Thứ bảy, ngày 21 tháng 09 năm 2024
09:43 (GMT +7)

Cáng fật

VNTN - Anh chị em cán bộ người miền xuôi lên công tác ở vùng đồng bào Tày cần lưu ý, khi đến nhà nào mà thấy ở ngõ hoặc trước cửa có cắm một cành cây, thì không nên vào nhà. Đó là dấu hiệu báo rằng nhà có đàn bà ở cữ, chủ nhà kiêng không cho khách vào. Đó là một phong tục của người Tày. Nhiều người do không biết, cứ vào nhà, chủ nhà rất không hài lòng.

Trước kia, phụ nữ sinh đẻ tại nhà của mình, người nhà tự đỡ đẻ. Ngày nay các chị khi sinh thì đến các cơ sở y tế. Nhưng sau vài ngày thấy sức khỏe bình thường thì về nhà ở để người nhà tiện chăm sóc. Khi đứa trẻ sơ sinh đã về nhà, mọi tục kiêng cữ vẫn như xưa. Một trong những tục kiêng cữ ấy là trong vòng 30 ngày đầu người ngoài không được vào nhà. Để báo cho người lạ biết nhà đang có người ở cữ, chủ nhà cắm ở cửa hoặc ở ngõ một cành cây. Cành cây đó tiếng dân tộc gọi là “cáng fật” nghĩa là cành cây dấu hiệu.

Ảnh minh họa (nguồn Internet)

Tại sao lại như vậy?

Người Tày quan niệm, đứa trẻ mới sinh ra, sức khỏe còn non nớt chưa có sức đề kháng bệnh tật, nên cần được cách ly. Nếu có người ngoài vào, trẻ dễ bị lây bệnh. Hơn nữa tâm hồn đứa trẻ còn tuyệt đối trong trắng, rất dễ “nhiễm vía”. Trong khi người lớn ai cũng có cái “vía” của mình. Có người “vía tốt”, có người “vía xấu”. Chẳng hạn một người nào đó có tật ăn cắp vặt sẽ có vía ăn cắp. Nếu người đó vào nhà khi đứa trẻ vẫn trong thời gian kiêng cữ thì lớn lên đứa trẻ sẽ lây thói ăn cắp… Cho nên, để tránh cho đứa trẻ sơ sinh “lây nhiễm” những điều không mong muốn, tránh cho đứa trẻ bị “đẹn”, đồng bào cắm cành cây trước cửa để thay cho lời nói: “Nhà có người ở cữ, xin miễn vào”.

Cách cắm cành cây hiệu ở cửa, mỗi nơi khác nhau một chút. Vùng Bắc Cạn, Thái Nguyên, đồng bào thường dùng một cành sa nhân, ở Lạng Sơn thì dùng cây hương nhu, còn ở Cao Bằng thì lại dùng cành bưởi. Để thông báo đứa trẻ sơ sinh là trai hay gái, người ta cũng quy ước: Nơi dùng cây sa nhân làm “cáng fật”, nếu đứa trẻ là con trai thì cành sa nhân được túm thắt lại thành nút búi, còn nếu là con gái thì cành sa nhân được xòe lá tự nhiên. Ở những nơi dùng cành hương nhu hoặc cành bưởi làm “cáng fật” thì sự phân biệt bé gái và bé trai được thực hiện: nếu là bé gái thì bên cạnh cành cây, có buộc thêm một củ ráy, nếu là bé trai thì buộc thêm một gộc củi cháy dở. Cây ráy tượng trưng cho việc nội trợ, rau cỏ trong gia đình. Gộc củi tượng trưng cho “ông lửa” (pỏ fầy) - người giữ trụ cột trong gia đình, tỏa nguồn nhiệt ấm của cả nhà.

Tục lệ cắm cành cây làm dấu hiệu vừa có tính chất thông báo cho làng bản và người ở xa biết sự có mặt một thành viên mới trong cộng đồng, thành viên đó là nam hay nữ, vừa là dấu hiệu kiêng cữ nhằm bảo vệ sự an toàn cho đứa trẻ. Khi thấy nhà nào có cắm cành cây làm hiệu như nói trên thì không nên vào nhà để tôn trọng phong tục tập quán của đồng bào. Nếu có việc gì cần thiết thì chỉ tìm cách gọi gia chủ ra ngoài để thảo luận, bàn bạc. Nếu ai vô tình bước vào nhà trong thời gian đang có người ở cữ, chủ nhà thường lấy một bát nước cho khách nhúng vạt áo vào rồi vắt lấy nước từ áo ướt đó đem vẩy ở cửa buồng, đầu giường nằm của mẹ con đứa trẻ sơ sinh, coi như làm phép tẩy uế, trừ ma, trừ vía độc (giải vía). Cành cây làm dấu sẽ được cắm ở cửa như vậy, nếu cành này bị khô héo thì có thể thay bằng cành khác, cho đến khi đứa trẻ đầy cữ, tức là đúng vào ngày sinh của cháu bé sau một tháng, lúc đó ông bà, cha mẹ làm lễ đầy tháng cho bé. Thời hạn kiêng cữ cũng hết, cành cây làm dấu hiệu cũng được bỏ đi.

Lương Bèn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy