Thứ bảy, ngày 21 tháng 09 năm 2024
03:36 (GMT +7)

Chơi chữ thư pháp, một nét đẹp văn hóa

 VNTN - Từ lâu, người Việt đã có tục chơi chữ thư pháp, người Thái Nguyên cũng không nằm ngoài lệ tục văn hóa đẹp này. Nhất là vào dịp đầu xuân mới, việc chơi chữ thư pháp được thông qua hình thức xin chữ, cho chữ và được ví như món quà thanh tao, sâu sắc của triết học và tâm linh, hướng lòng người về các giá trị của chân, thiện, mỹ.

Nói đến xin chữ, cho chữ người ta thường nhắc nhớ về Văn Miếu (Hà Nội), nơi mang tải một nét đẹp văn hóa cổ từng tồn tại hàng trăm năm nay, và lan truyền về những vùng quê xa Hà thành như Thái Nguyên - xứ sở của nương chè được tắm tưới bằng câu chuyện huyền thoại tình yêu chàng Cốc, nàng Công. Từng nét chữ bổng bay trên nền giấy hồng điều, bình gốm xứ, trên vật liệu gỗ tre, trúc và cả trên tấm mành cọ được nghệ nhân vùng ATK Định Hóa kỳ công dệt thành.

Thời hiện đại, người xin chữ cứ thẳng lưng trả giá chữ với ông đồ.

Việc xin chữ, cho chữ có thể thực hiện được trong tất cả các ngày trong năm. Nhưng công việc bận rộn, nên thường lúc: “Niên niên đào khai hoa/ Tổng kiến lão tú tài/ Truy nghiễn hồng tiên bãi/ Thông cù nhân vãng lai”. Dịch là: “Mỗi năm hoa đào nở/ Lại thấy ông đồ già/ Bày mực Tàu, giấy đỏ/ Bên phố đông người qua”, thì ở một số nơi có lễ hội, như: Khu vực Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam; đền Xương Rồng; chùa Phù Liễn (T.P Thái Nguyên); chùa Hang (Đồng Hỷ)… các ông đồ lại: “Xảo bút nhất huy tựu/ Long vũ nhi, phụng phi”. Dịch là: “Hoa tay thảo những nét/ Như phượng múa, rồng bay”.

Ông Lê Mạnh Đạt, tổ 5, phường Trưng Vương (T.P Thái Nguyên), người từng nhiều năm “đi cho chữ” tâm đắc: Vẻ đẹp cổ kính của loại chữ tượng hình thể hiện ý chí, khát vọng của mỗi người. Thế nên mỗi người lại đến xin một chữ khác nhau, hoặc câu đối khác nhau. Còn như tôi và những người cho chữ, không cầu tiền bạc, danh vọng, mà cốt mong góp phần công sức nho nhỏ của mình được gìn giữ, lưu truyền một nét đẹp văn hóa trong cuộc sống cộng đồng.

Cũng là chữ viết trên giấy, nhưng chữ thư pháp ngày xuân thể hiện mong ước lớn lao của người xin chữ; đồng thời thể hiện được đức, tài của ông đồ - người cho chữ. Ngày xưa, người dân thường tìm đến nhà ông đồ, đặt lễ xin chữ, chủ yếu là chữ Hán. Phần lớn người xin chữ không biết chữ, nhưng vì là chữ tượng hình, nên thấy chữ như tranh, như hoa, giống thế rồng cuộn, công múa hoặc dáng chữ trầm mặc, suy tư, kiên định.

Chữ thư pháp gợi trí tưởng tượng mỗi người thông qua lời giải thích, dắt chuyện của ông đồ. Vậy nên mới có chuyện thời xưa, có người hợm của, thất đức nhưng lại thích chơi chữ. Nên khi đến cửa nhà ông đồ bày đặt xin chữ nghĩa, và được cho chữ mang nghĩa sâu xa là chửi cả tổ tiên nhà mình mà không biết, còn hí hửng mang về nhà treo trước án thờ.

Các cụ đồ nho thâm thúy, sâu sắc, mang bồ chữ chật lòng nhưng không dễ dãi khi phóng bút. Đấy là cái tâm, đức của hiền nhân. Những năm gần đây, cơ chế thị trường tác động vào đời sống xã hội, việc xin chữ, cho chữ giản tiện hơn, và mang hình thức mua bán công khai, rõ ràng. Vậy nên các ông đồ chủ ý hướng tới mục tiêu phục vụ người chơi chữ. Bởi thế tại một số sân chùa, đền, đình và cả bên lề hội chợ đều xuất hiện bóng dáng ông đồ. Mực tàu, giấy, nghiên bút đều đã sẵn. Người mua thích chữ gì, đều được ông đồ đáp ứng ngay mà không cần trò chuyện, xem tâm tính để cho chữ phù hợp. Các ông đồ “đa năng” không chỉ cho chữ Hán, mà cho cả chữ quốc ngữ. Đành là chữ nào cũng mang tải một nền văn hóa của dân tộc, và được viết theo lối thư pháp, nên đều đẹp như nhau. Cũng có nhiều ông đồ cho việc viết chữ thư pháp là một nghề, nên thường tự quảng bá mình, có khi hạ thấp uy danh ông đồ khác để kéo khách. Và ngoài việc viết chữ, bán chữ tại chiếu chữ, nhiều ông đồ đã có ý tưởng phục vụ khách hàng (người xin chữ) linh hoạt giống việc người ta “ship hàng”, gửi sản phẩm đến địa chỉ người có nhu cầu chơi chữ.

Chuyện cho chữ, xin chữ, có cụ già bất bình bảo: Nhiều người chơi chữ vì chạy theo tâm lý đám đông, thấy người ta xin được chữ thì mình cũng xuýt xoa mà xin. Mang về không biết treo xuôi, treo ngược thế nào, lại vo tròn ném bỏ thùng rác. Chỉ có ít người cao niên là cẩn trọng khi xin chữ. Có người hằng năm vào độ xuân đều xin chữ, nên đã có sự chuẩn bị xin chữ gì từ ở nhà. Cũng có cụ đi hội thấy hay mắt, ghé hàng nghiên, cẩn thận chào hỏi lịch lãm, xin được ông đồ giải nghĩa ngữ câu từ. Khi thật thấu nghĩa của chữ mới đặt ông đồ viết chữ mình cần. Cũng bên hàng nghiên, tôi gặp nhiều bạn trẻ xin chữ thánh hiền nhưng lại mang đức tin vào một thế giới siêu hình, cầu sự may mắn chứ không cần hiểu ngữ nghĩa câu từ và nét bút thư pháp tài hoa của cụ đồ.

Đang những ngày xuân, nhưng lời của cụ già bên chiếu chữ gợi nhớ đến câu chuyện “Chữ người tử tù” của cụ Nguyễn Tuân. Một câu chuyện mang tính nhân văn cao thượng. Nhân vật tử tù bị giam cầm trong buồng tối, song vẫn tỏa sáng từ nét chữ tao nhã, bởi “lòng trong, bút sắc”. Cũng nhờ người tử tù cho chữ, một quan giám ngục nhận ra chân, thiện, mỹ của cuộc sống. Ông từ quan, về quê sống thanh bần để giữ được tâm hồn trong sạch, xứng với thú chơi chữ. Rồi nhiều cụ đồ Nho cho chữ, nhạo báng quan lại ngu dốt, hãnh tiến làm kẻ học đòi chẳng để đâu hết nhục… Là chuyện của ngày xưa. Còn như những xuân nay, lòng người phơi phới cùng đào, mai, cúc, trúc, “người ta” dù chẳng biết tí chữ nho nào, song cũng biết ngữ nghĩa của cái chữ mình xin về treo trong nhà.

Ông Lê Mạnh Đạt, một người cho chữ quen thuộc ở Thái Nguyên.

Khác với người “ấu” sính chữ, những người có suy nghĩ sâu sắc, dù không biết chữ Nho, thì thường xin đề bằng chữ quốc ngữ, nhưng chữ được xin phù hợp với hoàn cảnh, công việc của bản thân. Ví như người làm nghề buôn bán thường xin chữ “Phú Quý”, “Phúc Lộc”; người cao tuổi xin chữ “Trường Sinh”; người cẩn thận không xin nhiều, chỉ xin lấy chữ “Nhân”, “Nhẫn”, “Đức” để hàng ngày ra vào trông chữ mà sửa tính, tu tâm. Cũng có người đắc chí xin chữ “Tài”, “Uy”, “Trí”; nhiều cô gái muộn chồng nói chuyện ngoài rằm đi cắt “tiền duyên”, xin chữ “Tình”… Cũng bên chiếu chữ, cụ Hoàng Văn Tư đi du xuân cùng con, cháu đã giải thích: Mỗi chữ đều có ngữ, có nghĩa riêng. Phải hiểu ý thâm sâu của chữ thì mới nên xin. Ví như chữ “Nhẫn”. Chữ “Nhẫn” bao gồm chữ “Đao”, cây đao ở trên chữ “Tâm”. Chữ “Đao” biểu trưng cho kỷ luật, mang tính khách quan, bị động. Trạng thái nhẫn cũng giống như bị dao đâm vào tim, tuy đau đớn nhưng vẫn phải chịu đựng, không được hành xử hấp tấp vì sẽ làm cho mũi dao lún sâu hơn, phải bình tĩnh xử lý. Tâm đắc với lời giải thích ý tứ câu chữ của cụ Tư, cụ Nguyễn Hoàng Lê nói ôn tồn: Đi xin chữ đầu xuân là thể hiện được người có đức hiếu học. Nhưng không nhất thiết phải xin chữ nho, vì chữ Việt Nam ta cũng có thể thiên biến, vạn hóa tựa phượng múa, rồng bay. Với người trải đời, hiểu biết về hội họa, âm luật, nhìn chữ thấy hoa nở, chim ca, suối reo; biết được tâm trạng của người cho chữ và người xin chữ… Cụ ngắm nhìn từng nét chữ nổi trên nền giấy đỏ, tay vuốt chòm râu bạc, khoan thai: Xuân nay, thầy cho tôi xin “Thuận”.

Ông đồ nho gật đầu, vén tay áo, phóng bút bằng cử chỉ tao nhã. Một loáng đã thấy trên vuông giấy đỏ một bức tranh được vẽ bằng chữ quốc ngữ đẹp mê hồn. Thế mới thấy sự thâm sâu của các bậc cao niên khi đi xin chữ; cũng đồng thời thấy cái tài nghệ của người cho chữ… Cụ Lê 2 tay đón chữ, nói lời cảm tạ. Chứng kiến cuộc trao đổi rất văn hóa, hiếm gặp ở thời văn minh này, mới thấy giữa người cho chữ và người nhận chữ cùng tâm đắc như thân thiết, tri kỷ. Vừa khi đó, một bé gái chừng mươi tuổi ngập ngừng nói: Ông ơi, ông cho cháu xin chữ “Nhẫn”. Vì chữ này sẽ nhắc nhở bố mẹ cháu không cãi nhau hằng ngày.

Cô bé làm mọi người có mặt hết sức ngạc nhiên. Giây lát suy tư, ông đồ mỉm cười phúc hậu, rồi khoan thai phóng bút. Ông tặng cho bé gái tranh chữ, bảo: Cháu là một người con hiếu thảo…

Đại đức Thích Nguyên Thanh chùa Hang (Đồng Hỷ) cho biết: Mỗi người có một sở nguyện, có người thích chơi chữ: “Phúc”, “Đức”, “Tài”, “Lộc”, “Thọ”, “An”… có người thích chơi câu đối. Trong trường hợp viết bằng chữ Nho, thường có chữ Việt viết giải thích dưới chân chữ. Còn chữ Việt thường được viết giống như chữ tượng hình, xem rất đẹp. Người đi vãn cảnh đền, chùa thường xin chữ về treo ở vị trí trang trọng trọng nhà. Coi việc xin được chữ mang về là có phúc, lộc may mắn cả năm.

Nhàn tản đầu xuân nay, đi vãn cảnh đền, chùa, lễ hội, được chiêm ngưỡng những bức tranh vẽ bằng chữ cực kỳ công phu, tinh xảo. Chữ được mạ vàng, mạ bạc, mạ đồng hoặc đúc nổi bằng nhựa cao cấp, trông như ngà ngọc, lóng lánh được làm sẵn bán cho người du xuân mua làm quà tặng người thân. Tuy nhiên, chơi chữ, thì dù là chữ gì, trước nhất mỗi người cần có cái tâm trong sáng.

Phạm Ngọc Chuẩn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy