Thứ sáu, ngày 20 tháng 09 năm 2024
20:26 (GMT +7)

Các vị tiền nhân với trà

VNTN - Xin thưa các vị uống trà! Nhiều khi cao hứng nâng ly trà trên tay, chúng ta cứ tưởng mình sành trà hơn người xưa. Có lẽ từ nơi linh thiêng, huyền bí và xa thẳm, các bậc tiền nhân đang mỉm miệng cười. Bởi từ xa xưa các bậc tiền nhân đã rất coi trọng cây chè. Chè được coi như là một thứ tiên dược. Việc uống chè đã được nâng lên thành đạo, thành văn hóa trà, thành nghệ thuật ẩm thực vô cùng thanh cao và độc đáo.

Sách cổ ghi chép một chuyện vui: Vua Thần nông nếm 100 loại thảo mộc trong một ngày, bị ngộ độc 72 lần, phải dùng chè để giải độc, vào thời đó, chè được coi như thần dược. Bạch Cư Dị đại thi hào thời Đường ở Trung Quốc đã tự trồng chè để uống. Cũng vào thời này người ta đã trồng được chè cao cấp lấy tên "Kỳ Thương". Ông Lô Đồng vừa làm thơ hay vừa nghiện trà. Cứ gặp chè ngon cao hứng lên ông làm thơ càng hay, nên ông được suy tôn là "Trà tiên" hay "Trà thánh". Sách "Phòng thi Văn Ký" có chép: "Trà đạo được phổ biến rộng rãi, các bậc vương công, các quan trong triều không ai không uống trà".

Uống trà thưởng hoa là một trong những thú vui tao nhã từ xa xưa của người Việt Ảnh: PV

Thời Bắc Tống, "Phủ Khai Phong, Hà Nam, Bắc Sơn tự có trà phường, trong trà phường có tiên đồng, tiên kiều, mỹ nữ ban đêm thường đi uống trà ở đó". Danh Sỹ Triệu Cát thời Tống thừa nhận: "Trà có hương thơm, có thể làm cho người an tĩnh, nhàn nhã, thú vị vô cùng".

Ông Lục Vũ thời Đường ông tổ của trà đạo Trung Quốc viết sách dạy cách uống trà. Cuốn "Trà kinh" của ông nghiên cứu tỉ mỉ từ cách thức thao tác, lễ tiết, hoàn cảnh uống trà. Quy trình nghi thức được chia ra gồm: "Trà yến cung đình", "Tà yến tự viện", "Trà yến văn nhân". Đến thế kỷ thứ 8, một tăng nhân người Nhật Bản lần đầu tiên mang chè từ Trung Quốc về trồng ở Nhật. Mãi đến thời "đại phong tú cát" người Nhật mới giương cao ngọn cờ trà đạo và đúc kết thành 7 quy định và 4 quy tắc của trà đạo Nhật là: "Hòa - Kính - Thanh - Tịch". Như vậy trà đạo Nhật có muộn hơn trà đạo Trung Quốc đến vài trăm năm.

Còn đối với cây chè, cả một vùng rộng lớn bao gồm: Thượng Lào, Ấn Độ, Mianma, vùng Vân Nam Trung Quốc và nhất là Bắc Việt Nam thì từ xa xưa chè đã mọc hoang dại và nơi đây được coi như cái nôi của loài chè cổ; là tổ tiên của giống chè được truyền đời đến ngày nay. Nếu có dịp lên Lũng Phìn Hà Giang, Tà Xùa Tây Bắc hay suối Giàng Yên Bái sẽ thấy người xưa trân quý cây chè đến nhường nào. Hàng chục ngàn cây chè cổ thụ vẫn ngày đêm lặng lẽ, cần mẫn dâng hiến những búp chè non tơ cho cuộc sống con người.

Còn cái cách uống trà của người Nam cũng chẳng chịu kém cạnh ai. Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi đã coi trăng, thơ và trà là ba thứ không thể thiếu được trong cuộc sống của cụ. Trong "Quốc âm thi tập" và "Ức trai thi tập" có nhiều câu thơ hay về trà: "Ngoài hoa chè núi rửa niền trần", "Cởi tục chè thường pha nước tuyết", "Say minh nguyệt chè 3 chén"... Hình như cụ Nguyễn Trãi coi trà như một thứ cao quý giúp ông giao hòa với thiên nhiên, giao hòa với vũ trụ bao la, giao hòa với con người và giao hòa với tâm linh. Phong cách thưởng trà của cụ thật cao siêu, thanh cao, nho nhã vô cùng. Ông dùng trà để rửa niềm trần, để giao hòa với tuyết, với trăng, với thơ, với đời và với mai sau.

Cụ Cao Bá Quát uống trà như một đạo sỹ, ung dung, an nhiên, tự tại. Ông viết "Sáng sớm múc nước giếng trong/ Nhòm hỏa lò bằng thứ than nhỏ/ Không có hơi khói hơi bụi/ Rửa tay sạch ngồi khề khà uống rất là khoái". Nhưng cao hơn cụ tìm cái chân vị của trà: “Uống chè không nên ướp hoa/ Ướp hoa sẽ mất chân vị của trà/ Thưởng thức hương thơm cốt thanh và thực/ Không để khói bụi khác làm mất bản chất".

Cụ Phạm Đình Hổ trong "Vũ trung tùy bút" cũng viết nhiều về trà. Theo cụ cái thú vị của uống trà là: "Cái tinh nó sạch sẽ, cái hương nó thơm tho, buổi sáng gió mát, buổi chiều trăng trong với bạn rượu, nàng thơ cùng làm chủ khách mà ung dung pha ấm trà thưởng thức thì có thể tỉnh được mộng trần, rửa được lòng tục...".

Chế biến trà bằng phương pháp thủ công của người

Tân Cương Thái Nguyên đòi hỏi tay nghề, bí quyết riêng Ảnh: PV

Nhà văn Nguyễn Tuân coi thưởng trà như thú vui cầu kỳ, tao nhã. Trong "Chén trà sương" cụ viết: "Cả ạ, thầy cho nước pha trà không gì thơm bằng thứ nước đọng trong lá sen. Mỗi lá chỉ có ít thôi, phải gạn vét mới đủ một ấm". Cụ sợ nhất là ấm trà pha hỏng vào buổi sớm mai. Cụ nói: "Chỉ có người tao nhã, cùng một thanh khí mới có thể ngồi cùng bên một ấm trà". Hay trong truyện "Những chiếc ấm đất" cụ lại viết: "Uống trà như thầy cháu thì cũng có một, cứ nước giếng chùa đây mới chịu pha trà… chỉ có nước giếng ở đây là pha trà không bao giờ lạc mất hương vị. Thế rồi ông đọc to hai câu đối của ông tú Hải Vân, viết bằng giấy hồng điều, dán ngoài cửa: họ lịch sự như tiên, phú quý như giời, quất con ngựa rong chơi ngoài ngõ liễu… Ta trồng cỏ đầy vườn, vãi hoa đầy đất, gọi trà đồng pha nước trước hiên mai".

Trong chuyện "Gió lạnh đầu mùa" nhà văn Thạch Lam lại miêu tả cách uống trà của người nghèo cũng thi vị và độc đáo: "Sơn Cầm lấy chén trà nóng ấp vào mặt, vào má cho ấm, rồi để mắt vào miệng chén cho hơi bốc lên".

Còn rất nhiều tao nhân mặc khách, những vị vua hiền, những vị quan thanh liêm, những quân tử, lãng tử, những nho sinh và những chân tu đã coi việc thưởng trà như thú vui tao nhã, như một phép tu thân, như một thứ đạo không thể không theo được. Lâu dần thưởng trà của người Nam ta cũng có phong cách riêng, có lễ thức, nghi thức, trình thức và cách thức thưởng trà dần dần thành văn hóa, đó là văn hóa trà Việt.

Tìm trong chính sử có những ghi chép như sau:

"Kỷ Hợi tháng 5, rồng hiện ở hàng bán nước chè ở Kinh Sư". Đây là ghi chép của Đại Việt sử ký bản kỷ toàn thư (quyển 3) phần về Nhân Tông Hoàng Đế (Vua Lý Nhân Tông 1027). Rồng hiện là điều linh thiêng, là điều lành, điều may mắn lớn có lẽ đây là lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất rồng hiển linh ở hàng bán nước chè bình dân ở kinh thành Thăng Long. Phải chăng vào thời đó nước chè đã trở thành thức uống cao quý? Hay là cây chè đã tích tụ linh khí của đất trời trở thành báu vật quý giá, dinh dưỡng tâm hồn thanh cao của con người.

Trong Đại Việt sử ký toàn thư (quyển 5) kỷ nhà Trần ghi chép “Thái Tông Hoàng Đế” (Trần Thánh Tông 1226 - 1258) như sau: “Đinh Dậu (thiên ứng chính bình) năm thứ 6 (1237): tháng 2, dời dựng điện linh quang ở đinh bộ đầu gọi là điện phong thủy. Khi xa giá dừng ở đây, các quan đưa đón đều dâng trầu cau và trà, nên tục gọi là “Điện trà”. Như vậy, vào thời Trần việc uống trà của vua rất được coi trọng. Triều đình dựng hẳn điện để vua thưởng trà. Điện trà của vua Trần Thái Tông phải chăng là trà thất đầu tiên của văn hóa trà Việt.

Từ những ghi chép trong chính sử, chứng tỏ người Việt đã uống trà cách đây hàng ngàn năm. Việc uống trà, thưởng trà đã được nhiều thế hệ người Việt nâng lên thành văn hóa trà Việt. Từ vua quan đến những người bình dân đều uống trà. Và từ nhiều thế kỷ nay trà đã trở thành thức uống quý giá của con dân đất Việt. Trong thế giới hiện đại, chè không những không bị lãng quên mà còn được uống nhiều hơn, tinh hơn, chè Việt đã được xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới.

Các bậc tiền nhân xưa đã để lại cho ngày nay một tài sản quý giá. Đó là giống trà cổ thụ ở Lũng Phìn, Tà Xùa, Suối Giàng. Nhưng nổi tiếng nhất là “Danh trà Tân Cương Thái Nguyên” với hương vị thơm ngon quyến rũ người uống. Chè Tân Cương đã làm say đắm bao tao nhân mặc khách, níu kéo bước chân người thưởng thức khi uống trà Thái, mê trà Thái, yêu trà Tân Cương Thái Nguyên. Các cụ đã để lại cho chúng ta cách chọn trà ngon, chọn nước pha trà ngon, chọn ấm tốt và phà trà đúng cách. Trà thất của các cụ xưa được đặt chính giữa ngôi nhà nơi sang trọng nhất. Trà được bày uống trên sập gụ, trường kỷ hay chiếu hoa. Người pha trà là trà chủ, trà nhân, trà nương hay là con cháu trong nhà những người thân tình tin cậy nhất.

Người Việt ngày nay có duyên phận với chè nhưng chưa nặng tình với chè. Nhiều người coi chè là thức uống nhà quê. Lớp trẻ coi trà là đồ uống của mấy ông già nhàn rỗi, ít tiền. Số đông uống trà là do nhu cầu giải khát, điều đó cũng tốt. Nhưng việc thưởng trà được nâng lên thành văn hóa trà chưa thực sự được quan tâm. Nhiều người pha trà, uống trà theo thói quen vô thức, có đôi chút giản đơn. Nhiều người nhặt nhạnh cách uống chè, quảng cáo chè theo cách uống và quảng cáo nước giải khát của một số đô thị lớn trên thế giới. 100 năm nữa mọi chuyện có thể sẽ khác. 500 năm nữa chúng ta cũng sẽ là tiền nhân. Thiết nghĩ, dù thế gian có thay đổi đến đâu thì những vùng chè ngon và nhất là chè Tân Cương Thái Nguyên cùng với văn hóa trà Việt sẽ trường tồn mãi mãi.

Mông Đông Vũ

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy