Thứ tư, ngày 30 tháng 04 năm 2025
11:55 (GMT +7)

Mùa xuân đại thắng thống nhất non sông…

Chúng ta đang tiến hành các hoạt động kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025) với tâm thế và vị thế của một quốc gia bước vào kỷ nguyên vươn mình. Đất nước bộn bề công việc, những chuyển động lớn và những khát vọng lớn đan xen nhau, đặt ra những thách thức rất lớn, cũng là niềm hy vọng lớn của nhân dân với công cuộc Đổi mới.

Quang cảnh buổi hợp luyện các lực lượng tham gia diễu binh, diễu hành tại Lễ Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ảnh: Hùng Khoa
Quang cảnh buổi hợp luyện các lực lượng tham gia diễu binh, diễu hành tại Lễ Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ảnh: Hùng Khoa

Những ngày này cách đây 50 năm, năm cánh quân như năm gọng kìm áp sát Sài Gòn, ngụy quân ngụy quyền đã mau chóng tan rã, sụp đổ không thể cứu vãn. Chính nghĩa tất thắng. Phi nghĩa tất bại. Người Mỹ huênh hoang với vũ khí tối tân bom đạn ngút trời, thậm chí cả chất độc hóa học đã đem ra sử dụng nhưng vẫn bại trận. Ngụy quân ngụy quyền hò hét tử thủ hết sức hung hăng, rút cục đầu hàng vô điều kiện. Bắc - Nam thống nhất, non sông liền một dải. Nước Việt Nam thống nhất trong nỗi hân hoan, niềm vui vô bờ bến của toàn dân, những con dân của một dân tộc từng phải chịu đựng vô vàn mất mát, hy sinh trong hai cuộc chiến tranh vệ quốc.

Biển cờ hoa ngập tràn trong muôn vàn lời hát: Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng. Lời Bác nay đã thành chiến thắng huy hoàng. Ba mươi năm đấu tranh giành toàn vẹn non sông. Ba mươi năm Dân chủ Cộng hòa kháng chiến đã thành công. Việt Nam Hồ Chí Minh! Việt Nam Hồ Chí Minh!…

Người chiến thắng không chỉ với những hân hoan rực rỡ mà còn lặng chìm đi khi nhớ về đồng đội hy sinh. Bao xương máu mới có ngày chiến thắng. Lá cờ chiến thắng có lúc đã sạm đi trong khói lửa mịt mùng. Hành trình đến ngày toàn thắng, đến dấu mốc Đại thắng mùa Xuân năm 1975 là một hành trình vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, hy sinh đến giới hạn chịu đựng cuối cùng, đồng thời cũng là hành trình chiến đấu anh dũng, quyết chiến quyết thắng trên tất cả các mặt trận chính trị, quân sự, ngoại giao với toàn bộ sức lực và trí tuệ Việt Nam.

Từ trước đó, thực hiện sự lãnh đạo của Đảng, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, tranh thủ thời gian từng giờ, từng phút, mười năm xây dựng trên miền Bắc xã hội chủ nghĩa (1954 - 1964) là một chặng đường quan trọng, bước phát triển mới, cơ bản và toàn diện của lực lượng vũ trang nhân dân, tăng cường tiềm lực trên hậu phương miền Bắc, tạo thế bố trí chiến lược mới, sẵn sàng bảo đảm cho công cuộc chiến đấu bảo vệ miền Bắc, đẩy mạnh đấu tranh vũ trang ở miền Nam.

Ở miền Nam, khi cách mạng chuyển thế tiến công, mở đầu bằng phong trào “Đồng khởi” theo chỉ thị của Bộ Chính trị, sức người sức của từ miền Bắc nhanh chóng được chi viện cho miền Nam. Hai tuyến vận tải chiến lược đã được mở ra, tuyến đường bộ vượt Trường Sơn và tuyến đường biển vượt Biển Đông. Nhiệm vụ được xác định là đưa lực lượng chiến đấu, vũ khí, cơ sở vật chất vào chiến trường, phục vụ đắc lực cho các lực lượng vũ trang xây dựng và chiến đấu cùng đồng bào miền Nam làm phá sản chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ.

Bộ đội ta tấn công sân bay Tân Sơn Nhất sáng 30/4/1975. Ảnh tư liệu
Bộ đội ta tấn công sân bay Tân Sơn Nhất sáng 30/4/1975. Ảnh tư liệu

Bài toán đặt ra lúc này là: làm thế nào để chi viện cho tiền tuyến? Trả lời cho câu hỏi khó khăn này, những tuyến vận tải chiến lược đường Trường Sơn và đường Hồ Chí Minh trên biển đã ra đời. Bất chấp giông tố, mưa bom bão đạn, những con tàu không số tiến thẳng vào Nam chở theo khát vọng hoà bình. Đội ngũ văn nghệ sĩ - chiến sĩ đã nhận mệnh lệnh lên đường đến với miền Nam ruột thịt. Nhà văn Văn Phác - nguyên Chủ nhiệm Tạp chí Văn nghệ Quân đội với bí danh Tám Trần đã vào miền Nam trên con tàu không số lênh đênh hàng tháng trời vượt ngàn dặm biển vào Nam. Nhà văn Nguyễn Thi đi bằng đường bộ vào miền Nam viết Người mẹ cầm súng chiến đấu và hy sinh tại chân cầu chữ Y trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968.

Trong năm 1965, gần 290 nghìn người được động viên vào quân đội, là nguồn nhân lực chủ yếu xây dựng các quân binh chủng: Phòng không - Không quân; Pháo binh; Công binh; Thông tin; Tăng Thiết giáp; Hóa học... Không khí hai miền Nam - Bắc nô nức thi đua đánh giặc lập công ngày càng trở nên sôi sục. Các ngả đường đều hướng ra tiền tuyến, hướng tới miền Nam.

Trong những năm tháng lịch sử đó, đã có hàng trăm ngàn tấn trang bị cùng hàng chục vạn cán bộ, chiến sĩ vượt qua Đông - Tây hai ngả Trường Sơn, vượt hàng ngàn dặm biển để chi viện cho miền Nam ruột thịt; hơn 1 triệu tấn vũ khí, phương tiện đã được vận chuyển trên các tuyến đường huyền thoại. Những con số về vũ khí, khí tài có thể đo đếm được, nhưng tuổi xuân và máu xương của cán bộ chiến sĩ hy sinh trên tuyến đường lửa đạn là không thể kể hết.

Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước - Mà lòng phơi phới dậy tương lai. Lời thơ của nhà thơ Tố Hữu đang thúc giục mỗi người dân, người chiến sĩ thẳng ra tiền tuyến đánh quân thù. Bước vào trận lớn, người chiến sĩ hai miền Nam - Bắc, miền Nam thi đua với miền Bắc liên tục lập nên những chiến công.

Những giờ phút đầu tiên của Quân giải phóng trong sân Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975. Ảnh tư liệu
Những giờ phút đầu tiên của Quân giải phóng trong sân Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975. Ảnh tư liệu

Thực hiện chủ trương lớn của Đảng mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, quân và dân hai miền Nam - Bắc đã có sự chuẩn bị đầy đủ từ nhiều năm trước. Điều này đã khiến cho quân Mỹ và tay sai hết sức bất ngờ. Đêm 30 rạng ngày 31/1/1968, cuộc Tổng tiến công đồng thời nổ ra khắp các đô thị, tỉnh thành miền Nam, quân Mỹ và ngụy quân Sài Gòn đã phải kinh hoàng trước sự tiến công vũ bão của quân ta, khiến chúng phải chịu nhiều tổn thất.

Khi đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh bằng không quân và hải quân ra miền Bắc, trong cuộc chiến đấu chống kẻ thù có nhiều vũ khí, trang bị tinh vi, hiện đại này, tinh thần chủ động, sáng tạo, tự lực, tự cường của những cán bộ, chiến sĩ trong toàn quân, điển hình là bộ đội Phòng không - Không quân đã được phát huy cao độ. Họ đã vươn lên làm chủ vũ khí trang bị hiện đại; đã “Vạch nhiễu, tìm thù” hạ gục những pháo đài bay bất khả xâm phạm, lập nên Chiến thắng lịch sử Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không.

Chiến thắng lịch sử Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không năm 1972 là biểu hiện rõ nhất bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam trước kẻ thù xâm lược hùng mạnh với vũ khí tối tân hiện đại, sự điên cuồng và tuyệt vọng của Mỹ và bè lũ tay sai, làm sáng tỏ chiều sâu nhân văn của con người Việt Nam trong công cuộc đánh đuổi giặc ngoại xâm, thống nhất đất nước. Đây là bước ngoặt quan trọng, thay đổi hoàn toàn cục diện, buộc địch phải ký Hiệp định Pari, tạo nền tảng vững chắc để quân và dân ta đánh đuổi hoàn toàn đế quốc Mỹ đúng như lời căn dặn của Bác Hồ: “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”.

Người dân vui mừng, nô nức hòa vào dòng người diễu hành trong ngày thống nhất non sông. Ảnh tư liệu
Người dân vui mừng, nô nức hòa vào dòng người diễu hành trong ngày thống nhất non sông. Ảnh tư liệu

Bước sang năm 1974, các lực lượng vũ trang trên chiến trường miền Nam tiếp tục phát huy thế chủ động vừa tiếp tục đánh địch lấn chiếm, vừa mở các cuộc tiến công quy mô lớn trên toàn chiến trường. Nắm bắt thế chủ động, ta mở chiến dịch Nông Sơn - Thượng Đức (17/7 và 25/8/1974). Đây là chiến dịch có quy mô lớn, thử lửa, thử gan đối với ngụy quân ngụy quyền cũng là tập dượt các trận quyết chiến cho quân ta.

Ở miền Đông Nam Bộ, Quân đoàn 4 cùng lực lượng vũ trang địa phương đẩy mạnh tác chiến đánh địch khắp nơi. Ta liên tiếp tiêu diệt các chi khu Bù Đăng, Bù Đốp, Đồng Xoài khiến địch vô cùng hoang mang. Ngày mùng 6/1/1975, quân ta giải phóng thị xã Phước Long, tiếp đó giải phóng hoàn toàn tỉnh Phước Long.

Trong tháng 10 và tháng 12/1974, tiếp đó trong tháng 1/1975, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã có nhiều phiên họp, phân tích tình hình, đề ra những quyết nghị quan trọng. Bộ Chính trị nhận định: “Diễn biến cơ bản của tình hình trong hai năm qua rõ ràng là ta đang ở thế thắng, thế đi lên, thế chủ động và thuận lợi; địch đang ở thế thua, thế đi xuống, thế bị động và khó khăn, chiều hướng này không thể đảo ngược lại được...”. Đây là nhận định vô cùng đúng đắn của Đảng ta.

Từ nhận định đúng đắn đó, chớp thời cơ chiến lược, Bộ Chính trị họp bàn, hạ quyết tâm: Động viên nỗ lực lớn nhất của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ở cả hai miền đẩy mạnh đấu tranh tiến hành tổng công kích, tổng khởi nghĩa giải phóng hoàn toàn miền Nam.

Chiến dịch Tây Nguyên với dư âm chiến thắng của nó vẫn còn vang vọng tới hôm nay. Đòn điểm huyệt Buôn Mê Thuột rung chuyển Tây Nguyên khiến địch đổ vỡ dây chuyền. Ngay sau chiến dịch, ngụy quân ngụy quyền tháo chạy khỏi Tây Nguyên. Ta nhận định tình hình có biến chuyển thần tốc. Ngày 25/3/1975, Bộ Chính trị họp nhận định: “Thời cơ chiến lược đã tới, trong suốt 20 năm chống Mỹ, cứu nước chưa bao giờ thuận lợi bằng lúc này. Do đó quyết tâm hoàn thành giải phóng Sài Gòn và miền Nam trước mùa mưa (tháng 5/1975)”.

Sau các chiến dịch giải phóng Tây Nguyên; giải phóng Huế, Đà Nẵng, thời cơ mở trận quyết chiến chiến lược giải phóng Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam đã chín muồi. Ngày 31/3/1975, Bộ Chính trị họp và quyết định mở Cuộc tổng tiến công và nổi dậy giải phóng Sài Gòn “trong thời gian sớm nhất, tốt nhất là trong tháng 4”, với tư tưởng chỉ đạo là "Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng".

Đoàn quân tiến thẳng về Sài Gòn ai ai cũng thấy vang trong tim óc mình bức điện như lời hịch của Đại tướng Võ Nguyên Giáp:

“Thần tốc, thần tốc hơn nữa

Táo bạo, táo bạo hơn nữa

Tranh thủ từng giờ, từng phút

Xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam

Quyết chiến và quyết thắng!”

Nội dung bức điện ngắn gọn như một mệnh lệnh chiến đấu. Mỗi một chữ đều dễ nhớ, dễ thuộc đã thôi thúc đoàn quân hành quân thần tốc ra mặt trận. Ai cũng muốn mau chóng xốc tới Sài Gòn. Người chiến sĩ nào cũng mơ ước ngày thống nhất non sông.

Khối sĩ quan Tăng Thiết giáp tham gia buổi hợp luyện các lực lượng tham gia diễu binh, diễu hành. Ảnh: Hùng Khoa
Khối sĩ quan Tăng Thiết giáp tham gia buổi hợp luyện các lực lượng tham gia diễu binh, diễu hành. Ảnh: Hùng Khoa

Năm cánh quân xốc thẳng tới Sài Gòn trong đội hình hành tiến. Ai cũng như thấy rõ hình ảnh Bác Hồ giục giã bước hành quân. Ai yêu miền Nam như tấm lòng của Bác - Có mối tình nào vừa thủy chung vừa son sắt như tấm lòng miền Bắc hướng về miền Nam... Ai cũng mang trong mình một trái tim tha thiết với đồng bào miền Nam ruột thịt. Đó cũng là vâng theo lời căn dặn của Bác Hồ.

Sài Gòn ơi ta đã về đây! Từ những mũi tên cung tên nỏ của cha ông ngày đánh giặc xa xưa hôm nay năm cánh quân hiệp đồng các quân binh chủng hùng mạnh tiến vào giải phóng Sài Gòn.

Trong ngày hội non sông, người chiến sĩ và nhân dân hai miền Nam - Bắc, ai cũng hiểu sâu sắc rằng, để có được chiến thắng trọn vẹn, non sông thống nhất, Bắc - Nam sum họp một nhà, đều là chiến công chung của tất cả mọi người, đều là dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng ta, của Bác Hồ và sự cống hiến hy sinh vô cùng lớn lao của nhân dân ta trong suốt chiều dài các cuộc chiến tranh.

Đất nước chúng ta đang bước vào kỷ nguyên mới với cơ đồ, vị thế, tiềm lực khang trang rộng mở. Dưới sắc cờ đỏ sao vàng lồng lộng gió, người chiến sĩ và nhân dân náo nức thấy mình trưởng thành hơn, chững chạc hơn, sẵn sàng thực hiện những việc lớn lao hơn.

Bước vào những tháng ngày phía trước, nhiệm vụ và trọng trách mới sẽ đến với người chiến sĩ. Chắc chắn rằng, chặng đường phía trước là chặng đường vinh quang và tất thắng của mỗi người chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng.

Phùng Văn Khai

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy