Thứ sáu, ngày 20 tháng 09 năm 2024
16:57 (GMT +7)

Bún qua cầu – Dư vị tình nghĩa Vân Nam

VNTN - Bún qua cầu là nét văn hóa ẩm thực đặc trưng và là niềm tự hào của người Mông Tự - Vân Nam, Trung Quốc. Ngay từ cái tên, món ăn đã gợi hình ảnh về một vùng đất Trung Hoa có nhiều hồ nước lớn, với những đảo nhỏ yên tĩnh giữa lòng hồ và những cây cầu bắc ngang duyên dáng, gắn với đó là câu chuyện về chế độ khoa bảng xưa kia, về sự đảm đang của người phụ nữ và trên cả là tình nghĩa vợ chồng.

Thưởng thức bún qua cầu, thực khách đi từ thú vị này tới thú vị khác. Trước tiên, nhà hàng đưa lên một chiếc mẹt bày nhiều đĩa nhỏ, mỗi đĩa là một chút xíu nguyên liệu tươi sống riêng biệt: vài lát cá, thịt gà, thịt bò, nấm, rau, củ, vài cánh hoa cúc, một muỗng đậu xanh nấu nhuyễn, đôi lòng đỏ trứng chim… Tất cả đều bé bỏng, ít ỏi, xinh xắn như thể chúng ta vẫn chơi đồ hàng hồi thơ bé. Trái lại, tô nước dùng rất lớn, gấp đôi, gấp ba tô bún thông thường. Nước dùng là thứ nước ninh xương rất trong, nóng hổi, một lớp váng mỡ rất mỏng phủ trên bề mặt vừa đủ ngậy mà không ngấy. Thực khách nhanh tay thả lòng đỏ trứng vào và khuấy nhẹ tay, sau đó lần lượt thả cá, thịt, củ, quả, rau, hoa cúc, bún. Xong ngần ấy thao tác, thực khách ngỡ ngàng nhận ra thành phẩm mà mình vừa tạo ra rất đẹp: màu xanh của rau, màu trắng của nấm, màu hồng của cá, màu nâu của thịt, màu vàng tươi của cánh hoa… Cảm giác được thưởng thức thành quả của chính mình rất tuyệt. Nếm một muỗng nhỏ nước dùng, thực khách từ tốn cảm nhận vị ngọt thanh đọng nơi cuống lưỡi trước khi gặp cái ngậy bùi của trứng, giòn dai của thịt, mềm mại của cá, ngọt xốp của nấm… Tất cả quyện với nhau tôn thêm vị thơm từ nước dùng và các loại gia vị tươi tạo thành một món ăn quyến rũ, nóng hổi.

 

Tô nước dùng khổng lồ

Thú vị hơn nữa là nguồn gốc của món bún nổi tiếng này. Tương truyền xưa kia có người học trò quyết tâm ứng thí nên chọn hòn đảo nhỏ yên tĩnh, biệt lập giữa hồ nước lớn làm nơi tu thân, dốc sức dùi mài kinh sử. Người vợ thấy chồng vất vả học hành, đã tự mình nấu nhiều món ngon mang tới cho chồng. Nhưng đường xa, trời lạnh, phải băng qua một cây cầu rất dài, đồ ăn mang được đến nơi cũng nguội ngắt, chồng chỉ ăn uống qua loa cho vợ vui lòng. Ngày đêm nghĩ cách cải thiện tình hình, từ một việc tình cờ - khi đứa con nhỏ lỡ tay đổ hết thức ăn vào niêu nước hầm xương, nàng may mắn tìm ra công thức của một món ăn bổ dưỡng mới. Nàng bày các thức ăn thành từng bát nhỏ, hầm gà nhỏ lửa để có nước dùng thật trong, lại phủ một lớp váng mỡ mỏng để giữ nhiệt. Nhờ vậy, tới nơi, nước dùng vẫn nóng hổi, thức ăn được thả vào chín tới, ngọt thơm, người chồng ăn ngon miệng. Cảm động, chồng nàng càng nung nấu quyết tâm học hành, năm đó thi đậu bảng vàng. Vinh quy bái tổ, vị quan ấy không quên nhắc đến người vợ tào khang và món bún đặc biệt đã giúp mình thành công.

 

Nguyên liệu tinh tế

Tới Vân Nam, thực khách có nhiều cơ hội thưởng thức bún qua cầu ở nhiều địa chỉ khác nhau, nhưng đa phần các nhà hàng chuyên nghiệp đều bài trí không gian theo lối cổ điển. Một số nhà hàng hiện đại thì trang bị các màn hình lớn, tái hiện không gian xưa trên nền âm nhạc truyền thống. Mỗi nhà hàng lại có cách giới thiệu sự tích và các bước thực hiện món ăn theo một lối riêng: khắc lên bảng gỗ, chiếu trên màn hình, in trên bìa tập khăn ăn… Nhờ vậy, thực khách sẽ thật sự thỏa mãn khi thưởng thức món bún đặc biệt này bằng đủ mọi giác quan.

Từ câu chuyện bún qua cầu, có thể thấy việc dân gian hóa món ăn là một trong những cách hiệu quả mà người Vân Nam đã và đang làm để giới thiệu văn hóa ẩm thực với bạn bè quốc tế. Tương tự như vậy, trên thế giới, nhiều món ăn tiêu biểu của các quốc gia trở nên nổi tiếng hơn nhờ gắn với yếu tố dân gian (chẳng hạn: sushi- Nhật Bản; kim chi- Hàn Quốc; cháo kasha- Nga; bánh pizza- Ý…). Hi vọng văn học dân gian Việt Nam sẽ được khai thác triệt để hơn nữa trong việc nâng tầm giá trị ẩm thực quốc gia và địa phương, góp phần phục vụ quảng bá du lịch theo chiều sâu văn hóa.

Tú Anh

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy