Thứ ba, ngày 07 tháng 05 năm 2024
02:55 (GMT +7)

Cái mùa đi hái bjoóc đin

Vào những ngày u ám, hanh hao nhất của tiết đông, y như rằng tâm trí tôi lại hướng đến mùa hạ. Và rồi lại ước… giá như lúc này được phơi phới mà vùng vẫy trong cái nắng tháng Năm nóng ẩm đến kinh người ấy. Vâng! Mùa hạ. Tuổi thơ. Ở những vùng đồng núi quê tôi lũ trẻ như cây nứa ngộ cứ thế lớn lên hoang dã và dữ dội. Hè tới là lúc tụi trẻ trong làng với biết bao nhiêu là những “bận bịu”, nào đi nhặt trám, lấy củi, hái măng, hái rau, bắt cua núi… và nhớ nhất đấy là mùa tìm nấm đất.

Những cơn mưa đầu hạ trút xuống, nước đọng từ kẽ lá rớt lạo xạo, rừng như chuyển mình. Rừng phả ra một mùi hoang hoải, hỗn hợp của nước mưa và cây mục. Mưa tạnh. Nắng hừng lên. Lũ vắt gớm ghiếc con to, con nhỏ bò tứ tung trên những mặt lá khô và cành gẫy. Tiếng người hú nhau ríu rít tìm nấm đất rộn khắp khu rừng.

Dân bản tôi gọi nấm đất là “bjoóc đin”. Đầu hè, khí hậu thật không mấy dễ chịu. Người ta dễ cáu gắt vì cái tính khó ở của ông trời, thế mà lũ mối thì không, chúng vẫn miệt mài nhả meo xây tổ. Những meo quanh tổ ấy chỉ chờ điều kiện thời tiết nóng ẩm là những cây nấm nom như chiếc ô tí hon che mưa nắng mùa hạ cho đất sẽ đội đất mà thức dậy. Nhìn khá kỳ dị, vậy nhưng nấm đất lại là món khoái khẩu của lũ côn trùng và cả chính loài mối đã tạo ra chúng. Có lẽ vì thế mà nấm đất còn mang một tên dân dã khác là nấm mối.

Nấm đất quê tôi

Sớm tinh mơ hò nhau tìm nấm

Vào mùa, nhất là sau những đêm mưa, dân quê tôi hò nhau đi thật sớm để tìm những bông nấm còn búp. Trời chỉ vừa tảng sáng thì phía trong rừng đã vẳng tiếng reo của người đi kiếm măng, hái nấm, đông như đi hội. Phía bìa rừng có cả tiếng cười lanh lảnh của đám trẻ vừa tìm nấm vừa nô nghịch.

Cứ ở đâu lũ nấm lúp xúp “tụ họp” thì ở đó ngát lên một thứ hương đặc trưng rất núi rừng. Cái mùi ngai ngái, thanh thanh của mầm, của búp pha lẫn với một chút dư vị của đất non đúng như cái tên nó đang mang.

Tìm nấm đất không dễ, chúng luôn nép mình dưới lớp lá cây mục ẩm ướt. Cái dáng nấm mới nở cứ thẹn thùng hệt gái trẻ làm duyên. Và sẽ chẳng ai muốn mang về nhà một “cô gái” đã lụi tàn khi “tuổi” đã quá trưa cả. Vậy nên phải nhanh chân đi sớm, phần vì để kiếm nấm búp, phần vì không muốn “trâu chậm uống nước đục” và cũng vì tranh thủ trở về còn làm những việc khác - người ở quê họ không giống dân phố thị chỉ biết chuyên tâm làm mỗi phần việc trong ngày.

Tìm kiếm nấm quả thực khó khăn, có khi đi cả buổi. Mình đẫm mồ hôi, tìm mỏi cả mắt, nhiều lúc phải chui lủi trong các tán cây, bụi rậm, chịu bao “thương tổn” vì đám muỗi vắt và dây gai. Mò “bở hơi tai” vậy mà khi trở về người được cả cân, kẻ không nổi vài chiếc nấm. Ấy thế mới ham, mới cố cất công mà bới đất, lật cỏ. Người quê tôi vẫn luôn nói vui rằng: tìm nấm đất phải là những người “nẩư khoăn” (nhẹ vía), người “nắc khoăn” (nặng vía) có đi cả ngày cũng chẳng thấy được cây nấm nào đâu. Thật ra thì chẳng phải chuyện mê tín gì cả, tìm nấm phải cần có kinh nghiệm đi rừng, sự kiên nhẫn và đôi khi là cả chút may mắn kiểu “trời ban”.

Tìm nấm khó, nên không phải lúc nào chúng cũng được bày bán ở những buổi chợ quê cùng với rau rừng, măng rừng. Chợ quê đã ít, chợ huyện, chợ phố lại càng hiếm. Nên lắm khi có tiền cũng chẳng thể mua được.

“Kỹ nghệ” hái, rửa

Tìm nấm khó là vậy, việc hái nấm tưởng dễ hóa lại khó hơn. Hái nấm, người ta không phải cứ hái rồi bỏ vào nải. Người giỏi việc họ không hái nấm như thế bởi sẽ làm cho nấm bị dập nát hoặc vỡ “ô”. Mặt dưới của chiếc nấm có nhiều kẽ khía nên sẽ bị dính đất, bụi bẩn rất khó rửa. Chính vì vậy khi hái chẳng thể vội vàng, họ luôn hái nấm một cách khoan thai, nhẹ nhàng và xếp nấm theo một chiều nhất định, đầu ra đầu, đuôi ra đuôi. Nấm cứ thế chồng chồng lớp lớp nằm ngay ngắn. Tất nhiên, việc hái nấm chẳng cần phải theo bất cứ quy luật nào cả, nhưng nếu học hỏi và áp dụng theo cách của những người có kinh nghiệm mà nương theo cái lẽ tự nhiên thì hẳn sẽ tốt hơn.

Ảnh: Q.K

Ngoài ra việc chậm rãi mà hái nấm vừa để nấm được sạch sẽ, vừa để không bị hái nhầm nấm độc. Loài nấm này thường mọc lẫn và giống với nấm đất nhưng phần tán nấm dầy hơn và không có chóp nón như nấm đất. Mùi nấm độc thì hăng hắc khó chịu chứ chẳng thơm tho. Người hái, tất nhiên phải am hiểu về nó. Và không phải cứ người trong vùng thì ai cũng phân biệt được nấm đất và nấm độc, bởi vậy, khi bạn ở nơi khác đến, hoặc chưa một lần đi hái nấm thì tốt nhất nên “chọn người gửi niềm tin”.

Nấm hái về được ngâm trong nước muối loãng để loại bỏ những con sâu bé tí, cứng đầu còn bám ở mặt dưới của nấm, nhất là ở những bông đã tán dù. Rửa nấm cũng không giống rửa rau, phải rửa từng bông dưới vòi nước đang chảy để xối hết đi những côn trùng, đất và bụi bẩn còn lại ở kẽ bên dưới dù nấm. Rửa như vậy có khi phải mất đến cả tiếng đồng hồ mới xong. Bởi vậy, là nấm đất mà cũng phải “sang”, việc rửa chúng phải “kén” người đủ kiên nhẫn và tinh mắt. Rửa không sạch món ăn sẽ bẩn, lẫn mùi tạp, làm hỏng cái hương thanh khiết tự nhiên của món ăn, cũng vì thế mà mất đi cái khí vị của bữa.

Vị ngọt tuổi thơ

Người miền núi có vô vàn món ngon được chế biến từ nấm đất, từ cháo nấm thanh đạm, đến nấm xào thịt trâu, bò bổ dưỡng... Nhưng nếu để nói rằng món nấm ăn khi đói lòng, lúc nhạt miệng, làm chao đảo lòng người thì có lẽ phải kể đến canh nấm thịt gà.

Trong ngôi nhà sàn thoáng đãng, bên mâm cơm gạo mới, bưng bát canh nấm nấu gà nóng hổi, cảm nhận vị giòn ngọt, dịu thơm của nấm quyện hòa với cái dai ngọt của thịt gà, chút cay nóng của gừng. Chao ôi cái sự thảo thơm của núi rừng! Cuộc đời cũng chỉ thi vị đến thế là cùng!

Món canh nấm thịt gà ăn mãi mà không ngấy. Vào những ngày thời tiết vùng cao thay đổi như tính tình phụ nữ, trong người khó ở, mệt nhọc, mồm miệng nhạt thếch mà ăn một bát canh nấm nấu gà cay nóng ngọt ngào thì cũng cảm thấy như tỉnh táo, nhẹ nhõm hẳn ra. Ai đã một lần bưng bát canh nấm ấy trên tay hẳn dễ gì quên được?

Món ngon từ nấm đất

Tuổi thơ của những người miền núi, thì mùa nấm đất bao giờ cũng ăm ắp những tuyệt vời. Đấy là những buổi cuối tuần háo hức dậy thật sớm đi hái nấm cùng lũ trẻ trong làng. Cái đám ấy, đứa nào cũng lười dậy sớm đi học nhưng lạ là lại chăm dậy sớm để lên nương, vào rừng hái nấm. Mà đâu chỉ hái mỗi nấm? Có bao nhiêu thứ hấp dẫn, nào thì rau đắng, nào thì măng nứa, măng vầu, hoa chuối, hoa kè, rau dớn… Chúng thi nhau xem ai hái được nhiều nấm nhất, và nếu chẳng may, một trong số đó có đứa không được bông nấm nào thì cũng có cả khối thứ để mang về nịnh mẹ. Khi ấy, mặt mũi chân tay có đầy những vết xước vì vạch cây vẹn bụi cũng chả hề hấn gì, vẫn hồ hởi, phấn khích khi phát hiện ra vạt nấm trắng mây mẩy nằm nín thở, núp kín dưới lớp lá mục xác xơ. Nhưng cũng sẽ lại tiu nghỉu, thất vọng ngay khi tìm được một vạt nấm khác, nhưng đã lụi tàn tự bao giờ.

Cuối buổi, khi đã chán với việc hái nấm, lũ trẻ chặt những thân chuối rừng cỡ bắp đùi người lớn, rồi lấy dây rừng đem buộc vào phần gốc. Xong xuôi lần lượt từng đứa một ngồi lên thân chuối. Đứa khoẻ nhất, bạo dạn nhất ngồi đầu cầm chặt lấy sợi dây, rồi những đứa tiếp theo ngồi sau và ôm chặt vào những đứa ngồi trước. Rồi cứ thế cả lũ chơi trò “xe trượt”, trên thân chuối ấy. Theo con đường mà người ta kéo gỗ, “xe” cứ trượt thẳng băng từ đỉnh đồi xuống. Tiếng cười đùa, hú, hét vang khắp cả góc rừng.

Theo thời gian, đám trẻ ngày xưa cứ dần lớn. Cuộc sống của làng quê nghèo giờ đã thay đổi. Do nhiều nguyên nhân, đất rừng giờ còn ít lắm. Người dân cũng hay dùng chất hóa học cho công việc nuôi trồng. Nấm đất ngày càng hiếm, “dăm thì mười họa” cố kiếm cũng chỉ được vài bông.

Hàng chục năm qua, những khi trở về quê tôi không còn được thấy nấm đất nữa. Nhưng lạ thật, hình ảnh rổ nấm đất lộn xộn trên tay lũ trẻ nhem nhuốc năm nào vẫn thường trực trong tâm thức tôi, hơn cả một nỗi nhớ!

Trần Hằng

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy