Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
08:35 (GMT +7)

Bụi: từ góc nhìn văn hóa

VNTN - Mấy tuần nay, ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và nhiều nơi khác, đi đâu cũng thấy dân mình bàn tán chuyện khói bụi, chuyện những chỉ số đo độ ô nhiễm rực rỡ sắc màu, nhảy nhót như bản tin chứng khoán, báo hiệu sự đe dọa trầm trọng sức khỏe. Dường như, đây là lần đầu tiên, những hạt bụt bé xíu xiu được nhìn nhận như một hiểm họa, khác hẳn cách người xưa vẫn miêu tả về nó.

Bụi rất… nên thơ (!)

Trong môi trường lao động với ruộng đồng, bùn đất, người nông dân Việt Nam vốn không xa lạ với rạ rơm, bụi bặm. Bụi rất nhỏ, người ta thường ví von “nhỏ như hạt bụi”, và vì thế, tác động của bụi đến cuộc sống, cũng được xem là chuyện nhỏ. Thậm chí, ở một góc độ nhất định, bụi mang đến ấn tượng về sự…nên thơ.

Nếu ai đó ra đề bài: Hãy tìm trong thơ ca, âm nhạc những câu từ có nhắc đến hình ảnh hạt bụi, chắc hẳn sẽ không làm khó nhiều người. Người hoài cổ ngâm nga khúc Đoạn trường tân thanh đau đáu mùi ly biệt: “Dặm hồng bụi cuốn chinh an/ Trông người đã khuất mấy ngàn dâu xanh”. Bác lính già cất khúc tráng ca mang vẻ đẹp hào hùng, lãng mạn của rừng Trường Sơn ào ào lá đỏ vì phủ bụi quân hành. Em thiếu niên trong trẻo với giai điệu ngọt ngào “Khi thầy viết bảng bụi phấn rơi rơi”, các thiếu nữ dỗi hờn, tình tứ: “Em nào có khóc, bụi rơi vào mắt thôi”, trong khi, người phong sương lại mải miết thả hồn theo câu hỏi ám ảnh, day dứt của cố nhạc sĩ họ Trịnh: “Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi, để một mai tôi về làm cát bụi, ôi cát bụi tuyệt vời, mặt trời soi một kiếp rong chơi”…

 

Những hạt bụi bé nhỏ đã để lại dấu ấn rất đẹp trong tâm thức người Việt. Hàng ngàn năm kiến tạo văn hóa và tiếng nói, nó có sứ mệnh chuyên chở bao tầng lớp ý nghĩa sâu xa, từ cổ kính đến hiện đại. Trong góc nhìn tôn giáo, bụi như một ẩn dụ cho kiếp người phù du, nhỏ bé, hư vô giữa biển rộng sông dài. Để rồi những cuộc hành trình về cõi vân du, người ta vỗ về nhau bằng lời chiêm nghiệm đượm mùi triết lý, rằng “Cát bụi lại trở về với cát bụi”.

Dân gian gọi cõi người là “trần thế”, nghĩa là cõi bụi, nơi giăng mắc đầy những hệ lụy, đa đoan. Bụi đánh dấu sự trôi chảy của dòng đời, trong những câu ví von đầy tính ước lệ: bụi thời gian, thời gian đã phủ bụi… Nó còn biểu tượng cho sự xoay vần đảo điên thời thế - thế thời: “Thuở trời đất nổi cơn gió bụi/ Khách má hồng lắm nỗi truân chuyên”. Người xưa từng lấy “bụi” để ám chỉ những điều rủi ro, đen đủi, nên nhà ai có sự tang tóc, vẫn được nói giảm đi, rằng “nhà có bụi”. Ấy vậy, nhưng cũng có lúc, bụi được khoác lên mình màu áo cứng cỏi, thậm chí nguy nga. Người tài tử, đầu đội trời, chân đạp đất được gọi là khách phong trần. Nhà văn Nguyễn Khải trân trọng gọi tinh hoa Hà Thành là “những hạt bụi vàng lấp lánh đâu đó ở mỗi góc phố Hà Nội hay mượn gió mà bay lên cho đất kinh kì chói sáng những ảnh vàng”…

Theo con người đi dọc chiều lịch sử, ngay cả khi phố phường có đường nhựa, nông thôn được “bê tông hóa”, thì những hạt bụi vẫn góp mặt trong cuộc sống dân gian. Người bình dân, mấy ai chưa từng ghé một hàng cơm bụi - cách đặt tên đúng cả với nghĩa đen và nghĩa bóng, bởi cơm bụi ắt là lẫn bụi khi chìa mặt trên những quốc lộ dài, trong những quán cóc tuềnh toàng giá rẻ. Dịch vào miền trong, có cà phê bụi mang đúng hồn cốt đơn giản, dung dị của văn hóa phương Nam. Thanh niên mới lớn, thích chứng tỏ mình, đôi khi hò nhau đi bụi, để biết thế nào là lấm lem cuộc đời, khi xa rời vòng tay cha mẹ. Trưởng thành hơn, người ta sẽ thấy, cuộc sống bụi bặm giang hồ không lãng mạn, càng không dễ dàng, nên phải trở về mái ấm. Bù lại, nếu muốn nghênh ngang cùng trời đất, hãy thiết kế cho mình một chuyến du lịch bụi, để khám phá thế giới với một chiếc balo. Mấy năm nay, các thị trấn, thị tứ đua nhau mọc lên những quán Trà chanh Bụi phố, nơi bụi, một lần nữa, được khoác lên tấm áo sang chảnh chốn thị thành.

Sống chung với bụi

Có thể nói, trong ý niệm của người Việt, bụi gần gũi biết bao, và đa phần, nó được nhìn bằng con mắt thiện cảm, đôi khi là thơ mộng nên thường được ghép với những tính từ chỉ sắc màu: bụi vàng, bụi hồng. Phải chăng vì thế, bấy lâu nay, chúng ta vẫn thản nhiên sống chung với bụi. Thành phố Thái Nguyên vốn được mệnh danh là “bốn b” với bụi, buồn, bé, bẩn. Bụi được mặc định như yếu tố tất yếu của công nghiệp hóa, của cuộc sống văn minh với những bãi khai thác cát, chế biến than, tổ hợp công trình xây dựng và mạng lưới giao thông ngày một hiện đại. Nhưng vẫn quan niệm cũ nhiều người, khói bụi do đốt rơm rạ, nương rẫy là vô hại, bởi ấy là cây cỏ thiên nhiên. Nhiều người “miễn dịch” với bụi khi cuộc sống của họ ngập ngụa trong bụi từ năm này sang năm khác, khi mỗi ngôi nhà, mâm cơm, đường thở chỉ được ngăn cách với bụi đất bằng một tấm bạt trước cửa đã đen kịt hoặc đỏ au, hay mấy phút dùng vòi phun nước để gột đi nhưng lăn tăn trong tâm lý. Thuở bé, nhiều người thường tìm những khe nắng lọt qua ô cửa, thích thú ngắm nhìn và nhảy nhót giữa hàng ngàn hạt bụi li ti bay lơ lửng. Lớn hơn, lại thích đi qua những cánh đồng sau mùa gặt, hút hít hơi rơm rạ mới đốt thơm thơm, khét khét, và mặc định đó là mùi của đồng quê, của no ấm. Nhưng đã đến ngày, mọi thứ cần được nhìn nhận theo một góc độ khác.

Thế giới hiện đại cũng dùng màu sắc để miêu tả bụi. Nhưng bụi vàng, bụi hồng trên bản đồ đo đạc của AirVisual(1) không thể hiện những triết lý tôn giáo hay góc nhìn lãng mạn, mà phản ánh một hiện thực nghiệt ngã về chất lượng không khí, giá trị sinh tồn quan trọng nhất của loài người. Trên thực tế, AirVisual chỉ là một thước đo, những số liệu đưa ra chỉ phản ánh thông số ở một thời điểm nhất định, với một địa điểm cụ thể. Nhưng dòng trạng thái của AirVisual nhằm cảnh báo Hà Nội đang trở thành thành phố dẫn đầu thế giới về mức độ ô nhiễm không khí vào ngày 29 tháng Chín vừa qua trên trang Facebook đã thực sự gây ra một cơn sốc cho người Việt, dù từ lâu, chúng ta vẫn biết về hiện trạng của chính mình. Các tổ chức bảo vệ môi trường, các nhà khoa học, báo chí, cộng đồng xã hội bùng nổ với những chỉ số quan trắc, lập luận khoa học và quan điểm cá nhân. Người dân hoang mang, doanh nghiệp thức thời tung ra một loạt sản phẩm lọc không khí hay khẩu trang ngăn hạt siêu bụi. Dẫu còn nhiều ý kiến trái chiều, song bản đồ chấm điểm của AirVisual với nhiều gam vàng, tím trên đất nước hình chữ S đã thực sự đem đến cú hích vào nhận thức và thái độ của cộng đồng trước vấn đề trầm trọng vốn bị xem nhẹ. Rất nhiều động thái tích cực trong hành trình giải cứu môi trường được khơi dậy. Nhưng đáng tiếc, sau sự kiện ngày 29/9, không ít người Việt đã tạo ra làn sóng chống đối, đánh giá một sao hay buông lời xúc phạm nặng nề đến hãng này vì chỉ số ô nhiễm không mong muốn. Người ta gọi đó là “bụi trong nhận thức”, nguy hại không kém bụi không khí. Và hình ảnh ẩn dụ không đẹp này rất cần được thức tỉnh. Ngay lúc này chúng ta nên thay đổi một thói quen, nếu người Việt không muốn mang tiếng là sống chung với bụi, trong cả không khí và phẩm giá con người.

.........................

(1) AirVisual là tên ứng dụng và website của IQAir AirVisual - một công ty Thụy Sĩ, ra đời từ năm 2015 nhằm thu thập dữ liệu về mức độ ô nhiễm không khí và cung cấp dữ liệu tức thời cho người cài đặt tại hàng ngàn thành phố khắp thế giới qua một ứng dụng trên điện thoại đa năng. AirVisual thu thập dữ liệu từ cơ quan khí tượng, hệ thống vệ tinh và các dữ liệu quan trắc của chính phủ sở tại cùng các tổ chức phi chính phủ để đưa ra chỉ số ô nhiễm địa phương trong sự minh bạch và chính xác nhất có thể. Thông tin quan trọng nhất trong dữ liệu của IQAir AirVisual là chỉ số bụi mịn PM2.5 trong không khí - loại bụi siêu nhỏ có khả năng xâm nhập vào cơ thể, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người.

Suối Linh

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy