Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
10:43 (GMT +7)

Con trai người Xá Phó

Đôi nét về tác giả:

Tống Ngọc Hân tên thật là Tống Thị Ngọc Hân, sinh 02 tháng 9 năm 1976 tại xã Đông Lĩnh, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ. Chị từng theo học tại khoa Văn, Trường Cao đẳng Sư phạm Vĩnh Phú nay là Đại học Hùng Vương. Chị có hơn hai mươi năm sống gắn bó với vùng núi Sa Pa, tỉnh Lào Cai, nên tác phẩm của Tống Ngọc Hân ăm ắp những chất liệu, hơi thở cuộc sống của con người miền sơn cước.

Tống Ngọc Hân đã xuất bản 13 đầu sách thuộc các thể loại: Thơ, truyện ngắn, truyện thiếu nhi và tiểu thuyết. Chị đã đoạt nhiều giải thưởng tại các cuộc thi viết của trung ương và địa phương. Truyện ngắn “Con trai người Xá Phó” được Giải thưởng cuộc thi truyện ngắn của Tạp chí Văn nghệ quân đội năm 2013 - 2014.

Tống Ngọc Hân được kết nạp vào Hội nhà văn Việt Nam năm 2013, hiện chị đang sống tại Tam Nông, Phú Thọ.

Con trai người Xá Phó

Tiếng rên hừ hừ, tiếng răng va vào nhau cầm cập của mấy đứa trẻ như giục giã. Chỉn nhồi củi đầy bếp, phồng mồm thổi lửa. Lửa bùng lên, bọn trẻ con nhao nhao chìa tay ra vờn lửa. Những bàn tay nhỏ xíu, đỏ ửng lên vì rét. Tuyết trên núi vẫn chưa tan. Núi nhấp nhô, trắng xóa như hàng cúc bạc giữa ngực trời.

Bà già gần bảy mươi, mẹ của Chỉn đi đôi dép nhựa cũ rách, nhọ nhem như được moi ra từ xó xỉnh nào. Lâu lắm rồi mới xỏ vào dép nên chân còn ngượng. Có dép rách mà đi cũng tốt. Mấy đứa trẻ con mới gọi là khỏe phá. Cũng có dép đấy, nhưng mà rách bươm, mỗi chỗ một mảnh, giờ thì chân không. Đứa gái lớn tám tuổi nhà Chỉn ngồi trên ghế con, ưỡn ngực vào lửa. Nó kêu lửa chỉ ấm cái mặt thôi, cái lưng vẫn rét lắm. Chỉn nhìn quanh. Ba gian nhà vách nứa mái tranh chênh vênh lưng núi, bốn bề gió lộng. Nhà chả có đồ đạc gì giá trị ngoài hai cái giường tre Chỉn tự đóng và cái nồi nấu rượu bố mẹ cho khi ra ở riêng. Đứa trai lên năm thì ngồi xổm, rụt cổ, tí tí lại thè lưỡi liếm hai cái môi nứt nẻ, rỉ máu. Nó bảo người ấm rồi nhưng trong bụng vẫn lạnh. Chỉn biết là nó đói. Thường, những ngày ấm áp, tạnh ráo thì nấu cơm ăn hai bữa sáng và tối để còn đi nương. Kể từ hôm tuyết rơi trên núi, cái giá buốt tràn về bản, không đi làm được nên bỏ bữa sáng, ăn bữa trưa. Bà già chống gối đứng dậy, gỡ cái mân đan bằng giang treo trên vách vầu xuống, lôi ra một cái áo cũ. Bà lấy dao cắt ra hai dải vải vẫn còn lành, cẩn thận cuốn hai bàn chân lạnh ngắt vào. Chân mới chả tay, cứ tê cứng, ngồi cả tiếng rồi chưa nhận biết hơi lửa. Bọn trẻ con thấy bà cuốn giẻ rách vào chân thay tất thì cười ầm lên. Mũi chúng đỏ như mũi thỏ. Đứa gái bé nhất mới lên ba thì đang mải nghịch than nên không kêu ca gì. Hai cái má nó căng ra, nẻ từng vệt dài.

Thấy Chỉn lục lạo trên gác bếp, con bé lớn hếch mũi lên hỏi. “Cá hả bố?”. Chỉn cầm xiên thịt chuột sấy cuối cùng và phủi qua bụi bồ hóng. Bọn trẻ con thích quá reo ầm lên. Nhờ có bà nội đến mà chúng được ăn thịt chuột. Kể từ khi vào đông, suối cạn, cả tháng rồi nồi niêu, dao thớt chưa ngửi thấy mùi cá. Chỉn cời than ra, gác xiên thịt chuột sấy lên hai cành củi để nướng. Nhân tiện nướng luôn mấy quả ớt. Bà già chẹp chẹp miệng, mắt liếc cái chum rượu để góc nhà. Rượu thóc cất để dành uống tết đấy. Bà thèm rượu. Rét buốt thế này, đứa không nghiện còn thèm rượu, huống hồ đứa nghiện. Khi thịt chuột chín, mùi thơm loang ra, bọn trẻ con nhấp nhổm nuốt nước bọt. Những con chuột sau khi mổ, làm sạch, ướp muối và thui vàng thì đem sấy trên gác bếp dùng để tiếp khách và làm thức ăn dự trữ. Vào mùa gặt, chuột rất béo, có ngày đi xem bẫy, Chỉn đếm được gần hai chục con. Chuột nhiều bao nhiêu thì lúa ngô ngoài nương ruộng hao hụt bấy nhiêu. Cả tháng chỉ có măng sặt ngâm chua nấu canh và muối trắng giã nhỏ dầm ớt thôi, xót ruột lắm rồi.

Bữa trưa thịnh soạn được dọn ra ngay cạnh bếp lửa. Chỉn và mẹ đẻ uống rượu. Ba đứa trẻ, mỗi đứa cầm khư khư một con chuột nướng, ngửa cổ gặm, tay chân dính đầy mỡ chuột. Sa và vội bát cơm và chấm mút tí muối ớt. Cơm gạo nương đỏ ăn với muối ớt cũng ngon. Rượu càng uống càng lạnh. Nhưng mà buồn lắm, không uống không chịu được. Bà già bảo. “Đồ đạc cũ hết cả rồi”. Chỉn nhìn khắp lượt những đồ dùng, thức đựng đan bằng mây tre đã cũ, lại nhìn lên con dao cài trên vách. Người bản này bỏ nghề đan lát đã mấy năm. Những bàn tay tài hoa chỉ nhăm nhăm đốt rừng trồng lúa đã dần quên nghề. Rừng càng ngày càng lùi xa, lùi cao. Đi rừng giờ nhọc nhoài lắm. Vì ruộng ven suối bị lũ cuốn về toàn đá to, cây lúa không còn chỗ đứng. Người Nậm Sài phải đốt rừng, đưa cây lúa lên cao. Cây lúa càng lên cao, lũ càng lớn. Mùi thịt chuột khiến Sa chạy ra sân nôn ọe. Chỉn đặt ống vầu rượu xuống, khịt khịt cái mũi nhức buốt vì lạnh. Ánh mắt thoáng chút tàn nhẫn liếc ra phía cầu thang. “Có một mình cô cảm lạnh chắc. Muốn hết nôn sẽ được hết ngay”. Mẹ Chỉn đặt cốc rượu xuống mâm. Cốc rượu là một đoạn ống vầu tơ thau tháu, cưa bằng và vót nhẵn, bé hơn cái để uống nước một tí. Bà nói nhỏ với Chỉn, giọng nửa sợ sệt, nửa răn đe. “Cảm đâu mà cảm”. Chỉn rùng mình nhìn ra nền trời u ám.

Nhà Chỉn nghèo quá. Nhà rách vách nát, thiếu ăn, nợ nần, cái đài không có mà nghe. Chỉn không dám ước cái thứ biết nói và hát cho mình nghe. Chỉ ước có người nghe Chỉn nói và có thể trả lời những câu hỏi của Chỉn. Bản của Chỉn, đa số là hộ nghèo giống như Chỉn, hằng năm vẫn nhận hạt giống và con giống từ nguồn hỗ trợ của nhà nước. Đến quần áo ấm, chăn màn và sách vở của trẻ con cũng phần lớn là quà của các nhà hảo tâm. Cuộc sống khi cứ phải trông chờ, phụ thuộc vào người khác thì mệt mỏi lắm. Chỉn đã buồn, lại thêm lo lắng. Khi rượu không làm Chỉn vơi buồn, Chỉn thường nhớ đến một người. Muốn nói gì đó với một người.

Con trai người Xá Phó
Minh họa: Gia Bảy

Trời về chiều, buốt ngăn ngắt, chỉ khoảng vài độ. Chỉn đầu trần, chân đất, xé gió đi về phía cuối bản. Tóc khô dựng, môi tím tái. Chỉn tìm thấy Hờ đang sấy ngô trong lều nương. Người yêu cũ của Chỉn đấy. “Vào đi, lâu lắm trời mới rét đau thế này, không ai ra nương đâu”. Chỉn lắc đầu. “Người bản không thấy nhưng con ma nương vẫn thấy, không hay”. Hờ rũ khói đứng dậy, bước ra ngoài. Hai đứa giờ đã như hai cây sa mộc đứng ở bìa nương, không thể đến gần nhau hơn được nữa. Chỉn hỏi trong hơi thở. “Hờ có muốn đẻ con nữa không?”. Hờ lắc đầu. “Không, hai đứa rồi, đẻ nữa khổ lắm. Lấy gì cho ăn, cho mặc, cho học hành? Đẻ là bị cắt tài trợ, là bị phạt đấy”. Chỉn chưng hửng “Thế à?”. Nhìn kĩ Hờ, thấy mặt xanh xao, Chỉn hỏi luôn. “Thế cái lưng khỏi ốm chưa?”. Hờ lắc đầu, vòng tay ra phía sau đấm đấm vào thắt lưng. “Không có tiền mua thuốc nên không khỏi được, còn đau lắm”. Chỉn nhìn quanh, không có ai cả. Chỉ có trời, có đất và hai người. Chỉn gỡ bộ vòng bạc ba cái trên cổ ra, tháo cái to nhất đưa cho Hờ. “Bán lấy tiền mà mua thuốc”. Rồi lại nhìn đôi chân tơ hơ của Hờ. “Mua đôi dép mà đi nữa”. Hờ từ chối, Chỉn cứ ấn cái vòng vào tay Hờ rồi quay lưng rảo bước. Hờ gọi Chỉn quay lại và đưa cho Chỉn cái điện thoại di động bé tí, bong hết cả sơn, sờn hết cả bàn phím. Hờ bảo, từ giờ đừng gặp nhau nữa nhé. Khi nào buồn thì gọi Hờ để tâm sự thôi. Chỉn về nhà mang theo tâm trạng rất lạ. Chỉn đưa hai cái vòng bạc còn lại lên ngắm nghía. Khoảng trời bên trong vòng bạc trong veo, sạch mây. Trời rét ngọt và sâu hơn. Hình như tuyết trên núi đang tan.

***

Sau lễ hội quét làng đuổi ma, cái rét như cũng theo con ma chạy về núi. Nắng xuân nhẹ nhàng đậu xuống những mái nhà còn xanh khói. Gà mẹ xòe cánh, rũ phành phạch, đất cát và vỏ trấu bay tứ tung. Mèo con phi lên thân đào vồ hụt chú bướm, ngã xuống đất, lăn tròn mấy vòng sảng khoái. Con lợn đen đúng bằng cái bắp chuối rừng, lông dựng ngược như lông nhím đi từ gầm sàn ra, tung tăng dưới khoảng sân nhỏ lổn nhổn đá. Quần áo được giặt, vắt trĩu con sào nứa dài. Ba đứa trẻ bị mẹ lùa ra tắm. Chúng sợ nước, trốn quanh. Dỗ được đứa này thì mất đứa kia. Đến khi gom được cả ba đứa cởi trần đứng cạnh cái thùng nước vừa xách dưới suối lên pha với nước đun nóng thì trời hết nắng là vừa. Bọn trẻ con mừng rỡ chạy ào lên nhà sàn. Thế là không phải tắm.

Cái nắng xứ này thế đấy, xuân rồi mà hiếm có ngày nào nắng ra hồn. Nắng ở đây được trọng vọng hơn cả thầy cúng. Được đón rước, được chờ đợi, trông ngóng nên càng đủng đỉnh làm cao. Đến được thì cũng nguội hết cả cỗ. Lúc không mời thì thình lình đến, người ta khuân hết củi ra phơi thì lại thình lình biến mất. Chỉn không biết là nắng đã chạy đi, nằm giơ chân lên mà quát vợ. “Mày không tắm cho chúng nó à?”. Sa biết Chỉn đang kiếm cớ thôi. Kiếm cớ để đuổi bọn trẻ con ra sân và kiếm cớ chửi Sa. Hôm qua, ở suối, Sa đã đón đường đòi lại cái vòng bạc mà Chỉn đã cho Hờ từ hồi trong năm.

Chỉn là thế, chẳng tự nhiên mà cáu vợ. Đã cho ai cái gì thì không tiếc. Quý bằng cái tình mà còn cho nhau được thì bạc là cái gì? Tiền là cái gì? Không biết Sa có đánh Hờ không mà mặt Hờ đỏ bừng bừng. Hờ chạy đến nhà Chỉn, giận rung cả sàn. Hờ lại tận chỗ Chỉn nằm mà trả lại năm cái vòng tay bằng hạt cườm và năm mươi nghìn tiền. Cái chân Chỉn đang ốm vì dẫm phải mảnh sành ngoài suối. Cái chân sưng to, sốt, bỏng như cục than. Giờ người yêu cũ bị vợ mình làm nhục, Chỉn ốm thêm cái đầu. Vì cái đầu làm việc quá sức. Nghĩ mãi mà chưa ra lời gì để vợ hiểu. Mà nghĩ mãi cũng chưa ra lời gì để người yêu bớt buồn.

Hờ có chồng và hai con rồi, Hờ còn lớn tuổi hơn Sa thì phải. Nhưng yêu thì ai tính tuổi hay tính con? Đến chồng nó mà Chỉn còn không tính nữa là. Chỉn từng cãi nhau tay đôi với chồng Hờ. Rằng “tao yêu con Hờ trước mày, cả bản đều biết”. Thằng chồng con Hờ giữ lí. “Nhưng nó là vợ tao”. Chỉn hăng lên. “Tao không biết, nó là người yêu của tao trước khi làm vợ mày. Bây giờ tao vẫn yêu nó. Tao có vợ rồi, không thể lấy nó về làm vợ nữa phải chịu thôi”. Thằng chồng con Hờ ngẫm một lúc thấy phải. Cái yêu ở trong bụng cơ mà? Chả ai biết. Kệ nó thôi. Đâu như cái vợ chồng, sưởi cùng một bếp, ngủ cùng một giường và làm ra con cái mà sợ. Thôi, cho chúng nó yêu. Nhưng nói thế thôi, chồng Hờ cũng ghen ghê lắm. Nó lườm cái vòng bạc to đùng trên cổ vợ mà hỏi. “Thằng Chỉn cho à?”. Con Hờ gật. “Vợ nó biết đòi lại thì sao?”. Hờ buột miệng. “Thì trả”. Nó chạy tót đến mách với Sa về chiếc vòng bạc mà Sa cứ ngỡ là chồng đã bán đi để lấy tiền cho cái điện thoại xấu xí kia ăn rồi. Sa ức lắm. Bộ vòng vía của Chỉn, Chỉn gỡ ngay ra một chiếc cho người khác, chứ không cho vợ mình.

Hôm ấy, Hờ đang vác củi từ rừng đi xuống thì Sa đợi sẵn ở bờ suối. Sa bảo có chuyện muốn nói. Nói từ đầu là bộ vòng ấy được bố mẹ Chỉn đeo cho Chỉn từ năm lên mười. Mấy lần cởi vòng ra là cả mấy lần Chỉn ốm và bỏ nhà đi, lạc cả hồn vía. Giờ thấy cổ Chỉn còn hai, một cái trên cổ mày. Hỏi Chỉn rồi, nếu là nó bán cho mày thì tao chuộc lại, nhưng chồng tao bảo nó cho mày. Cho thì phải đòi lại thôi. Đàn ông, lúc nó uống rượu say rồi, nó dại lắm, như trẻ con, nói cho nhưng không cho thật đâu. Mày mà không trả lại, Chỉn có làm sao thì mày phải chịu trách nhiệm. Sa nói có đầu có cuối thế, Hờ bật khóc tức tưởi… Hờ định nói là hôm ấy Chỉn không say nhưng cổ cứ nghẹn lại. Hờ tự gỡ cái vòng bạc ra khỏi cổ mình và ném xuống đất. Sa nhặt cái vòng đem về.

Hờ đã trả lại mọi thứ cho Chỉn nghĩa là đã tuyệt tình rồi. Năm cái vòng tay bằng cườm là Chỉn tặng Hờ hồi còn yêu nhau. Chỉn tự ra suối, lên khe lấy hạt về xâu. Còn năm mươi nghìn là cái lần Hờ ốm, Chỉn đào dúi bán được tiền cho Hờ để mua thuốc vì nhà Hờ cũng nghèo lắm. Sa nhìn thấy những cái vòng cườm và năm mươi nghìn để trên đầu giường chỗ Chỉn nằm thì hiểu ra sự tình. Kệ chúng mày thôi, ai bảo chúng mày không biết thế nào là phải trái. Ai bảo thi thoảng Chỉn lại úp điện thoại vào tai, rì rầm trò chuyện. Có phải đã yêu nhau rồi là cứ được yêu nhau mãi đâu. Nói thế thì Sa cũng đi yêu được. Nhưng để con cho ai, để ruộng nương cho ai mà đi yêu? Chỉn cứ cậy hai đứa ở cùng bản, ra nhìn thấy nhau, vào nhìn thấy nhau nên không nỡ ghét nhau chứ gì? Sa bụng mang dạ chửa, Chỉn đã không hỏi vợ được câu nào lại còn như thế. Chỉn có biết là Sa đã khóc hết nước mắt rồi không? Đã mấy lần Sa định vò lá uống để bỏ giọt máu trong bụng đi rồi không? Chỉn mặc cái áo do Sa tự trồng bông, dệt vải, nhuộm chàm nhưng lại treo lòng dạ trên khung cửi nhà khác mà được à?

Chỉn đau chân nên hay cáu gắt. Hơi tí là quát bọn trẻ con. Đi ra ngoài hết cho Chỉn đỡ đau. Nhưng trời rét quá, chạy ra sân, ra đường một lúc, môi chúng thâm đen và hai bàn chân không dép cứng đờ thì chúng lại chạy vào. Đứa lớn nhà Chỉn, đã đủ tuổi đi học từ hai năm trước nhưng đến giờ vẫn ở nhà trông các em. Chúng nó nô đùa làm lộn xộn hết cả cái câu chuyện của mười năm trước mà Chỉn đang cố sắp xếp lại.

Hồi Chỉn yêu Hờ, cái hôm Chỉn đưa Hờ về nhà ấy, trời đang nắng to, phơi chín cả thóc cơ mà, chứ không rét thế này. Hờ vừa bước chân qua cửa lớn thì trời tối rầm, mặt trời biến đâu mất, ngày thành đêm. Bố Chỉn bảo, điềm gở rồi, mày chọn phải đứa vợ không hợp nên đất trời cảnh báo. Chỉn đốt cái đóm nứa, hơ sát vào mặt Hờ, thấy hai mắt Hờ đỏ rực lên thì sợ quá, quăng cả đóm nứa mà chạy. Hờ nghe bố Chỉn nói thế, giờ Chỉn làm thế thì giận lắm, chạy vụt xuống sân… Vừa đến sân thì trời bừng sáng. Cả nhà Chỉn ngơ ngác, và càng tin rằng Hờ chính là thủ phạm gây ra cảnh tối tăm đó. Hờ nhận lời người khác, còn Chỉn thì mất vợ. Vẫn còn yêu Hờ lắm nên Chỉn cứ lượn lờ quanh nhà của vợ chồng Hờ mãi không thôi. Tận đến khi cưới Sa thì cái yêu mới thôi nhức nhối. Gần đây, kể từ khi có cái điện thoại, Chỉn nói với Hờ đủ thứ chuyện trên đời. Cả những chuyện mà Chỉn không thể nói với Sa. Có lần Chỉn hỏi Hờ còn giận cái chuyện mặt trời biến mất không? Hờ có biết việc đó là nhật thực không? Có biết Chỉn đã giày vò và tự trách mình ngu muội đến thế nào không? Hai người đã từng ăn với nhau mấy bữa cơm, ngủ với nhau mấy đêm, đã như vợ chồng rồi. Hờ cũng đã thêu xong ba bộ váy, nhuộm xong hai cái áo chàm cho Chỉn và để trong cái hòm đan bằng mây rất đẹp để chờ ngày đi làm dâu nhà Chỉn. Thế mà… Hờ ơi...

Từ dạo Sa đòi vòng bạc về, Sa thấy điện thoại của Chỉn chết rồi thì phải. Nằm lăn lóc trong xó giường, trẻ con chả thèm chơi. Sa cầm lên bấm bấm, đúng là nó chết rồi. Nó chết vì không ai nghe nó nói, không ai đáp lời nó. Vì nó vốn sống bằng những lời ngọt ngào yêu thương mà hai người vụng trộm cho nhau hằng ngày chứ không phải bằng tiền như điện thoại người ta. Sa vừa mừng lại vừa buồn. Vì hình như vòng về mà vía không về, Chỉn như muốn chết theo cái điện thoại thì phải. Bố chồng Sa an ủi con dâu. Yêu nhiều, thương nhiều rồi ghét nhiều, hận nhiều thôi mà. Chẳng biết đến khi nào thì Chỉn mới ghét, mới hận, mới quên Hờ đây?

Chỉn nhúc nhắc đi lại, cái chân vẫn còn đau. Con trâu hay con ngựa mà có cái chân thế này là bị thịt rồi. Người thì không thế, nhất là Chỉn. Từ ngày không trò truyện với Hờ nữa, những câu hỏi Chỉn để dành cho Hờ cứ chất cao lên, cao lên như núi. Chỉn chia những câu hỏi ấy cho trưởng bản và già làng. Trưởng bản bảo quy định của nhà nước là thế, ai làm sai sẽ bị phạt. Già làng ngồi trầm ngâm sấy bộ râu bạc phơ trên khói. Già làng bảo Chỉn trưởng thành rồi, tự nghĩ lấy thôi. Chỉn về hỏi bố, bố gãi đầu gãi tai thay câu trả lời. Rồi bố cho hai vợ chồng mượn con trâu về chăn thả, khi nào nó đẻ thì Chỉn lãi con trâu con. Bố bảo đi chăn trâu có thời gian để nghĩ ra nhiều thứ.

Chỉn chăn trâu mà cứ như là trâu chăn Chỉn. Vì trâu đi đâu thì Chỉn theo đó. Lúc trâu ăn no trâu về thì Chỉn về theo. Sa buồn lắm. Một mối tình làm khổ Chỉn hai lần, phải mời A pờ về chữa thôi. Nếu không chữa được thì sẽ có lần thứ ba, thứ tư và khổ đến hết đời. Sa biết, cái việc Sa đòi lại vòng bạc khiến Hờ nhục lắm. Nếu là đứa khác, có lẽ nó còn ăn lá ngón chết. Nó mà chết thì Sa mang tội. Đằng này, Hờ không chết nhưng cứ đi qua người trong họ Lồ thì cúi đầu không chào không hỏi. Mà bản thì chưa đầy hai chục nóc nhà chứ có nhiều gì. Người ta đi suối vợ con có cá ăn, giờ Chỉn mà đi suối thì chỉ có cái quần ướt đem về. Nhiều người còn bảo Chỉn là mày không cúng chài mới đã ném xuống nước nên không được cá ăn. Người ta đi rừng được măng, được nấm, được chuột, được dúi, Chỉn đi rừng được dấu chân con hoẵng, con nai mang về. Người ta bảo Chỉn bỏ lễ cúng rừng nên thần rừng phạt. Chỉn như người ăn phải bùa mê thuốc lú mà con Hờ gửi qua điện thoại cho ăn. Chỉn đã ăn cái bùa mê ấy mấy tháng nay. Giờ phải nhịn, không buồn sao được. Sa cũng yêu nhưng cái yêu của Sa không dai dẳng như thế, không âm ỉ như thế… Nhiều lúc Sa muốn hét vào mặt Chỉn những lời thật cay đắng để Chỉn tỉnh ngộ mà Sa lại không nỡ. Dù sao cũng là cái tình người nó xui khiến Chỉn, Sa và Hờ phải như thế với nhau.

***

Minh họa: Gia Bảy
Minh họa: Gia Bảy

Ông Chứ đứng giữa nhà, gãi đầu sồn sột. Mái tóc bù xù, rậm rạp, ngày giá buốt thì thay khăn, thay mũ giữ ấm cái đầu, giờ thì chỉ để che mưa che nắng thôi. Ông hỏi con dâu. “Thằng Chỉn đâu rồi?”. Sa nhìn bố chồng, ấp úng. “Nó… đi trâu bố à”. Ông Chứ thọc cả hai bàn tay vào tóc cho mát. “Đi gọi nó về”. Sa líu ríu chạy đi. Trong khi chờ đợi thằng con mất nết, ông Chứ đi vào bếp. Bếp ngày ra ở riêng thế nào, giờ vẫn thế. Gác bếp toàn bồ hóng, chả có thức ăn gì. Lúa chưa được gặt, lại sắp đẻ đứa nữa. Ăn bằng gì đây? Mà rõ là vợ chồng nó cũng lam làm, sấp ngửa với ruộng nương quanh năm suốt tháng chứ có chơi đâu. Con ông, ông thuộc nết từng đứa. Bốn đứa con trai, thằng Chỉn là thứ ba, giống ông nhất nhà. Giống từ cái yêu đến cái ghét. Ông qua cái đoạn tình tội, tội tình ấy rồi, ông biết. Nó ba mặt con rồi mà vẫn thế. Mỗi lúc bế tắc, giằng xé, nó đều như người lạc hồn lạc vía.

Chỉn nằm ngửa trên tảng đá bên bờ suối ngay gần cái cối gạo tự giác thình thịch giã suốt ngày đêm. Nằm đấy mà Sa gọi năm câu, mười câu nó không nghe. Cứ giả điếc. Sa nắm lấy gấu quần chàm giật giật. Nó đưa tay giữ cạp quần. Sa nhấc cái tay Chỉn lay lay. Cái tay thõng thượt như ngủ say. Sa gãi gãi vào bàn chân. Nó bật ngồi dậy. Thế ra chỉ có bàn chân là thức. “Về gặp bố”. Sa nói mỗi thế. Thằng Chỉn đứng dậy. Cái mặt buồn thiu. Nhưng không buồn bằng hai bàn chân, bàn chân không nhấc lên cao, cứ quét trên cỏ. Sa ghé mũi vào tận mồm Chỉn ngửi xem có mùi rượu không. Không có rượu mà Chỉn đi như thằng say. Chỉn không về nhà mà cứ ngược lên ngọn suối. Sa bụng mang dạ chửa ì ạch theo sau. Đến chân thác Cá Nhảy. Mùa này nước đầy. Cá quẫy, nước bắn tung tóe vào mặt Chỉn như muốn đánh thức cái người đã ngủ dài, ngủ lâu một giấc mê man, vẫn còn muốn ngủ tiếp. Những bụi chuối rừng ven thác đơm hoa đỏ lừ. Hai con chim bói cá đang rỉa cánh trên cành hoa chuối, nghiêng ngó hai vợ chồng rồi lại thản nhiên rỉa đuôi. Có con sóc đang vung vẩy cái đuôi ướt át trên tảng đá, thấy bóng Sa in xuống làn nước trong vắt thì vội tót lên bờ, ẩn vào bụi cỏ lau. Chính nơi này Chỉn đã ngỏ lời yêu với Sa rồi cầm tay Sa mà kéo đi một mạch về cái lều cỏ chung của bản. Nơi đó thanh niên nam nữ đã tập trung đông đủ, nam thổi kèn ma nhí, nữ nhảy múa và họ ngầm chọn nhau. Thác nước đã làm Chỉn tỉnh giấc rồi chăng?

Bước chân Chỉn nặng nhọc lê từng bước vào nhà. Ông Chứ ngồi trên cái ghế băng dài là hai cây vầu đực chắc khỏe để nằm cạnh nhau. “Mày ngồi xuống đi”. Chỉn ngồi, lấm lét nhìn bố. Hai bố con cứ ngồi im lặng như thế. Chợt ông Chứ chẹp miệng. “Còn rượu không?”. Chỉn đưa mắt nhìn Sa. Sa chạy vội vào bếp, lấy cái ống vầu nhấn vào chum, được một ống rượu đầy mang ra, đưa cho Chỉn. Xong thì Sa đi ra cửa đứng, thi thoảng lại nhìn vào.

Sa đứng sưng cả chân, khô cả cổ. Chả thấy hai bố con nói với nhau câu nào. Chỉ thấy hai người truyền tay nhau cái ống vầu và uống cạn. Xong, ông Chứ đứng dậy, chùi mép, đi ra cửa. Thấy Sa, ông hắng giọng. “Tao dặn nó rồi, từ giờ hai vợ chồng bảo ban nhau mà làm ăn”. Sa ngạc nhiên lắm vì những lời chẳng đâu vào đâu của bố chồng, nhưng không dám nói gì. Cô vào nhà, đã thấy cái người say tình, bi lụy tình cũ đang nằm im trên giường như nằm trên tảng đá ngoài suối. Sa ra bếp ngồi, phấp phỏng chờ sự thay đổi của Chỉn. Bố chồng cô có bỏ gì vào rượu cho Chỉn uống không?

Chỉn nằm đến lúc Sa dọn cơm thì dậy. Cái bát bưng lên, cái bát đặt xuống. Đến lần thứ ba thì Chỉn và một miếng cơm. Những hạt cơm rơi ra khỏi cái miệng méo xệch như khóc của Chỉn. Sa cũng buông bát, lặng lẽ rời mâm ra hiên nhà, ngồi cặm cụi với cái mũ sơ sinh thêu dở. Ngồi một lúc thì Sa đau lưng quá, đứng dậy, dựa lưng vào cột. Chỉn mở cửa đi ra sân. Tiếng bước chân vội vã của Chỉn làm Sa ứa nước mắt. Sắp tối rồi Chỉn còn đi đâu? Còn để Sa phải đi tìm đến bao giờ? Lúc này đây, Sa chỉ muốn bỏ hết tất cả lại mà đi đâu đó thật xa, không bao giờ trở về căn nhà này nữa. Từ lâu, căn nhà giống như lều chợ, một ngày họp hai phiên vào hai bữa ăn, rồi mỗi người một nơi, mỗi người một suy nghĩ không giống nhau. Khi không còn là nhà thì Sa cũng chả thiết. Nhưng trước khi đi, Sa muốn một lần rạch ròi với Hờ, để rồi không liên quan, không nợ nần gì nhau nữa. Sa mang cái điện thoại xấu xa đến trả cho Hờ. Không gặp Hờ, chỉ gặp Pờ, chồng nó. Thằng Pờ ngửa cổ lên trời mà cười. Thấy Sa ngơ ngác, nó mới nói. “Cái điện thoại đểu ấy mà, nó làm gì có pin, làm gì có sim mà chết hay sống? Thằng Chỉn nhà mày điên rồi thì mới nói chuyện bằng cái điện thoại ấy”. Sa không hiểu gì cả, vội vàng quay về. Từ cổng, Sa nhìn thấy Chỉn đang đi vào nhà, hai tay xách hai bó rơm to. Sa lại ứa nước mắt. Thế ra Chỉn lên lều nương. Từ khi cô có mang, Chỉn có hỏi han cô câu nào đâu mà biết cô đã đủ tháng đủ ngày?

Nửa đêm, Sa lặng lẽ rời chỗ nằm, mang theo cái hòm mây đựng đồ sơ sinh cũ ra phía ổ rơm mà tự tay Chỉn lót cho cô ở gần bếp. Chỉn cũng vội vàng bật dậy, chân đất chạy xuống cầu thang. Ra đến cổng, cái cổng là năm cây nứa cái chắn ngang như văng chuồng trâu được cố định bởi những lỗ đục. Chỉn mở toang cả năm cây nứa ra. Trời giữa tháng, trăng sáng vằng vặc, Chỉn vừa đi vừa chạy, chỉ sợ không kịp. Nghe Chỉn nói trong hơi thở, bà đỡ mắt nhắm mắt mở quàng cái giỏ mây lên vai, chạy theo Chỉn. Khi Chỉn và bà về đến bếp thì hai người đã thấy Sa vén váy lên bụng, ngồi xổm trên ổ rơm, mồ hôi nhớp nháp, tóc tai rũ rượi. Sa cắn chặt răng để nén cơn đau. Bà đỡ nhanh nhẹn cầm mảnh chăn sơ sinh nhỏ hứng ở dưới. Sa ngồi mà rặn. Nếu đàn bà Dao ở bản bên đứng mà sinh con và khóc bạn với con thì phụ nữ dân tộc Chỉn lại có tục sinh ngồi và không khóc khi trở dạ vì sợ kinh động đến con ma rừng. Tiếng bà đỡ động viên Sa. “Cố lên con ơi. Dân tộc ta chỉ có vài nghìn người thôi. Trời cho dê rồi sẽ cho cỏ. Nếu trời không cho cỏ thì ta làm ra cỏ, lo gì”. Nước mắt Chỉn khóc thay vợ chảy thành dòng xuống cằm. Mấy lần trước Sa đẻ Chỉn đều bận uống rượu, về đến nhà thì con đã khóc xong rồi. Chỉn nhìn những giọt mồ hôi chảy đẫm trên trán, trên mặt Sa, nhìn cặp môi tái nhợt mím chặt của Sa, nhìn phần cơ thể đang rách ra của Sa. Chỉn thương Sa quá. Chưa bao giờ Chỉn biết người đàn bà lúc đẻ lại phải tự xé rách mình ra như thế. Thương Sa bao nhiêu, giận mình bấy nhiêu, Chỉnh muốn đập đầu vào cột nhà để tự phạt mình quá.

Đứa bé đã chui tọt ra khỏi người Sa. Tiếng khóc của nó lanh lảnh chói cả tai. Giọng bà đỡ lạc đi. “Con trai Lồ Chỉn ơi. Người Xá Phó ta lại có thêm một đứa con trai rồi”.

Cái cọc vầu đóng ở ngoài cổng chụp cái mũ rách của trẻ con lên báo hiệu cho người vía dữ đừng bước vào sân nhà. Trên vách nhà, ớt đỏ treo lủng lẳng từng chùm để ngăn tà ma. Đến ngày thứ mười hai thì thầy cúng được đón đến để đặt tên cho đứa trẻ. Hai mẹ con Sa vẫn nằm ổ rơm theo đúng lệ. Cô khẽ hỏi bố chồng qua phên vách ngăn. “Bố đã nói gì với chồng con chưa?”. Ông Chứ ngây người. “Ta có nói gì đâu, chỉ uống rượu thôi”. Sa nhìn đăm đăm vào bức vách. Những mảnh dát vầu rất cứng nên những khe hở trên vách rất lớn. Cái bóng ông Chứ bị ngọn lửa xô đẩy cứ nghiêng ngả, ngả nghiêng như bóng người say đi lạc trong rừng tre. Tiếng ông đều đều như tiếng nước chảy vào cối giã gạo. “Nó vì lo lắng quá mà sinh ốm đấy. Đẻ thêm nữa thì thêm đói nghèo. Mà bỏ đi thì có tội với giống nòi, tổ tiên. Người Xá Phó ta vốn đã ít ỏi, bé nhỏ, thua kém nhiều quá rồi…”. Chưa hẳn Sa đã hiểu hết những lời sâu xa của bố chồng, nhưng nước mắt Sa cứ lặng lẽ rơi xuống cằm, rớt cả vào mũi thằng bé.

Chỉn từ rừng về, xách theo một con dúi mới đào được. Ba đứa trẻ con đang chơi ngoài sân, thấy bố xách con dúi thì mừng rú lên, líu ríu chạy theo. Chỉn xách con dúi vào tận chỗ hai mẹ con Sa đang bế nhau, ánh mắt Chỉn lấp lánh: “Con này béo lắm”. Nói xong, Chỉn xách con dúi ra bếp, ba đứa con lại lốc nhốc theo sau. Sa nhìn theo Chỉn, nước mắt lại ứa ra. Ô, người ta buồn mới khóc chứ, mình vui mà lại khóc là sao nhỉ?

Lời bình của nhà văn Nguyễn Đức Hạnh Đã đọc rồi yêu quý truyện ngắn của Tống Ngọc Hân từ rất lâu, tôi vẫn băn khoăn tự hỏi: - Điều gì làm nên sự cuốn hút kì lạ của những truyện ngắn ấy? Có rất nhiều câu trả lời: - Bức tranh hiện thực và văn hóa miền núi tươi ròng sự sống; Nghệ thuật miêu tả đời sống nội tâm nhân vật bậc thầy, ngôn ngữ nghệ thuật vừa đậm chất miền núi vừa hình như không phải chỉ có phong vị vùng cao này, v.v.. Hình như có rất nhiều câu trả lời cho câu hỏi kể trên, và trả lời thế nào cũng là chưa đủ đầy, chưa trọn vẹn với cây bút nữ tài hoa này. Với truyện ngắn “Con trai người Xá Phó”, tôi đành chỉ tập trung vào hai đặc sắc nghệ thuật đã làm nên phong cách Tống Ngọc Hân, trong văn xuôi Việt Nam đương đại. 1) Một giọng điệu nghệ thuật độc đáo vừa trầm buồn cảm thương vừa lấp lánh hi vọng và niềm tin vào những điều tốt đẹp. Tống Ngọc Hân thường sử dụng kiểu câu văn ngắn, hoặc rất ngắn, trong đó đầy ắp những hình ảnh dù đẹp, không đẹp vẫn đẫm buồn khắc khoải – những hình ảnh đặc trưng của vùng cao nhưng đã được chọn lọc, khắc họa qua cái nhìn nghệ thuật của một nữ nhà văn đã sống, yêu thương, hy vọng khắc khoải... với miền núi. Chỉ có trái tim của nữ văn sĩ mới nhạy cảm, run lên trước bức tranh sơn cước heo hút này. Đó là tiết tấu lúc chậm rãi, lúc ào ạt như gió lạnh thổi ra từ hang núi đá, lúc nhẩn nha như nước suối trong vắt theo máng nước bò về đầu nhà, lúc như tiếng cối giã gạo ngoài suối thả từng nhịp chày vào đêm mùa đông. Tiết tấu câu văn của Tống Ngọc Hân sao cứ gợi liên tưởng về bước chân chậm rãi, vượt đèo, về nhịp sống thong thả nơi bản làng heo hút, về những con người miền núi mộc mạc, ít nói, có tâm hồn trong trẻo như nước đầu nguồn. Chính tiết tấu làm nên giọng điệu nghệ thuật của riêng Tống Ngọc Hân – một giọng điệu có sức lay động ám ảnh và khả năng gợi mở vô cùng. Nó như một ngọn lửa hồng mà kho chất liệu hiện thực đời sống vùng cao giấu trong mỗi người đọc là một thùng thuốc nổ. 2) Một số chi tiết nghệ thuật đắt giá giúp “soi sáng” đời sống nội tâm vốn bí ẩn của nhân vật. Truyện ngắn “Con trai người Xá Phó” của Tống Ngọc Hân không có cốt truyện li kì, xung đột giàu kịch tính, nhân vật phi thường... Tất cả đều giản dị mà sao vẫn cuốn hút đến nao lòng?! Có nhiều yếu tố tạo nên sự cuốn hút ấy, trong đó có những chi tiết nghệ thuật đắt giá, là những “cửa sổ” nghệ thuật để người đọc nhìn vào sâu thẳm tâm trạng của những con người miền núi. Để miêu tả cái lạnh ghê người ở vùng cao, nhà văn xây dựng một chi tiết nghệ thuật: - Bà mẹ đi đôi dép rách, lâu lắm mới xỏ vào dép nên chân còn ngượng, cắt áo cũ lấy hai dải vải cuốn hai bàn chân lạnh ngắt. Để đặc tả trạng thái ngơ ngác như mất hồn của Chỉn, một chi tiết nghệ thuật độc đáo đã xuất hiện: - Chỉn thường xuyên dùng điện thoại di động trò chuyện với Hờ, làm cho Sa - vợ Chỉn ghen, nhưng hóa ra đó là một chiếc điện thoại không có sim, không có pin. Hóa ra Chỉn đang độc thoại – một kiểu độc thoại nội tâm đặc biệt, phù hợp với xuất thân, tính cách, hoàn cảnh sống của anh. Nhưng rồi Chỉn đã thay đổi, bằng tình yêu thương dành cho vợ con, bằng tinh thần trách nhiệm của một người chồng, người cha mà trở lại làm trụ cột của gia đình, giọt nước mắt của Chỉn lần đầu tiên chảy xuống khi chứng kiến vợ như đang xé mình ra mà sinh con đã làm người đọc hạnh phúc cùng đôi vợ chồng này. Dù có nghèo khổ, gian khó, họ sẽ vững bước đi tới một cuộc sống tốt đẹp hơn, đúng như triết lí sống khỏe khoắn được gửi vào lời bà đỡ: “Cố lên con ơi. Dân tộc ta chỉ có vài nghìn người thôi. Trời cho dê rồi sẽ cho cỏ. Nếu trời không cho cỏ thì ta làm ra cỏ, lo gì...”. Như nhiều truyện ngắn khác của Tống Ngắn Hân, “Con trai người Xá Phó” dung dị mà lay động trái tim chúng ta. Sau những đói nghèo, vất vả của cuộc sống ở vùng cao, những con người miền núi có trái tim yêu thương và dũng cảm không cúi đầu trước thử thách là nguồn cội sức mạnh. Sâu thẳm hơn thế tình yêu cùng lòng quý trọng con người, sự gắn kết cộng đồng bền chặt khiến đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi như một rừng cây bất khuất – một rừng cây được làm nên bởi sự hợp lại của từng cây như Chỉn, Sa, Hờ,... có một sức mạnh phi thường ẩn giấu trong vẻ bề ngoài bình thường kia.

 

 

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Vị chát trung du

Văn xuôi 5 ngày trước

Gió mùa Đông Bắc se lòng

Văn xuôi 6 ngày trước

Mùa của dã quỳ

Văn xuôi 6 ngày trước

Gánh khoai ngày mưa

Văn xuôi 1 tuần trước

Máu xanh

Văn xuôi 1 tuần trước

Lối của tháng Mười

Văn xuôi 2 tuần trước

Đôi cánh mẹ cho

Văn xuôi 2 tuần trước