Bức họa của những khát vọng, dự cảm
VNTN - Được coi là đại diện tiêu biểu cho nghệ thuật hội họa truyền thống Việt Nam, với các chất liệu thuần Việt như: sơn then, bột điệp, vỏ sò, vỏ ốc, cật tre..., nghệ thuật vẽ tranh sơn mài có những thao tác kỹ thuật xét về hình thức, có vẻ rất ngược đời. Tranh vẽ xong phải ủ kín (để khô sơn) sau đó được đem ra mài bằng cách dùng nắm tóc rối cọ lên mặt bức tranh, lúc đó tác phẩm sẽ hiện ra.
Một trong những tác phẩm tiêu biểu cho thể loại tranh sơn mài trong lịch sử hội họa Việt Nam thế kỷ XX là bức “Mùa đông sắp đến” của danh họa Trần Văn Cẩn. Bức tranh được vẽ vào thời điểm lịch sử khá đặc biệt, năm 1960 - giai đoạn miền Bắc cải tạo và phát triển kinh tế, miền Nam đấu tranh thống nhất đất nước. Sau cải cách ruộng đất (1953), tiếp đến là chiến thắng Điện Biên Phủ (1954), phong trào hợp tác hóa ở miền Bắc đang tiến lên với các phong trào rầm rộ như “sóng Duyên Hải”, “gió Đại Phong”, “trống Bắc Lý”. Ở miền Nam là phong trào “Đồng khởi - Bến Tre”. Khí thế lạc quan, phấn khởi đó đã được họa sỹ phản ánh vào tranh như một thuộc tính xã hội - lịch sử của tác phẩm.
“Mùa đông sắp đến” sử dụng các gam màu ấm sáng (hiệu quả chất liệu vỏ trứng); không gian mô tả ở hiên nhà - một vị trí trung gian thể hiện không khí quần tụ, ấm cúng, thanh bình, là những người đàn bà đan len, các cháu bé đang học bài. Hình khối nổi bật là nét mềm mại của vòm uốn đầu hồi, chiếc ghế mây; sự phối hợp của các khối vuông vức góc cạnh, khỏe khoắn của cửa ra vào và gạch hoa lát nền. Có thể quan sát được không gian khoáng đạt, đầy sức sống với cây cối sum suê, ngoài vườn đôi gà đang rỉa lông nhàn tản, đôi chim bồ câu tự tình, gù rục trước cửa chuồng. Bức tranh (76cm x100cm) mô tả một không gian hẹp (góc hàng hiên) mà có mặt đến 7 người, trong đó có tới 5 người phụ nữ, hầu như không có mặt của phái nam trưởng thành, trừ một bé trai.
Họa sỹ Trần Văn Cẩn là một người đàn ông tài năng và rất trang nhã, nhưng gần như cả đời ông sống cô độc. Có thể trong thẳm sâu họa sỹ tài danh còn ẩn chứa nhiều tâm sự không dễ chia sẻ, nhưng khát vọng hạnh phúc với một gia đình ấm áp, mơ ước về những người phụ nữ hiền thục và những đứa trẻ ngoan ngoãn, xinh xắn đã được hiển lộ khá rõ trong bức họa. Song dường như có một sự xao xuyến nội tâm ở đây. Bởi cũng trong tâm thế ấy nhưng tác phẩm đồng thời tỏa ra một nỗi buồn, man mác. Qua việc sử dụng các gam màu cùng họ (nâu - đỏ - vàng), qua nét uốn lượn mềm mại, chủ đạo là nóc vòm hàng hiên, qua sự chiếm đa số của phụ nữ, đặc biệt là sự “bất giao tiếp” của con người - dường như ai cũng cắm cúi vào công việc của mình một cách lặng lẽ, thì sự buồn tẻ như một lớp khói sương vô ảnh đang phủ mờ trên từng gương mặt.
Trong bốn mùa thì mùa thu là mùa sinh vật ẩn tàng, bánh luân xa của trời đất đã sắp đi trọn một vòng, vạn vật bắt đầu chuyển sang âm - “khí thuộc dĩ âm” (tam tự kinh). Một sự chuyển dịch của sự vật, hiện tượng tuân theo quy luật “dương cực - âm sinh”, “vật cùng tắc biến”. Phải chăng việc thiếu vắng những yếu tố dương, ngoài cái sự phản ánh nỗi niềm của tác giả còn dự báo về một giai đoạn khó khăn của dân tộc. Bởi lúc này, nước ta sau giai đoạn “Chào 61! Đỉnh cao muôn trượng” (thơ Tố Hữu) đang phải đối mặt với việc Mỹ leo thang chiến tranh, tăng quân, tăng viện trợ cho Việt Nam cộng hòa trong chiến lược chiến tranh đặc biệt, chiến tranh phá hoại ở miền Bắc.
Một trong những điều kỳ diệu của nghệ thuật mà Trần Văn Cẩn tạo nên đó là tính tự trị của tác phẩm, bởi thế mà nó có thể sống mãi với thời gian, đem đến cho người thưởng lãm (qua nhiều thế hệ) bao điều thú vị.
Trần Sáng
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...