Chơi tranh Tết
VNTN - Trước đây, cứ mỗi dịp xuân sang, nhiều tranh Tết sắc màu tươi mới với nội dung chúc tụng, cầu may được bày bán ở nhiều nơi, tại các phiên chợ tháng Chạp. Những bức tranh Tết thấm đẫm hồn Việt như tranh gà - lợn ngày nay đã không mấy người biết tới, thay vào đó là tranh thêu, tranh chép, tranh in, tranh ghép đá, tranh khảm gỗ...
Truyền thống chơi tranh
Những năm đầu thập niên tám mươi, người ta mê mẩn nếu có dịp xem các họa sĩ phố Hàng Đào - Hà Nội vẽ Tranh Bờ Hồ và truyền thần. Thuần thục phong cách và kỹ xảo, “họa sĩ” đường phố sáng tạo ra và giữ bản quyền bằng tay nghề điêu luyện, tên gọi Tranh Bờ Hồ có cách đây khoảng sáu mươi năm, và đã tồn tại phổ biến đến vài chục năm. Sau này giới họa sĩ không mặn mà với lối vẽ này nữa, tuy vậy nó vẫn ăn đứt đám tranh chép vụng về lai tạp ở một số nơi như bây giờ. Chỉ là chất liệu bột màu hay phẩm nhuộm, các thợ vẽ đã tạo ra những gam màu tươi sáng - cải lương nuột nà. Đề tài thường là phong cảnh bờ hồ, điểm xuyết đôi nam nữ áo trắng quần tây tựa vào nhau bên gốc dừa ngắm trăng lên, trên nền trời xanh ngắt có chim bồ câu vỗ cánh bay thể hiện - ước mơ hòa bình.
Ở miền quê xưa, tranh Tết chủ yếu là Tranh dân gian. Mỗi khi tranh Tết xuất hiện làm cho không khí đón chờ năm mới thêm náo nức, tưng bừng. Thường sau ngày đưa ông Táo, dù nhà giàu hay nghèo người ta cũng đi chợ lựa mua những bức tranh Tết với hy vọng đón vinh hoa, phú quý về nhà, gỡ tranh cũ xuống treo tranh mới lên với hàm ý “Tống cựu, nghinh tân”. Chỉ cần vài xu lẻ đã mua được một bức “Tiến tài”, “Tiến lộc”, “Phú quý”, “Vinh hoa”, thêm vài xu nữa là được cả bộ “Tứ quý”, “Tứ bình”, về dán cửa, dán vách, dán cột nhà đón xuân. Đã là tranh treo Tết thì bao giờ cũng mang một nội dung là cầu chúc cho những gì tốt đẹp. Đến nay thói quen chơi tranh Tết đã không được duy trì. Có lẽ chỉ các cụ già vẫn muốn giữ thói quen này. Họ vẫn cố tìm những tranh có ý nghĩa về chúc tụng, răn dạy con cháu như: Tứ bình, Tố nữ, Xuân hạ thu đông, Vinh hoa, Phú quý, Gà Đại cát…
Ngày nay, đến phiên chợ Tết mọi người không mấy ai còn ý thức mua tranh Tết (gọi tranh Tết là tranh phục vụ ngày Tết). Bởi điều kiện bây giờ đã khác xưa nhiều, việc mua tranh về treo trong nhà có thể mua bất cứ lúc nào. Thường là mỗi khi làm được ngôi nhà mới ai cũng nghĩ cách trang hoàng ngôi nhà của mình cho vừa mắt. Người có điều kiện thì thuê cả thiết kế nội thất, họ tư vấn cho cả việc mua tranh gì để treo cho hợp phong thủy. Tuy vậy không phải ai cũng biết chơi tranh. Nhiều nhà khá giả nhưng vẫn treo tranh giả, tranh chép, đa số treo tranh thêu chữ thập hay tranh “đá quý”. Một số gia chủ mơ hồ không biết tranh hay - dở ở chỗ nào, nhiều khi cứ theo phong trào mà mua.
Gà trống gáy (tranh Đông Hồ)
Con gà trong tranh Tết
Con gà, đặc biệt là gà trống hiện diện trong nhiều nền văn hóa phương Đông và phương Tây. Là vật nuôi được thuần hóa từ lâu trong lịch sử, gà gắn bó với cuộc sống con người, nhất là trong tôn giáo và thần thoại. Từ thời cổ đại, gà đã là một loài vật linh thiêng trong một số nền văn hóa, với tư cách là lễ vật. Ở những vùng quê, tiếng gà trống gáy mỗi rạng sáng được xem như tiếng đồng hồ báo thức cho con người. Trong tín ngưỡng thờ Mẫu ở Việt Nam có một hiện tượng rất đáng chú ý, đó là giá chầu “Cô Chín”, theo truyền thuyết đây là vị thần chuyên phụ trách bói toán. Hình ảnh con gà được đứng ở vị trí trang trọng trước điện thờ tiên thánh. Xem bói bằng chân gà là một trong những phương pháp bói cổ xưa. Nhưng bản văn cổ nhất của nền văn minh Đông phương nói đến bói toán lại liên quan đến hình ảnh con gà.
Chính vì lẽ đó, hình ảnh con gà luôn được các nghệ nhân dân gian quan tâm và đưa vào trong tranh. Trong những dịp mua sắm tranh Tết, bên cạnh những bức mang đậm sắc thái văn hóa, lịch sử, tâm linh, nhiều nhà vẫn chọn thêm những bức tranh vẽ con giáp đại diện cho năm. Vào năm Sửu người ta tìm mua tranh Trâu sen, năm Hợi người ta có thể chọn những bức như “Lợn đàn”, “Lợn ăn cây ráy”, năm Dậu thì chọn tranh “Gà trống, mái và đàn con”… của dòng tranh dân gian Đông Hồ. Nếu như tranh Lợn ăn cây ráy, Lợn đàn thể hiện sự no đủ thì tranh Gà lại mang đến cho người xem thông điệp khác về sự chúc tụng cầu mong bình an vô sự như: Vinh hoa; Phú quý; Gà mái; Trống, mái và đàn con; Gà thư hùng; Gà đại cát…
Trong bức tranh Gà đại cát, có ý chúc mọi người, mọi nhà đón xuân tốt lành. Trong tiếng Hán, đại kê (gà trống) gần âm với chữ đại cát. Đây là nội dung của một quẻ bói tốt nhất cho công việc hoặc tương lai của con người được sử dụng trong tranh thay cho lời chúc tốt lành mà người ta gửi đến nhau trong ngày xuân. Nội dung trực tiếp của bức tranh Gà đại cát là hai chữ “Đại cát”, nhưng nội dung sâu xa của bức tranh lại là con gà trống ở phía dưới. Theo sách “Văn âm Quảng ký”, gà trống tượng trưng cho tháng Giêng, và mồng một đầu tháng cũng là ngày của gà. Theo quan niệm xưa, tiếng gà trống gáy âm vang đến đỉnh núi cao, xua tan đêm tối, khiến ma quỷ phải lánh xa. Ngày Tết đầu năm, nhân dân ta có tục dán tranh gà ở cửa để cấm ma quỷ và cầu mong tốt lành. Gà trống oai vệ hùng dũng biểu tượng cho sự thịnh vượng và năm đức tính tốt mà nam giới cần có, đó là: Văn - Võ - Dũng - Nhân - Tín. Quan niệm người xưa, mào đỏ của gà trống tựa như chiếc mũ cánh chuồn, là Văn; Chân gà có cựa sắc nhọn như kiếm, dùng để đấu chọi, là Võ; Thấy địch thủ, gà trống dũng cảm, bất khuất đấu chọi đến cùng, là Dũng; Kiếm được mồi cùng gọi cả bầy về cùng ăn, là Nhân; Gà trống gáy “canh” không bao giờ sai và đánh thức người dậy đúng giờ để lo công việc đồng áng, là Tín.
Những tranh gà khác như: Vinh hoa vẽ bé trai ôm gà trống gắn với hoa cúc (Cúc - Kê) cũng là biểu hiện lời chúc mọi người mọi nhà có con trai khỏe đẹp, lớn lên vinh hiển với đủ đức tính tốt. Tranh Vinh hoa thường treo cùng tranh Phú quý vẽ bé gái ôm vịt gắn với hoa sen (Liên - Áp). Con vịt trong tranh biểu hiện đức tính của nữ giới, về sự phong lưu, hiền dịu, đông con… Như vậy có đôi tranh Vinh hoa và Phú quý trong nhà mang ý nghĩa sâu sắc với mục đích chúc tụng, cầu may cho gia đình có cuộc sống giàu sang, đầy đủ, “vinh hoa - phú quý” đồng nghĩa với gia đình đông con, nhiều cháu (nhà đông con là nhà có phúc). Bên cạnh đó, bộ tranh còn mang hàm ý chúc cho gia đình có con cái thì phải đầy đủ cả nếp lẫn tẻ (có trai, có gái) như vậy mới tròn đầy.
Cách chơi tranh Tết dân gian xưa thật tao nhã, ý nghĩa, mang tính giáo dục rõ rệt. Ngày nay phong tục chơi tranh Tết không còn nguyên vẹn. Thị trường đã có khá nhiều tranh bán vào dịp Tết, thậm chí quanh năm. Cho dù có nhiều thể loại tranh, chất liệu khác nhau, còn có những bức tranh khá nhiều tiền bày bán vào dịp Tết, nhưng vẫn không giữ được nét văn hóa truyền thống của người Việt xưa. Thị trường hóa dẫn tới người mua, kẻ bán thường chỉ quan tâm đến đặt giá cả và coi đó là giá trị của bức tranh chứ không mấy ai hiểu hết ý nghĩa nội dung và giá trị nghệ thuật. Như vậy thì việc treo tranh sẽ thiếu chủ động, nhiều nhà bày ra cũng chỉ để lấp chỗ trống cho không gian.
Hy vọng bài viết này sẽ gợi ý cho những người chơi tranh và sáng tác tranh có cách nghĩ mới gần gũi với người dân hơn. Trong tác phẩm cố gắng gửi gắm tâm hồn thuần Việt vào tranh. Những tác phẩm sống cùng năm tháng là những tác phẩm gần gũi với công chúng. Theo lời Họa sĩ - nhà nghiên cứu mỹ thuật Phan Cẩm Thượng cho rằng, muốn khoảng cách giữa nghệ thuật và công chúng gần nhau hơn thì đòi hỏi ngôn ngữ nghệ thuật phải có tính đại chúng. Các nghệ sĩ cần nhìn nhận tích cực phương thức tiếp cận với cộng đồng. Hoạt động cộng đồng nhằm đưa nghệ thuật đến với công chúng thường xuyên, rộng rãi hơn. Nghệ thuật tôn giáo trong các địa phương chính là những hình thức hoạt động tinh thần cộng đồng.
Gia Bảy
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...