Thứ năm, ngày 02 tháng 05 năm 2024
19:10 (GMT +7)

Câu chuyện lửa nghề

Kỷ niệm 30 năm thành lập Hội Nhà báo tỉnh Thái Nguyên (15/6/1992 - 15/6/2022)

Ba thập niên - non một phần ba thế kỷ đã qua với tổ chức Hội Nhà báo tỉnh chúng ta. Lúc thăng có, lúc trầm cũng không ít, song đọng lại vẫn luôn đầy ăm ắp kỷ niệm, tình nghĩa và luôn bùng cháy ngọn lửa nghề nghiệp. Trong tôi như có một cuốn phim, lúc nhanh, lúc chậm, khoảng sáng, khoảng mờ… Và trong dày đặc kỷ niệm của một thời xa vắng ấy, thì chuyện nghề vẫn là đậm nét nhất…


Bây giờ chắc không mấy người còn nhớ, đã có một thời Hội tỉnh và Hội Trung ương sinh hoạt chung. Vì tôi nhớ, cuối những năm tám mươi, đầu chín mươi của thế kỷ trước, tỉnh Bắc Thái ta chưa có Hội Nhà báo cấp tỉnh. Cán bộ, phóng viên của Báo Bắc Thái thành lập Chi hội sinh hoạt trực tiếp và trực thuộc Hội Nhà báo Việt Nam, nơi đi về, sinh hoạt là trụ sở Hội Nhà báo Việt Nam số 59 Lý Thái Tổ bây giờ… Không phải tỉnh nào cũng có được hạnh phúc ấy, mà do Bắc Thái vinh dự là nơi ra đời của tổ chức Hội Nhà báo Việt Nam, tiếp thu có trách nhiệm hoạt động Hội và báo chí từ thời kháng chiến để lại…

Nhà báo Huy Hùng, về hưu tại quê – bản Khau Chủ xã Đông Viên, huyện Chợ Đồn, khoảng năm 1982 có mời tôi lên chơi nhà. Anh ở nhà sàn, vất vả lao động cả ngày, phải tối cơm nước xong anh và tôi mới ngôi bên bếp lửa tâm tình. Anh là lớp cán bộ đi kháng chiến, lần tìm, trao đổi, tích luỹ rồi viết báo, viết văn. Anh bảo chủ yếu anh học nghiệp vụ từ lớp đàn anh, các nhà báo lớn làm báo kháng chiến… Với báo chí Bắc Thái, từ năm 1976, sau khi Khu Tự trị Việt Bắc giải thể, non chục cán bộ, phóng viên của tờ báo mang tên Việt Nam Độc lập chuyển về thì Chi hội Nhà báo cũng chỉ có14 người. Đồng chí Vũ Đức Thuận, Phó Tổng biên tập (trước đó là Phó Tổng biên tập Báo Việt Nam Độc lập) làm Chi hội trưởng. Sau đó, cũng có thời kỳ đồng chí Văn Giang, Phó Tổng biên tập Báo Bắc Thái đảm nhiệm cương vị này.

Nói đến đây, cũng xin có vài dòng về Báo Việt Nam Độc lập. Ngày 28 tháng 1 năm 1941, Bác Hồ về nước sau 30 năm bôn ba khắp năm châu, bốn biển, để lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Tháng 8 năm ấy, nhận thấy cần phải có một tờ báo để tuyên truyền vận động cách mạng, Bác thành lập tờ Việt Nam Độc lập. Qua nhiều giai đoạn, cuối cùng Báo Việt Nam Độc lập là cơ quan ngôn luận của Khu ủy Khu Tự trị Việt Bắc cho đến khi giải thể vào năm 1976. Sau giải thể, một số cán bộ phóng viên được phân công về Báo Bắc Thái. Ngoài đồng chí Vũ Đức Thuận còn có vợ chồng nhà báo Nguyễn Niên (sau này là Phó Tổng biên tập Báo Thái Nguyên), Minh Châm (sau này là cán bộ Hội Nhà báo Thái Nguyên); vợ chồng cán bộ Nguyễn Văn Nguyên, Hòa Dung; phóng viên ảnh Nguyễn Quý Hùng... Các anh chị đều sinh hoạt tại Chi hội Nhà báo Báo Bắc Thái.

Nói đến Chi hội Báo Bắc Thái còn có những hội viên từ khắp nơi hội tụ, như: nhà báo Hoàng Vĩnh Xuyên, Đinh Văn Nhân, Hoàng Loan chuyển từ Báo Bắc Kạn về do sáp nhập tỉnh năm 1965. Nhà báo Nguyễn Mạnh Tuấn trở về đầu quân sau 30/4/1975 từ Thông tấn Quân sự. Nhà báo Phan Hữu Minh chuyển về từ Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN). Từ Tổng cục 2, Bộ Quốc phòng có nhà báo Kông Đán. Từ Tờ tin Gang Thép có nhà báo Mai Tú, v.v.. Bên Phân xã TTXVN sinh hoạt chung Chi hội có các nhà báo Ngô Đức Phương, Phạm Quốc Tuấn, Ma Văn Bổn… Họ đều là những hội viên nòng cốt từ thuở khai sinh và những năm đầu đáng nhớ ấy...

Tôi được chứng kiến các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của tỉnh nhắc nhở về việc cần thiết phải thành lập tổ chức Hội nhà báo cấp tỉnh. Các đồng chí cựu Bí thư Tỉnh uỷ Bắc Thái Vũ Ngọc Linh, Nông Đức Mạnh chỉ đạo cần phải có một tổ chức của nghề báo để hỗ trợ nhau về nghiệp vụ, khâu nối về sinh hoạt… Thế là ngày 15/6/1992, Hội Nhà báo tỉnh ra đời.

Lớp học của Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng (Ảnh tư liệu)

Những năm tháng ấy, Bắc Thái cũng như những tỉnh, thành khác tập trung nhiều cho việc tuyên truyền khẳng định vai trò trong lịch sử, đặc biệt trong cuộc Kháng chiến chín năm chống thực dân Pháp. Những hội viên Chi hội Báo Bắc Thái đã góp sức không nhỏ. Các nhà báo Phan Thanh Sơn, Nguyễn Mạnh Tuấn, Phan Hữu Minh, Vũ Liêu, Phương Cường... đã sát cánh cùng cán bộ các Báo Nhân Dân, Quân đội nhân dân (QĐDN), Hội Nhà báo Việt Nam đi tìm lại những địa chỉ đỏ của báo chí. Tôi nhớ lại lần đi tìm phần mộ của nhà báo liệt sỹ Thôi Hữu, Ủy viên BBT Báo Sự Thật, hy sinh năm 1950 tại xã Vô Tranh huyện Phú Lương. Tâm linh lắm, và cuối cùng cũng thấy và đưa anh về yên nghỉ tại Nghĩa trang Liệt sỹ xã Vô Tranh. Rồi việc đi tìm nơi ra đời báo Nhân Dân ngày 11/3/1951 tại xã Quy Kỳ; Báo QĐND ra đời ngày 20/10/1950 tại Khau Diều xã Thanh Định; Nơi ra đời Hội Nhà báo Việt Nam tại xã Điềm Mặc huyện Định Hóa ngày 21/4/1950... Đặc biệt, hành trình tìm về địa chỉ đỏ nơi tổ chức Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng tại xã Tân Thái (Đại Từ).

Tư liệu về nghề tìm thấy được từ trường Huỳnh Thúc Kháng thật giá trị. Tên Trường là do Bác Hồ đặt, bởi Cụ Huỳnh là cây đa, cây đề của nền báo chí cách mạng. Cụ sinh cuối năm 1876 ở làng Thanh Bình, Tổng Tiên Giang thượng, huyện Tiên Phước, Quảng Nam. Cụ đỗ đạt cao, không chịu làm quan cho Pháp, phải đi đày Côn Đảo 13 năm… Ra tù, con đường quan lộ thật thênh thang nhưng Cụ chối bỏ và năm 1927 làm chủ bút tờ Tiếng Dân. Hầu hết các bài xã luận trên tờ báo này đều do Cụ viết, đã kích thích lòng yêu nước của độc giả. Báo chí lúc ấy bị thực dân Pháp kiểm duyệt chặt chẽ, có bài báo Cụ bị yêu cầu sửa theo ý người kiểm duyệt, Cụ khẳng khái: “Hoặc là cho đăng nguyên văn, hoặc là bỏ, một chữ cũng không sửa”… Bản lĩnh chủ bút ấy của cụ Huỳnh Thúc Kháng đã làm nên tên tuổi báo chí của Cụ.

Ban Thư ký Hội Nhà báo Bắc Thái Khóa I (nay là Hội Nhà báo tỉnh Thái Nguyên)

Trong cuộc đời làm báo của mình, cụ Huỳnh xác định: “Nếu không có quyền nói tất cả những điều mình muốn nói thì ít ra cũng giữ cái quyền không nói những điều người ta ép buộc nói”… Sau ngày Toàn quốc kháng chiến, Cụ vào Nam Trung Bộ đảm nhiệm chức vụ đại điện chính phủ Trung ương. Cụ lâm bệnh nặng, qua đời ngày 21/4/1947 tại Quảng Ngãi. Cụ là chí sĩ yêu nước nổi tiếng, một nhà báo can trường và nhân ái. “Cụ không muốn danh vị, không cần lợi lộc, không tham làm giàu, không tham làm quan. Cả đời cụ chỉ phấn đấu cho dân được tự do, nước được độc lập” (lời Hồ Chủ tịch trong thư báo tin lễ Quốc tang cụ Huỳnh).

Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng chỉ có một lớp đầu tiên và duy nhất, sau do điều kiện khó khăn không mở tiếp. Tuy ngắn hạn, không đông học viên (42 người), nhưng về nội dung phong phú và cán bộ giảng dạy là những lãnh đạo của cuộc kháng chiến, có kinh nghiệm có lý luận, thực tiễn… Các ông Đỗ Đức Dục, Phó Bí thư Tổng bộ Việt Minh (Giám đốc), Xuân Thủy (Phó Giám đốc), Như Phong, Đồ Phồn và Tú Mỡ là các ủy viên của Ban lãnh đạo. Các đồng chí Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Quốc Việt, Lê Quang Đạo, Tố Hữu, Nguyễn Thành Lê, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Huy Tưởng, Xuân Diệu, Nam Cao, Thế Lữ, Nguyễn Tuân, Quang Đạm, v.v. cũng tham gia giảng dạy lớp này.

Đồng chí Hoàng Quốc Việt thay mặt Tổng bộ Việt Minh đọc diễn văn tại Lễ khai trường ngày 4/4/1949, có câu: “Lớp mang tên cụ Huỳnh Thúc Kháng bởi ngoài các phẩm chất của người yêu nước, còn là đức tính căn bản của một ký giả”.

Trong 3 tháng, học viên lĩnh hội một chương trình đồ sộ gồm 3 phần: lý thuyết, chuyên môn và thực hành. Lý thuyết có các bài như: Báo chí là gì? Điều kiện người viết báo. Chuyên môn có: phóng sự, điều tra, phỏng vấn, xã luận, tiểu thuyết, thơ ca, tùy bút, nhạc, kịch, châm biếm, cách loan tin, viết tin, cấu tạo một tờ báo, tổ chức tòa soạn, phát hành, in báo. Thực hành là đi làm tác phẩm và ra báo ở từng tổ. Các giảng viên đến nói ở Lớp với từng chuyên đề: Xã luận (Trường Chinh), Viết tin chiến sự trên báo chí như thế nào? (Võ Nguyên Giáp), Lên trang (Trần Đình Thọ)...

Ngày 6/7/1949, lớp học bế mạc. Bác Hồ gửi thư cho Lớp. Bác biểu dương và nhắc 4 điểm chính về nhiệm vụ, tôn chỉ, mục đích, đối tượng của mỗi tờ báo, mục tiêu của báo chí và nhấn mạnh: Muốn viết báo thì cần: “1 - Gần gũi quần chúng, cứ ngồi trong phòng giấy mà viết thì không thể viết thiết thực. 2 - Ít nhất cũng phải biết một thứ tiếng nước ngoài, để xem báo nước ngoài và học kinh nghiệm của người. 3 - Khi viết xong một bài báo, tự mình phải xem lại ba, bốn lần, sửa chữa lại cẩn thận. Tốt hơn là đưa nhờ một vài người ít văn hóa xem và hỏi họ những câu nào, chữ nào họ không hiểu thì sửa lại cho dễ hiểu. 4 - Luôn cố gắng học hỏi, luôn cầu tiến bộ…”.

Tôi nghĩ những điều Bác Hồ căn dặn trên là nền móng của truyền thống làm báo nghiêm túc và chuyên nghiệp, là sự nhóm lửa và tiếp lửa cho các thế hệ làm báo tại đây.

***

Cơ quan báo chí là gốc của Hội. Sự quy tụ là thành công lớn của báo chí Bắc Thái - Thái Nguyên. Bước sang những năm 90 của thế kỷ XX, báo chí nói chung có những bước phát triển mới, được quan tâm đầu tư hơn. Tỉnh có tờ báo của Đảng bộ, có Đài Phát thanh tỉnh, Đài Truyền thanh Thành phố Thái Nguyên và các huyện. Phân xã TTXVN là cơ quan báo chí thường trú quy mô nhất. Khi ấy, Tòa soạn Báo Bắc Thái chỉ có 3 nhà cấp 4 cột xi măng, kèo sắt, tường đơn. Một sớm Tổng Biên tập Phạm Hồng Dương cho đòi tôi lên phòng ông trao đổi, ông hào hứng:

- Tỉnh có ý cho chúng ta cất một tòa nhà 3 tầng, bề thế đấy nhưng chẳng nhẽ “Trái núi lại đẻ ra con chuột nhắt”, anh tính sao? Ông hỏi vậy là do lúc đó tôi làm Trưởng phòng Phóng viên, Bí thư Chi bộ, Phó Thư ký Chi hội Nhà báo... Tôi không hiểu ý, ông Hồng Dương nói luôn: - Này nhé, cái nhà thì to đẹp, tờ báo thì như bàn tay (khổ 29 x 42cm) giấy thì đen không tương xứng. Tôi định nâng khổ to như tờ Nhân Dân hằng ngày (khổ 42 x 59cm), anh lo đủ tin bài chứ? Tôi mừng hết chỗ nói, liền hỏi lại: - Tuần 2 kỳ chứ ạ? - Trước mắt 5 ngày một kỳ, Tổng Biên tập quyết định luôn. (Sau đó, báo lên khổ to, in tại Nhà in Nhân Dân, Hà Nội, một năm sau ra mỗi tuần 2 kỳ). Tiếp tục câu chuyện, Ông Dương bảo: - Theo anh có nên thành lập Hội Nhà báo của tỉnh không, để kéo anh em làm báo vào? Rất nên, nhưng ai làm? Tôi trả lời ngay và hỏi lại đầy lo lắng.

Thế rồi, việc thành lập Hội được tiến hành theo Quyết định của UBND tỉnh Bắc Thái vào ngày 15/6/1992 và Đại hội Hội Nhà báo Bắc Thái lần thứ nhất đã tiến hành sau đó ít lâu. Nhà báo Ma Văn Bổn, Trưởng Phân xã Bắc Thái làm Chủ tịch đầu tiên, đồng chí Phan Sơn, Tổ Văn xã Báo Bắc Thái làm Phó Chủ tịch Thường trực. Tòa nhà được khánh thành vào ngày 2/9/1993, mang mũ là Tòa nhà Hội Nhà báo và Báo Bắc Thái, trong đó Hội ít người được phân 120 trong tổng số 930m2 sử dụng.

Trong sự ra đời và phát triển của mỗi một đơn vị, tổ chức không thể thiếu vai trò của cá nhân, đặc biệt là những người có trách nhiệm và ý thức xây dựng cho tương lai. Nhớ lại, năm đó nhà báo Phạm Hồng Dương cũng chuẩn bị đến tuổi nghỉ hưu, nhưng nhiệt huyết của ông thì luôn hừng hực. Hầu như ngày nào ông cũng viết, phong phú, đa dạng, khúc chiết, công bằng. Ông mới chính là người đặt nền móng cho sự phát triển của báo chí và Hội Nhà báo trên mảnh đất này. Được cái, thế hệ sau ông đều là những người biết trân trọng lịch sử, trân trọng lớp người đi trước nên chỉ phát triển ý tưởng đó chứ không làm thui chột, đó là cơ may rất lớn trong đời sống hoạt động của chúng ta.

Những năm tháng ấy phải nói rằng hoạt động của Hội Nhà báo tỉnh hết sức hiệu quả, các anh, chị Ma Văn Bổn, Phan Sơn, Phạm Tịnh, Nguyễn Thành Luận, Phan Hữu Minh, Minh Châm... là những người chịu nghĩ, dám làm, liên tục tổ chức các lớp bồi dưỡng, hội thảo, các cuộc thi kể cả cấp tỉnh lẫn cấp ngành. Tổ chức các đợt tham quan và kết hợp tìm hiểu phong trào cho cán bộ, phóng viên. Nhờ vậy, Hội Nhà báo Thái Nguyên có vị thế và vai trò trong hệ thống 307 đầu mối của Hội Nhà báo Việt Nam… Viết đến những dòng này, tôi thấy nhớ thương những hội viên là lãnh đạo đã về với tiên tổ theo quy luật tạo hóa: các anh Khướu Minh Tòng, Vũ Đức Thuận, Phạm Hồng Dương, Hoàng Vĩnh Xuyên, Hoàng Loan, Ma Văn Bổn, Văn Giang, Phan Sơn, La Thanh Tịnh, Nguyễn Thuyết, Nguyễn Tính, v.v. và thấy biết ơn các đồng chí lãnh đạo Hội qua các thời kỳ đã có nhiều đóng góp cho Hội…

Cá nhân tôi được tham gia Hội hơn 40 năm, nhiều năm làm Thư ký Chi hội, Phó Chủ tịch Thường trực, Chủ tịch Hội, rồi tham gia Ban Thường vụ, Trưởng Ban Kiểm tra của Hội Nhà báo Việt Nam, tôi luôn thấy vui mừng trước những đổi thay và phát triển chung. Trong từng ấy năm làm nghề, tôi nghiệm thấy, ngọn lửa nghề của cá nhân tôi và các hội viên chưa khi nào giảm nhiệt.

Hội Nhà báo tỉnh Thái Nguyên – tổ chức của những người làm báo Thái Nguyên kỷ niệm 30 năm ra đời và phát triển. Ôn lại chuyện cũ để thêm tự hào về truyền thống đáng quý đó trên mảnh đất này. Sẽ vừa là tấm gương, vừa là động lực để các thế hệ nhà báo hôm nay với đầy đủ phẩm chất của người làm báo trong kỷ nguyên số đã, đang và sẽ tiếp tục đưa nền báo chí cách mạng nói chung và báo chí Thái Nguyên ngày một đi lên. Chúng ta có niềm tin về điều đó.

Hà Nội, tháng 6/2022

Bút ký. Hữu Minh

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục