Thứ ba, ngày 22 tháng 10 năm 2024
19:41 (GMT +7)

Chủ tịch Hồ Chí Minh và lời căn dặn về xây dựng phong trào cách mạng, xây dựng Đảng trong ký ức của đồng chí Tố Hữu Kỷ niệm 127 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2017)

VNTN - Đồng chí Tố Hữu (4/10/1920-9/12/2002), nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Tuyên huấn Trung ương và Trưởng ban Khoa giáo Trung ương, là người có những kỷ niệm sâu sắc với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhất là đồng chí đã được Người căn dặn về bài học xây dựng phong trào cách mạng và xây dựng Đảng.

Đồng chí Tố Hữu (ngoài cùng, bên trái) cùng các nhà văn miền Nam Phan Tứ và Trần Ðình Vân trong một cuộc hội kiến Chủ tịch Hồ Chí Minh.       Ảnh tư liệu lịch sử.

1. Trong “Nhớ lại một thời” (Nxb. Văn hóa thông tin, Hà Nội, 2002), đồng chí Tố Hữu viết: “Tại Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ hai của Đảng (11 - 19/2/1951), tôi được cử vào Ban Chấp hành Trung ương, làm ủy viên dự khuyết. Lúc ấy tôi 31, không trẻ lắm, nhưng so với các anh khác là loại em út. Tôi vẫn được phân công làm công tác tuyên truyền và văn hóa. Vì công việc này và có lẽ đã là ủy viên Trung ương nên dễ được gần Bác hơn để nhận các chỉ thị về công tác tư tưởng, văn hóa”.

Ba tháng sau, đồng chí Tố Hữu được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng chí Tố Hữu nhớ lại: Vào một ngày tháng 5 năm 1951 đáng nhớ ấy, tôi được Bác gọi lên làm việc. Lần đầu ở chiến khu được đến gặp Bác, tôi rất hồi hộp.

...Thấy tôi đến, Bác gọi vào và bắt tay dịu dàng. Tôi hết sức cảm động khi được nắm bàn tay của Người, bàn tay nồng ấm, và ngay lập tức, nó cho ta cái cảm giác gần gũi, thân tình. Bác chỉ một chiếc ghế nhỏ, bảo tôi ngồi chờ một chút, vì Người đang vội viết nốt một cái gì đó. Tôi ngồi chờ và nhìn quanh nơi ở và làm việc của Người: Căn nhà sàn nhỏ vách mai, mái nứa, cột tre thoáng mát, chiếc giường nhỏ và cái bàn viết đều làm bằng những cây vầu đập dập.

...Tôi lặng lẽ ngắm nhìn, muốn in thật sâu vào lòng mình hình ảnh của Bác. Người ngồi đó, sao giản dị đến vậy: Bộ quần áo nâu, đôi dép cao su, dáng cao gầy, đôi mắt sáng và bộ râu rất thoáng của một cụ già Việt Nam nhân từ. Vậy mà con người này đang là linh hồn của cuộc kháng chiến vĩ đại. Nhân dân cả nước đều gọi Người là cha già dân tộc, tuy lúc này Người mới hơn sáu mươi tuổi.

Bác viết xong, quay lại hỏi tôi:

- Công việc của các chú thế nào? Chú làm tuyên truyền mà ở trong rừng núi thế này thì nói với ai, và làm sao mà thấy được quân dân ta đánh giặc ra sao?

Vậy là Bác đã nói với tôi một vấn đề mà chúng tôi đang cảm thấy rất khó xử. Nếu được tùy ý đi về các địa phương, vào vùng sau lưng địch hay vào khu IV, nhất là vùng Bình Trị Thiên quê tôi, thậm chí đi vào sâu hơn nữa, đến tận mũi Cà Mau thì hay biết mấy. Nhưng như thế thì bỏ cơ quan cho ai.

Tôi nói điều đó với Bác, Bác châm một điếu thuốc, chăm chú lắng nghe tôi nói rồi ân cần bảo:

- Chú không đi được nhiều, thì đi ít và gần thôi. Theo Bác, tốt nhất là biết được nơi nào chiến đấu giỏi thì mời chính cán bộ và chiến sĩ nơi ấy về kể lại cho anh em nghe, cho tất cả anh em ở Trung ương nghe. Như vậy anh em được báo cáo chiến công của mình, cán bộ cơ quan cũng được hiểu tình hình tốt hơn.

Nghe Bác nói tôi mới nhận ra rằng nếu những tấm gương điển hình trong chiến đấu và sản xuất được báo cáo cụ thể, sinh động, rồi đúc kết lại thành những bài học lớn, sâu sắc cho toàn quân và toàn dân biết thì tác dụng của nó sẽ được nhân lên gấp bội.

Tôi thưa với Bác:

- Cháu xin có một đề nghị: Cuộc kháng chiến đã được 5 năm rồi, có rất nhiều anh hùng và chiến sĩ thi đua như anh La Văn Cầu, chị Nguyễn Thị Chiên. Nếu Trung ương chủ trương tổ chức một Đại hội anh hùng và chiến sĩ thi đua toàn quốc thì cháu nghĩ rất tốt. Và như vậy mới thực hiện được lời Bác dạy: “Người người thi đua/ Ngành ngành thi đua/ Ta nhất định thắng/ Địch nhất định thua”. Có phải thế không ạ?

Bác nhìn tôi vẻ hài lòng:

- Ý chú được đấy. Nên báo cáo với đồng chí Trường Chinh xin ý kiến Thường vụ.

Được lời như cởi tấm lòng, tôi sung sướng quá. Chào Bác ra về, tôi cảm thấy lâng lâng vì chỉ một lúc được gặp Bác, được trình bày những khó khăn trong công tác mà đã được Bác chỉ cho một cách làm mới mẻ.

2. Cũng trong “Nhớ lại một thời”, đồng chí Tố Hữu viết: Tháng 10 năm 1965, Bộ Chính trị phái tôi vào khu Bốn để góp sức với anh em. Tôi vào xin ý kiến Bác trước khi đi, Bác bảo ngay:

- Chú đã tính làm gì chưa?

Tôi thưa :

- Khu Bốn là vùng nghèo đói, lại bị bom đạn thì tình thế rất khó khăn, các đảng bộ cũng chưa có nhiều kinh nghiệm. Trong cuộc chiến tranh phá hoại này, cháu nghĩ là có động viên được nhân dân hăng hái chiến đấu và sản xuất thì tình hình mới bền vững.

- Làm thế nào động viên được đồng bào?- Bác hỏi lại.

Tôi liền thưa :

- Dân mình thường nói: “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Cho nên cần trước hết chăm lo xây dựng Đảng vững mạnh...

Bác cười:

- Chú biết làm thế nào cho Đảng vững mạnh không?

- Dạ, phải giáo dục thật tốt cán bộ đảng viên.

- Ai giáo dục? - Bác hỏi lại.

Tôi cảm thấy lúng túng, nghĩ rằng chắc Bác có ý kiến lớn, bèn thưa:

- Xin Bác chỉ thị cho bọn cháu làm tốt.

Đến đây Bác nói ngay:

- Không nên hỏi Bác mà nên hỏi dân mới đúng. Theo Bác, chú nên bàn với các tỉnh ủy, huyện ủy cách làm này: đến từng cơ sở làng, xã, họp dân lại, nêu câu hỏi rất đơn giản “Ở làng xã ta, ai chiến đấu giỏi, sản xuất giỏi” và mời dân phát biểu thẳng thắn. Họ sẽ chỉ cho mình biết những người ấy là ai. Rồi các chú xem lại, những đảng viên, cán bộ hiện nay, đã được bà con nhận xét thế nào? Ai được dân tín nhiệm, khen giỏi cả hai mặt: sản xuất và chiến đấu, thì đó là đảng viên tốt, ai chưa được dân tin thì cần giáo dục thêm. Những đồng chí được dân yêu mến, tin cậy nhất mới xứng đáng là người lãnh đạo của Đảng bộ. Trái lại, ai bị dân khinh ghét thì không thể lãnh đạo được, cần thay đổi ngay. Nhiều chú bây giờ xa dân quá, những điều Bác vừa nói là kinh nghiệm xưa nay, nhưng không mấy chú thực hiện. Thậm chí cứ để mãi trong Đảng những đảng viên hư hỏng, lười biếng, hèn nhát, bị dân oán giận, thì còn lãnh đạo được ai? Đó là ý kiến của Bác, chú có làm được không?

Đúng như Bác nói: Chỉ có dân mới biết được ai thật xứng đáng là cán bộ, đảng viên. Dân ta rất tốt, rất tinh, biết tin dân thì mới được dân tin.

Từ đáy lòng, tôi cảm ơn Bác đã dạy bảo và quyết tâm thực hiện kỳ được. Thế là vào Quảng Bình, tôi đưa ngay chỉ thị của Bác ra bàn. Mời các đồng chí tỉnh ủy, cả các đồng chí bí thư, thường vụ xuống một số làng, xã làm ngay. Một tuần sau, anh em trở về tỉnh, báo cáo kết quả, thật bất ngờ. Chi bộ nào, kể cả bí thư, cũng được bà con thành thật nói rõ: ai giỏi, ai không giỏi về sản xuất và chiến đấu. Thậm chí có nơi bí thư bỏ chạy trốn khi địch bắn phá, để mặc dân tự lo liệu và cả làng đều hoang mang, lo sợ. Chi bộ liền họp ngay, cảnh cáo những đảng viên hèn nhát, bầu bí thư và chi ủy mới gồm toàn những đồng chí được bà con khen ngợi nhất, và công việc sản xuất cũng như chiến đấu chuyển biến tốt rất nhanh. Tôi góp ý với anh em có thể dùng hình thức “báo công, bình công”, để thúc đấy phong trào “Hai giỏi”, tạo không khí phấn khởi từ trong Đảng ra làng xóm.Hai câu chuyện về xây dựng phong trào cách mạng, xây dựng Đảng của Hồ Chủ tịch đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Tài liệu tham khảo: 

Bài “Nhớ lại một thời” của Tố Hữu. Xem: Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế, “Bác Hồ sống mãi trong lòng nhân dân Thừa Thiên Huế”, Nxb. Thuận Hóa, 2010, tr.9-19.

Nguyễn Văn Toàn (biên soạn)

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy