Cần tôn vinh vị tướng công dòng họ Dương Như ở Phú Bình
VNTN - Dòng họ Dương Như nổi tiếng một thời ở tổng Thượng Đình xưa, nay thuộc huyện Phú Bình. Dòng họ này có một ngôi đền gọi là đền Sinh Từ được nhân dân xây dựng lên để thờ ông Dương Đài Công Vũ uy hầu, sinh năm Kỷ Mão (1759) dưới triều vua Lê Hiển Tông niên hiệu Cảnh Hưng năm thứ 20. Ông thuộc dòng dõi tù trưởng ở địa phương, từng được giữ chức chỉ huy xứ, chức Chánh quản tiền kiên long ngư quản đứng đầu đội quân công vụ được về bái yết tại kinh thành Thăng Long. Ông cũng đã từng giữ chức Phó hồi tùy trấn vụ phụng quản quân đội đóng tại xứ Đồng Mỗ (tức thành phủ tỉnh Thái Nguyên). Ông từng được thăng chức Tuyên úy sứ chức Chánh quản xứ, xứ chi nội hữu lục nội viên. Khi về nghỉ tại quê nhà nay thuộc xã Thượng Đình, huyện Phú Bình ông đã công đức cho 8 làng xã, thôn trong tổng tiền, ruộng để cứu giúp dân nghèo và ông đã công đức tiền, ruộng cho làng làm đình, chùa. Để ghi nhớ công đức của ông dân trong xã thôn tổng Thượng Đình đã suy tôn thờ sống ông ở Sinh Từ (có thể đó là ngôi nhà xưa của ông) bầu ông là Hậu thần đứng sau vị thần của làng.
Tấm bia cổ hiện tại còn được dòng họ Dương Như bảo quản tại nền ngôi đền Thanh Từ
Ngôi đền xưa cũng đã từng một thời là nơi sinh hoạt của dân tổng Thượng Đình gồm 8 xã: Thượng Đình, Quan Tràng, Dưỡng Mông, Đào Xá, Nông Cúng, Trường Dương, Ninh Sơn, Thuần Lương. Đặc biệt, trong đền nhân dân hàng tổng đã nhất tâm cùng nhau lập một bia đá lớn cao 135 cm, rộng 45 cm, 4 mặt khắc văn gọi là bia Bản tổng ghi cả 4 mặt là Hậu thần bi - Tạo thạch ký - Bản tổng ký và Gia Long thập niên (bia ghi nhớ về công đức của vị hậu thần và tục lệ của tổng Thượng Đình tiến hành tế lễ ở đền Thanh Từ).
Kể từ hai cuộc kháng chiến đến nay ngôi đền không còn, chỉ còn bia đá. Thời buổi khó khăn, con cháu họ Dương Như chưa chăm sóc đến ngôi đền mà chỉ xây tạm một cái miếu cuốn vòm đủ che tâm bia khỏi mưa nắng để chờ cơ thời thuận có điều kiện sẽ xây dựng lại ngôi đền xứng đáng với danh thơm của người cổ xưa. Đền Sinh Từ xưa ở xóm Rô, xã Thượng Đình, ngoài ra có tên gọi khác là Thanh Từ. Xưa kia, ngôi đền có quy mô khá lớn ở địa phương. Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ ngôi đền bị giặc bắn phá. Phần kiến trúc của ngôi đền đã bị xuống cấp, sau đó bị dỡ và các tài liệu hiện vật của ngôi đền bị thất tán.
Hiện nay, ngôi đền chỉ còn nền và một số hiện vật như: bia đá và cột đồng trụ ở cổng. Một phần khu đất của ngôi đền, người dân cũng đã dùng để canh tác. Ở giữa nền nhà hậu bái còn ngôi miếu nhỏ, xây cuốn vòm, trong đó có lưu giữ 1 tấm bia là hiện vật duy nhất của ngôi đền.
Tấm bia đá còn khá nguyên vẹn, trang trí đẹp, bia có 4 mặt, chóp bia được tạo dáng như mũ trụ của quan võ. Bia có chiều cao: 1,35 cm; chiều rộng: 45 cm. 4 mặt bia đều khắc chữ Hán xen Nôm. Tấm bia được trang trí dày đặc các hoa văn, đường nét khắc tinh vi, điêu luyện, nét chạm trổ sắc sảo, sinh động, tập trung vào 2 đề tài "Tứ linh" và "Tứ quý". Bia được lập vào đời vua Gia Long thứ 10 (1811) vào ngày đầu, tháng 10. Cả 4 mặt bia có khắc chữ, mặt thứ nhất có 451 chữ, bài ký có nhan đề là Hậu (thần) bi (chữ thần bị đục) - Bài ký bia hậu thần, khái quát về tiểu sử, công trạng, công đức vào đình và chùa của làng của vị thần được thờ ở ngôi đền này là Dương Đài Công Vũ uy hầu. Sau khi ông mất nhân dân đồng tâm bầu ông làm Hậu thần của làng và lập đền thờ ông.
Mặt thứ 2 có 462 chữ ghi Tạo thạch ký (Tạo đá ghi nhớ), nội dung ghi nhớ các xã phải đóng góp tiền, lễ để tế thần. Mặt thứ 3 có 765 chữ ghi Bản tổng ký (Bản tổng ký), nội dung ghi các xã thống nhất ghi nhớ. Mặt thứ 4 có 571 chữ không ghi đề mục mà dành để ghi niên đại, người công đức số ruộng dùng để lấy hoa lợi thờ cúng, người soạn văn bia là Phạm Công Dục người xã Tuyền Linh, huyện Yên Lãng, phủ Tam Đới, xứ Sơn Tây, người khắc bia là Dương Đình Xuân người xã Thanh Trí, huyện Bình Tuyền, phủ Phú Bình, xứ Thái Nguyên. Toàn bộ văn bia có 2.140 chữ. Trong một năm có 2 ngày lễ lớn: Đó là ngày 3 tháng Giêng âm lịch, là ngày kỵ (ngày giỗ) và ngày mồng 10 tháng 2 âm lịch là ngày sinh của thần. Vào những ngày này, cả tổng Thượng Đình gồm có 8 xã, thôn vào đám, đều phải chuẩn bị sắm sửa lễ vật và tiến hành tế lễ ở đền Phủ Cố. Các phong tục, tập quán thờ hậu thần nơi đây đã thành lệ vì thế trong dân gian vẫn còn truyền miệng câu ngạn ngữ: "Thượng Đình hiền tài như tể tể; Quan Tràng đô văn hiến chi phong" (Đất Thượng Đình nhiều hiền tài như thợ cày, đất Quan Tràng là nơi văn hiến, thuần phong). Đây là một tấm bia lớn còn khá nguyên vẹn, có niên đại tuyệt đối. Trên bia có trang trí nhiều hoa văn đẹp, với lối khắc khá tinh vi, kỹ thuật chạm khắc đạt đến trình độ nghệ thuật cao. Các đề tài họa tiết trang trí trên tấm bia này được đánh giá rất cao về trình độ của người nghệ nhân xưa đã để lại cho hậu thế một văn bản văn hóa có giá trị nghiên cứu lịch sử và nghệ thuật. Nội dung tấm bia giúp cho chúng ta tìm hiểu thân thế, công trạng của một vị quan lại ở địa phương thuộc giai đoạn cuối thời Lê đầu thời Nguyễn.
Các tư liệu, bài viết đã được đăng trên Tạp chí viết về vị Dương Đài Công ở Thượng Đình
Ông Dương Như Vụ năm nay 77 tuổi con cháu hậu duệ dòng họ, người đắm đuối tâm huyết về ý tưởng phục dựng lại ngôi đền, kể rằng ông đã sưu tầm tài liệu từ các nơi cũng như khai thác tại chỗ ở địa phương như đình, chùa làng cũng còn dấu vết của tên trên bia đá lớn nhất tỉnh Thái Nguyên ở chùa Thượng Đình, bia đá đền thì nhờ người giới thiệu trên tạp chí: Xưa và Nay, Di sản Văn hóa, Hán Nôm học, Khảo cổ học. Bằng chứng ông cho chúng tôi xem chính là sự thật về cuộc đời và sự nghiệp của vị quan lớn gần đạt tới chức Quận công ở đất Thái Nguyên thật sự vào loại hiếm có. Khảo sát dấu vết di tích chúng tôi không khỏi khâm phục và ngạc nhiên bởi tầm cỡ và vị trí của ông như vậy mà chưa được nhiều người biết đến. Dẫu rằng thời gian biến đổi song họ Dương Thái Nguyên đã có tổ chức hẳn hoi, thiết nghĩ các đơn vị có liên quan nên quan tâm hỗ trợ pháp lý về sự sưu tầm và tìm giải pháp kịp thời để giúp đỡ dòng họ Dương Như có vị quan Dương Đài Công Vũ uy hầu được giới thiệu rộng rãi vị Danh nhân địa phương nổi tiếng này.
Nguyễn Đình Hưng
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...