Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
22:14 (GMT +7)

Chơi đồng hồ cổ: nâng niu giá trị thời gian

VNTN - Như các thành phố lớn khác, thú chơi của người Thái Nguyên khá phong phú trong đó có thú chơi đồng hồ cổ. Không giống với các thú chơi khác như cây cảnh, phong lan, chim cảnh…, chơi đồng hồ cổ không khoa trương mà khá âm thầm lặng lẽ. 


Không gian đồng hồ cổ

Vốn là người buôn đồ điện tử, âm thanh nhưng ông Vũ Duy Bình lại đam mê chơi đồng hồ cổ và thú vui này đã theo ông từ hồi trẻ và cho đến nay đã hơn 40 năm. Đồng hồ cổ đã cuốn hút và khiến ông có thêm rất nhiều người bạn cùng sở thích, không chỉ trong nước mà cả nước ngoài. Hiện bộ sưu tập đồng hồ của ông Bình có cả ngàn chiếc vơi đủ chủng loại, kiểu dáng.

Thăm nhà ông Bình ở gần đường tròn Tân Long vào một ngày cuối tuần, chúng tôi như lạc vào không gian của những chiếc đồng hồ cổ đầy độc đáo. Hai gian phòng rộng gần trăm mét vuông, cả tầng một và tầng hai được ông ưu tiên trưng bày bộ sưu tập đồng hồ cổ.

Ông Bình thổ lộ: “Tôi nghiện đồng hồ cổ. Một ngày không có chúng thì quả là nhạt nhẽo. Ở cạnh chúng, tôi như được sống với những kỷ niệm của quá khứ, những ký ức tuổi thơ của mình. Nghe tiếng chuông đồng hồ cổ điểm tôi thấy quên hết những lo âu, mệt mỏi của cuộc sống”.

Trong phòng khách nhà ông Bình, đồng hồ có mặt ở khắp mọi nơi: trên bàn, trên kệ, trên tủ và treo kín bề mặt của các bức tường với đủ chủng loại, kích thước và hình dáng. Vì quá nhiều đồng hồ nên nhìn qua tưởng như chủ nhân bài trí hơi rối nhưng thực ra các loại đồng hồ trong gian phòng này đều được ông Bình sắp xếp rất khoa học, tùy vào kiểu dáng, chủng loại, theo đời, theo nước sản xuất, hoặc theo bộ...

Không gian phòng khách nhà ông Bình

Thì ra ngay từ khi được phát minh, sản xuất ra, những chiếc đồng hồ cổ đều có công năng và không gian riêng: đồng hồ đặt trên lò sưởi, đồng hồ trong phòng ngủ, phòng khách, nơi công cộng hoặc công sở… Và hầu như mỗi loại, mỗi một kiểu đồng hồ ra đời đều gắn với một dấu mốc lịch sử. Như lời kể ông Bình, năm 1964 Trung Quốc phóng vệ tinh lên quỹ đạo, để kỷ niệm sự kiện ấy Trung Quốc đã cho ra đời kiểu đồng hồ vệ tinh, loại đồng hồ đó người Việt Nam quen gọi là đồng hồ con diều. Và chỉ riêng về đồng hồ vệ tinh cũng có rất nhiều đời. Thời kỳ nước Nga phóng vệ tinh lên quỹ đạo cũng ra một kiểu đồng hồ vệ tinh, nhưng Nga lại làm chiếc đồng hồ hình quả địa cầu để kỷ niệm cho sự kiện này.

Ngoài ra, trước đây mỗi một nền văn hóa phát triển lại thường đánh dấu bằng việc sản xuất những chiếc đồng hồ. Ví như thời kỳ Gô - tích sau thế kỷ 18 đồng hồ thường trang trí thần Atlat (vị thần khổng lồ trong thần thoại Hy Lạp, người nâng đỡ bầu trời) vác quả địa cầu. Có khi những chiếc đồng hồ không chỉ để xem giờ mà còn mang tính chất truyền giáo nhiều hơn, đó là những chiếc đồng hồ của Hà Lan thiết kế ở thế kỷ 17.

Tuy cũ kỹ nhưng thực sự càng ngắm những mẫu đồng hồ cổ càng thích thú và mê đắm. Và không chỉ là một vật trang trí hoặc là công cụ đong đếm thời gian, qua bàn tay khéo léo tỉ mẩn của các nghệ nhân xưa những chiếc đồng hồ cổ đã thành một công cụ, một cỗ máy nghệ thuật, một biểu tượng độc đáo của văn minh, văn hóa, của trí tuệ con người. Để làm ra chiếc đồng hồ giá trị phải mất nhiều công đoạn cùng sự kết hợp tài năng của người kỹ sư máy, thợ mộc, thợ đúc đồng hoặc thợ đá... Các chi tiết máy của đồng hồ cổ đều được làm bằng vật liệu quý nên cực bền và hầu như được làm thủ công nhưng độ chính xác như được lập trình trên máy tính.

 Thú chơi cuốn hút

Để sưu tầm đồng hồ cổ, người ta thường nhắc tới bốn loại: đồng hồ tủ, đồng hồ treo tường, đồng hồ để bàn, đồng hồ đeo tay. Ở Thái Nguyên tuy dân chơi đồng hồ cổ khá đông nhưng rất hiếm người đam mê như ông Bình. Thường dân mê đồng hồ cổ chỉ hay chơi loại đồng hồ treo tường vì loại này trưng bày ở phòng khách với các vật dụng khác như: tivi, dàn âm thanh, đèn cây…, những chiếc đồng hồ cổ vừa để xem giờ vừa là một vật trang trí quý giá. Còn các dòng đồng hồ khác như đồng hồ đeo tay, đồng hồ tủ, đồng hồ để bàn cũng có những người chơi nhất định, nhưng không nhiều.

Chơi đồng hồ treo tường cổ cái thú nhất là biết thưởng thức âm thanh của tiếng chuông. Mỗi chiếc đồng hồ treo tường cổ như một nàng ca sĩ mà tiếng chuông là chất giọng riêng làm mê đắm người chơi từng ngày đeo đuổi và chinh phục. Hẳn người chơi không thể quên được âm thanh ngân nga tạo không gian tĩnh lặng của những chiếc đồng hồ cổ, điều này những người sành chơi lại thấy thấm và mê hơn bao giờ hết. Mỗi một chiếc đồng hồ dù là đánh cùng một bản nhạc Coucou valse hay Westmintern nhưng lại có âm và lối riêng, cái thanh, cái trầm chẳng cái nào giống cái nào… Tinh tế là vậy, nhưng dân nghiện đồng hồ cổ có thể nhận ra từng loại đồng hồ qua tiếng chuông ngân nga, êm tai mà ở những chiếc đồng hồ pin, đồng hồ điện tử đời mới không thể nào có được.

Dù đam mê đồng hồ nhưng để sở hữu những chiếc đồng hồ ý nghĩa và giá trị người chơi phải đi tìm hiểu từng thời kỳ phát triển của đồng hồ mới hiểu được hết giá trị. Những người nghiện đồng hồ rất thích khi kiếm mua được chiếc đồng hồ về có thể tự lau chùi hoặc phục hồi lại nếu đồng hồ bị hỏng. Những chiếc đồng hồ cổ đó không phải chiếc nào cũng đắt tiền mà nhiều kiểu đồng hồ còn quý ở độ hiếm và độ zin của máy móc, khi sưu tập được có thể không hề bị sửa chữa, “mông má” hoặc lai kiểu.

Ở Việt Nam dòng đồng hồ treo tường cũng khá đa dạng nhưng loại đồng hồ danh tiếng và được phần đa giới sưu tầm Việt săn lùng, ưa chuộng là loại đồng hồ treo tường ODO của Pháp. Loại đồng hồ này vừa đẹp lại chạy bền bỉ, ổn định. Khi Pháp vào Việt Nam mang theo rất nhiều loại đồng hồ để trang bị từ nhà ga, nhà thờ đến công sở. Thời điểm trước năm 1954 thì đa phần đồng hồ ở Việt Nam đều là sản phẩm của những hãng ở Pháp nhưng nổi tiếng nhất là những chiếc đồng hồ ODO, và đến tận bây giờ những chiếc đồng hồ đó vẫn chiếm lĩnh thị trường trong giới chơi và sưu tầm đồng hồ cổ.

Để chơi đồng hồ, người chơi phải tìm hiểu và có kiến thức khá sâu, khi mua, sưu tầm cũng không bị hớ và thưởng thức mới thấy ý nghĩa. Để sở hữu được những chiếc đồng hồ cổ, người chơi thường phải cất công sưu tầm ở trong dân bằng những chuyến săn tìm khắp đó đây đầy gian nan vất vả. Nhưng có lẽ những chiếc đồng hồ quý đến thời điểm hiện tại đã rơi vào tay những người sưu tầm, người chơi muốn tìm có thể mua qua các diễn đàn, hội, nhóm đam mê đồng hồ cổ trong và ngoài nước.

Người chơi đồng hồ ở Thái Nguyên khá đông. Sân chơi và điểm giao lưu của giới chơi đồng hồ cổ chủ yếu tập trung ở hai chỗ là: “Cà phê đồng hồ cổ”, 290 đường Hoàng Văn Thụ và tại nhà ông Bình. Những người chơi đam mê và có tên tuổi phải kể đến ông Tùng, ông Hùng “đồ xứ”, anh Hà “đồ cổ”, anh Hải “Cầu Gia Bảy”, anh Thái, anh Chung, anh Điệp “cà phê”…

Cửa hiệu “Cà phê đồng hồ cổ”, 290 đường Hoàng Văn Thụ của anh Phan Điệp khá hoành tráng. Vừa bán cà phê, anh Điệp buôn bán cả đồng hồ cổ và tại đây cũng là sân chơi của những người đam mê đồng hồ cổ của thành phố. Anh Điệp sở hữu bộ sưu tập khá lớn với gần 100 chiếc đồng hồ cổ, đa phần là những loại đồng hồ đắt tiền của Pháp, Đức, có những cái hơn 100 triệu đồng. Và tại đây nhiều nhất là đồng hồ treo tường và để bàn bằng gỗ sồi, ngoài ra còn có một số bộ đồng hồ để bàn với đôi chân nến… bằng chất liệu đồng, sứ, đá… rất độc đáo, giá trị.

Một góc trưng bày đồng hồ tại “Cà phê đồng hồ cổ”, 290 đường Hoàng Văn Thụ.

Anh Điệp chia sẻ: “Hàng ngày được chăm chút và nghe những tiếng chuông đồng hồ cổ, cảm giác rất hạnh phúc. Thời xưa đồng hồ thật sự là một cỗ máy thời gian quý giá. Có chơi đồng hồ mới hiểu người người  xưa coi trọng thời gian ghê lắm. Thời hiện đại có đồng hồ điện tử, điện thoại… người ta dường như quên mất điều đó…”.

Và đúng như tâm sự của ông Bình, anh Điệp, thú đồng hồ cổ rất đặc biệt, ai đã chơi thì khó có thể từ bỏ bởi nó mang trong mình giá trị của thời gian. Qua tiếng chuông đồng hồ cổ muốn nhắc nhở mọi người thời gian là một thứ quý giá, đừng đánh mất một cách vô ích. Và càng trân trọng thời gian, càng thấy quý những phút bình yên trong cuộc đời.

Mặc dòng chảy cuồn cuộn, tất bật của cuộc sống hiện đại, giới chơi đồng hồ cổ hàng ngày vẫn mê đắm với một thú vui hoài cổ, bởi đơn giản ở đó họ tìm thấy sự bình yên trong tâm hồn.

Quang Khải

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy