà dâng lên chùa.

Tín ngưỡng thờ Phật chiếm một vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của cư dân Phú Bình. Trong tỉnh Thái Nguyên, Phú Bình là huyện có nhiều chùa nhất. Trong đó, một số lượng lớn là các ngôi chùa cổ với giá trị về nhiều mặt, được xây dựng phổ biến ở các xã, thôn rải rác trong toàn huyện như chùa Nga My, Hà Châu, Hộ Lệnh, đình - đền - chùa Cầu Muối, chùa Ha, chùa Diệm Dương, chùa Khánh Long.... Bản thân các ngôi chùa là cơ sở thờ Phật ở địa phương, nhưng xét ở các góc độ khác, ngôi chùa còn là cơ sở văn hóa trên nhiều phương diện, trong đó có lĩnh vực kiến trúc, điêu khắc, văn tự, lịch sử... Tuy nhiên, ở miền đất cổ như Nga My, Hà Châu, Úc Kỳ, ít ngôi chùa có sư trụ trì. Đa phần, các chùa đều được bà con cắt cử người đứng ra quản lý, trông coi và bà con các xóm cùng nhau sinh hoạt tín ngưỡng.

Các cụ bà từng làm đầu ban trở thành cụ thượng trong việc làng và giàu kinh nghiệm có thể cho lời khuyên các thế hệ nối tiếp
Các cụ bà từng làm đầu ban trở thành cụ thượng trong việc làng và giàu kinh nghiệm có thể cho lời khuyên các thế hệ nối tiếp

Bà đầu ban Nguyễn Thị Cúc kể: Trước những ngày lễ vài hôm, đầu ban đến từng nhà thông báo ngày lên chùa, hoặc là lao động trồng cây, dọn dẹp hoặc làm lễ cầu an, mỗi cụ đóng góp bát gạo nếp, vài đồng tiền lẻ. Ai cũng vui vẻ đồng ý và nhớ ngày lên chùa. Ngay từ đêm cuối tháng âm lịch, những người đàn bà trung tuổi tụ tập lại một nhà ở gần đường để đồ xôi nếp, lấy khuôn đóng oản, cắt lá mít, xếp đủ vào mâm. Rồi sau đó xếp chuối chín ra nải, chọn lấy những nải đẹp nhất kèm bánh trái, bỏng kẹo, hương vàng.

Khi mặt trời chưa thức, những bà đầu ban của từng khu mặc áo nâu dài, đeo tràng hạt hoặc vận áo bà ba, quần lụa đen gánh từng gánh lễ đi bộ đến chùa trong xã nhờ sư, thầy làm lễ. Những cụ nào đến chùa được sẽ cùng giúp bày biện, ngồi tụng kinh, cầu cho gia đình, dân làng được mạnh khỏe, bình an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.

Suốt buổi lễ, đầu ban luôn chân luôn tay, từ trải chiếu, pha trà, têm trầu, đến chia lộc thành từng phần đều nhau, đủ số lượng từng người không thừa, không thiếu. Gần trưa, bất kể mưa gió hay nắng gắt, với chiếc xe đạp điện, bà chở phần lộc đến từng nhà các cụ cao tuổi, ốm đau để ai cũng có phần. Bà đầu ban còn kể lại buổi lễ hôm nay có gì mới, nhiều cụ đi lễ hay ít và sư, thầy có căn dặn gì kèm lời chúc từng nhà mạnh khỏe, hỏi thăm mùa vụ.

Đầu ban và các cụ bà chuẩn bị trầu, cau, hương, oản cho buổi lễ
Đầu ban và các cụ bà chuẩn bị trầu, cau, hương, oản cho buổi lễ

Đầu ban còn thông báo cho các cụ bà tình hình sức khỏe của các cụ thượng (từ 70 tuổi trở lên). Theo cụ bà Tại Thị Soi ở xã Hà Châu: Nếu trong khu, trong làng có cụ nào ốm đau, đi viện điều trị về thì sẽ chọn ngày công việc nhàn rỗi hoặc buổi tối không mưa để đến nhà thăm hỏi. Quà chỉ có cân đường, hộp sữa và tiền mặt không nhiều nhưng các cụ được động viên tinh thần rất lớn.

Mọi người cùng ôn lại những năm tháng còn trẻ hoặc kinh nghiệm làm đầu ban của mình. Người thì gặp khó khăn khi mùa đông rấm chuối mãi không chín. Người thì chọn được gạo nếp đồ lên dẻo thơm, đóng oản trông thật đẹp. Cụ bà nào bệnh tình trở nặng, nằm liệt giường chiếu lâu ngày, đầu ban lại thông báo cho các cụ bà sang thăm đều, làm lễ tụng kinh cầu sức khỏe và làm ấm cửa nhà. Tiếng kinh của các cụ bà đều đều cất lên làm cho con cháu cũng bớt phần nào lo lắng. Người bệnh cảm thấy mình không còn là gánh nặng, cảm thấy sinh - lão -bệnh - tử là thuận theo tự nhiên.

Khi trong làng có cụ nào nằm xuống, đầu ban cũng như những người đứng đầu hàng khu (đàn ông chuyên lo việc hiếu được cắt cử hàng năm) lại đến từng nhà thông báo cho các cụ giờ phúng viếng của Hội Người cao tuổi. Đầu ban đến giúp gia đình tiếp đón khách đường xa, động viên, thăm hỏi và gửi lời cảm ơn trong lúc tang gia bối rối. Đêm chính, tại nhà tang chủ, các cụ bà sẽ ngồi tụng kinh, niệm Phật cho linh hồn người đã khuất sớm được siêu thoát. Sáng hôm đưa đám ra đồng, các cụ bà mặc áo lễ nâu, đội khăn vuông, cầm cờ phướn thướng tiền lẻ bắc cầu cho linh hồn lên trời.  

Từ những năm chống Mỹ cứu nước, các cụ cao tuổi ở Phú Bình đã tích cực tham gia vận động con cháu chăm lo sản xuất, đi bộ đội, trồng cây, gây rừng, sống gương mẫu, góp thóc gạo cho tiền tuyến... nhiều địa phương tiêu biểu cho phong trào “Phụ lão ba giỏi” và riêng xã Nga My có 496 phụ lão tham gia. Trong các phong trào này, người gánh vác việc đầu ban đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc cùng chính quyền cơ sở kết nối các cụ bà ở những xóm xa, đường đi lại khó khăn.

Ra hè, vào hè, một năm có 2 vụ tuần, 3 vụ khóa tụng, những người đầu ban “vác tù và hàng tổng” gác lại chuyện chăm cháu, đồng áng, tạp vụ ngoài khu công nghiệp để chọn một ngày làm tròn trách nhiệm của các cụ bà trong làng giao phó. Nông thôn đổi mới, việc đi lại của bà con đã thuận lợi rất nhiều, đời sống vật chất, tinh thần ngày một nâng cao, tiếng gọi của đầu ban vẫn văng vẳng ngoài cổng nhà đem niềm tin đến cho người già, món quà cho con trẻ.

Giang Sơn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy