Thứ tư, ngày 23 tháng 10 năm 2024
21:23 (GMT +7)

Chuyện hành khất

VNTN - Mỗi lần đi chợ hoặc ra phố về mẹ tôi thường hay than thở:

- Chả hiểu sao ngoài đường, ngoài chợ lắm người đi xin ăn thế không biết? Mẹ cứ nghĩ bây giờ tuy cuộc sống chưa quá đầy đủ nhưng không thiếu thốn đến mức phải đi ăn mày. Những người thuộc diện đói nghèo hoặc cô đơn không nơi nương tựa thì đã có chính sách giúp đỡ của nhà nước, chí ít cũng được một suất lương thực. Đôi khi còn được nơi này nơi nọ từ thiện. Vậy mà sao người ăn xin hình như còn nhiều hơn ngày trước. Vô lí thật.

Tôi cười, bảo mẹ:

- Mẹ ơi, ăn xin thời này khác ăn xin thời trước rồi. Có một lần con đi làm đêm, vào quán ăn bát phở cho đỡ đói, thấy một ông ngồi ăn bên cạnh. Suất ăn của ông ta ngoài bát phở đầy ú ụ, lại còn có rượu cùng chiếc chân giò hầm vàng ươm chứ không chỉ là phở suông như con. Ban đầu con cũng chẳng chú ý làm gì. Nhưng sau, nhìn thấy ông ta có vẻ quen quen. Nghĩ mãi, con chợt nhớ, hóa ra đó là lão ăn xin thỉnh thoảng con vẫn gặp ở bến xe. Chỉ có kẻ ăn mà…quí tộc thì mới dám tiêu pha như vậy.

Mẹ tôi tròn mắt:

- Thật thế hả con?

- Thật trăm phần trăm mẹ ạ. Đấy là còn chưa kể có một buổi tối con vô tình nhìn thấy một bà hành khất trông dáng vẻ bề ngoài rất nhếch nhác đứng nép mình trong một góc khuất cầm chiếc điện thoại di động loại xịn, gọi cho ai đó. Thấy lạ, con đứng lại chờ xem bà ta gọi cho ai. Ít phút sau, có một người đi chiếc xe máy rất đẹp đến đèo bà ta đi. Họ nói cười rất rôm rả.

Mẹ tôi cau mày:

- Vậy sao? Thì mẹ cũng đã xem một bộ phim nói về những kẻ lợi dụng bọn trẻ bụi đời đi xin ăn để làm giầu bất chính, nhưng đấy chỉ là phim ảnh chứ chuyện đời đâu có thế. Hóa ra…

Tôi giải thích cho mẹ rõ là xã hội ngày nay phát triển nhưng lại xuất hiện những chuyện rất lạ kì, chướng tai gai mắt ngang nhiên diễn ra trên phố xá. Đã có không ít “công ty hành khất” như vậy ra đời. Một điều đáng buồn là nhiều người do lòng nhân từ không đúng chỗ hoặc không hiểu những mánh lới làm ăn của những kẻ hành khất giả danh nên vẫn dón tay làm phúc. Vì thế nên bọn người xấu, lười lao động mới lợi dụng để có được cuộc sống khá giả hơn cả những người lao động bình thường.

Với tôi, vì đã biết thóp sự gian trá trong “nghề” hành khất nên không bao giờ tôi thèm động lòng, để mắt đến những bàn tay của những kẻ ăn xin chìa ra trước mặt.

Tôi nói thêm để mẹ cảnh giác:

- Từ nay, mẹ cũng nên thận trọng không lại bị những kẻ bất lương lợi dụng lòng tốt đấy.

Mẹ tôi gật gù ra chiều thấu hiểu.

Vậy mà mỗi khi có việc ra phố hoặc đi chợ, tôi vẫn thấy mẹ tìm những đồng tiền lẻ nhét riêng ra một chỗ. Tôi không hiểu mẹ định làm gì với những đồng tiền lẻ ấy. Một lần vô tình gặp mẹ ngoài chợ, tôi thấy khi đi qua những ngã ba, ngã tư, nơi có những người hành khất, mẹ lại ngẩn nhìn một lúc rồi rút tiền đặt vào cái nón mê hoặc bàn tay run rẩy của họ. Ra vậy. Tôi hơi bực, vì mẹ đã không nghe lời tôi dặn.

Về nhà tôi lựa lời nhắc lại chuyện này. Mẹ chép miệng:

- Thế này con ạ. Mẹ phải quan sát kĩ, thấy đúng là những người xin ăn thật, mẹ mới cho. Những người đã cùng đường trong cuộc sống sao ta nỡ bỏ quên họ hả con?

Tôi đáp lời mẹ một cách yếu ớt:

- Nhưng mẹ phải hiểu rằng cái bọn bất lương ấy biết cách giả vờ như thật. Không khéo mẹ lại bị lừa.

Mẹ cười:

- Ngần này tuổi, khó lừa mẹ lắm con ạ. Con cứ tin là như vậy. Nhưng con có nghĩ rằng nếu ai cũng quá sợ hãi trước những điều thật giả lẫn lộn ở đời thì lấy ai giúp những người ăn xin thật sự nữa? Vậy là vô tình ta đẩy họ vào cái chết.

Tôi ngẩn người trước lí lẽ không thể bắt bẻ được của mẹ. Thì ra, tôi (và có lẽ nhiều người khác nữa) lâu nay đã núp vào tấm bình phong giả trá của đời và của chính mình để tự an ủi lương tâm.

Hoa Hồng Bạch

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy