Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
08:26 (GMT +7)
Tác phẩm tham dự Cuộc vận động sáng tác văn học, nghệ thuật về Đại đội Thanh niên xung phong 915

“Chị vẫn ở trong tim em đây”

VNTN - Thỉnh thoảng, ông lại lấy ngón tay dấn giọt nước mắt cứ trào nhòe trên má. Chúng tôi im lặng, cùng nhìn ra con đường bụi mù rầm rập xe trọng tải lớn chạy qua. 46 năm trước, con người phong trần vất vả kia là cậu bé 16 tuổi, đã nhận nhiệm vụ đau xót và nặng nề gia đình giao cho: Đạp xe hơn trăm cây số từ Bắc Cạn về Thái Nguyên để nhận phần mộ chị mình vừa được đồng đội chôn cất.


Đăm đắm nhìn vào khoảng hư vô, cậu bé 16 tuổi xưa là ông Nguyễn Trọng Hãn, em ruột liệt sĩ Nguyễn Thị Loan, một trong 60 đội viên Thanh niên xung phong hy sinh khi đang bốc dỡ hàng ở ga Lưu Xá ngày 24/12/1972.

Nỗi đau gợi lại khiến trái tim buốt nhói. Dù chị mất gần nửa thế kỷ rồi nhưng “bác Loan” lúc nào cũng hiện hữu trong gia đình người em yêu thương của mình.

“Chị tôi xinh nhất nhà, tóc dài, da trắng. Chị làm luôn chân luôn tay. Chị chiều tôi lắm, lụi cụi trồng dong giềng, tráng bánh, thái miến dong gánh ra chợ Bắc Cạn bán, tích cóp mua chiếc xe đạp Vĩnh Cửu màu xanh cánh chả cho em đi học. Chiếc xe mua 650 đồng khi đó là cả một gia tài”.

Ký ức của ông Nguyễn Trọng Hãn như được khơi dòng, tuôn trào cùng cảm xúc. Năm 1963, gia đình ông từ Thái Bình lên thôn Nà Làng, xã Côn Minh, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Thái (nay là tỉnh Bắc Cạn) khai khẩn miền đất mới. Ở nơi heo hút, cách quốc lộ hàng chục cây số, cơm ăn áo mặc của cả nhà chỉ trông vào ruộng nương. Cái ăn chủ yếu là khoai, sắn, ngô, thi thoảng được bữa cơm không đầy dạ dày. Bố mẹ sinh được 4 người con, anh cả chiến đấu ở chiến trường Nam Lào, chị Loan chỉ được học hết lớp 3 rồi nhanh chóng trở thành lao động chính. Đôi vai còn non nớt đã trĩu nặng trách nhiệm với gia đình, nhất là với 2 đứa em thơ dại. Như nhiều người con gái sớm phải lo toan ngày ấy, chị thức khuya dậy sớm, lùi lũi ruộng nương, quang gánh tất tả, ăn tạm uống bợ, chấp nhận mình vất vả để các em được học hành.

“Thương lắm, cuộc đời chị tôi chả được sướng lúc nào” - Nước mắt đàn ông hiếm hoi lại không thể kìm nổi.

Ông Hãn (người giơ tay) đang trò chuyện với mọi người về chị Loan của mình
Ông Hãn (người giơ tay) đang trò chuyện với mọi người về chị Loan của mình

Ấy vậy mà trong di ảnh duy nhất còn lại đặt trên ban thờ, chúng tôi thấy chị Loan cười tươi lắm. Đôi mắt tuổi 20 trong veo, bím tóc trĩu nặng, môi nhoẻn cười hạnh phúc. Nụ cười như nhắn nhủ người ở lại hãy yên lòng; như nói cho mọi người biết sự ra đi của mình không uổng phí.

“Trong cuộc đời có những sự việc tôi không thể nào quên, mỗi lần nghĩ đến lại thấy đau lòng”. Ông Hãn khó khăn khi kể lại chuyện cũ.

Tuổi mười tám, chị Loan có mối tình đẹp với chàng trai khôi ngô tên là Đỗ Đức Đản. Yêu nhau được hơn một năm, bên gia đình nhà trai đã sang ăn hỏi, đợi ngày đẹp để tác thành cho đôi lứa. Rồi anh Đản đi theo tiếng gọi Tổ quốc, nhập ngũ vào chiến trường phía Nam và hy sinh năm 1968 tại đường Chín, Nam Lào. Nghe tin người yêu mất, chị Loan lầm lũi hẳn, chị vẫn chăm lo chu toàn cho gia đình nhưng đôi mắt lúc nào cũng buồn rượi.

Chúng tôi cùng im lặng, mỗi người đuổi theo suy nghĩ của riêng mình. Tôi như nhìn thấy chị, dáng vóc nhỏ bé cặm cụi một mình trên nương vắng. Chị thẫn thờ nhớ từng kỷ niệm ngọt ngào với người con trai tươi trẻ như bông hoa chuối rừng; chị thầm gọi tên anh trong nức nở; chị cố nuốt tiếng gào xé trong lồng ngực để cha mẹ đỡ đau lòng. “Em sẽ noi gương anh, em sẽ sống xứng đáng với anh, chàng trai dũng cảm của em”. Chị thầm thì với chính mình như ngày nào áp má trên vai anh, thầm thì ước hẹn và mơ về hạnh phúc khi hai người về chung một nhà.

“Chị tôi chích máu viết đơn tình nguyện đi thanh niên xung phong, bố mẹ tôi khóc ghê lắm, nhưng không cản”.

Ngược thời gian trở về tháng 6 năm 1972, hoàn cảnh chiến tranh thật ngặt nghèo. Mỹ cho máy bay đánh phá ác liệt nhiều tuyến đường trọng điểm trên toàn tỉnh Bắc Thái, nhất là khu vực thành phố Thái Nguyên. Tỉnh Đoàn Thanh niên Bắc Thái quyết định đẩy mạnh phong trào “Thanh niên xung kích bảo đảm giao thông vận tải”. Chỉ sau một thời gian ngắn, Tỉnh Đoàn đã tuyển được 673 đội viên thanh niên xung phong (TNXP) tập trung. Đội 91 TNXP chống Mỹ cứu nước Bắc Thái được bổ sung quân số, từ đó thành lập thêm 1 đại đội và 1 trung đội thủy thủ. Đại đội 915 ra đời như thế, trong đó có đội viên Nguyễn Thị Loan, năm đó tròn 20 tuổi.

Ngoài đảm bảo giao thông vận tải, các TNXP của Đội 91 còn có nhiệm vụ tiếp nhận và trung chuyển hàng hóa quân sự phục vụ tiền tuyến. Lúc này, trụ sở các cơ quan, trường học nằm trên tuyến đường sắt khu vực ga Quán Triều và ga Lưu Xá (thành phố Thái Nguyên) chất ngất hàng hóa do các nước anh em viện trợ để đánh Mỹ và xây dựng đất nước, cần lực lượng tiếp nhận và giải tỏa hàng khẩn trương nhất. Riêng ga Lưu Xá mỗi ngày trung bình tiếp nhận 100 xe hàng, đoàn xe ô tô phủ bạt kín mít xếp hàng dài 2km chờ vào ga bốc dỡ. Do thiếu lao động, hàng tồn kho lên đến gần 20 nghìn tấn ở hai nhà ga nói trên. Trong khi bộ đội ta ở chiến trường đang thiếu đói, thì từ ngày 19 đến ngày 23 tháng 12 năm 1972, địch cho máy bay B52 rải thảm bom xuống khu vực thành phố Thái Nguyên, số lương thực vô cùng quý giá kia có nguy cơ thành tro bụi.

Và hơn sáu mươi đội viên Đại đội 915 với quá nửa là phụ nữ đã có mặt nơi hiểm nguy, dùng bàn tay, đôi vai của mình cõng vác hàng hóa, bất chấp cái chết rình rập. Trận bom tàn nhẫn trút xuống nơi mọi người trú ẩn làm rung chuyển khu Nam thành phố, bóp nghẹt trái tim triệu triệu con người. Đêm Giáng sinh nào dường như cũng mịt mù hơn để tôn vinh ánh sáng khi Chúa ra đời. Nhưng Giáng sinh năm 1972, Chúa không thể hiện diện bởi sự sống của 59 đội viên Đại đội 915 và Đội phó Nguyễn Thế Cường phút chốc bị hủy diệt.

“Chiều tối ngày 25 thì gia đình tôi nhận được điện đánh từ Thái Nguyên báo tin chị tôi hy sinh. Bố mẹ tôi khóc ngất. Tôi và đứa em út cũng chỉ biết khóc. Đêm đó tưởng chừng dài vô tận. Mờ sáng ngày 26, tôi lên xe đạp về hướng Thái Nguyên. Đường đi uốn lượn, dốc cao, vực thẳm, vắng vẻ rợn người. Tôi khi ấy 16 tuổi lần đầu một mình đi xa nên lúc đầu rất sợ hãi. Tôi đi gần một ngày trời mới đến bến xe ô tô khách Đồng Quang, được người ta chỉ cho dãy nhà trọ làm bằng tre, vào đấy thuê ngủ, chiếc xe đạp thì chằng dây buộc vào cột nhà. Sáng sớm hôm sau tôi đạp xe sang đơn vị chị tôi ở Linh Sơn (Đồng Hỷ), cùng một cán bộ của Đại đội vào Nghĩa trang Dốc Lim nhận mộ chị. Người chị có hai bím tóc dài, da trắng, xinh nhất nhà nằm trong nấm đất đỏ tươi, giữa nhấp nhô hàng hàng ngôi mộ đất đỏ khác. Hình ảnh đó trọn đời tôi không bao giờ quên”.

Ôm nấm đất nhỏ bé chào chị, cậu bé Hãn lại hành trình đạp xe về Na Rì, Bắc Cạn. Trăm cây số không còn hun hút như lúc đi vì có chị nâng bàn chân cho đỡ mỏi. “Em hãy thay chị chăm sóc bố mẹ, chăm sóc em gái, chị thương em nhiều lắm…”, lời người chị yêu thương cứ thầm thĩ bên tai cậu.

Trên căn gác nhà ông Hãn, bàn thờ chị Loan nhìn ra vườn cây mát mẻ, sạch sẽ, khung cảnh thật thanh bình. “Việc to việc bé trong nhà chúng tôi đều thắp hương báo cáo bác, bác chỉ cho cách làm…” - ông Hãn tâm sự.

Trong làn khói nhang hư ảo, chúng tôi nghe ông Hãn kể về sự hiện hữu của chị Loan hiện nay trong gia đình. “Chính bác Loan bảo tôi làm trang trại, mách cho tôi nên làm thế nào. Mỗi khi có việc gì khó khăn tôi đều thắp hương kêu bác và đều được bác phù hộ vượt qua. Đơn giản nhất như việc cháu nội quấy khóc, tôi kêu bác, bác dỗ cho cháu nín”.

Có chăng yếu tố tâm linh thần kỳ? Tôi chỉ nghĩ, vị trí của chị Loan trong gia đình và trái tim người em quá lớn, đến mức dù chị đã không còn trên đời này nửa thế kỷ rồi, nhưng niềm yêu thương và tôn kính chị vẫn còn nguyên trong trái tim của người em cậu.

Giờ, gần một trăm cây số từ Bắc Cạn về Thái Nguyên thăm mộ chị, ông Hãn đi ô tô chỉ mất 2 tiếng đồng hồ. Dăm năm nay, con ông thay ông vào Nghĩa trang liệt sĩ Dốc Lim thăm mộ bác Loan. “Nó chạy xe tuyến đường Bắc Kạn - Thái Nguyên, có chuyện gì vướng vấn trong lòng, nó lại vào tâm sự với bác” - ông Hãn thủ thỉ kể với chúng tôi như vậy.

Trời đã ngả chiều, chúng tôi tạm biệt quê hương của liệt sĩ Nguyễn Thị Loan trở về Thái Nguyên. Đi trên con đường in dấu chân các anh các chị, nghĩ suy trong tôi tràn trề như màu hoa phủ trắng núi rừng.

Những chàng trai cô gái tuổi đôi mươi phơi phới của quê hương Bắc Cạn đã sống cuộc đời hồn nhiên biết mấy. Họ dù ra đi từ những mái nhà khác nhau, hoàn cảnh sống khác nhau, nhưng đều có điểm chung là những con người thấu hiểu trách nhiệm của mình, không chỉ với gia đình, mà với cả đất nước và dân tộc.

Tôi bỗng nhớ đến những câu thơ của nhà thơ Nguyễn Đức Mậu:

“Khi ta ẩn dưới hầm

Trên đầu ta tiếng rít gầm man rợ

Thành phố rung lên

trong tiếng nổ ầm ầm

Ta vẫn tin bầu trời

không sụp đổ”…

Phải lắm chứ. Nếu chị Loan và các cô gái chàng trai ngày đó còn sống, họ ắt hài lòng thấy cuộc sống hôm nay rạng rỡ dưới ánh mặt trời.

“Chị vẫn ở trong trái tim em đây”, câu nói và giọt nước mắt lăn trên gương mặt sạm đen của ông Nguyễn Trọng Hãn khiến chúng tôi không khỏi nghẹn ngào. Vâng, liệt sĩ Nguyễn Thị Loan và các liệt sĩ hy sinh trong đêm 24 tháng 12 năm ấy vẫn nằm trong trái tim của chúng tôi.

Minh Hằng

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Đại đội 915 còn mãi với nước non (Tập 2)

Cuộc vận động sáng tác VHNT về Đại đội TNXP 915 1 năm trước

Đại đội 915 còn mãi với nước non (Tập 1)

Cuộc vận động sáng tác VHNT về Đại đội TNXP 915 1 năm trước

Phối hợp triển khai sáng tác văn học về Đại đội 915

Cuộc vận động sáng tác VHNT về Đại đội TNXP 915 2 năm trước

Tiếp tục tuyên truyền có điểm nhấn về Đại đội TNXP 915

Cuộc vận động sáng tác VHNT về Đại đội TNXP 915 5 năm trước

Những nụ cười vẫn sáng lên

Cuộc vận động sáng tác VHNT về Đại đội TNXP 915 5 năm trước

Họ đã tham gia cuộc chiến như thế

Cuộc vận động sáng tác VHNT về Đại đội TNXP 915 5 năm trước

Nhật ký cô văn thư

Xem tin nổi bật 5 năm trước