Chủ nhật, ngày 06 tháng 10 năm 2024
09:14 (GMT +7)

Con rồng trong văn hóa dân tộc Tày

Rồng theo tiếng Tày gọi “tua luồng” được coi là biểu tượng con vật linh thiêng, cao quý nhất và tốt lành. Theo truyền thuyết từ xa xưa của người phương Đông, đứng đầu trong tứ linh là con rồng. Rồng thiên về thiền. Con rồng vừa có lại vừa không, vừa bay trên trời vừa độn dưới đất, ẩn mình trong nước, ngoài biển mênh mông. Con rồng vô trụ xứ.

Rồng được trang trí trên trang phục (áo và mũ) của thầy Tào khi hành lễ ở huyện Định Hóa tỉnh Thái Nguyên
Rồng được trang trí trên trang phục (áo và mũ) của thầy Tào khi hành lễ ở huyện Định Hóa tỉnh Thái Nguyên

 

Rồng không giống loài thuồng luồng hay gọi là Giao Long. Bà con dân tộc Tàymiêu tả thuồng luồng có thân như rắn khổng lồ, mình vảy, màu sắc long lanh, xanh, đỏ, trắng, tím, biếc, vàng xen kẽ, trên đầu có mào đỏ như con ngan đực, chúng sống thành đàn ở vực sâu, hang thẳm. Còn hình thù con rồng ra sao?

Rồng được trang trí trên trang phục của người hành lễ, cụ thể: Trên hai thân trước áo của thầy Tào của người Tày ở vùng Định Hóa (tỉnh Thái Nguyên) có trang trí nhóm rồng toàn thân, cá, hồ lô và người cưỡi ngựa theo chiều dọc từ trên xuống. Mô típ này thêu bằng chỉ màu trắng, xanh, vàng trên nền đen. Thân rồng uốn lượn, đuôi ngắn, nhọn, thả theo chiều dọc, lưng xanh,  bụng trắng, phủ vẩy, đầu nhỏ, mồm dài, lưỡi đỏ, mi mắt đỏ, tóc bờm trắng, vuốt ra phía sau. Phần ngực rồng ưỡn cao oai vệ, hai chân trước dang rộng xòe 5 ngón hình chân gà, chân sau đứng thẳng, một chân bị lấp trong mây.

Loại rồng này được trang trí theo cặp: hai bên thân áo chầu và giữa trong nhóm dọc cùng với cá, hồ lô, người cưỡi ngựa. Hai con rồng toàn thân đuôi chùm trên có tư thế chầu hai bên lá đề. Lá đề đó tượng trưng cho núi Đại La Thiên là nơi cư ngụ của các vị quyền thế ở trên cõi trời theo quan niệm của người Tày. Lá bồ đề hình tim có các rìa cạnh, ở chính giữa có hình ba người bán thân.

Trên mũ của thầy Tào của người Tày ở vùng Định Hóa tỉnh Thái Nguyên (loại mũ ngũ nhạc) được trang trí hình rồng bán thân hoặc con phượng hình gà trống. Hình rồng bán thân,được thêu bằng chỉ màu vàng, đỏ và xanh trên nền vải đen, thân rồng thêu chỉ vàng theo từng mảng xuôi và phủ kín tạo thành các mảng vảy to.

Rồng có tư thế xoay ngang, đầu tròn, hai mắt đen, lồi to, viền nhân mắt bằng chỉ trắng, lông mày dài, màu trắng vuốt về phía sau, mi mắt đỏ, cổ vươn cao, một chân vươn về phía trước, một chân quặp về phía sau gồm 4 ngón. Trên lưng rồng là hình bó lúa nằm dọc theo thân. Dưới bụng rồng có các quả cau nối nhau và hai con rồng bán thân đang chầu quả bầu. Quả bầu tượng trưng cho sự hoàn chỉnh, trường thọ, giàu sang, hạnh phúc. Còn rồng tượng trưng cho sức mạnh của người có thể kết nối hai cõi âm dương.

Đại huyền thiết xà tích chỉ dành cho người làm Then (ông Giàng, bà Pựt) vùng Tràng Định (tỉnh Lạng Sơn), đầu dây xà tích có quả hồ lô, với 4 dây bạc gọi là đúc luồng (Xương của con rồng). Tiếp nữa là hình tượng kỳ lân (kỳ lằn), cá chép (lý ngư) biểu tượng về người làm then. Thay vì như hình tượng người Tày hàng ngày vẫn dùng dây xà tích có các vật dụng trên bộ “ngàn xiêm” là dao, quạt, tăm, đồ têm trầu,... thì bộ xà tích của nhà là tiểu đao thanh long yển nguyệt, thất tinh kiếm, câu liêm và đèn lồng. Thêm cả 1 chiếc bàn (xản) đảo rau nữa. Riêng áo người làm Then lại không thêu rồng, chỉ đơn giản là áo đơn, áo kép.

Đặc biệt, những người làm then chọn lối sống thanh khiết, bỏ qua dục vọng tầm thường. Bàn thờ nhà làm then được quét tước, tẩy uế cho sạch, cho thơm. Người ta cho rằng, nước dùng để tẩy rửa là thứ nước quý hiếm ở chốn cửu trùng Phủ Tiềm Thông, hay còn được ví như linh đan: “Nước phun miệng con rồng, nước tràn đuôi con voi, ba năm hứng được một giọt, sáu năm hứng chén được lưng, mới được linh đan tẩy rửa bàn thờ” (Trích đoạn Tẩy rửa bàn thờ).

Trong kho tàng ca dao, tục ngữ, thành ngữ của người Tày, con rồng được nhắc đến khá nhiều, chẳng hạn như:

Đán bố cuông. Luồng bố quá

Nghĩa là núi đá không thủng rồng không qua lọt. Câu tục ngữ này nêu nhận xét về quan hệ nhân quả. Nếu không có cái này sẽ chẳng có cái kia.

Các cụ xưa nay thường mượn hình ảnh rồng là biểu tượng cao đẹp, nhân văn, nhưng “lai luồng nhỉnh nặm” (nhiều rồng thì ỷ lại không nhả nước), rồng không còn mây mà sống. Do đó, có câu: “Luồng thất slí piến ngù. Mu thất slí khửn nạo” (Rồng thất thế biến thành rắn. Lợn thất thế đem bắc cân đi mổ). Người xưa khuyên răn đời thật chí lý, đẹp cao quý, linh thiêng như con rồng không biết giữ mình sẽ biến chất thành rắn độc. Nêu lên những kết cục khác nhau, số phận do chính bản thân quyết định, có việc giúp ích cho đời, có việc vô tích sự hoặc trở nên tai hại.

Mạ cắp mạ pền puông

Luồng cắp luồng pền phấu

(Ngựa với ngựa thành đàn

Rồng với rồng thành bầy)

Là nhận xét về sự hình thành nên tập thể, bóng gió xa xôi sự kết đoàn sẽ tạo thành khối sức mạnh, ngang cơ nhau. Tương tự như câu tục ngữ chúng ta thường nghe: Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã. Trong thực tế cuộc sống, không hiếm gặp những trường hợp cặp đôi khi yêu nhau thì mặn nồng say đắm, những tật xấu cũng trở nên dễ thương trong mắt người đối diện. Nhưng khi đã hết tình cảm, những tật xấu ấy lại trở thành điều không thể chấp nhận được, trở thành nguyên nhân dẫn đến cãi vã. Hoặc đơn giản đôi khi gặp người mình không thích, chúng ta cũng sẽ có cảm giác dù họ làm bất cứ điều gì cũng không vừa mắt mình nên người già có câu:

Slương căn kin khẩu coóc tằng ruồng

Bố slương kin nựa luồng nhằng tả

(Thương nhau ăn thóc cả bông

Không thương nhau ăn thịt rồng cũng bỏ)

Hai vế của câu tục ngữ bổ sung cho nhau thấy rõ tình yêu của người Tày thật mãnh liệt, rõ ràng và sâu sắc.

Tua lay đỉ tẩư pùng

Tua luồng bên chang hả

(Con lươn trốn dưới bùn

Rồng bay ở không trung)

Nêu lên nhận xét về cuộc sống xã hội, mỗi người có một hoàn cảnh khác nhau, ai lo phận nấy, đừng quấy rầy hoặc làm hại đến quyền lợi của người khác.

Pửa cón ước luồng hoa pích đáo

Pửa nẩy pền pước vjảo luây noòng

(Ngày xưa ước thành con rồng hoa có vây hồng bay lượn

Bây giờ thành vỏ cây vjảo dập dềnh trong nước lũ)

Theo cổ tích của người Tày, cầu vồng thỉnh thoảng trườn lên trời để tắm. Khi ấy nó óng ánh đủ màu sắc. Khi nó đổ nước tắm của nó xuống ở dưới đất thì trời vừa mây bay, vừa mưa và lúc này “rồng gặp mây” biểu tượng cho thân thể của lạc thú, còn việc biến thành nước là thân thể biến hóa. Nước đối với cả rồng cũng như không khí đối với con người. Người Tày - Nùng gọi “cầu vồng” là “luồng va” hít nước mỏ uống, thậm chí có thể hút cả con người lên khỏi mặt đất. Người ta khuyên răn trẻ em phải để ý không thì cầu vồng - luồng hoa cuốn chúng lên mây. Tôi còn nhớ thuở thiếu thời mỗi lần xuất hiện luồng hoa là cánh trẻ thơ hò reo cất lên bài đồng dao:

“Luồng va kin nặm bó

Pỏ mẻ kin khẩu khao

Lục slao kin khẩu phảng

Non nhảng kin thau lồm”

Dịch nghĩa:

“Cầu vồng hút nước mỏ trong veo

Bố mẹ ăn cơm gạo trắng ngần

Con gái ăn cơm tấm

Sâu róm ăn lá chua me”

Luồng va - Cầu vồng được nhiều người coi ngũ sắc trong thiên nhiên thành cầu vồng là sự kết hợp âm dương, là dấu hiệu của sự hòa thuận vũ trụ và của sự phồn thịnh, báo hiệu những sự kiện tốt lành liên quan đến sự  canh tân của đất nước.

Trong đám cưới của người Tày, khi vui nâng chén chúc mừng, bà con hát thành bài lượn:

"Quan làng hợi, slống lùa mừa dá

Hôn hỉ luồng khửn fạ hết phân

Chúc pỉ noọng đây khuốp slì xuân

Bjoóc phông tịa tềnh lăng hom tỏa"

(Tạm dịch: Quan làng hỡi, đưa dâu về nhà cửa. Vui như rồng lên thượng giói làm mưa. Chúc mọi người tròn mùa xuân mới. Hoa nở thơm lừng nàng địu sau lưng).

Năm Giáp Thìn, còn nhiều điều luận bàn về con rồng trong tín ngưỡng dân gian của người Tày ở Việt Nam. Mong rằng, truyền thống văn hóa giàu có và độc đáo đó vẫn được bà con gìn giữ ở bản làng để góp phần xây dựng nền “Văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.

 Kỳ Giang

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy