Thứ bảy, ngày 27 tháng 07 năm 2024
09:25 (GMT +7)

Chị dâu

Truyện ngắn. Phạm Quý

Tôi về quê lần này là để dự cưới con ông anh. Chiều nay là dựng rạp, như ngày xưa thì cả làng có mặt. Thanh niên mượn bàn ghế, chặt tre làm rạp. Phụ nữ mượn xoong nồi, bát đũa, ấm chén. Đội làm bếp thì mổ lợn gà. Từ bàn ghế đến ấm chén xoong nồi mượn nhà ai phải lấy mực đánh dấu để xong việc còn trả. Giờ thì nhàn, đã có dịch vụ lo tất từ phông bạt, loa đài, bát đĩa đến cỗ bàn và cả người bưng bê. Bữa dựng rạp chỉ có anh em, con cháu trong nhà và ban tổ chức. Cả buổi chiều mọi người chỉ ngồi uống nước chuyện trò. Gần bữa thì nghe ông trưởng ban tổ chức đọc danh sách các vị trí ngày mai rồi ngồi vào mâm uống rượu. Ấy, cứ nói không có việc gì chứ bây giờ khách đông, ngay cái việc lo chỗ để xe cũng không dễ dàng. Ngày xưa làng thưa nhà, ai xa có cái xe đạp dựa dưới rặng tre, vườn chuối cũng xong. Giờ người đi ăn cưới toàn xe máy, có đến mấy trăm chiếc. Lo chỗ để xe chả khác lo chỗ dựng rạp. Danh sách trông xe đã có tới gần chục thanh niên.

Tối đến, xóm giềng, thanh niên kéo sang rạp ngồi chơi hát hò. Có công việc mới biết làng nhiều ca sĩ. Càng trung trung tuổi hát càng hăng. Hình như thời nay loa đài sẵn, mạng in-tơ-nét chạy đến từng nhà nên ai cũng sẵn sàng cầm mic hát. Điện thoại cứ sáng lên khắp rạp. Mẹ tôi diện áo dài, ngồi nhìn cảnh náo nhiệt ấy, ánh mắt vui như đi hội. “Cha bố nhà anh ấy, ngày nào còn đưa võng ru mỏi mồm, khóc chán rồi ngủ lăn như con cún. Hôm nay đã cưới vợ rồi. Đời chúng nó bây giờ sướng”. Rồi như thói quen của người già, mẹ nhắc chuyện ngày xưa: “Giờ con gái đi làm dâu cũng sướng, chả như ngày xưa, muôn ngàn cái khổ. Mẹ thằng Tiến về làm dâu nhà này cũng bao đận long đong. May nó là người giỏi giang tháo vát”.

Đêm ấy, tôi ngủ với mẹ. Bà lại rủ rỉ nói chuyện làm dâu. “Thời mới bây giờ chúng nó làm dâu bạo dạn thật. Mẹ ngày xưa chỉ đến hôm dẫn dâu về mới biết cái buồng cưới nó ngang dọc thế nào. Khổ lắm, gọi là buồng cưới chứ chỉ có mỗi cái chiếu là mới, giường tre cũ, màn cũ. Căn buồng ở một đầu hồi tối om om, có mỗi cái sào tre sát vách để treo quần áo, muỗi kêu o o khi có người bước vào”.

Tôi biết mẹ nói chuyện này vì chiều nay thấy đứa cháu dâu mang đồ sang trang trí buồng cưới của chúng nó. Nào ảnh cưới, nào hoa, bóng bay... Nó còn dùng điện thoại quay, chụp các kiểu rồi mới về. Tôi bảo mẹ: “Mỗi thời mỗi khác mẹ à, mà chị dâu con đã chả là dâu đặc biệt của mẹ còn gì”. Mẹ cười hích hích: “Ờ. Mẹ nó cũng là đứa trái khoáy ra phết. Chúng tao ngày xưa bố bảo cũng chẳng dám”.

Đấy là những năm đầu thập kỷ tám mươi. Gia đình chị dâu bố mẹ vốn gốc gác nông dân, nhưng đi làm công nhân nên chuyển ra ở thành phố. Bấy giờ chị là sinh viên khoa trồng trọt, Đại học Nông nghiệp 3. Anh tôi làm kế toán hợp tác xã. Khi chị đến thực tập, anh chị gặp gỡ rồi yêu nhau. Cả nhà tôi phản đối kịch liệt. Nghĩ mình là nhà nông, công việc nặng nhọc lại rước một cô sinh viên thành phố về, chắc chỉ để ngắm. Anh tôi bảo: “Cô ấy mác thành phố nhưng vẫn chất nông dân, cứ xem các việc cô ấy làm là biết”. Mọi người phản ứng: “Người ta học đại học, nay mai về làm việc ở cơ quan nhà nước, anh là kế toán quèn ở làng, liệu có xứng đôi không?”.

Thế rồi anh chị vẫn quyết tiến tới sau khi chị ra trường. Tôi thì không cho quyết định này của anh dũng cảm mà chính là chị cơ. Ngay trước hôm dựng rạp, mọi người tròn mắt ngạc nhiên khi chị cùng một cô bạn xách túi đến xin phép trang trí phòng cưới. Nhà bố mẹ tôi lúc ấy là ngôi nhà xây cấp bốn, cũng dành căn buồng ở một phía đầu hồi cho anh chị. Chị về rồi, mọi người xì xào, bảo thế là nó coi thường nhà mình. Ai lại chưa gì mà đã xông vào trang trí này nọ. Cái đứa đi cùng trẻ thế đã đẻ đái gì, liệu biết mắn đẻ hay không mà vào trải chiếu. Xưa đến giờ chưa thấy ai làm thế bao giờ. Có người nghĩ thoáng hơn, nói chúng nó có học hành, mạnh dạn chủ động trong hạnh phúc riêng thế mới tốt. Cũ rồi cái kiểu cô dâu cứ khép nép, nước mắt ngắn dài khi về nhà chồng.

Ở làng này, cái nếp chung của những người đàn bà là sáng phải dậy sớm, xay thóc hay giã gạo ăn rồi mới chất bếp nấu nướng cho cả nhà. Tiếng cối xay quay tít ù ù, đều đều là của những nhà có con gái đã lớn hay cô dâu mới về. Tiếng quay giật cục ù ì là của những thiếu phụ cả đêm dỗ con vì thiếu sữa. Tiếng giã gạo cũng vậy, hai tai cối cọ vào hai cái trụ, tiếng chạm đáy cần cối và tiếng rơi xuống của chày tạo nên một âm thanh két… cục… cục. Âm thanh cứ như lồng lên trong đêm giá buốt, thì biết tâm trạng của người giã đang sốt ruột mong cho xong thế nào. Buổi trưa ăn cơm xong phải tranh thủ đi lấy rau lợn hay thái chuối băm bèo. Quanh năm, đấy là các công việc làm tranh thủ của những người đàn bà ở làng này. Còn mỗi sáng chiều họ vẫn lặn lội trên đồng, ngoài bãi. Phải thạo chừng ấy việc, thế mới là dâu ngoan, gái đảm, biết chăm chỉ làm ăn.

Từ ngày chị về, tôi là em cô nên luôn phải làm cùng chị các công việc ấy. Chị vừa học vừa làm rất nhanh, ngay cả việc dần sàng cũng chỉ làm qua vài lần là chị thạo. Làm đâu được chừng vài tuần thì chị bảo tôi: “Chị em mình chịu khó đèo thóc đi xát, làm một lần ăn cả nửa tháng, đỡ nhọc nhằn sớm hôm”. Những năm ấy, chỉ mỗi Hợp tác xã là có máy xát chạy dầu. Gạo xát về mẹ tôi còn vốc lên ngửi, nhấm thử vài hạt xem có ám mùi dầu không. Sau bữa ăn vẫn kêu cơm nhạt hơn gạo giã. Tôi thì được nhàn cái thân hơn, nên luôn vào phe ủng hộ chị. Mẹ tôi trở thành thiểu số trong nhà nên dần im lặng, chẳng kêu ra kêu vào nữa.

Ban đầu mẹ tôi lấy làm khó chịu về việc chị vẫn cùng anh ngủ trưa hằng ngày. Xưa nay ở làng này, không có chuyện cô dâu mới ngủ trưa vậy. Bố tôi chẳng quan tâm chuyện ấy, nhưng mẹ tôi thì cứ nhìn vào cái cửa buồng khép kín, vẻ nhấp nhổm không yên. Đang là những ngày trăng mật của anh chị, mẹ sợ nói ra lại mang tiếng “xía” vào hạnh phúc của con. Mà không nói thì thấy chướng quá. Nhưng ngẫm ra thì, từ ngày về làm dâu chị chẳng để mẹ tôi phải mò mẫm, vất vả như trước. Gạo nước, rau bèo, lợn gà trong nhà chị chủ động sắp xếp đâu vào đó. Thôi thì, để chị ngủ trưa một chút cũng đâu có sao.

Anh chị lấy nhau chưa đầy năm thì quê tôi thực hiện khoán 10 trong giai đoạn đầu cơ chế mở cửa. Vậy là chị quyết định ở hẳn đây, muốn phát triển kinh tế gia đình vì nó phù hợp với ngành học của chị. Chị bàn với anh xin ý kiến bố mẹ tôi đầu tư mua máy xát gạo. Mẹ tôi giãy nảy: “Tiền bỏ ra một đống lấy đâu ra. Nhà toàn người quanh năm cầm cái cày, cái cuốc, làm sao điều khiển được máy. Thôi thôi, cứ chăm vào cái ruộng cho nó lành”. Chị nói, có cái nhẫn cưới, còn thiếu vay bố mẹ con trâu nghé bán đi rồi trả lại sau. Chị dự tính, ba làng ở cạnh nhau có gần ba trăm hộ, ít nhất mỗi năm họ xát hơn hai trăm tấn thóc. Nếu đầu tư máy kết hợp chăn nuôi, thì độ hơn một năm sẽ thu về số tiền gốc. Chăn nuôi sẽ có phân bón để trồng trọt. Bố tôi sau một ngày suy nghĩ thì gật đầu đồng ý. Tôi phận gái chẳng dám lên tiếng, nhưng trong bụng thầm giơ tay hưởng ứng. Chị nháy tôi, ý bảo phải tích cực tấn công vào thành lũy cuối cùng là mẹ. Đêm nghe tôi rủ rỉ phân tích, mẹ tuy vẫn lo nhưng thấy cả nhà ủng hộ, thấy chị quyết tâm nên cũng miễn cưỡng chấp thuận: “Thì đấy, kệ bố con nhà cô. Cô nhảy cẫng lên vì được nhàn cái thân chứ gì. Bỏ ra một đống tiền không phải để chơi đâu nhá”.

Thế là góc vườn nhà tôi dựng lên cái lán nhỏ, suốt ngày vang tiếng máy nổ. Anh tôi đầu tóc lúc nào cũng trắng cám vương, bù lại là có thu nhập đều đặn. Tiếng ù ù cối xay, tiếng giã gạo thậm thịch trong làng dần im ắng. Ngày trước, tôi sợ nhất hai vụ cấy gặt hàng năm. Ngày thì cắm mặt cắt lúa rồi còng lưng gánh về, tối lại dắt trâu xéo lúa đến mười giờ đêm mới ra rơm, sáng sớm hôm sau lại tất tả ra đồng. Mùa hè thì úp mặt cấy trên ruộng nước nóng như đun, mùa đông lại ngâm chân trong bùn lạnh giá. Từ ngày có chị về, cách cấy trồng thay đổi hẳn. Ruộng nhà tôi xuất hiện các loại cây trồng cao cấp xưa giờ chưa ai dám làm. Đất vườn trước chỉ toàn cây tạp, nay thì ổi, nhãn, vải mát mắt. Người làng thấy làm như chị có thu nhập nên cũng ào ào học làm theo. Là người có kiến thức trồng trọt, chị tối ngày đi hướng dẫn kỹ thuật cho mọi người. Mẹ tôi có vẻ đã hể hả, yên tâm về chị.

Chị có thai gần đến ngày sinh nở, chiều muộn vẫn hí húi bên ruộng cà chua thì đau bụng trở dạ. Cả nhà lo quýnh lên. Mẹ tôi vơ vội ít đồ rồi cùng chị cầm đèn dầu ra trạm xá. Tôi miên man nghĩ về chuyện của chị dâu. Giọng mẹ vẫn lào xào: “Đẻ được hai đứa con, nuôi cũng vất vả lắm. Con Quyên ngày bé gầy quắt, lại hay ốm yếu như mèo hen. Cứ giở trời lại sốt, ho. Cả nó và thằng Tiến đều hay khóc cả ngày lẫn đêm. Mẹ nó làm nông vất vả, gặp cảnh con cái yếu ớt, trông cứ gầy rộc đi”. Nghe mẹ nói tôi lại nhớ, đêm nào chị cũng phải ra võng kẽo kẹt ru con ngủ. Chị thiếu sữa nên chúng đói, cứ quen được võng đu đưa cùng lời ru rồi dần dần cũng ngủ. Mùa đông rét cắt da cắt thịt, anh phải mang chăn bông ra để nhẹ trên cánh võng ủ ấm cho chị. Tôi vẫn hình dung tiếng võng kẽo kẹt trong đêm, cảm giác như tiếng con mọt đang khoét sâu vào những nỗi buồn. Có lúc lại tưởng như tiếng hai chiếc óc quang đầy lúa nghiến vào hai đầu đòn gánh theo nhịp người bước lúc mùa màng. Lúc lại y như tiếng hai đầu chiếc trục cọ vào nhau khi trâu đang kéo vòng quanh sân trục lúa trong đêm. Thật là nặng nhọc.

Chị dâu về nhà tôi hơn hai chục năm thì được bà con yêu mến bầu làm trưởng thôn liên tục mười bảy năm. Chị hô hào bà con kéo được điện về làng, đối ứng làm được đường bê tông liên thôn. Chị vận động bà con thay đổi cách nghĩ, dám đầu tư vào cách làm mới, nhưng cũng chính chị, vừa qua lại là con nợ lớn nhất xã này. Cách đây 5 năm, chị xây trang trại với cả nghìn đầu lợn thịt và gần trăm con nái. Hai năm đầu có lãi, là mô hình cho bao hộ khác làm theo. Năm thứ ba giá lợn bỗng sụt xuống, đã vậy lại không xuất đi được. Càng quy mô lớn càng lỗ nặng. Như người khác đành bỏ cuộc và chịu cảnh vỡ nợ. Nhưng chị có uy tín, được nhiều người yêu mến nên có nhiều nguồn vay. Thậm chí mấy nhà thân thiết còn cho chị mượn sổ đỏ để thế chấp vay vốn ngân hàng. Qua năm sau, giá lợn thịt vẫn không hề tăng lên. Nguy cơ vỡ nợ đang hiện ra trước mắt, nỗi lo đè nặng lên gia đình tôi. Chị dâu thì gầy xọp đi.

Dạo ấy nhiều người xì xào, rằng chị đã kéo cả cái họ nhà tôi xuống bùn rồi. Đang rớt giá lại gặp thêm đợt dịch, các trang trại nhỏ và các hộ chăn nuôi lẻ bị trống chuồng. Chị ở lỳ mấy tháng trong trang trại chống đỡ, may giữ được đàn lợn. Giá cả bắt đầu tăng dần lên, chị gỡ được đống nợ và có lãi trong năm thứ 5 này. Cả nhà tôi thở phào đã qua cơn hoạn nạn. Chị bảo, lúc ấy thấy thương mẹ nhất vì bố mất rồi. Mẹ tuổi cao, nhỡ nằm xuống mà còn đống nợ ấy thì thanh thản sao được.

Làng trên xóm dưới đều yêu quí chị, đội ngũ trưởng thôn và cán bộ trong xã nể trọng chị. Thế nên khi nhà có công việc, người đến chung vui, đỡ đần chẳng thiếu một ai. Lo công chuyện cho con trai xong xuôi, anh chị mời vợ chồng tôi lui lại trao đổi. Sẵn dịp đang thuê dịch vụ quay camera làm clip lễ cưới, sẽ làm luôn một clip về mẹ để hôm chúc thọ bà chín mươi tuổi, sẽ là món quà đặc biệt. Tôi thấy ý tưởng này của chị dâu hay quá. Cả quãng đời mẹ gắn bó với gia đình, với ngôi nhà, ruộng đồng ở đây, nếu mà tái hiện được bằng hình ảnh để lưu lại thì hay biết mấy. Tôi tin mẹ cũng sẽ vui lắm.

Vui mừng vì đã may mắn qua cơn bĩ cực, nhà lại có cô dâu mới, song khi nhìn ra cánh đồng trước mặt, ánh mắt chị lại đượm buồn. Mấy thửa ruộng cà chua nhà ai quả sai trĩu trịt, chín đỏ mà hình như người trồng bỏ mặc không muốn hái. Bên cạnh đó là những thửa bỏ hoang cỏ mọc um tùm. Tôi biết, chị lại đang nung nấu điều gì đó, có thể là những ý tưởng, làm thế nào để những thửa ruộng kia không còn um tùm cỏ dại, làm thế nào để làng quê ngày một đổi thay.

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Tháng Bảy về…

Văn xuôi 3 giờ trước

Hoa nhằng diên

Văn xuôi 1 tuần trước

Phần mềm

Xem tin nổi bật 2 tuần trước

Cây me già

Văn xuôi 3 tuần trước

Hương khoai vị sắn quê nhà

Xem tin nổi bật 3 tuần trước

Chị và những mùa khoai

Xem tin nổi bật 3 tuần trước

Bụi tre ngà

Xem tin nổi bật 4 tuần trước