Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024
17:20 (GMT +7)

Chùm truyện ngắn của Shizuka Ijuin

Tác gia Shizuka Ijuin (静伊集院) tên thật là Nishiyama Tadaki, sinh năm 1950 tại tỉnh Yamaguchi. Ông từng kinh qua nhiều nghề nghiệp như nhân viên quảng cáo trước khi trở thành nhà văn. Năm 1992, tác phẩm “Vầng trăng nhận chịu” (受け月) đoạt giải thưởng văn học Naoki lần thứ 107. Ngoài ra ông còn là người sáng tác ca từ nổi tiếng với bút danh Date Ayumi (伊達 歩). Các tác phẩm chính của ông gồm có “Thu trắng” (白秋), “Ngày xưa xa ngái” (遠い昨日), “Người đàn bà ở Asakusa” (浅草のおんな), “Bãi cỏ bên nhà” (となりの芝生) … Những truyện ngắn sau đây được chúng tôi dịch từ tuyển tập “Bình nước” (水の器) do Nxb Gentosha (幻冬舎) xuất bản năm 1997. Tác phẩm của Shizuka Ijuin tựa như những đoản thiên tùy bút truyền thống Nhật Bản, điềm đạm, súc tích, nhiều hàm ý dư ba và vô cùng tinh tế. Giữa dòng đời đầy ba động, đọc những truyện ngắn của ông sẽ khiến cho lòng ta dịu mát như cơn mưa và tâm trí ta trầm tĩnh lại. Phải chăng đó cũng là diệu dụng của văn chương?

Chùm truyện ngắn của Shizuka Ijuin

 

ƯỚC MƠ VÀ HUYỄN ẢNH

 

Người bạn thân của tôi, từ bỏ Tokyo, nơi đã sống ba mươi mấy năm để chuyển về một thành phố ven biển ở Shizuoka.

Trên đường du ngoạn, tôi tiện thể ghé vào thăm anh.

Bỏ công việc ở một hãng xe hơi danh tiếng, anh bắt đầu sống nghiêm túc bằng nghề thợ mộc mà anh đã mong muốn làm từ lâu.

“Anh dạo này ra sao?”.

“Ung dung thư thả lắm. Ăn sáng xong lái xe hơi đến chỗ làm, quay về nhà ăn trưa rồi lại làm việc đến tối. Sau đó thì nhâm nhi chút rượu như anh thấy đấy…”.

“Vậy sao? Thật là ganh tỵ với anh quá đấy”.

Tôi trò chuyện với anh bên quầy một quán bar nhỏ.

“Có phải không vậy? Cậu toàn đi du lịch nên chắc không hiểu được sự vất vả của cuộc sống nơi Tokyo đâu nhỉ?”.

Anh vừa nhâm nhi ly rượu vừa nói tiếp.

“Nhưng mà bạn bè của mình phần lớn đều tiếp tục sống và làm việc tại Tokyo. Thực ra có lúc mình vẫn cảm thấy ganh tỵ với bọn họ đấy…”.

Tôi cảm giác mình có thể hiểu được điều này.

Chúng tôi không sinh ra ở Tokyo. Cả hai đều là dân tỉnh lẻ lên Tokyo lập nghiệp rồi lập gia đình và cư ngụ ở Tokyo mà thôi.

Lần đầu tiên tôi tận mắt nhìn thấy Tokyo là vào những năm mười bảy mười tám tuổi. Tokyo có một thứ năng lượng mà không thành phố nào có được cả. Thứ năng lực khiến mình cảm thấy như bị áp đảo. Thế nhưng đối với tuổi trẻ chúng tôi đều cảm thấy mình có đủ sức mạnh để đánh bật lại cái năng lượng đó.

Nguồn gốc của thứ sức mạnh đó là gì nhỉ?

Tôi cảm giác đó chính là “ước mơ”.

Cái “ước mơ” hướng đến một ngày mai có thể giải quyết hết những trắc trở buồn phiền của cuộc sống.

Nhưng ngay cả hơn hai mươi năm trước, trong số những người bạn nhanh nhạy thông minh của tôi có người đã nói như vậy rồi quay trở về quê.

“Tokyo nhìn bên ngoài thì hoa lệ nhưng bên trong tàn nhẫn nhơ nhớp lắm”.

Tuy vậy tôi vẫn trụ lại Tokyo, bạn tôi có mấy người vẫn bị “ước mơ” lôi cuốn, chỉ có thể sáng tác ở Tokyo mà thôi.

Chắc hẳn Tokyo bây giờ càng trở nên một nơi chốn ngoài hào hoa trong tàn nhẫn mục rỗng nhiều hơn nữa. Tuy nhiên nếu thử suy ngẫm mà xem thì với tuổi trẻ chúng tôi ngày đó chỉ có thể ngước mắt nhìn lên đô thành Tokyo hoa lệ mà vẽ ra những giấc mơ cho riêng mình. Nếu đánh mất đi điều đó thì những người trẻ chúng tôi chẳng còn lại một điều gì nữa cả.

Thất vọng vì bên trong tàn nhẫn nhơ nhớp của phồn hoa là chuyện đương nhiên thôi. Nói cho cùng, Tokyo đâu đơn giản chấp nhận những con người trẻ tuổi trụi trần tay trắng cơ chứ.

Tuy thế nhiều người vẫn không rời bỏ Tokyo. Đến bây giờ vẫn vậy.

Thực ra có lần tôi đã tìm thấy vài dữ liệu để làm tư liệu cho một bài tiểu luận của mình cho thấy Tokyo bây giờ khó sống như thế nào. Nếu dựa trên số liệu thì quả nhiên Tokyo là một thành phố “khó sống vô cùng”.

Tuy nhiên dù tin vào những số liệu nhưng tôi hầu như không tin vào sự so sánh. Chúng ta phải nhìn toàn cảnh. Ngay cả quả bóng chày cũng có bóng hình tròn và hình chữ nhật. Tin rằng bóng chày phải có hình tròn là một điều huyễn tưởng.

Việc nhìn thấy bên trong tàn nhẫn nhơ nhớp khác với bên ngoài hoa lệ của Tokyo chúng tôi đã biết từ hai mấy năm về trước. Những con người trẻ tuổi dù biết rõ điều đó vẫn không ngừng hăm hở lên Tokyo. Có lẽ không chỉ tối nay mà cả sáng ngày mai nữa.

Những cư dân ở đây cũng biết hết cả. Những người nhận ra phía sau sự hoa lệ là tàn nhẫn vô tình và từ bỏ rời đi thì cứ việc. Chắc chắn so với nhiều thành phố khác, Tokyo cũng có nhiều chỗ bất tiện tuy nhiên tôi thích những người Tokyo vẫn bám trụ lại dù thừa hiểu điều đó.

Những khi cuộc đời không thuận buồm xuôi gió, nhiều người thấy chẳng còn lấy một niềm vui nào trong những trách nhiệm cuộc sống ta gánh vác trên vai. Tuy thế con người ta vẫn phải tiếp tục sống. Đó chính là điều hấp dẫn và lôi cuốn.

Chia tay người bạn, tôi lên tàu trở về Tokyo.

Vượt qua khỏi sông Tamagawa, bóng dáng đô thành bắt đầu phản chiếu vào cửa sổ toa tàu.

Tôi ganh tỵ với những người đang sống ở Tokyo lắm đấy.

Câu nói của người bạn bất chợt hiện lên trong tâm trí tôi.

Chắc chắn Tokyo luôn giấu trong lòng mình sự tàn khốc vô tình nhơ nhớp sau vẻ ngoài hoa lệ. Thế nhưng tôi yêu quý “điều huyễn ảnh” của Tokyo, chồng chất thêm “mơ ước” trong những điều tàn nhẫn vô tình đó. Quả thật là một kết luận rất tuyệt vời§

 

BẬC THẦY CHUẨN BỊ

 

Tôi muốn uống rượu ngon. Bất kỳ ai biết thưởng thức việc uống rượu đều nghĩ như thế cả.

Nhưng rượu ngon là rượu như thế nào?

Nếu thử hỏi mười người câu hỏi này ta sẽ nhận được mười câu trả lời khác nhau.

Có người sẽ đáp rằng “quan trọng nhất là bạn hiền cùng hiểu nhau thì cho dù rượu ngon hay rượu dở đều có thể cùng nhau chuốc chén say sưa”. Người khác sẽ phản bác rằng “quan trọng nhất là ở phẩm chất của rượu chứ. Nếu rượu đã dở ngay từ đầu thì sẽ chẳng bao giờ ngon được cả”. Mà hơn nữa trên thế gian này có biết bao nhiêu loại rượu nữa cơ chứ? Tuy nhiên mỗi lần muốn uống rượu chúng tôi đều ra quán mà nhâm nhi rượu vào buổi tối cho đến lúc say sưa.

“Tại sao cánh đàn ông thường cứ la cà quán rượu thế nhỉ?”.

Có lẽ những bà vợ ca thán như vậy chắc cũng không ít đâu. Và thường các bà chỉ nghĩ đơn giản lý do đi chè chén của cánh đàn ông chắc là vì phụ nữ. Thực tế ở các quán rượu bây giờ đâu có nhiều gái đẹp hấp dẫn đến như thế chứ. Vậy tại sao cứ phải đi ra quán nhỉ? Lý do là đi uống ở quán thì sẽ được chăm chút hơn và do đó rượu sẽ ngon hơn khi uống ở nhà.

Anh uống sake nhé? Tuyệt lắm đấy. Anh muốn hâm nóng hay uống lạnh? Anh thích uống loại ngọt hay cay? Anh muốn dùng ly nhỏ hay ly lớn? Tôi cảm thấy đêm nay anh ghé đây để uống cho thỏa nên dùng ly lớn đi nhé…

Tuy chỉ uống rượu sake thôi nhưng nếu đến một quán rượu biết để tâm đến khách hàng một chút thì những câu nói như thế là việc đương nhiên thôi. Nếu mình là khách quen thì chủ quán chỉ cần im lặng quan sát nét mặt khách đêm hôm đó là đã biết khách muốn đến uống cho thỏa chí mới về.

Thế nhưng khi uống rượu ở nhà thì những bà vợ gần như không thể nào phán đoán được mà mở lời trong khoảnh khắc ngắn ngủi như thế. Nếu như cả vợ chồng đều có thể thưởng thức rượu ngon ở nhà mình, vốn khác ở chốn tửu trường mà cảm thấy tuyệt diệu thì chắc chắn cả hai đều cảm thấy vô cùng may mắn hạnh phúc. Mặc dù không đến mức như ở quán rượu nhưng việc thưởng thức rượu ở nhà được quan tâm chăm chút chắc hẳn do khâu chuẩn bị chu đáo từ trước chăng?

Nếu thay từ “chuẩn bị” bằng từ “sắp xếp, lên kế hoạch trước” cũng không sao.

Bởi vì phải lên kế hoạch nên sẽ phải có vài điều căn bản. Đây đang nói về rượu sake nên việc đầu tiên phải chọn loại rượu thích hợp. Chuẩn bị sẵn loại rượu mình yêu thích. Sau đó phải đi mua thức nhắm để phù hợp với loại rượu ngọt hay rượu cay. Bắt đầu nhập tiệc, phung phí hai ba ly đầu tiên chỉ là chuyện nhỏ. Tiếp theo phải dùng ly cho thích hợp. Nếu có người thích uống liền một mạch thì cũng có kẻ ưa nhẩn nha nhấm nháp nhâm nhi. Nếu uống một hơi dùng chai lớn là được nhưng dùng bình đựng sake loại vừa cũng không sao. Còn nhâm nhi thì phải dùng bình loại nhỏ. Chỗ này phải dùng đến trực giác. Mà nói đến trực giác thì phải nói đến việc hâm rượu. Hâm nóng, để nguội hay ấm vừa phải… mà không cho đó là phiền phức. Những điều như vậy mà cảm nhận được một lần thì cho dù trẻ con cũng không thể nào quên.

Cái người tôi nghĩ không thể nào làm được tốt khâu chuẩn bị là chủ quán ăn gần nhà mà có lần tôi ghé thử. Chỉ cần quan sát những cô chủ quán đứng ở quầy của những cửa tiệm đông khách, ta sẽ hiểu rõ ngay cả việc chuẩn bị rượu đối với họ cũng chẳng khác gì cuộc đua quyết định thắng thua. Quan sát kỹ những dáng vẻ đó ta sẽ hiểu rằng việc chuẩn bị rượu chẳng khác gì chuẩn bị món ăn. Điều căn bản nhất là phải chăm chút, đúng tiến trình, không được tùy tiện cẩu thả.

Cha tôi ngày xưa thường hay uống rượu ở ngoài nhưng đôi khi lại quyết định uống tại nhà mình. Những lúc đó mẹ tôi và người giúp việc phải tất bật chuẩn bị. Rửa bình rượu, úp ngược phơi nắng cho khô, mua sashimi, trộn salad… Đến khi cha say sưa nằm lăn ra chiếu ca một bài ca yêu thích thì mẹ tôi và người giúp việc trong bếp vừa nghe vừa bật cười vui vẻ.

Như vậy là việc sắp xếp chuẩn bị đã hoàn mỹ rồi chăng? Rượu ngon phải cho ta cảm giác đến tận cùng như thế. Nếu có người làm được thức nhắm cho loại rượu ngon đó, tôi nghĩ chỉ có thể gọi là bậc thầy của việc chuẩn bị mà thôi§

 

TRƯỚC CHUYẾN DU LỊCH

 

Tôi đã nhét đầy đồ đạc vào chiếc cặp táp. Điện thoại reo. Vì ngay trước chuyến đi nên tôi không muốn ai gọi đến cả. Tôi đã chuẩn bị cho chuyến đi này cả tuần, có những ngày phải làm việc thâu đêm. Giờ lỡ may bị vướng vào rắc rối nữa thì quả là bi kịch.

Tôi nhấc ống nghe.

A lô… a lô…

Nghe giọng nói tôi nhận ra ngay chủ quán sushi ở Kamakura. Thật là yên tâm.

“Chà, lâu quá không gặp ông chủ nhỉ?”.

“Anh vẫn ổn chứ?”.

“Vâng, không có chi. Tôi vẫn khỏe”.

“Vậy sao? Thật ra tôi gọi điện đến về chuyện của con trai tôi đấy mà…”.

Vị chủ quán này trong suốt hơn tám năm tôi sống ở Kamakura đã trở nên thân thiết với tôi, vượt qua mức độ chủ quán và khách hàng.

Hai chúng tôi thường cùng nhau đi du lịch đó đây. Từ Sapporo, Sendai, Hamamatsu, Kyoto…chúng tôi đã lang thang bát phố buổi đêm, ghé qua những quán ăn ngon lành, thưởng thức đặc sản địa phương và say sưa uống rượu.

Vị chủ quán này thời học sinh cấp ba tham gia trong câu lạc bộ bóng chày. Có lẽ đó là lý do mà chúng tôi nói chuyện hợp nhau. Mỗi đêm tôi đều ghé chỗ quán sushi của anh ta nơi khu Hase, Kamakura, ngồi nơi góc quầy mà uống rượu một mình.

Khi tiệm đóng cửa, tôi cùng vợ chồng anh, ba người có khi đi uống ở một quán nhỏ gần Enoshima hay đi ăn mì soba ở phía Hayama.

Anh cũng nhận lời tiếp đãi người mai mối cho chuyện hôn nhân của tôi. Người vợ tôi nay đã qua đời vì bạo bệnh cũng thường hay đến quán này chờ tôi xong việc ở Tokyo quay trở về.

Vị chủ quán lớn hơn tôi ba tuổi nhưng về cung cách làm việc cũng như thói suy nghĩ chắc phải chín chắn điềm tĩnh hơn tôi mười năm.

“Vậy, con trai anh có chuyện gì sao?”.

“À, thằng con tôi năm nay tốt nghiệp cấp ba, tôi định cho nó đi đến chỗ người ta tu nghiệp một thời gian xem sao”.

Chuyện này tôi đã nghe anh nói từ đầu mùa xuân năm ngoái.

“Anh không định tự tay mình dạy dỗ thằng bé à?”.

“Thì ban đầu tôi định như thế đấy chứ nhưng quả thật không cho nó nếm cơm nhà người thì không xong mà. Cho nên chỗ tôi là không thể được. Hơn nữa…”.

“Hơn nữa… sao?”.

“Tôi không thể nào mà đánh thằng bé được cả”.

Nghe anh nói vậy tôi cảm thấy kinh ngạc. Ngay cả khi tiệm có khách mà anh vẫn gọi mấy người làm ra sau mà dần cho một trận cơ mà.

Mối quan hệ giữa cha con thật tình tôi không hiểu nổi.

“À, ra vậy, đúng là không đánh đập thì không nên người mà nhỉ”.

“Vâng, thế gian này cái người mà chưa từng bị đánh đập với cái người đã được trui rèn qua đánh đập gặp chuyện khẩn cấp là khác biệt rõ ràng ngay”.

Có vậy thật sao? Tôi thầm nghĩ.

“Vì vậy tôi mới phải thân chinh đi một vòng quan sát các tiệm sushi và quán ăn ở Tokyo đấy”.

“Chà, nếu vậy thì vất vả cho anh quá nhỉ?”.

“Vì không tìm thấy được quán nào ưng ý cả nên tôi mới gọi định trao đổi với anh đây”.

Tôi thử nhớ lại những khuôn mặt của chủ những tiệm sushi mà tôi quen biết và nhận ra đúng là những quán quen ưng ý của mình không có chủ quán nào sử dụng nhiều người giúp việc trẻ cả. Quả nhiên đó có thể là kết quả của việc sử dụng nhiều người giúp việc trẻ trong một thời gian dài sẽ làm thần kinh bị mài mòn, không còn sự bén nhạy nữa chăng?

Vị chủ quán nói tôi định cho thằng bé xuống vùng Kyushu thử xem sao. Khi tôi hỏi lý do, anh bảo có vẻ như mấy tay đầu bếp ở Tokyo đều không ổn cả. Khi còn trẻ anh đã đến tầm sư học đạo ở khu Ginza nên có lẽ lời anh nói đúng là sự thật.

“Cho nên nếu anh thấy có quán nào hay hay ở vùng Kyushu thì nhớ chỉ cho tôi với nhé”.

Gác điện thoại xong, tôi định bụng sẽ chuyển đổi lịch trình đi từ đông sang tây. Tuy nhiên vì lữ quán đã được đặt trước rồi mà hơn thế cũng đã hẹn mấy người bạn cùng đi uống rượu sau khi đến nơi nữa.

Thế nên trước mắt mình cứ ở Odawara tầm khoảng ba ngày đã. Thời gian ba ngày còn lại mình xuống vùng Kyushu là vừa đẹp. Tôi vừa suy nghĩ như thế vừa tiếp tục việc sửa soạn cho chuyến đi.

Tôi rời khỏi nhà, lên xe taxi. Xe chạy từ khu Sanjo đến sông Kamogawa.

“Hoa anh đào năm nay rụng sớm quá thể”.

Bác tài taxi cất tiếng.

Tôi thử nhìn ven sông thấy tất cả cây anh đào đã xanh màu lá. Đúng là sớm thật, tôi thầm nghĩ. Mới vừa còn định đi xem hoa anh đào nở vào ban đêm thì bây giờ đã thành chuyện hôm qua xa lơ lắc.

“Cứ mỗi năm nhìn thấy hoa anh đào nở tôi lại cảm thấy sao mà giống cuộc đời mình ghê”.

“Tại sao vậy ạ?”.

“À thì cứ định năm nay mình sẽ làm chuyện này, năm nay mình sẽ làm chuyện kia và cuối cùng khi nhận ra thì cả năm đã trôi qua mà năm nào cũng giống năm nào hết cả”.

Bác tài xế tuổi chắc khoảng tầm sáu mươi.

“Thế từ khi nào mà bác bắt đầu có suy nghĩ như vậy ạ?”.

“Bắt đầu từ khi nào nhỉ? À, sau khi lập gia đình rồi con cái lớn lên… không nhớ rõ là khi nào nữa nhưng chắc từ khoảng tuổi bốn mươi trở đi chú ạ”.

“Thế sao?”.

Đến ga Kyoto, tôi mua vé tàu. Vì ngay trước tuần lễ vàng nên sân ga người đông chen chúc.

Có người đi vì công việc thì cũng có người đi du ngoạn nhỉ.

“Tôi không thể đánh thằng bé được”.

Bất chợt câu nói của vị chủ quán sushi ở Kamakura vang lên trong đầu. Tại sao lại như vậy nhỉ? Mối quan hệ giữa cha và con trai quả thật có gì đó đặc biệt hay sao?

Tôi thử nghĩ về những chuyện giữa tôi và cha mình. Cơn đau nơi gò má khi bị cha tát tai đã hơn ba mươi năm qua rồi mà không hiểu sao đến bây giờ còn nằm sâu trong thân thể. Cha và con là như thế nào vậy chứ…

Tôi chợt nhớ đến khuôn mặt người cha đã hơn bảy mươi tuổi mà tôi đã về thăm dịp tết năm nay.

Cha tôi vốn là nhà kinh doanh nhưng không chịu làm ăn gì cả.

Năm này mình sẽ, năm sau mình nhất định… cứ nghĩ mãi như thế cho đến khi già cả và nhiệt tình tuổi trẻ theo năm tháng hư hao... Tôi cảm thấy việc chủ quán ở Kamakura làm cho con mình như vậy là đúng đắn.

Và tôi quyết định bốn ngày còn lại của chuyến đi sẽ đến vùng Kyushu thử xem sao.

 

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy