Một số tác phẩm của Cao Thị Hồng
Tác phẩm mới:
NGHIÊN CỨU-PHÊ BÌNH VĂN HỌC VIỆT NAM TRONG XU HƯỚNG TOÀN CẦU HÓA NHÌN TỪ LÝ THUYẾT HIỆN SINH
Từ 1986, sự mở rộng giao lưu văn hóa với các nước trên thế giới, đặc biệt là các nước phương Tây đã mở ra cơ hội tiếp nhận nhiều trường phái lý thuyết hiện đại, trong đó có chủ nghĩa hiện sinh.
Xoay quanh tư tưởng trung tâm của chủ nghĩa hiện sinh là vấn đề nhân vị, các nhà nghiên cứu - phê bình đã vận dụng lý thuyết hiện sinh để khám phá những ẩn ngữ văn chương, phát hiện “cái tôi bản thể” với những trăn trở về thân phận, ý thức cá nhân, về nỗi cô đơn và kiếp lưu đày, sự ám ảnh về cái chết và sự hư hao của kiếp người, về sự phi lý, “buồn nôn” trước cái ác, cái xấu, cái thấp hèn cùng những khát khao nhục cảm mang tâm thức hiện sinh mà trước đây trong nghiên cứu - phê bình văn học thời kỳ tiền đổi mới chưa được quan tâm.
Bài viết luận giải những ảnh hưởng của triết học hiện sinh đối với việc nghiên cứu văn học nhằm khẳng định ưu thế của học thuyết này trong đời sống văn học; phản ánh đúng qui luật vận động và phát triển của nền lý luận - phê bình văn học Việt Nam trong xu hướng hội nhập của thời kỳ toàn cầu hóa.
- Mở đầu
Không phải ngẫu nhiên chủ nghĩa hiện sinh khi vừa mới ra đời đã nhanh chóng có sức lan tỏa rất lớn đến các quốc gia trên toàn thế giới. Sức ảnh hưởng của nó không chỉ ở các nước châu Âu mà còn ành hưởng đến cả các nước châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, thậm chí cả nước Mỹ xa xôi ảnh hưởng của chủ nghĩa hiện sinh cũng đã tạo nên nhiều biến động trong xã hội Mỹ, không chỉ trong văn học mà trong cả lối sống, điển hình là phong trào hippy như một sự “nổi loạn” của giới trẻ đối với những định chế của xã hội mà họ cho là đánh mất tự do của giới trẻ. Như vậy, ngay từ khi xuất hiện chủ nghĩa hiện sinh đã là một triết học mang tính toàn cầu. Vì vậy, nói đến triết học phương Tây không thể không nói đến chủ nghĩa hiện sinh. Triết học hiện sinh đã ghi dấu đậm nét trong lịch sử triết học của nhân loại, nó được coi là triết học nổi bật nhất thế kỷ XX. Bàn về ý nghĩa của triết học hiện sinh, Trần Thái Đỉnh xác quyết: “ …Triết hiện sinh nói chung, dầu là triết học của Sartre, dầu là triết học của Heidegger hay Jaspers, vẫn là triết học về con người, về cái gì làm nên bản thể con người”[1]. Chính vì “thuyết hiện sinh là một thuyết nhân bản” (Jean-Paul Sartre) cho nên dù mới chỉ xuất hiện ở phương Tây vào nửa đầu thế kỷ XIX, cho đến giữa thế kỷ XX tiếng nói của nó đã được nhiều tầng lớp xã hội đón nhận nồng nhiệt và đã tạo nên trong lịch sử triết học một trào lưu tư tưởng có sức lan tỏa sâu rộng không những khắp châu Âu mà còn ở phạm vi toàn thế giới. Chủ nghĩa hiện sinh xuất hiện và tồn tại trong lịch sử tư tưởng của nhân loại như một trào lưu tư tưởng phản ứng lại tinh thần duy lý. Không chú trọng bàn về vũ trụ xa xôi với những lẽ huyền vi của tạo hóa, triết hiện sinh là triết học về ý nghĩa cuộc nhân sinh, quan tâm tìm hiểu ý nghĩa của cuộc sống, cái chết và thân phận của con người. Tư tưởng hiện sinh coi trọng tự do cá nhân, đề cao tính độc đáo và sáng tạo, tính tự chịu trách nhiệm của mỗi người. Từ vấn đề Nhân vị - vấn đề trung tâm của chủ nghĩa hiện sinh các triết gia hiện sinh đã phát triển thành những phạm trù cụ thể như: phi lý, buồn nôn, hư vô, tự do, lo âu, nổi loạn, dấn thân, tha nhân hay người khác là địa ngục, thượng đế, siêu việt, hiện hữu… Tất cả là nền tảng để luận giải về Con Người và những vấn đề của cuộc sống nhân sinh.
- Nội dung
Như đã nói ở trên, chủ nghĩa hiện sinh là một hệ hình tư duy triết học có sức ảnh hưởng rất lớn trên thê giới ngay từ khi mới ra đời, vì vậy nó là một học thuyết có tầm ảnh hưởng toàn cầu. Ở Việt Nam, chủ nghĩa hiện sinh đã du nhập vào miền Nam từ thập niên 50 của thế kỷ XX và tác động sâu sắc đến đời sống văn học. Nhưng trước 1975, ở miền Bắc cũng như sau 1975 trên phạm vi cả nước vì nhiều lý do, chủ nghĩa hiện sinh không được quan tâm nghiên cứu một cách khách quan, công bằng, thậm chí còn bị coi là “nguy hiểm”, bị phê phán là thứ triết học “đồi trụy”, “phản động” mà không thấy được mặt tích cực cùng những giá trị nhân văn của nó. Từ 1986 đến nay, sự mở rộng giao lưu văn hóa với các nước trên thế giới, đặc biệt là các nước phương Tây đã mở ra cơ hội cho chủ nghĩa hiện sinh được tiếp tục phát huy những ảnh hưởng tích cực của nó trong đời sống văn học dân tộc. Nhiều công trình dịch, giới thiệu, nghiên cứu về triết học hiện sinh được xuất bản hoặc tái bản đã có tác động không nhỏ đến sự đổi mới tư duy nhận thức về triết học hiện sinh: Ca tụng thân xác của Nguyễn Văn Trung (Nxb Văn nghệ, TP.HCM, 2006), Đâu là căn nguyên tư tưởng hay con đường triết lý từ Kant đến Heidegger của Lê Tôn Nghiêm (Nxb. Văn học, H.2007), Martin Heidegger và tư tưởng hiện đại của Bùi Giáng (Nxb. Văn học, H.2007), Triết học hiện sinh của Trần Thái Đỉnh (Nxb. Văn học, H.2008), Buổi hoàng hôn của những thần tượng của Friedrich Nietzsche (Nguyễn Hữu Hiệu dịch và giới thiệu, Nxb Văn học, H.2008), Chủ nghĩa hiện sinh: lịch sử và sự hiện diện ở Việt Nam của Nguyễn Tiến Dũng, (Nxb Chính trị quốc gia Hà Nội, H.1999), Chủ nghĩa hiện sinh của Jacques Colette (Hoàng Thạch dịch, Nxb.Thế giới, H.2011), Triết học thực tiễn của chủ nghĩa hiện sinh và những giá trị, hạn chế của nó củaTrần Thị Điểu (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, H.2013), Thuyết hiện sinh là một thuyết nhân bản của Jean-Paul Sartre (Nxb.Tri thức, H.2016)… Lấy tư tưởng hiện sinh làm cơ sở mỹ học, các nhà nghiên cứu trong thời kỳ đổi mới và hội nhập đã luận giải, làm sáng tỏ nhiều vấn đề từ phương diện sáng tác đến lý luận-phê bình văn học.
2.1. Phát hiện và khẳng định giá trị của văn học miền Nam 1954-1975 dưới ảnh hưởng của thuyết hiện sinh – bài học của quá trình hội nhập trong xu hướng toàn cầu hóa
Do hoàn cảnh chính trị xã hội, lịch sử đặc biệt, sau 1954, đất nước bị chia cắt thành hai miền và tất nhiên sự vận đông và phát triển của văn học ở hai miền cũng có những điểm khác biệt cơ bản. Ở miền Nam với sự mở cửa của xu hướng hội nhập với thế giới nên đã tiếp nhận nhiều học thuyết khác nhau trong đó có chủ nghĩa hiện sinh. Và đây là một trong những học thuyết có tầm ảnh hưởng lớn không chỉ trong đời sống văn học mà trong cả đời sống xã hội ở miền Nam lúc bấy giờ. Điều này ta có thể thấy rõ qua nghiên cứu Chủ nghĩa hiện sinh ở miền Nam Việt Nam 1954-1975 (trên bình diện lý thuyết) của Huỳnh Như Phương (Trong sách Những nguồn cảm hứng trong văn học của Huỳnh Như Phương, Nxb.Văn Nghệ, TP. HCM, 2008) và chuyên luận Lý luận – phê bình văn học ở đô thị miền Nam 1954-1975 (Nxb. Hội Nhà văn, H. 2009) của Trần Hoài Anh.
Trong bài viết của mình, Huỳnh Như Phương đã có cái nhìn toàn cảnh về sự tiếp nhận và ảnh hưởng của lý thuyết hiện sinh đối với đời sống xã hội ở miền Nam (1954-1975). Ông cho rằng sự ảnh hưởng của chủ nghĩa hiện sinh ở miền Nam được thể hiện “cả trên bình diện lý luận lẫn sáng tác, cả trong giới chuyên môn lẫn trong độc giả phổ cập, cả trong nhà trường lẫn ngoài nhà trường (…) là một ảnh hưởng đa chiều, có thuận, có nghịch, có hiện sinh và phản hiện sinh, có những sản phẩm chính cấp và sản phẩm thứ cấp, có những đứa con chính thức lẫn “những đứa con hoang””[2]. Huỳnh Như Phương cũng đã phân tích rõ tinh thần tiếp nhận tư tưởng hiện sinh của tầng lớp trí thức miền Nam lúc bấy giờ qua các công trình nghiên cứu của họ: Trần Thái Đỉnh với chuyên khảo Triết học hiện sinh (Nxb.Thời mới, Sài Gòn, 1967, tái bản 1968), Lê Tôn Nghiêm với hai công trình trình bày về Heidegger: Heidegger trước sự phá sản của tư tưởng Tây phương (Nxb. Lá Bối, Sài Gòn, 1970); Đâu là căn nguyên tư tưởng hay con đường triết lý từ Kant đến Heidegger (Nxb. Trình bày, Sài Gòn, 1970). Lê Thành Trị với Hiện tượng luận về hiện sinh (Phủ Quốc vụ khanh đặc trách văn hóa xb, Sài Gòn, 1969; Trung tâm học liệu Bộ Văn hóa Giáo dục và Thanh niên tái bản, Sài Gòn, 1974). Loạt bài đăng trên số đặc biệt (số 1, bộ mới, ngày 1-06-1969) của Tạp chí Tư tưởng (cơ quan luận thuyết của Viện Đại học Vạn Hạnh): Phạm Công Thiện với Hiện tượng học và hiện tượng học Husserl, Ngô Trọng Anh với Vấn đề thực tại trong hiện tượng học Husserl, Lê Tôn Nghiêm với Môi trường tiên nghiệm trong hiện tượng học Husserl về cuộc đời…Đặc biệt, ông đánh giá cao vai trò của Nguyễn Văn Trung trong việc truyền bá lý thuyết và phát huy tinh thần hiện sinh trong đời sống và qua các tác phẩm của ông mà rõ nhất là bộ Lược khảo văn học gồm ba tập (tập 1: Những vấn đề tổng quát, tập 2: Ngôn ngữ văn chương và kịch, tập 3: Nghiên cứu và phê bình văn học).Theo Huỳnh Như Phương “cho đến thời điểm ấy ở nước ta, đây là bộ sách cập nhật những tư tưởng hiện đại một cách hệ thống nhất”[3], và “có thể nói Nguyễn Văn Trung là nhịp cầu chính dẫn chủ nghĩa hiện sinh đi vào xã hội miền Nam và tỏa ra đến tầng lớp trí thức, văn nghệ sĩ, sinh viên”[4]. Huỳnh Như Phương cũng chỉ ra “lập trường khác hẳn” của Nguyễn Văn Trung về chủ nghĩa hiện sinh so với Trần Thái Đỉnh, bởi Nguyễn Văn Trung không xem chủ nghĩa hiện sinh như một đối tượng chỉ để nghiên cứu, mà ông còn “xem chủ nghĩa hiện sinh như một triết lý sống, một thái độ làm người và ở đời” [5]. Huỳnh Như Phương nhận thấy với học giả này “Sartre không chỉ là một hiện tượng văn hóa mà còn là một chỗ dựa tinh thần, một nguồn chia sẻ và lời giải đáp cho những vấn đề của con người tại thế, trong hoàn cảnh sống cụ thể(…) Ông tìm thấy ở Sartre một hướng suy nghĩ phù hợp với người trí thức dấn thân”[6].
Như vậy, sau hơn 30, khi cuộc chiến đã đi qua, có độ lùi thời gian để bình tĩnh nhìn lại, Huỳnh Như Phương đã góp phần “chiêu tuyết” cho vấn đề tiếp nhận chủ nghĩa hiện sinh ở miền Nam trước 1975 trên cả bình diện triết học, mỹ học và ảnh hưởng của nó trong cuộc sống ở xã hội miền Nam trong một thời kỳ từng “mở cửa” và “hội nhập” với thế giới, mà rõ nhất là với nền văn hóa của các nước phương Tây. Cái nhìn khoa học và khách quan của tác giả giúp chúng ta hôm nay có những bài học bổ ích để tiếp thu các hệ hình lý thuyết của thế giới trong đó có chủ nghĩa hiện sinh. Bởi, nói như Huỳnh Như Phương: “Chủ nghĩa hiện sinh ở miền Nam đã được tiếp cận từ nhiều cách nhìn khác nhau, những cách nhìn chắc chắn không thoát khỏi sự tác động của bối cảnh xã hội cũng như lập trường chính trị của người viết, nhưng hầu hết đều cho thấy tinh thần độc lập và tự trọng của người trí thức, nói theo những suy nghĩ của riêng mình mà không rập khuôn, một giọng”[7].
Năm 2009, công trình Lý luận – phê bình văn học ở đô thị miền Nam 1954-1975 (Nxb. Hội Nhà văn) của Trần Hoài Anh ra mắt bạn đọc. Qua khảo sát một khối lượng tư liệu lớn gồm các tác phẩm sáng tác và nghiên cứu-phê bình của các tác giả ở miền Nam (1954-1975) người viết đi đến nhận định: “Chủ nghĩa hiện sinh trở thành một hệ tư tưởng chi phối sâu sắc đời sống chính trị xã hội trong đó có văn học (…) sự hiện hữu của khuynh hướng phê bình hiện sinh là một thực thể sinh động trong đời sống lý luận-phê bình văn học ở đô thị miền Nam 1954-1975”[8].
Trong chuyên luận, Trần Hoài Anh đã giúp người đọc hình dung một bức tranh sâu rộng về diện mạo văn học ở đô thị miền Nam, trong đó có diện mạo đời sống lý luận phê bình mà khuynh hướng lý luận phê bình hiện sinh là một trong những gam màu chủ đạo. Nhân tố quan trọng làm nên sự phong phú, đa dạng của đời sống văn học ở miền Nam lúc bấy giờ là sự mở rộng giao lưu với văn hóa thế giới. Sự luận giải của tác giả về những sáng tác văn học ở thể loại văn xuôi, thơ “chịu ảnh hưởng sâu sắc của chủ nghĩa hiện sinh trên cả hai phương diện nội dung tư tưởng và hình thức biểu hiện”[9] đã mở ra cho người đọc những suy ngẫm đa chiều trong tiếp nhận tác phẩm văn học, đồng thời nhận thức về chủ nghĩa hiện sinh được nâng lên một cấp độ mới. Văn học miền Nam 1954-1975, với việc đề cao giá trị nhân vị đã giúp con người ý thức sâu sắc về sự hiện hữu và vị thế của mình trong cuộc đời, để từ đó được sống là chính mình với những buồn, vui, trăn trở, lo âu, cô đơn và giới hạn của kiếp người. Chọn lựa một cách sống có nghĩa trước cái phi lý của cuộc đời cũng là điều mà tinh thần hiện sinh tiềm ẩn trong mỗi tác phẩm văn học đã thức nhận sâu sắc tư tưởng, tâm hồn bạn đọc.
Tiếp nhận, thấm nhuần tinh thần hiện sinh trong xu hướng đổi mới hội nhập, Trần Hoài Anh đã có nhiều phát hiện mới về giá trị của văn học đô thị miền Nam (1954-1975) mà đặc biệt là ở lĩnh vực lý luận - phê bình. Theo ông: “Nếu sáng tác của các nhà văn chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa hiện sinh cả trong nội dung tư tưởng lẫn hình thức thể hiện thì trong phê bình văn học các nhà lý luận- phê bình cũng lấy triết học hiện sinh làm cơ sở mỹ học để phê bình các hiện tượng văn học”[10]. Qua khảo sát nghiên cứu hàng chục công trình phê bình của các tác giả Nguyên Sa, Lê Tuyên, Nguyễn Văn Trung, Cao Thế Dung, Nguyễn Đình Tuyến, Trầm Tư, Trần Nhựt Tân, Huỳnh Phan Anh, Đặng Tiến, Nguyễn Thiên Thụ, Tuệ Sỹ, Thanh Lãng… Trần Hoài Anh xác định một đặc điểm quan trọng của phê bình văn học giai đoạn này: “Dường như các phạm trù trong triết học hiện sinh như: hư vô, lo âu, buồn nôn, phi lý, tự do, tha nhân, nổi loạn, dấn thân…đều được các nhà phê bình xem như một hệ giá trị để ứng dụng vào phê bình văn học”[11]. Trên cơ sở phát hiện đó tác giả đã chỉ ra một cách xác đáng những thành tựu và giới hạn của phê bình văn học ở đô thị miền Nam giai đoạn 1954-1975. Nhiều hiện tượng văn học, nhất là các hiện tượng văn học thời kỳ trung đại được các nhà nghiên cứu soi chiếu từ lý thuyết hiện sinh và khám phá thêm nhiều ý nghĩa mới, tạo nên sự phong phú, đa dạng trong phê bình văn học. Chẳng hạn Trần Hoài Anh ghi nhận: “Với việc vận dụng triết học hiện sinh, các nhà lý luận phê bình đã đem đến cho truyện Kiều những giá trị mới. Nó hoàn toàn khác với cái nhìn từ triết lý phương Đông đã từng được nhiều nhà phê bình vận dụng khi phân tích truyện Kiều. Từ điểm nhìn của triết học phương Tây, các nhà lý luận phê bình đã “hiện đại hóa” tư tưởng Nguyễn Du trong truyện Kiều, đồng thời cũng “lạ hóa” cái nhìn và suy nghĩ vốn đã quen thuộc của người đọc về Truyện Kiều”[12]. Từ đó tác giả rút ra bài học kinh nghiệm đối với phê bình văn học: “ Tính đa dạng và sự phong phú trong phê bình văn học phải chăng là kết quả tất yếu của cái nhìn nhiều chiều, nhiều phía. Vì vậy, nếu chỉ quy chiếu tác phẩm văn học vào một hệ tư tưởng nào đó, rồi biến thành những điển phạm thì sẽ làm nghèo đi ý nghĩa của tác phẩm cũng như hạn chế tầm đón đợi trong quá trình tiếp nhận của người đọc”[13].
Từ kết quả nghiên cứu của Trần Hoài Anh, chúng ta có thế thấy khuynh hướng phê bình hiện sinh thực sự đã làm một cách mạng có tính bước ngoặt thay đổi về chất lượng trong tư duy lý luận - phê bình văn học ở đô thị miền Nam (1954-1975). Có thể coi kết quả nghiên cứu của Trần Hoài Anh như một viên gạch đầu tiên đặt cơ sở để trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay chúng ta tiếp tục khám phá những thông điệp nhân văn sâu sắc, phong phú, thú vị còn tiềm ẩn đằng sau con chữ của các tác phẩm trong mảng văn học miền Nam 1954-1975 mà cho đến nay vì nhiều lý do vẫn còn bỏ ngỏ nhiều khoảng trống, chưa nhận được sự quan tâm nghiên cứu một cách thỏa đáng, khách quan, công bằng.
Ngoài những nghiên cứu trên, cũng cần kể thêm một số công trình, luận văn, luận án ít nhiều đã vận dụng hiệu quả lý thuyết hiện sinh để luận giải, cắt nghĩa các vấn đề văn học miền Nam trước 1975: Khuynh hướng văn học yêu nước tiến bộ trong các thành thị miền Nam giai đoạn 1954-1975 (Đặc điểm và thành tựu) (1994) của Trần Hữu Tá, Cái tôi trữ tình trong thơ trẻ Việt Nam 1965-1975 (2012) của Bùi Bích Hạnh, Thơ Ngô Kha trong bối cảnh văn học miền Nam (1954-1975) (2014) của Trần Thị Mỹ Hiền, Toàn cảnh thơ Việt Nam (1945-1975), (Nxb. ĐHQG Hà Nội, 2015) của Nguyễn Bá Thành Thơ trẻ Việt Nam thời kháng chiến chống Mỹ: cảm hứng và giọng điệu (2014) của Nguyễn Bá Long, Truyện ngắn trong khuynh hướng yêu nước của đô thị miền Nam 1965-1975 (2016) của Bùi Thanh Thảo, Tiếp nhận thơ Bùi Giáng từ 1954 đến nay(2016) của Hồ Thị Giáng Thu, Tiếp nhận tác phẩm Nhất Linh, Khái Hưng, Thạch Lam trong Tự lực văn đoàn ở miền Nam (1954-1975) (2016) của Đặng Thị Hồng Mai, Ảnh hưởng của chủ nghĩa hiện sinh trong thơ ca yêu nước ở đô thị miền Nam 1965-1975 (2016) của Trần Mỹ Tường…
Trong những nghiên cứu trên, có thể xem công trình Toàn cảnh thơ Việt Nam (1945-1975), (Nxb. ĐHQG Hà Nội, 2015) của Nguyễn Bá Thành như một thành tựu mới về việc ứng dụng lý thuyết hiện sinh trong việc giải quyết những vấn đề nan giải của văn học dân tộc. Lần đầu tiên ở miền Bắc có một nhà nghiên cứu từ cách tiếp cận mới về thuyết hiện sinh, kết hợp cùng nhiều phương pháp hiện đại khác đã góp tiếng nói luận giải một cách khách quan, khoa học về một đối tượng còn khá phức tạp và tồn tại nhiều ý kiến khác nhau…Nhà nghiên cứu đã bày tỏ rõ ràng quan điểm của mình khi thẩm định các giá trị thơ miền Nam trong giai đoạn 1954-1975 qua tác phẩm của các tác giả: Bùi Giáng, Nguyên Sa, Thanh Tâm Tuyền, Du Tử Lê, Cung Trầm Tưởng, Trần Dạ Từ, Huỳnh Kim Sơn, Nguyễn Bắc Sơn, Phan Xuân Sinh, Lữ Quỳnh, Chu Vương Miện, Trần Quang Long, Ngô Kha, Viễn Phương, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Thi Vũ, Mường Mán, Trần Vàng Sao, Vũ Hoàng Chương, Linh Phương, Cao Hoành Nhân, Nguyễn Đình Toàn, Đoàn Ngọc Kiều Nga, Phạm Công Thiện, Trần Thị Tuệ Mai, Đynh Trầm Ca, Cao Thoại Châu... Ông đã gọi đúng tên của đối tượng, không khu biệt miệt thị và phủ định tuyệt đối như một số người đã làm trước đây. Theo Nguyễn Bá Thành: “Có thể coi sự tiếp nhận triết học hiện sinh phương Tây hiện đại của các tác giả miền Nam lúc bấy giờ cũng là một cách phản ứng lại đối với thời cuộc” [14].
Qua nghiên cứu của Nguyễn Bá Thành, chúng ta thấy bản thân các trí thức miền Nam trước đây, khi tiếp nhận triết học hiện sinh cũng đã có ý thức rất rõ đối với việc hiểu rõ và hiểu đúng tinh thần hiện sinh để “dấn thân” trong sáng tạo nghệ thuật và tạo dựng cá tính, bản lĩnh sống, thể hiện trách nhiệm với cộng đồng. Kết quả nghiên cứu của ông cũng là thành quả của việc tiếp nhận chủ nghĩa hiện sinh trong thời đại toàn cầu hóa, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ hội nhập và phát triển.
Tóm lại, với những kết luận đáng tin cậy của các nhà khoa học, chúng ta có thể coi thành tựu tiếp nhận lý thuyết hiện sinh của các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu, phê bình văn học miền Nam 1954-1975 như một bài học kinh nghiệm quý báu để có thể tiếp tục “thắp sáng hiện sinh” phát triển nền văn học dân tộc trong thời đại hội nhập toàn cầu.
2.2. Lý thuyết hiện sinh với việc giải mã giá trị các hiện tượng văn học thời kỳ đổi mới và hội nhập trong xu hướng toàn cầu hóa
Thời kỳ đổi mới và hội nhập (từ sau 1986 đến nay) xã hội Việt Nam biến đổi rõ nét theo quy luật của nền kinh tế thị trường. Như một tất yếu, mặt trái của nền văn minh kỹ trị là nguy cơ băng hoại những giá trị văn hóa truyền thống, thủ tiêu hơi ấm của con người, con người sống trong xã hội với muôn nỗi bất an, dễ bị rơi vào trạng thái hoang mang, cô đơn và do vậy con người buộc phải chủ động lựa chọn cách sống và chịu trách nhiệm trước những hành động của bản thân. Đây là tiền đề cơ bản để âm hưởng hiện sinh sau một thời gian vắng bóng lại vang lên ray rứt trong hàng loạt các sáng tác thuộc nhiều thể loại (tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ) mà chỉ cần đọc nhan đề đã có thể thấy hiển hiện tinh thần hiện sinh: Một cõi nhân gian bé tí (Nguyễn Khải), Nỗi buồn chiến tranh(Thân phận tình yêu) (Bảo Ninh), Tướng về hưu, Không có vua, Những bài học nông thôn, Những ngọn gió Hua Tát,Con gái Thủy thần (Nguyễn Huy Thiệp), Bả giời; Vào cõi; Thoạt kì thủy; Những đứa trẻ chết già; Trí nhớ suy tàn; Người đi vắng; Ngồi. (Nguyễn Bình Phương), Người đàn bà tóc trắng, Thành phố chỉ sống 60 ngày, Vòng nguyệt quế cô đơn, Cỏ hoang, Sự mất ngủ của lửa, (Nguyễn Quang Thiều), Và khi tro bụi (Đoàn Minh Phượng), Một ngày và một đời, Cơn giông (Lê Văn Thảo), Mưa mặt nạ, Ân ái với hư không, Tôi là một kẻ khác, Người ăn gió và quả chuông bay đi (Nhật Chiêu), Bi kịch nhỏ, Màu xanh man trá, Nhiệt đới gió mùa (Lê Minh Khuê), Bến không chồng (Dương Hướng); T mất tích (Thuận); Thiên thần sám hối, Lão Khổ (Tạ Duy Anh), Thiên sứ (Phạm Thị Hoài); Giàn thiêu (Võ Thị Hảo); Cơ hội của Chúa, Khải huyền muộn (Nguyễn Việt Hà), Thế giới xô lệch (Bích Ngân) Trong cơn lốc xoáy (Trầm Hương), Cánh đồng bất tận, Không ai qua sông, Sông (Nguyễn Ngọc Tư), Thế giới tối đen, Trong nước giá lạnh (Võ Thị Xuân Hà), Sự trở lại của vết xước ( Trần Nhã Thụy)… Khát, Đồng Tử (Vi Thùy Linh), Những kỷ niệm tưởng tượng (Trương Đăng Dung), Màu, Mùi ( Hoàng Vũ Thuật), Nằm nghiêng, Rỗng ngực (Phan Huyền Thư), Lô Lô ( Ly Hoàng Ly), Đừng trôi nữa tình yêu mang phận cỏ (Đinh Thị Thu Vân), Người đàn bà qua hai mùa tóc ( Anh Hồng), Giọng nói mơ hồ, Tháo đáy, Chất trụ, Vỉa từ, Ổ thiên đường (Nguyễn Hữu Hồng Minh)…
So với trước, văn học thời kỳ đổi mới phát triển hết sức phong phú. Các tác giả hoặc ý thức (hoặc vô thức) phổ vào sáng tác của mình “màu” hiện sinh như một nhu cầu thẩm mỹ để thể hiện cái nhìn của nhà văn về cuộc đời và thân phận con người. Như vậy, chân dung tinh thần của con người trong xã hội có nhiều quay đảo, thật, giả, tốt, xấu lẫn lộn được tái hiện trong văn học nghệ thuật chỉ có thể sáng tỏ chân thực nhất khi được soi chiếu dưới ánh sáng của lý thuyết hiện sinh. Ý thức điều này rất rõ ràng nên trong thời gian qua, dù không ồn ào và chưa đủ để có nói đến một “trào lưu” nhưng trên văn đàn xuất hiện đáng kể một số lượng bài viết, công trình nghiên cứu, phê bình văn học vận dụng lý thuyết hiện sinh một cách khá ráo riết để cắt nghĩa các hiện tượng văn học mới, lạ như một sự “đồng sáng tạo” cùng tác giả. Sau một khoảng thời gian đứt gãy, phê bình văn học từ lý thuyết hiện sinh đã và đang dần hồi sinh trong đời sống văn học đương đại. Vấn đề đặt ra là các nhà nghiên cứu, phê bình đã vận dụng lý thuyết hiện sinh như thế nào trong phê bình những hiện tượng văn học mới? Thời kỳ đổi mới và hội nhập phê bình văn học từ góc nhìn hiện sinh có thành tựu và giới hạn ra sao? Cần phải tiếp tục như thế nào để có thể phát triển, nâng cao chất lượng của phê bình hiện sinh ở Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới của lịch sử? Vì nhiều lý do, đây là những câu hỏi ẩn chứa không ít sự phức tạp, không dễ để có thể sớm tìm câu trả lời. Người viết bài này chỉ xin dừng lại ở việc luận giải dưới đây một vài trường hợp cụ thể để bước đầu có thể có những nhận xét đánh giá khái quát về những vấn đề trên.
Trong Văn học là gì?(1947) khi luận giải vấn đề Viết để làm gì? Sartre cho rằng: “Tác giả viết để mời gọi tự do của người đọc và anh trưng tập nó để làm cho tác phẩm của mình hiện tồn. Nhưng anh không chỉ dừng lại ở đó, anh còn đòi người đọc trả lại cho anh niềm tin mà anh đã cho họ, đòi họ công nhận sự tự do sáng tạo của anh và đến lượt họ khêu gợi nó dậy bằng một tiếng gọi đối xứng và đảo nghịch”[15]. Lý luận văn học hiện đại cũng thừa nhận, sự phát hiện ý nghĩa mới của tác phẩm nằm ngoài những ý tưởng của nhà văn, điều này giúp cho người đọc trở thành người khẳng định giá trị tác phẩm và là người quyết định cho sự tồn tại của tác phẩm trong đời sống cộng đồng…Tập thơ Những kỷ niệm tưởng tượng (Nxb. Văn học, H.2014) của Trương Đăng Dung không nằm ngoài quy luật trên.
Ra mắt bạn đọc trong một thời gian ngắn, tập thơ đã nhận được ngót 40 bài phê bình, trong đó có những bài đã vận dụng triết học hiện sinh như một hệ qui chiếu để giải mã những diễn ngôn thơ Trương Đăng Dung như: Trương Đăng Dung với thơ-thời-gian ( Đỗ Lai Thúy), Thời gian và phận người trong thơ Trương Đăng Dung (Nguyễn Đăng Điệp), “Những kỷ niệm tưởng tượng”: tập thơ hay và mới lạ (Phạm Xuân Nguyên), Trương Đăng Dung, thơ như là thỏa thuận ý nghĩa (Inrasara), Cuộc đời không số phận (Trần Thanh Hà)…
Sau nhiều năm cầm bút, Trương Đăng Dung mới ra mắt tập thơ đầu tiên Những kỷ niệm tưởng tượng - đó là những câu thơ hòa quyện sâu sắc giữa những suy niệm triết học thấm đẫm màu hiện sinh và trải nghiệm sâu sắc về cuộc đời và kiếp người. Trương Đăng Dung đã nhìn con người trong sự mong manh của kiếp sống, trong tận cùng hạnh phúc và tận cùng bất hạnh. Ông muốn dùng thơ như một diễn ngôn để bộc bạch cái tôi luôn thảng thốt trước một thế giới bất đầy bất trắc, không yên ổn. Các nhà phê bình đã “bắt mạch”, chỉ ra rất đúng bản chất của cảm thức cô đơn, thời gian và cái chết trong Những kỷ niệm tưởng tượng. Motip khoảnh khắc có một ý nghĩa quan trọng trong thơ Trương Đăng Dung bởi từ motip này bạn đọc có thể thấy cảm thức thời gian luôn song song cùng với sự cô đơn và cái hữu hạn của kiếp người. Có lẽ, bởi vậy nên Đỗ Lai Thúy ngay trong Lời giới thiệu tập thơ đã gọi những chuyển động ngầm ẩn bên trong thế giới những kỷ niệm đầy mơ tưởng của Trương Đăng Dung là Thơ - thời - gian. Đó không phải là thời gian vũ trụ tuần hoàn như trong thơ trung đại, cũng không phải là kiểu thời gian của mỹ học lãng mạn thời thơ Mới. “Thời gian thơ Trương Đăng Dung là thời gian bên trong con người, thời gian chính là con người”[16].
Nguyễn Đăng Điệp với bài viết Thời gian và phận người trong thơ Trương Đăng Dung đã khẳng định: “Trở đi trở lại trong Những kỷ niệm tưởng tượng của Trương Đăng Dung là tiếng cựa mình của thời gian, của tình yêu và cái chết, là nỗi bất an trước một thực tại phi lý. Đó là một thế giới ngập đầy hiện sinh trong cái nhìn trắc ẩn của”[17]. Làm rõ những ám ảnh hiện sinh trong thơ Trương Đăng Dung, Nguyễn Đăng Điệp chỉ rõ: “Chịu ảnh hưởng trực tiếp tư tưởng triết học của M.Heidegger, Trương Đăng Dung đã góp vào thơ Việt đương đại một cách cảm nhận mới về thời gian. Đó là thời gian bên trong: thời gian là tồn tại, tồn tại là thời gian. Cái nhìn mới mẻ này, tự nó, đã là một đóng góp đáng kể vào nền thơ vốn nặng chất duy tình và tựa nhiều vào vần điệu”[18].
Từ một góc nhìn khác, Inrasara đã chiêm nghiệm thơ Trương Đăng Dung và nhận ra: “Chết đi với thời gian có nghĩa là hiểu thời gian, cũng có nghĩa là giải thoát khỏi khổ đau và cái chết. Giải thoát không phải là cắt đứt, không là thoát đi, ra đi, bỏ đi mà là ở lại. Đi-như là ở lại. Bởi thi sĩ vẫn ở trong cõi người ta, hắn đang bổn phận canh giữ ngôn ngữ dân tộc”[19]. Đọc thông điệp thơ Trương Đăng Dung trong ngôn ngữ “thỏa thuận” Inrasara cho rằng: “Những kỷ niệm tưởng tượng của Trương Đăng Dung không dày nhưng đủ đầy trong suy nghiệm về thời gian, đau khổ và cái chết qua thứ ngôn ngữ “thỏa thuận” (như Heidegger buộc phải sử dụng ngôn ngữ siêu hình học để nói lên tư tưởng) (…) chỉ có thi sĩ đích thực mới có thể sử dụng thứ ngôn ngữ “thỏa thuận” như phương tiện thiện xảo mà không tổn hại đến ngôn ngữ như là ngôn ngữ”[20]. Như vậy, nảy mầm trên nền tảng triết học hiện sinh, tính triết lý trong thơ Trương Đăng Dung mang giá trị tư tưởng vừa mới mẻ vừa độc đáo, điều này được nhà nghiên cứu Inrasara trân trọng, đánh giá cao bởi theo ông trong tình trạng văn chương nước nhà còn thiếu tư tưởng nền tảng thì “có được một tác phẩm mang tính tư tưởng là điều hiếm”[21].
Trên văn đàn thời kỳ đổi mới và hội nhập, Trần Hoài Anh là một cây bút phê bình được nhiều bạn đọc quan tâm. Bên cạnh việc ứng dụng lý thuyết hiện sinh để phát hiện giá trị văn học miền Nam trước 1975 và thơ của các nhà thơ thuộc phong trào Thơ Mới như: Cảm thức Đông phương trong thơ Bích Khê, Tâm thức lưu đày và nỗi nhớ cố hương trong thơ xuân Nguyễn Bính, Cảm thức hiện sinh trong thơ xuân Diệu trước 1945, Cảm thức Xuân trong Thơ Hoàng Cầm, Xuân trong thơ Trúc Thông, Trần Hoài Anh còn ứng dụng lý thuyết hiện sinh kết hợp với nhiều lý thuyết khác như thi pháp học, phân tâm học để giải mã nhiều hiện tượng văn học thời kỳ đổi mới. Theo Trần Hoài Anh: “ Sự thay đổi hệ hình trong tư duy sáng tạo, đã xuất hiện nhiều tác phẩm thể hiện rõ dấu ấn của chủ nghĩa hiện sinh với những khát khao, trăn trở về thân phận, phản ánh đúng qui luật vận động của văn học và đời sống con người Việt Nam thời kỳ hiện đại trong quá trình đô thị hóa và toàn cầu hóa”[22].
Trên cơ sở các phạm trù cơ bản của thuyết hiện sinh,Trần Hoài Anh đã luận giải một cách thuyết phục nhiều hiện tượng văn học mới, lạ. Có thể kể đến những bài viết: Nhật Chiêu: “Đứa con hoang của văn chương Nam Bộ”, Nguyễn Hoa và những câu thơ khắc khoải phận người, Từ “dấu chân trên cát” đến “tro bụi trần gian”, “Người đàn bà qua hai mùa tóc” và tâm thức hiện sinh trong thơ Anh Hồng, “Truy đuổi tâm trạng mỹ nhân”: Sự ám ảnh của tâm thức hiện sinh, Dấu ấn tâm thức hiện sinh trong văn xuôi thời kỳ đổi mới, Khuynh hướng hiện sinh trong thơ Nữ Việt Nam thời kỳ đổi mới, Lâm Thị Mỹ Dạ và sự ám ảnh về cái đẹp của tâm thức hiện sinh, Mùi hiện sinh trong thơ Hoàng Vũ Thuật, “Chất vấn thói quen” và hành trình sáng tạo trong thơ Phan Hoàng, Nguyễn Hữu Hồng Minh và những suy niệm về thơ , Cõi nhân sinh trong truyện ngắn Lê Văn Thảo, Cảm thức về thân phận người phụ nữ trong“Đi biển một mình” của Kim Quyên, Từ cảm thức hiện sinh trong “Thế giới xô lệch” nghĩ về quan niệm sáng tác của Bích Ngân, Viết để chống lại sự lãng quên, Đọc “Trong cơn lốc xoáy” của Trầm Hương,, Tâm thức văn hóa Huế trong tùy bút Nguyễn Xuân Hoàng, Tâm thức trôi trong thơ Văn cao, Tâm thức hiện sinh trong thơ Cát Du [23].
Qua những nghiên cứu, có thể nhận thấy Trần Hoài Anh đã tập trung luận giải dấu ấn của tâm thức hiện sinh ở các bình diện: 1. Dấu ấn của tâm thức đi tìm “cái tôi đã mất”- cái tôi bản thể/ 2. Dấu ấn tâm thức về nỗi cô đơn và thân phận lưu đày/ 3. Dấu ấn của sự ám ảnh về cái chết và sự hư ảo của phận người / 4. Dấu ấn của những khát khao nhục cảm mang tính nhân bản . Từ góc nhìn hiện sinh, Trần Hoài Anh đã “đọc” ra nhiều tầng lớp ý nghĩa của tác phẩm. “Tâm thức hiện sinh” cho thấy văn học đổi mới và hội nhập đã tái hiện sinh động trạng thái tâm lý con người Việt Nam thời hậu chiến, trong nền kinh tế thị trường thật giả, vàng thau nhiều khi lẫn lộn, quá trình đô thị hóa làm băng hoại nhiều giá trị văn hóa khiến con người có lúc không thể không hoang mang thậm chí rơi vào tình cảnh bi kịch tinh thần. Qua những trang văn luận giải vấn đề một cách sâu sắc, khúc chiết của Trần Hoài Anh , người đọc nhận thấy dấu ấn tâm thức hiện sinh có thể xem là một trong những thành tựu cần được trân trọng ghi nhận của văn học thời kỳ đổi mới nói riêng cũng như quá trình vận động và phát triển của lịch sử văn học dân tộc nói chung. Điểm đặc biệt ở nghiên cứu là tác giả đã nỗ lực “đọc” đến cùng ý nghĩa dấu ấn các phạm trù hiện sinh khác nhau, từ đó đánh giá sự khác biệt của văn học đổi mới và văn học trước đổi mới.
Trần Hoài Anh cho rằng: “Hành trình đi tìm cái tôi bản thể để được sống theo sự lựa chọn của chính mình, không bị ràng buộc bởi bất cứ hoàn cảnh nào, thế lực nào, kể cả quyền lực và bạo lực (…) là điều hiếm thấy trong văn học thời kỳ tiền đổi mới”[24]. Vấn đề này cho thấy sự vận động và phát triển trong việc thay đổi hệ hình tư duy nghệ thuật của nhà văn trong vấn đề nhìn nhận và phản ánh hiện thực cuộc sống; Dấu ấn của sự cô đơn và thân phận lưu đày là “mẫu số chung của các tác phẩm văn xuôi thời kỳ đổi mới, là sự cảnh báo về sự vong thân và tha hóa của con người trong xã hội nói chung và xã hội hiện đại nói riêng, khi mà mọi thứ văn minh luôn ẩn chứa trong đó sự dã man, tàn khốc”[25]; Dấu ấn của sự ám ảnh về cái chết và sự hư ảo của phận người là một tâm thức hiện sinh đã /đang/ sẽ là một thực thể hiện hữu trong văn xuôi từ sau đổi mới đến nay. Điều này cũng cho thấy sự chuyển hóa trong nhận thức của tư tưởng nhà văn thời kỳ đổi mới trước vấn đề hiện hữu và hư vô đã được nhìn nhận bằng một nhãn quan mới, với những điểm nhìn mới, phù hợp với cuộc sống con người sau chiến tranh, phải đối diện với những biến động của cuộc sống đời thường Và những vấn đè này nếu không được qui chiếu từ hệ hình tư duy triết học hiện sinh thì không thể lý giải được. Có thể nói đây cũng là một hệ quả chi có thể có trong thời kỳ hội nhập phát triển của xu hướng toàn cầu hóa. Vì vậy theo Trần Hoài Anh dấu ấn của tâm thức hiện sinh trong văn học Việt Nam “là một thực tế không thể phủ nhận. Chính nó đã góp phần làm phong phú và biến đổi hệ giá trị của nền văn học dân tộc và mở ra chân trời mới cho sáng tác và lý luận phê bình văn học trong hành trình khám phá và sáng tạo”[26].
Nghiên cứu văn học Việt Nam thời kỳ đổi mới và hội nhập từ góc nhìn hiện sinh còn có thể kể đến một số công trình khác như: Khuynh hướng hiện sinh trong tiểu thuyết Việt Nam sau 1986 (2015) của Thái Phan Vàng Anh, Dấu ấn của chủ nghĩa hiện sinh trong văn xuôi Việt Nam đương đại (2016) luận án của Trần Thái Hoàng, Dấu ấn hiện sinh trong thơ nữ Việt Nam 2000-2015 (2017) luận văn của Hoàng Thị Hợp... Ở những nghiên cứu trên, các tác giả thống nhất cho rằng những chủ đề cơ bản của chủ nghĩa hiện sinh như cô đơn, phi lí, buồn nôn, vong thân, dấn thân… đều được thể hiện trong nhiều tác phẩm văn học Việt Nam từ sau 1986 đến nay. Từ tư tưởng hiện sinh, các nhà văn đã xây dựng những nhân vật tha hóa, cô đơn, lạc lõng trước cuộc đời đầy bi kịch, bất trắc. Tuy nhiên, chính những con người đang từng ngày tha hóa này là những con người luôn suy tư, âu lo, hoài nghi để minh định số phận của mình. Chú ý phân tích vấn đề Con người hiện sinh phi lí và cô đơn, Con người kiếm tìm và nổi loạn để các tác giả xác quyết đó là hành động dấn thân giàu tính nhân văn bởi khát khao khẳng định nhân vị độc đáo, tự do, chống lại sự tha hóa, phi lí của đời sống, vươn đến hiện sinh đích thực. Tuy chuyển tải những quan niệm mang đậm màu sắc hiện sinh về đời sống song các nhà văn Việt Nam đương đại không cổ vũ cho lối sống hưởng thụ, tự do cá nhân cực đoan... mà nhằm phơi bày các vấn đề về thân phận con người trong xã hội hiện đại để tìm kiếm bản ngã, cái đẹp và ý nghĩa đời sống.
Các nhà nghiên cứu, phê bình cũng nhận thấy thời kỳ đổi mới và hội nhập, văn học Việt Nam vận động theo hướng ngày càng tiếp cận với văn học thế giới. Thế giới phẳng cũng chính là thế giới của sự giao lưu văn hóa, tiếp biến văn hóa. Sự vận động này cũng được thể hiện rõ ở các sáng tác văn học mang cảm thức hiện sinh theo hướng mới. Tư tưởng hiện sinh của thời đại hôm nay không hẳn chỉ chịu ảnh hưởng trực tiếp từ Kierkegaard, Nietzsche, Jean Paul Sartre, Simon de Bauvoir, Albert Camus... như các tác phẩm ở miền Nam 1954-1975, nó còn có sự giao thoa, kết hợp với tư tưởng phân tâm học, nữ quyền luận. Hoàn cảnh đã đổi khác, tâm thế con người cũng khác, do vậy ý nghĩa các phạm trù hiện sinh in dấu ấn trong văn học cũng vận động theo xu hướng nhận thức mới. Chẳng hạn, thay vì tìm cách thoát khỏi nỗi cô đơn, con người hôm nay chấp nhận sự cô đơn, xem cô đơn như mặc định của kiếp người. Thay vì bất mãn, bức xúc trước thế giới phi lí, con người hôm nay xem sự phi lí của thế giới như sự tất yếu của đời sống trong tiến trình vận động của nó. Tính dục không chỉ là phương diện để tận hưởng hay trốn tránh thực tại mà còn là phương diện để nhận diện chính mình. Việc miêu tả con người tính dục trong các sáng tác văn chương trở thành cái cớ để nhìn thấu bản thể người. Hơn bất cứ thời đại nào, tinh thần hiện sinh hôm nay đặt con người trước những "hoàn cảnh ranh giới" của sự sợ hãi, lo âu, xấu hổ, ghê tởm, tội lỗi, bệnh tật, cô đơn, khủng hoảng để tạo cơ hội cho con người đối diện với chính mình, để truy tìm ráo riết lời giải đáp cho câu hỏi muôn thuở đặt ra với mỗi con người “tôi là ai?”, dồn con người vào “cuối đường hầm” để phải tìm ra ánh sáng, thức tỉnh, lựa chọn và quyết định. Thắp sáng hiện sinh sẽ làm nên kinh nghiệm về tự do, khẳng định phẩm giá con người trước những thử thách của số phận, là kinh nghiệm về vô vàn những khả thể để tự kiến tạo cuộc đời mình theo phong cách riêng và cũng là kinh nghiệm thấm thía về sự cô đơn và cô độc. Tinh thần nhân văn của chủ nghĩa hiện sinh thúc đẩy con người tạo nên những giá trị mới mẻ và độc đáo, khám phá bản thể con người, từ đó con người hiểu nhau hơn và sống nhân ái hơn, “đó là sự cởi mở tận cùng, là loại bỏ hết mọi thứ quyền lực và ưu thế, là xem cuộc hiện sinh của người khác như của chính ta" (K.Jaspers).
- Kết luận
Không phải đến hiện nay vấn đề nghiên cứu triết học hiện sinh và việc ứng dụng triết học này vào hoạt động nghiên cứu-phê bình văn học mới được nói đến mà ngay từ những năm năm mươi nó đã được du nhập miền Nam và trở thành một học thuyết có ảnh hưởng rất lớn trong các đô thị miền Nam đặc biệt là ở tầng lớp trí thức. Xu hướng mở cửa và hội nhập vốn là một phẩm tính cơ bản của xã hội miền Nam đã là một điều kiện thuân lợi để những vấn đề cơ bản của triết học hiện sinh nảy nở và phát triển trên nhiều bình diện của đời sống xã hội trong đó có đời sống văn học. Đây cũng chính là tiền đề, là bài học kinh nghiệm giúp chúng ta trong việc tiếp nhận các lý thuyết văn học của Phương Tây nói chung, triết học hiện sinh nói riêng trong xu hướng hội nhập của thời kỳ toàn cầu hóa hôm nay. Những thành tựu của việc mạnh dạn mở cửa tiếp nhận nhiều lý khuynh hướng lý luận phê bình văn học phương Tây, trong đó có chủ nghĩa hiện sinh từ khi đổi mới đến nay trong đời sống văn học cả trong sáng tác và nghiên cứu - phê bình văn học là một minh chứng đầy thuyết phục cho những hướng đi đúng đắn, phù hợp với quy luật phát triển của văn học nghệ thuật. Nghiên cứu-phê bình văn học chỉ có thể phát triển năng động, phong phú, đa dạng và bắt nhịp được hơi thở hiện đại của thời kỳ toàn cầu hóa khi chúng ta biết mở rộng giao lưu, tiếp thu những tinh hoa văn hóa của nhân loại. Khép kín, đóng khung trong một hệ hình lý thuyết nào dù là “ưu việt” đến đâu cũng không thể giải quyết được các vấn đề của văn học và đời sống vì nó đi ngược lại với xu hướng toàn cầu hóa của thời kỳ hội nhập và phát triển mà nhân loại tiến bộ đang hướng tới. Song, xét trên bình diện khoa học và thực tiễn có thể nói không có một học thuyết nào là hoàn hảo và chủ nghĩa hiện sinh cũng không phải là ngoại lệ. Vì vậy bên cạnh những mặt tích cực với tính chất của một “chủ nghĩa nhân bản” (Sartre) thì chủ nghĩa hiện sinh cũng có những giới hạn của nó vì mỗi mình nó cũng không thể lý giải được hết những vấn đề đặt ra của đời sống và văn học. Không những thế những vấn đề mà triết học hiện sinh đặt ra như các pham trù phi lý, cô đơn, nổi loạn, lưu đày… nếu hiểu không đúng dễ dẫn con người đến những hành động cực đoan, thái quá làm ảnh hưởng đến những giá trị văn hóa, văn minh trong đời sống xã hội. Vì vậy một tư tưởng sáng suốt khách quan, khoa học, thực tiễn trong việc nhận thức và ứng dụng lý thuyết hiện đại nói riêng và các hệ hình lý thuyết khác nói chung trong nghiên cứu-phê bình văn học là một yêu cầu tất yếu trong việc giải mã các hiện tượng văn học của thời kỳ hội nhập, phát triển trong xu hướng toàn cầu hóa ./.
Tài liệu tham khảo
[1].Trần Hoài Anh (2009), Lý luận – phê bình văn học ở đô thị miền Nam 1954-1975, Nxb. Hội Nhà văn, Hà Nội.
[2].Trần Hoài Anh(2014), Văn hóa-Văn chương&hành trình sáng tạo(tiểu luận-phê bình) Nxb. Thanh niên, Hà Nội.
[3].Trần Hoài Anh (2017), Đi tìm ẩn ngữ văn chương, Nxb. Hội Nhà văn, Hà Nội.
[4].Trương Đăng Dung (2014), Những kỷ niệm tưởng tượng (tác phẩm và dư luận, Nguyễn Thanh Tâm và Vũ Thị Thu Hà sưu tầm và tổ chức bản thảo), Nxb. Văn học, Hà Nội.
[5].Trần Thái Đỉnh (2008), Triết học hiện sinh. Nxb Văn học, Hà Nội.
[6].La Khắc Hòa, Lộc Phương Thủy, Huỳnh Như Phương (2015), Tiếp nhận tư tưởng văn nghệ nước ngoài kinh nghiệm Việt Nam thời hiện đại, Nxb. Đại học Quốc gia, Hà Nội.
[7].Huỳnh Như Phương (2008), Những nguồn cảm hứng trong văn học, Nxb.Văn Nghệ, TP. Hồ Chí Minh.
[8].Nguyễn Bá Thành (2015), Toàn cảnh thơ Việt Nam (1945-1975), (Nxb. ĐHQG Hà Nội
[9].Nguyễn Văn Trung (1967), Lược khảo văn học, tập 1, Những vấn đề tổng quát, Trung tâm học liệu Bộ Giáo dục xuất bản.
[10].Nguyễn Văn Trung (1968), Lược khảo văn học tập 3, Nghiên cứu và phê bình văn học, Nam Sơn, Sài Gòn xuất bản.
[11].Jaques Colette ( 2011), Chủ nghĩa hiện sinh, Nxb. Thế giới, Hà Nội.
[12].Jean-Paul Sartre (2016), Thuyết hiện sinh là một thuyết nhân bản, (Đinh Hồng Phúc dịch), Nxb. Tri thức, Hà Nội.
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...