Chủ nhật, ngày 05 tháng 05 năm 2024
03:40 (GMT +7)

Chiếc bánh chưng gạo tẻ

Truyện ngắn. Xuân Thắng

Tràng vỗ tay bế mạc vừa dứt, ông bước ra cửa hội trường. Một cựu chiến binh đứng tuổi, huân chương lấp lánh len đến trước mặt. Nụ cười nở sẵn cùng lời chào hỏi không thể vồn vã hơn:

- Chào thủ trưởng Công. Thủ trưởng có nhận ra em không, em Vụ đây, sống với nhau nửa năm thôi nhưng em vẫn nhớ. Song chả nhẽ không có lý do gì mà tìm đến chơi thì vô duyên quá nên lại ngại. Thôi, hôm nay cho em hỗn một lần, bắt cóc thủ trưởng về nhà em đón tết sớm, xông nhà luôn.

- Ôi trời! Vụ đấy ư? Thật lạ, đâu riêng gì cậu, không phải gặp rồi tớ nói đãi bôi. Sau cái lần cậu chuyển ra tuyến trước, rồi vụ xét duyệt phong anh hùng tớ áy náy quá. Nhưng công việc của một chính ủy thật lút đầu nên đành chịu. Thôi, hôm nay “tuân lệnh” cậu, về nhà hàn huyên, một hai câu sao hết chuyện của một đời người.

Kẻ tám lạng, người nửa cân, họ “bắn liên thanh” hàng tràng rồi ôm chầm lấy nhau, bả lả kéo về nhà Vụ.

- Vợ ơi - (anh bắt chước bọn trẻ) – hôm nay có khách quý, thủ trưởng anh về chơi. Mà cũng 28 tết rồi, làm tất niên luôn thể.

Chào hỏi khách xong, Loan nhìn chồng là lạ, làm như chưa có khách bao giờ! Nói vậy, song cô cũng thấy vui lây cái vui của Vụ.

- Chú ngồi xơi nước với nhà cháu, cháu vớt nốt mấy cái bánh chưng ra để ép. Nhanh thôi, mọi thứ có sẵn cả rồi.

- Đấy, cứ học ngay vợ cậu - ông dồn anh vào thế bí - Hơn một tuổi làm anh, hơn chục tuổi làm cha. Tớ hơn cậu hai chục thì gọi bằng chú là chuẩn. Cứ thủ thủ trưởng trưởng nghe rườm rà nẫu ruột. Mà giờ tớ còn thằng “tốt đen” nào để sai khiến đâu. Làm “vĩ” còn chưa xong nói gì đến “thủ”, thậm chí hàng ngày phải làm thân trâu ngựa cho thằng chắt lên ba cưỡi. Nó cứ hây cục cục… cụ nội nó suốt…

Cả nhà cười ồ, Loan chảy cả nước mắt. Cô nguýt chồng đầy ngụ ý, đúng là thầy nào tớ ấy, nói dóc như trạng mẹ. Không khí ngày tết được hâm nóng hơn. Chén trà ngan ngát hương sen đưa ông trở lại trạng thái “cân bằng bền”. Ừ, mới sáng hôm qua thôi, đoàn ông còn hành lễ trước tượng đài Mẹ Suốt, vượt hơn 400km đường trường ra Hà Nội nghỉ chặng, để sáng nay kịp có mặt dự đại hội đại biểu cựu chiến binh xuất sắc của hai tỉnh hội kết nghĩa. Ngoài phận sự trưởng đoàn ông còn có nhiệm vụ kể một câu chuyện đời lính thời đánh Tây. Ban liên lạc “túm tóc” đúng người, ông từng là lính của sư đoàn 308 trong đoàn tiếp quản Thủ đô, chuội sao được. Bất giác ông tủm tỉm lẩy Kiều khe khẽ hai câu thơ vui: “Một thân hai cuộc trường kỳ/ Hai mươi năm chẵn còn gì là xuân”. À phải, nó ở tiểu thuyết “Mẫn và tôi” mà một lần ông vô tình thấy trong ba lô của Vụ. Hai mươi năm chẵn ư, mới đấy mà đã bảy mươi năm lẻ rồi còn gì. Mà cái thằng vẫn thế, hiền lành, chỉn chu nhân hậu, đến vui mừng cũng biểu lộ vừa đủ. Hồi ấy ông đã lớn tuổi nhưng vẫn hay bông lơn, thường chê Vụ và bọn lính trẻ: “Thanh niên hoi, tay chân như ống sậy, leo dốc một tý là thở cả bằng tai. Ngày xưa bọn tớ ăn toàn củ chuối nướng mà khỏe như voi, đi Điện Biên kéo pháo ầm ầm”. “Vâng, phải mỗi tội mải tán mấy mợ dân công hỏa tuyến nên để pháo đè cả vào Tô Vĩnh Diện thôi!” - Vụ phản thoại lại. Cánh lính trẻ cười ồ. Ông bị bất ngờ, cái thằng tầm ngầm mà “chiếu tướng” hiểm ra phết.

- Nào, mời chú làm “quản ca” giúp cháu, chắc năm nay nhà ta nhiều lộc đây - Loan mời trong nụ cười nồng hậu.

- Cậu chỉ được cái tốt phúc nhờ vợ, loáng cái đã đâu ra đấy. Thôi, đã mang tiếng thì kiếm miếng luôn thể, không khách sáo nữa, nhà còn ai gọi nốt ra đây.

- Các cháu chiều mới tập kết, mà em… à cháu sướng nhất cái tính của chú, vẫn như ngày nào, ăn to nói lớn. Cháu không thể quên cái lần sốt ác tính 42 độ, mê man, điện thoại trục trặc, chú phải chạy bộ gần cây số sang ban quân y gọi ầm lên. Cả sư bộ nháo nhào tưởng thám báo đột kích…

Họ nâng ly, chén rượu đầu tiên sau mấy chục năm hội ngộ không khiến cả hai toàn tâm vào bữa rượu. Nó dẫn dụ mỗi người rong ruổi theo những hoài niệm cũ. Ông nhớ những ngày ở rừng, ừ thì tiêu chuẩn cán bộ cao cấp của ông khá đầy đủ, song toàn đồ hộp. Ngoài những lúc công việc ra, nó vẫn khoác súng đeo gùi vào rừng. Khi thì con sóc, con cầy, lúc thì mẻ măng giang, bống báng bóc nõn, bởi nên bữa ăn của hai thầy tớ thường khá gần gũi đời thường, thậm chí còn cận đặc sản. Ngược lại anh cũng nhìn ra ở ông cái nết làm cha làm chú, đến ngay vết sẹo ở thái dương cũng gây sự tò mò trong anh. Ông ậm ờ qua loa, rằng là hậu quả của vụ xô sát ngoài ý muốn, có gì đáng hãnh diện mà khoe, thà là vết đạn của địch còn đi một nhẽ. Anh biết vậy, cũng chẳng cần tỏ tường làm gì, đời người ai chả có bí mật. Người ta còn rót vào tai anh, rằng số đỏ mới được điếu đóm cho các “cụ”, ngoài việc an toàn tính mạng hơn lính bộ binh còn một khả năng như lệ bất thành văn. Lâu lâu “đấng bề trên” lại “thay ngựa”, ban cho đi học lớp này lớp nọ, đồng nghĩa với việc được ra Bắc, tranh thủ té về nhà với… bu. Con mắt thằng lính chiến thường nhìn cái đích ấy. Vụ nghe rồi ừ hữ cho qua, có gì điều đó xúc phạm len lỏi. Hóa ra mình cũng hèn mọn nhỉ. Song nói cho cùng, cuộc chiến này nếu ta không thắng, giặc “lấp sông Bến Hải” thì ở vị trí nào cũng phỏng có nghĩa gì. Tiền nhân chả từng dạy đó sao. “…Lúc bấy giờ dẫu các ngươi muốn vui chơi phỏng, liệu có được chăng”. Thôi thì chịu khó “Kiềng canh nóng mà thổi rau nguội” cho lành…

Trong mâm, ngoài bánh chưng và các món truyền thống như măng, miến… còn một chiếc bánh nhỏ bọc lá dong tươi, trông như chiếc bánh chưng con chưa luộc. Một vòng tàn nhang rơi trên mặt chứng tỏ nó đã lên mâm cúng, Vụ cầm đưa cho Loan “Cất đi, ai lại đãi khách món này”.

- Ơ cái cậu này,có đặc sản mà ăn tham sao, chẳng giống cậu chút nào!

- Không, nhưng cái này chỉ dành cho cháu và cha cháu thôi, món bần hàn mà.

- Này, tớ giờ mỗi tháng tới chục bữa rượu, sơn hào hải vị chỉ tổ gút. Cậu phá lệ cho tớ nếm. Mà sao nhìn quen quen, hình như ngày ấy ông bạn tớ cũng...

- Vâng, vậy chú cháu mình cưa đôi.

Loan bóc hai lớp lá dong, một sống một chín, ruột bánh là một nén cơm tẻ, cô lấy dao cắt đôi, hiện ra phần nhân bánh toàn cà muối thái lát. Trong khi Vụ ăn ngon lành thì ông nhíu mày, nhìn ra xa mà như chẳng thấy gì, nếm náp dè dặt.

- Sao, chú không xài nổi à?

- À, không sao, ngon và lạ, mà cậu vừa nói gì nhỉ, chỉ hai cha con cậu ăn, chứ không phải đặc sản vùng miền à, mà hình như “hắn” cũng người vùng này…

- Dạ không, đặc sản gì đâu, chuyện riêng của nhà, nhưng dài dòng lại buồn nữa.

- Đời chúng mình đến âm phủ còn chả ngán, cậu kể đi.

* * *

Một chiều cuối năm, cũng vào 28 tết, cậu bé Vụ từ trường về. Quẳng cặp sách vào chõng cậu quay ra hỏi mẹ “Bánh chưng bé của con đâu”. Mẹ cậu xuống bếp đưa cho chiếc bánh còn nóng ấm nhưng bị lòi ruột một góc, trông méo mó. Cậu quăng phịch xuống sân rồi khóc ăn vạ. Vừa hay cha đi làm đồng về, ông lẳng lặng nhặt cất đi. Đêm 30 cả nhà quây quần bên đống lửa, như thường lệ, ông lại kể chuyện cho cậu nghe, song lần này không phải chuyện cổ tích dân gian nữa.

…Có hai mẹ con nhà nọ đi ở trừ nợ cho nhà Lý Cò. Cảnh mẹ góa con côi, họ tá túc trong túp lều lợp rạ cạnh chuồng trâu, vừa tiện việc mà cũng tiện trông coi cho chủ. Mỗi năm tết đến bà mẹ chỉ xin thêm nhà chủ được bát cơm dẻo làm bánh và quả cà thái lát làm nhân. Bà lấy lá chuối gói thành chiếc “bánh chưng” cho cậu ăn tết. Tội nghiệp thằng bé, nó tung tăng đi chơi khắp làng, đói thì bóc bánh ăn ngon lành. Một lần cậu ấm nhà chủ nhìn thấy, nó bảo không phải bánh chưng, bọn trẻ xúm vào ê xì chế nhạo khiến nó nghi ngờ rồi chạy về gục vào lòng mẹ nức nở. Bà không cất được câu nào, hai dòng lệ chảy ngược vào tim khiến bà ngồi chết lặng, cũng là đòn cân não giáng xuống sau nửa đời cay cực. Năm sau bà qua đời trong cơn suy kiệt, không nhắm mắt nổi như có điều chưa can tâm mang xuống mồ.

Thằng bé lớn dần như cỏ dại, ngẫu nhiên làm kẻ ở trừ nợ tiếp cho chủ. Nhưng sông còn có khúc, cũng đến ngày cây cỏ thành cây lau cây sậy. Một sáng mùa xuân, chàng lực điền đang mải lật úp những xá cày ngoài ruộng thì có ba thanh niên làng vội vã đi qua. Họ rủ luôn anh đi đầu quân Việt Minh. Bị bất ngờ, anh đang lưỡng lự thì Phượng, cô út nhà chủ mang cơm trưa đến. Hiểu ra, cô không hô hoán, can ngăn mà còn móc mấy cắc bạc dúi vào tay anh: “Đi đi anh, bao giờ đổi đời thì về, em đợi”. Anh ngỡ mình nghe nhầm, đứng như trời trồng, điều này còn bất ngờ gấp mấy lần bất ngờ kia. Hóa ra cô út nết na xinh xắn nhất nhà đã thương anh từ lâu. Trong gang tấc anh quên hết xung quanh có ba thằng bạn đang mắt tròn mắt dẹt, ôm chầm lấy cô, vòng tay vươn như gọng kìm siết lấy cái thân hình thăn lẳn, nó chỉ được nới ra khi có tiếng kêu từ khuôn mặt búp sen đã nhòe lệ: “Nghẹn em này” - “Nhất định anh sẽ về”. Anh hứa với cô mà cũng là với chính mình.

Tết đầu tiên đời bộ đội với anh không ngờ lại là cái tết dữ dội. Trên mâm có đĩa bánh lạ, mọi người bảo là bánh chưng, được làm bằng gạo nếp, nhân bằng đỗ xanh, thịt lợn. Tiêu chuẩn bốn người một chiếc, anh lấy một góc phần cắt tám cắn thử, dè dặt như người chấm thi cỗ khiến cả mâm phì cười. Nuốt được ba miếng anh bỗng kêu lên: “Mẹ ơi, con được ăn bánh chưng thật rồi”. Anh buông bát bỏ vào giường khóc trước sự ngơ ngác của mọi người.

Thằng bé, anh bộ đội chính là cha con đấy. Bà mẹ chính là bà nội con, có điều - (nước mắt ông ầng ậc chảy trong tiếng nghẹn ngào) - Điều đau nhất với bà là đến lúc chết bà vẫn chưa lo nổi một chiếc bánh chưng thật cho con mình…

…Lúc ấy cháu xấu hổ và ân hận quá mà chả biết rúc mặt vào đâu chú ạ, cha cháu biết ý ôm cháu vào lòng để nước mắt hai thế hệ hòa vào nhau ấm áp.

- Khoan, cháu vừa nói gì, ông ấy kêu “Mẹ ơi, con được ăn bánh chưng thật rồi” sao?

- Vâng, câu này không thể sai, ở đời có ai kêu thế bao giờ. Nhưng sao cơ chú?.

- À không, nghe quen, à hơi lạ, cháu kể tiếp đi - sắc mặt ông hơi tái tái.

- Đoạn tiếp theo thì cháu không rõ lắm, nghe lơ mơ qua người làng, sau tết năm ấy ông về làng cũng đột ngột như lúc ra đi, đến trình ủy ban kháng chiến một tờ giấy do đơn vị cấp. Vì mù chữ nên ông cũng chẳng biết nội dung có gì mà liệu. Tin xấu như dầu hỏa loang mặt nước, rằng ông bị kỷ luật đuổi về địa phương vì tội dùng vũ khí đánh đồng đội, ngoài ra còn một tội khác chưa rõ, bị nghi có liên quan đến tề điệp! Từ ấy ông sống như cái bóng, ngại gặp người làng vì không thể thanh minh. Cũng còn may, đời ông không biết sẽ ra sao nếu không có mẹ cháu.

- Mẹ cháu! Cháu kể tiếp đi!

- Ôi, chú cũng hay thật, thật bõ công chú ở lại đây hôm nay. Đời cha cháu khổ nhiều, lắm oan ức, nhưng ông trời bù cho cái “thiên tình sử” khối người thèm. Hì hì… - Vụ cười khúc khích rồi vui vẻ tiếp.

...Nộp xong giấy tờ, anh đi lang thang chẳng biết về đâu. Có nhà đâu mà về. Cái tin anh bị kỷ luật loang ra khiến không ai muốn chứa. May mà còn mấy cắc lẻ của cô chủ Phượng giúp anh đồng quà tấm bánh đỡ lòng. Tối đến ông đành chui vào mái vẩy nghè Mưa của làng trú tạm. Tảng sáng, một cô gái xách làn hoa quả đến thắp hương kêu cầu điều gì đó. Cô giật thót khi nhìn thấy cái “xác” bên trái nhà nghè, chút bản lĩnh giúp cô kìm được tiếng kêu hô hoán. Linh tính mách bảo, mặc dù trời còn nhá nhem Phượng vẫn nhận ra đó là Mùa. Bàn tay… tiên đã âu yếm đánh thức anh tỉnh lại sau cơn ác mộng đằng đẵng. Một lần nữa anh không dám tin là thật. Có điều trùng hợp đến lạ kỳ, ngay cả cô cũng vậy, cô đang bước những bước đường cùng, nhắm mắt đưa chân cầu cứu cửa thần linh. Hôm nay là ngày họ hẹn đến xem mặt. Là phận nữ cô đâu có quyền… Thế mà tình cảnh bỗng nhiên quay ngoắt. May hay rủi còn sớm để biết, chỉ có điều họ không thể bỏ lỡ cơ hội trời ban này. Còn phải nói, họ đã nhận ra nhau ra sao, trao gửi những gì ở cái buổi bình minh định mệnh ấy. Họ đưa nhau về nhà, ra mắt “cao đường”, cô khéo léo lật bài ngửa, công khai cái “sự đã rồi”. Lý Cò gầm lên như hổ bị thương vì đứa con gái bất trị. Gã biết ăn nói sao với tay thương nhân người Pháp giàu có và quyền thế đây. “Cha không phải lo, con đã có cách”. Cô ghé tai anh thì thầm. Theo kịch bản của cô, anh vận tất cả thứ gì có mầu sắc Việt Minh còn sót mà chưa bị tịch thu vào người, từ chiếc ba lô đến áo trấn thủ, mũ lưới ngụy trang. Chờ khách đến tuyên bố thẳng, rằng đã được Việt Minh tổ chức kết hôn rồi, nếu cần gọi du kích đến can thiệp. Họ đã thắng một cách ngoạn mục. Hôm ấy bầu đoàn của vị khách người Pháp đành rút lui có trật tự. Lý Cò chưa nguôi giận, song thế thời đã khác, gã đành cắt cho mẫu ruộng tống họ ra ở riêng “cho biết thân”. Âu cũng là điều may vớt vát, vài năm sau thì cải cách, ruộng đất bị tịch thu hết, trừ mẫu ruộng đã cho đôi vợ chồng trẻ là thoát nạn.

Đấy, chuyện cha mẹ cháu là vậy. À chú kể về ông bạn cùng đơn vị đi.

Ông giật thót như sực tỉnh sau cơn mộng mị: “Thôi, hôm nay gặp cháu thế này là quá mãn nguyện rồi. Giờ chú xin phép, xe đang đợi, chú hứa ngoài tết sẽ lại gặp cháu, còn nhiều chuyện liên quan. Nếu rảnh vào chú chơi, địa chỉ là…”

Vụ hơi ngỡ ngàng, cái con người kiêu hùng ngang tàng, từng được mệnh danh là hùm xám Tây Nguyên, là nỗi kinh hoàng của sư đoàn ngụy “Trâu điên” lại xuống nước với đứa “cần vụ nửa mùa” như mình sao. Cái giọng như của kẻ mắc nợ chưa trả được, còn luyến tiếc điều chưa tròn vành rõ nghĩa. Ra đến cửa, như sực nhớ ra ông quay vào:

- À cha cháu tên gì nhỉ?

- Mùa, Lê Viết Mùa, sao hả chú?

- À, chú nhớ lẫn, mà còn chuyện “Bôn” của cháu sau này thế nào?

- Chú yên tâm, giờ cháu là bí thư xã, nhưng là mãi sau này, nên giờ mới 15 tuổi Đảng. Lúc đó địa phương thiếu nhân tố, động viên rồi cài cắm cháu vào dần.

- Nhẹ cả người, thôi, hẹn cháu “hồi sau sẽ rõ”.

…Lời của Loan đã linh nghiệm, rằm tháng Giêng Vụ nhận được bưu phẩm, chỉ là chiếc phong bì dày. Người gửi là Đoàn Văn Công, chủ tịch hội CCB tỉnh, trưởng ban liên lạc CCB quân khu IV. Không nhẽ bố già lại gửi tiền mừng tuổi. Bóc ra chỉ có lá thư dài tới 3 tờ phê đúp. Linh tính mách anh có lẽ nó còn quý hơn cả tiền bạc.

…Vụ cháu mến! Hôm ấy dù không phụ thuộc xe chú cũng không thể ở lại. Chú chưa biết phải bắt đầu câu chuyện từ đâu, để cháu tiếp nhận thế nào. Giờ chú mới có thể bình tâm ghép nối nốt những mảng góc khuất của hai cha con mà cháu chưa biết, chuyện có liên đới cả với chú nữa…

***

Đã là những ngày cuối của mùa đông năm con rắn (1953). Đơn vị đóng tại khu rừng của huyện Mai Sơn thuộc tỉnh Sơn La. Thị trấn Cò Nòi nườm nượp dân công hỏa tuyến. Toàn quân toàn dân đang dồn sức cho nước cờ thế Điện Biên Phủ. Công và Mùa, hai tân binh mới được biên chế vào tiểu đội 1, cùng tổ ba người. Tuy khác quê nhưng họ thân nhau như hình với bóng. Chỉ đôi lúc Công hơi phật ý vì Mùa cứ nhè cái giọng miền trong lơ lớ cùng những từ địa phương ra giễu nhại. Sau mỗi lần như thế dường như họ càng thân thiết hơn. Không chỉ thế, trong trận chống càn ở Đèo Khế, Mùa đã kịp hạ gục tên ngụy binh trước tích tắc cái bóp cò nhằm vào Công khiến anh thoát hiểm. Bữa cơm tất niên tổ chức vào ngày 28 tết đã xảy ra một chuyện bất thường. Lần đầu tiên trong đời Mùa được biết và được ăn bánh chưng. Anh thốt lên “Mẹ ơi, con được ăn bánh chưng thật rồi”, sau đó anh bỏ bữa về giường khóc, có lẽ anh đã khóc suốt đêm nên sáng hôm sau mí mắt mọng đỏ. Mùa nhờ Công canh chừng hộ, nếu cán bộ hỏi thì quấy quá hộ rằng anh đi hái rau rừng. Song anh bách bộ chục cây số ra Cò Nòi, xế trưa mới về, trong gói đồ có thẻ hương, trầu cau, hai chiếc bánh nhỏ, một bánh chưng, một chiếc kia bọc lá dong mới. Anh bày lên tảng đá bên bờ suối vắng, sực nhớ ra thiếu diêm, anh quay về bếp kiếm lửa để thắp hương. Công tò mò theo dõi, chớp thời cơ lén mở chiếc bánh lạ bọc lá dong tươi ra, trong toàn cơm tẻ, nhân bằng cà muối thái lát. “Thế này có gì mà phải giấu giếm nhau”. Công chưa kịp gói lại thì Mùa đã đứng sau lưng vội giật phắt, lá ở lại trên tay, bánh rơi xuống suối tan vào nước. Chưa bao giờ Công thấy Mùa hung dữ đến vậy, anh định giải thích nhưng vô hiệu. Hai bên giằng co về đến lán, Mùa vớ được khẩu súng, quay báng thúc vào trán Công, máu chảy xuống mặt. Cả đại đội xúm vào bắt giữ cả hai, lập biên bản xét kỷ luật. Sự việc chưa dừng ở đấy, sáng hôm sau một chiếc máy bay bà già vè vè quanh khu rừng rồi choảng bom, một trái trúng nhà bếp, chị nuôi Mai hy sinh, gạo vãi tung tóe. Lần này đến lượt Công khóc nức nở, anh đang lẫm chẫm những bước đầu của tình yêu với Mai. Quân pháp về điều tra, hỏi gần đây có ai ra khỏi đơn vị không. Trong khoảnh khắc bất bình, thiếu kiểm soát Công đã khai toẹt: “Hôm qua đồng chí Mùa có ra Cò Nòi”. Họ bắt Mùa đưa đến từng chỗ đã đến để xác minh. Không tìm được chứng cứ gì có hại, song sự thành thật của anh cũng chưa đủ xóa nổi mối nghi vấn. Công việc bộn bề, họ tạm dừng truy cứu. Vài hôm sau tết, đơn vị cấp cho anh tờ giấy, bảo về quê trình diện chính quyền Việt Minh nơi cư trú. Đáng tiếc, ngay sau đó đơn vị tìm ra thủ phạm, cũng là lính nhà mình cả, được ngày nghỉ, bắt cá nướng ăn, khói quẩn lên làm máy bay phát hiện ra. Họ định đánh công văn gọi Mùa trở lại, đúng lúc có lệnh hành quân đi Lai Châu gấp. Mọi chuyện đành gác lại rồi để “chìm xuồng”.

***

Phần chuyện khuyết của cha cháu là vậy, bị tiếng oan với đời đã đành, còn bị oan với ngay cả chú mới khổ. Của đáng tội, mỗi lần soi gương, nhìn vết sẹo trên trán chú lại nhoi nhói nơi con tim mà cũng chẳng biết nên nhìn ông thế nào? Yêu, ghét, giận, thương… Nhưng chắc chắn là tiếc, tiếc cho một tình bạn, tình đồng đội từng là ân nhân cứu mạng lại là con người hoang dã thế sao, chỉ vì một chiếc bánh cơm nguội mà ra tay phũ phàng ư? Cho đến vừa rồi biết toàn bộ câu chuyện về chiếc bánh chú bỗng hiểu ra, hết giận mà còn thương cha cháu cùng bà nội đến ứa lệ. Ông là người sâu sắc lắm mới thốt ra câu “…bánh chưng thật” và khóc suốt đêm ròng, chú là người chứng kiến vì ngủ chung chăn. Liệu mấy ai biết, ngay cả cháu, điểm đích của những giọt lệ ấy là đâu, không chỉ là ông thương đoạn đời cay cực của cụ và bản thân, điều đau đớn sâu thẳm nhất chính là vì nghèo mà cụ phải lừa dối đứa con thơ dại suốt tuổi hoa niên bằng bánh chưng giả, đến nỗi khi ra đi không cam lòng nhắm mắt xuôi tay…

Còn phần nữa với cháu, cũng là cơ hội chú trải lòng cho nhẹ bớt. Việc vào Đảng năm xưa bị gián đoạn là có nguyên do, sau hai lớp học cảm tình đối tượng tổ chức về quê điều tra lý lịch thì có vấn đề: Cha bị kỷ luật đuổi khỏi quân đội, mẹ là con nhà địa chủ. Cái thời ấy còn nặng nề chuyện lý lịch lắm. Chú rất quý cháu nhưng đành chịu. Chưa hết, năm bảy tư (1974) chiến dịch Tây Nguyên, cháu là nhân tố số một để xây dựng và phong anh hùng LLVT. Song cũng vì lý lịch mà người được phong lại là người khác có thành tích dưới cháu. Thế đấy, đời thật trớ trêu nực cười, cái “tình sử” lấp lánh của cha mẹ cháu cũng thêm tỳ vết vào bản lý lịch. Đời chú hai lần áy náy, mắc nợ, kỳ quặc thay nó lại rơi vào hai người là cha con cháu. Chú đang vạch ra hành động sắp tới. Với cha cháu việc đã an bài, một cuộc gặp mặt nói chuyện với cán bộ địa phương là đủ. Với cháu việc vào Đảng coi như xong, việc thứ hai là chuyện truy phong anh hùng chú sẽ thử sức, khi cháu đọc thư này chắc chú đang có mặt ở phòng lưu trữ quân khu, xin xem lại các hồ sơ, làm đơn kiến nghị…

...Bàn tay Vụ run run gấp thư tra vào phong bì đưa cho vợ. Anh nghe trống ngực gióng giả từng nhịp vắn dài. Nhìn lên bàn thờ, chiếc bánh gạo tẻ nhân cà ánh lên màu lá dong tươi mát, đâu ngờ công năng của nó diệu kỳ đến vậy. Ở đời ai muốn khơi chuyện đau buồn. Nhưng chú Công nói đúng, cha là người sâu sắc. Nếu không duy trì chiếc bánh chưng gạo tẻ kia thì chuyện của cha con anh có ngày hóa giải nổi chăng?.

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Bàn chân tìm nhau

Văn xuôi 6 ngày trước

Rủ nhau đi hái măng rừng

Văn xuôi 1 tuần trước

Thong dong mây trắng…

Xem tin nổi bật 2 tuần trước

Sương

Xem tin nổi bật 2 tuần trước

Gió mây vần vũ

Xem tin nổi bật 4 tuần trước

Lời ru từ mặt đất

Xem tin nổi bật 4 tuần trước

Tháng Ba mùa hoa gạo

Xem tin nổi bật 1 tháng trước