Thứ năm, ngày 19 tháng 09 năm 2024
09:09 (GMT +7)

Con trâu trong nghệ thuật tạo hình

VNTN - Ngày nay, tuy hình ảnh con trâu thưa vắng dần trên đồng ruộng, nhưng với một xã hội có nền văn minh lúa nước như nước ta, hình ảnh con trâu mãi trường tồn. trong văn học - nghệ thuật, những câu hát ru cho bé mãi vẹn nguyên: trâu ơi ta bảo trâu này/ trâu ra ngoài ruộng, trâu cày với ta/ cấy cày vốn nghiệp nông gia/ ta đây, trâu đấy ai mà quản công… và với nghệ thuật tạo hình, con trâu luôn là đề tài hấp dẫn được các nghệ nhân xưa cùng các họa sĩ sau này khai thác.


Tranh của Lê Thiết Cương

Nhìn lại lịch sử nghệ thuật tạo hình Việt Nam thì thấy những bức tranh, tượng và chạm khắc gỗ đình làng Việt Nam khi mô tả cảnh sinh hoạt ở nông thôn, luôn luôn xuất hiện con trâu. Thời kỳ vua Hùng dựng nước, con trâu góp phần xây dựng căn bản cho nền văn minh lúa nước, hình ảnh đó ăn sâu vào trong đời sống dân gian Việt Nam. Minh chứng rất rõ, đó là tượng trâu bằng đất nung được giới khảo cổ học tìm thấy trong Di chỉ Đồng Đậu cách đây hơn ba ngàn năm. Hay trên mặt trống đồng Bắc Lý ở Hiệp Hòa (Bắc Giang) còn chạm khắc hình ảnh hội đâm trâu của người Việt cổ. Ở buổi đầu dựng nước có nhiều tượng trâu ở Di chỉ đình Chàng (tên gọi khác là đình Chu Quyến thuộc xã Chu Minh, huyện Ba Vì, Hà Nội). Nhiều đình chùa đã chạm khắc và tạc tượng trâu. Thời nhà Lý, chùa Phật Tích, Bắc Ninh xây dựng năm 1057, có cặp tượng trâu to bằng trâu thật, tạc trên đài sen ở sân chùa. Thời Lê trung hưng con trâu trở thành hình chạm trang trí khá phổ biến. Chùa Bút Tháp - Bắc Ninh xây dựng từ thế kỷ 13, trùng tu lại toàn bộ và hoàn thành năm 1647, tại lan can đá ở thượng điện và tháp Bảo Nghiêm đều có hình trâu chạm nổi. Ở tấm bia đá chùa Cảnh Phúc, Nam Định xây dựng năm 1695, cũng có hình chạm con trâu đang nằm nghỉ.

Các bia tiến sĩ ở Văn Miếu (Hà Nội), cũng có trang trí hình trâu. Ở diềm của tấm bia (năm 1653), đối diện cảnh cầu hiền là cảnh cày tịch điền có 3 lớp hình: cận cảnh là con trâu xoay ngang, đứng co một bên chân, đằng sau có hai viên quan mũ cao áo dài chắp tay thi lễ, và sau cùng là chiếc cày chỉ còn hở nửa trên. Ngoài cách tạc tượng trâu thì hình tượng con trâu cũng xuất hiện nhiều trong các bức tranh dân gian, nghệ thuật điêu khắc gỗ ở các ngôi đình làng đầy tinh xảo. Hình tượng con trâu cũng đi vào kiến trúc xây dựng nhà cửa, trong đó người Sán Chay có xây nhà theo hình một con trâu thần. Ngoài ra, những dân tộc khác cũng coi hình tượng con trâu là con vật linh thiêng, có nơi thờ tụng.

Trong tín ngưỡng nông nghiệp, hình ảnh con trâu còn thể hiện trên nhiều lĩnh vực. Chiếc sừng trâu gợi lên hình ảnh trăng lưỡi liềm, biểu tượng của nước trong tín ngưỡng nông nghiệp. Lúc đón Giao thừa, người ta ra xem trâu nằm hay trâu đứng, trâu ngoảnh đầu ra cửa hay quay đầu vào trong để biết năm đó làm ăn có thuận lợi hay không. Con trâu xuất hiện trong lễ hội dân gian với vai trò là vật tế lễ linh thiêng cũng phản ánh tín ngưỡng của người Việt.

Theo văn hóa phương Đông, ở Việt Nam, từ lâu đã có quan niệm loài trâu biểu tượng cho sự hiền lành, cần cù, chăm chỉ, thật thà. Hơn nữa, con trâu còn biểu tượng cho sự mưu trí, thông minh. Câu chuyện cổ tích “Trí khôn của ta đây” mà ông bà, cha mẹ thường hay kể cho các em nhỏ nghe là minh chứng về điều này. Qua hàng ngàn năm thay đổi và phát triển, sự quan trọng và ý nghĩa của con trâu vẫn không hề thay đổi. Trong mô típ trang trí truyền thống hay cầu may, con trâu cũng là một hình tượng thường xuyên được sử dụng. Trong kinh doanh, con trâu có ý nghĩa mang đến tài khí dồi dào, thuận lợi, may mắn trong các lĩnh vực kinh tế. Về cung mệnh, cha ông ta từ xa xưa đã có quan niệm rằng người mang tuổi Sửu sống tự tin trong mọi hoàn cảnh; trung thực, lao động cần cù, làm ra tiền nhưng sống cần kiệm, tìm mọi cách để được cuộc sống an toàn, thanh thản; thích giao du rộng rãi nhưng chỉ trong mối quan hệ đứng đắn và bền chặt; thường ẩn mình sau bề ngoài khiêm nhường, không để ai nịnh bợ đánh lừa… Nhưng lại có nhược điểm là khó tự diễn đạt những tình cảm sâu kín và thường sống cô đơn.

Chỉ tìm hiểu riêng dòng tranh dân gian, chúng ta thấy con trâu đã được khai thác ở nhiều khía cạnh khác nhau như: chăn trâu thổi sáo, chăn trâu thả diểu, chăn trâu đọc sách, chọi trâu, lão nông nghỉ trưa… Với đặc trưng của chất liệu và kỹ thuật in - khắc gỗ dân gian, đến nay những bức tranh dân gian này vẫn còn nguyên giá trị cả về nội dung và nghệ thuật. Những nét thô mộc, chắc khỏe của tranh Đông Hồ - nét tinh xảo của tranh Hàng Trống, hình ảnh con trâu được nhấn mạnh, với dáng vẻ khái quát và cách điệu cao. Từ những nét đặc trưng đó, giá trị nghệ thuật của bức tranh dân gian được nâng lên một mức. Ta thử xem và suy ngẫm vài bức thì thấy rõ, chẳng hạn bức “Đổi công nô nức thi đua” (tranh Đông Hồ), các nhân vật trong tranh hòa quện, sinh động, khơi gợi được không khí hồ hởi của bà con nông dân trong buổi cày “đổi công”. Những chú trâu mỗi con một vẻ: con thì cần mẫn kéo cày, con thì ve vảy đôi tai như đang dõi theo câu chuyện của thợ cày. Dường như chúng cũng hiểu được trách nhiệm của mình trong buổi cày. Lối bố cục đơn tuyến bình đồ, ý niệm được không gian trong tranh, sự gắn kết giữa mảng hình và mảng nền rõ nét. Bức “Trâu Sen” (tranh Đông Hồ) có tài liệu ghi “Chăn trâu thổi sáo”, ca ngợi cảnh thanh bình đầm ấm của một làng quê với hình ảnh chú mục đồng ngồi xếp bằng trên lưng trâu thổi sáo. Trâu đang bước thủng thẳng, còn em bé dựng một tàu lá sen xòe rộng như chiếc lọng che trên đầu, phía trên đầu trâu có dòng chữ “Hà diệp cái thanh thanh” (Lọng xanh lá sen). Trong tranh con trâu với đôi sừng cong như hai cánh cung có đường viền trang trí nổi bật trên bộ lông đen tuyền - nó dỏng tai, nghếch mõm lên như đang thưởng thức tiếng sáo trầm bổng, thấm đẫm hồn quê. Cùng trong bộ mục đồng, bức “Em bé chăn trâu thả diều” (tranh Đông Hồ) lại khác. Trong tranh, mục đồng ngộ nghĩnh nằm ngửa trên chiếc chiếu trải trên lưng trâu, thả chiếc diều no gió căng phồng, trên nền trời trong xanh lồng lộng gợi nên một cuộc sống thanh bình; phía trên đầu trâu có dòng chữ “Nhất rương phúc lộc diều” (Diều no phúc lộc). Bức “Chọi trâu” (tranh Đông Hồ) thể hiện một tục lệ độc đáo trong lễ hội ở một số địa phương của Việt Nam. Giữa tranh là một lá cờ ngũ sắc thường gặp trong các lễ hội dân gian. Trên lá cờ có ghi dòng chữ “Hội chí lầu”. Phía sau hai con trâu là hai tấm bảng có chữ “Đông xã” và “Tống xã”. Tranh “Chọi trâu” còn có một dị bản, về hình thức tương đối giống nhau, nhưng ý cũng thay đổi đôi chút. Tranh Hàng Trống, ở bức “Cờ lau tập trận”, thì được mô tả khía cạnh khác có dấu tích lịch sử. Những con trâu và thời niên thiếu của Đinh Bộ Lĩnh với đường nét trau chuốt không khác lạ so với các con trâu trong tranh “Ngư Tiều Canh Mục” hay “Canh Nông Chi Đồ” - rất hiền lành và hồn nhiên. Nói chung, hình tượng con trâu trong tranh, tượng dân gian luôn chân thực, giản dị và rất gần gũi với người lao động.

Sau năm 1925, hàng loạt các họa sĩ được đào tạo bài bản tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (nay là Đại học Mỹ thuật Việt Nam). Trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, nền mỹ thuật đương đại đã hình thành và góp phần không nhỏ vào sự nghiệp kháng chiến giải phóng dân tộc. Ngoài những bức tranh có nội dung phục vụ kháng chiến, các họa sĩ đã quan tâm khai thác đề tài gần gũi với cuộc sống hiện tại. Hình tượng con trâu cũng là một đề tài khá được ưa chuộng trong tranh của nhiều họa sĩ bậc thầy như: Nguyễn Sáng (Chọi trâu), Nguyễn Tư Nghiêm (Con nghé quả thực), Tô Ngọc Vân (Con trâu quả thực), Nguyễn Tiến Chung (Chăn trâu), Bùi Xuân Phái (Tết Ất Sửu), Lưu Công Nhân (Một buổi cày),… sau này có Lê Trí Dũng, Lê Thiết Cương, Thành Chương,… và một số họa sĩ trẻ khác đều có tranh vẽ trâu sinh động và rất cá tính. Các họa sĩ hiện đại vẽ con trâu, tựu trung chủ yếu ở miền Bắc. Bởi họ được gần gũi với sinh hoạt nông thôn, đồng thời đã quen cảnh “con trâu đi trước, cái cày theo sau” và đã in sâu đậm trong tiềm thức của nhiều họa sĩ miền Bắc ngay từ thời thơ ấu. Ở miền Nam thì khác, các họa sĩ phần đông sống ở đô thị nên trong tranh của họ ít xuất hiện hình ảnh con trâu, có chăng chỉ là điểm xuyết đôi nét trong một vài bức phong cảnh.

“Năm Ất Sửu 1985” (thiệp chúc tết) họa sĩ Bùi Xuân Phái vẽ thật hóm hỉnh trên lưng trâu một anh chàng bảnh chọe với veston, cà vạt, giày da màu đỏ rực. Bức “Chọi trâu” của Nguyễn Sáng, với bút pháp mạnh bạo, khúc chiết, ông mô tả cuộc chọi trâu bằng phấn màu rất hiện đại. Hay “Một buổi cày” của Lưu Công Nhân, với gam màu nâu ấm, đường nét uyển chuyển dung dị cho thấy kỹ thuật vẽ sơn dầu điêu luyện của ông. Bố cục dàn trải theo chiều ngang, tác giả đã gợi tả không khí của một buổi cày đầy hào hứng của các thợ cày khi được làm chủ ruộng đồng.

Đáng chú ý, những năm gần đây, họa sĩ Thành Chương cho ra mắt những họa phẩm gây ấn tượng mạnh với công chúng. Vẫn là hình tượng con trâu, nhưng tranh của Thành Chương đầy cá tính, trừu tượng, thiên theo trường phái lập thể. Họa sĩ có tư duy hình nét và bố cục hết sức linh hoạt. Tranh của ông sử dụng nhiều mảng hình học lắp ghép với nhau (tròn, trụ, oval, chữ nhật, tam giác...) hoặc các đường nét sắp đặt trên các mảng dẹt một cách ngẫu hứng. Ông chia sẻ: “Tôi sinh ra ở nông thôn, từng có tuổi thơ chăn trâu cắt cỏ nên trong tiềm thức lúc nào cũng hiện lên hình ảnh trong sáng, đẹp đẽ của con trâu và cánh đồng. Người Việt ta có câu nói thật chính xác “Con trâu là đầu cơ nghiệp”. Hình ảnh con trâu gắn bó với nền nông nghiệp của nhiều nước châu Á, nhưng ở Việt Nam, tinh thần và tình cảm của con người với con trâu là rất khác biệt. Con trâu là một thành viên trong gia đình nông dân Việt Nam. Khi tôi vẽ con trâu tôi luôn cố gắng thể hiện tinh thần gần gũi, gắn bó mật thiết ấy”.

Dẫu mỗi họa sĩ có nhiều phong cách khác nhau, có những bức tranh vẽ trâu khác nhau, nhưng hầu hết đều có điểm chung là họ vẽ từ thực tế trải nghiệm, là ký ức tuổi thơ gắn với làng quê Việt Nam. Thiết nghĩ, người xem tranh trâu dường như đang được họa sĩ cho đi ngược thời gian, thả hồn về chốn quê xưa cũ, cùng bầu bạn dong trâu giữa thanh bình. Với nhiều người đó chỉ mãi mãi là giấc mơ. Hy vọng năm Tân Sửu (2021), công chúng sẽ được hưởng ngoạn thêm nhiều bức tranh trâu đầy ấn tượng, với tinh thần mới, cảm xúc mới.

Gia Bảy

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy