Thứ sáu, ngày 18 tháng 10 năm 2024
10:59 (GMT +7)
Tác phẩm tham dự Cuộc vận động sáng tác văn học, nghệ thuật về Đại đội Thanh niên xung phong 915

Bức ảnh không tìm thấy

Xử lý xong vệt lầy của hố bom tại khu Thanh Chử, Ly cùng tiểu đội nữ trở về nơi đóng quân, phiên trực đêm đã bắt đầu. Người bạn cùng phòng trước khi đi chu đáo đun sẵn phích nước và phần anh đĩa khoai nướng. Ly lau qua mặt, bóc vội củ khoai còn nóng ấm ăn ngấu nghiến. Phía đường quốc lộ 16A, con đường huyết mạch vận chuyển hàng hóa ra tiền tuyến, một đoàn xe rầm rập nối đuôi nhau, đèn gầm vàng quạch. Trên trọng điểm, ánh đèn pin thi thoảng lại lóe sáng quay ba vòng tròn báo hiệu thông tuyến.

Ly gạt tàn bấc và vặn to ngọn đèn Hoa Kỳ. Từng con chữ trên trang giáo án dường như nhảy múa, bởi ánh đèn dầu đã sáng hết cỡ vẫn không soi rõ nét. Quá dễ để Ly biên soạn giáo án, nhưng quá khó để anh truyền đạt kiến thức cho các cô gái người dân tộc 17, 18 tuổi nói tiếng Kinh chưa sõi.

Đã mấy buổi lên lớp, Ly vẫn chưa thể dạy các cô thuộc mặt chữ cái và làm chủ cây bút viết những từ đơn giản. Thậm chí anh phải vận dụng cả mấy câu văn vần vào bài dạy học: O tròn như quả trứng gà/ Ô thì đội nón, ơ già có râu... Buổi học nào, Ly cũng cho sinh hoạt văn hóa mươi phút để các cô học hát, như một hình thức rèn cách phát âm tiếng Kinh tròn vành rõ chữ.

Với các cô gái lần đầu tiên bước chân ra khỏi bản, cái gì cũng vô cùng lạ lẫm. Con chữ cũng lạ như chiếc đài có thể nói và hát, chiếc xe đạp có thể chạy được khi có người ngồi lên. Ngoài thời gian làm nhiệm vụ, việc may vá thêu thùa các cô thích hơn việc học. Chính vì vậy, Ly luôn nghĩ cách từng bước tạo ra niềm say mê yêu thích học chữ và không biến các giờ học thành nặng nề.

Bên cạnh dạy học cho những cô gái chưa biết chữ, những kiến thức cơ bản của lớp ba, lớp bốn phổ thông, Ly còn đảm nhiệm việc giảng dạy chương trình mới. Một buổi vừa dạy tập viết, tập đọc, lại còn cả văn, toán kiến thức lớp trên làm anh không khỏi trăn trở.

Đêm đã khuya. Trăng lọt nghiêng qua khe liếp vắt lên trang giấy, Ly đẩy cửa bước ra ngoài. Không gian ngợp mùi hương rừng và cây cỏ. Những dãy đồi trùng điệp ngút ngàn uốn mình dưới trăng non mướt. Sau vòm cây cổ thụ, ngọn núi Linh Sơn phủ kín lau lách sừng sững khảm khắc vào trời như bức cổ thạch. Ly khẽ huýt gió, thả người lên chiếc võng đay cũ mắc sẵn bên thềm, bất giác lòng anh cồn lên vui buồn lẫn lộn.

Như nhiều miền quê khác, mảnh đất quê hương của Ly cũng còn chưa hết khó khăn. Cái bản nhỏ nơi anh sinh ra nằm chênh vênh trên những quả đồi lô nhô như bát úp. Bố mất sớm, nhà chỉ có hai mẹ con. Mẹ anh lại bị lòa sau trận ốm thập tử nhất sinh. Tuổi thơ của Ly gắn liền với thửa ruộng, mảnh nương và chiếc cọn nước nhẫn nại quay đều bên suối dưới bậc dốc.

Dù nghèo khó, mẹ Ly vẫn nhất quyết chăm chút cho con được đi học. Thương mẹ, anh chuyên tâm học hành, được gọi vào Trường trung cấp sư phạm Bắc Thái và tốt nghiệp giữa lúc phong trào tòng quân đánh giặc cứu nước diễn ra rầm rộ khắp các thôn bản. Trong khi chờ phân công công tác, nhân có đợt tuyển thanh niên xung phong, anh viết đơn tình nguyện lên đường.

Bà mẹ Ly nhiều đêm liền khóc cạn nước mắt. Nhưng rồi trước quyết tâm của con, bà đã chấp thuận: “Nước có giặc, phải chung tay đánh giặc cứu nước, con đã quyết, mẹ không cản…”. Tuy thế, cũng mấy đêm mẹ sụt sùi, lo lắng: “Chiến tranh, hậu phương cũng là mặt trận. Bom đạn chẳng chừa ai”. Ly cố giấu nước mắt: “Con đã nhờ bác cả qua lại chăm nom. Mắt mẹ không còn nhìn rõ, đừng ham việc quá...”. Ngày Ly lên đường, mẹ anh dậy từ sớm đãi gạo thổi xôi, bà lẩn mẩn gói cho con một bọc trong lá chuối. Ly giàn giụa nước mắt chào mẹ lên đường.

Cơn gió nhẹ ùa tới làm bóng trăng xao động. Bất giác, Ly nhớ tiếng cười trong trẻo, hồn nhiên của Văn, cô bạn gái học cùng trường sư phạm.

Hôm ấy, trong ngày Ly tập trung tại Đội 91 cạnh Bảo tàng Vịệt Bắc để chờ phân về các đại đội, cũng là ngày Văn tới Ty Giáo dục nhận quyết định về trường cấp I Sơn Cẩm công tác, cô có ghé thăm Ly. Mấy năm học, hai người cùng ở trong khu ký túc xá, nhưng cũng thi thoảng mới gặp nhau qua các cuộc vui cùng bè bạn. Biết Văn chưa từng vào bảo tàng, anh đưa cô sang tham quan. Đi bên anh, Văn líu ríu hỏi đủ mọi chuyện về lịch sử văn hóa vùng Việt Bắc. Ly vận dụng hết hiểu biết của mình hướng dẫn cho cô, duy sự cảm mến và điều ấp ủ bấy lâu với Văn, anh không dám nói. Cả hai cũng chỉ biết nói với nhau những câu chuyện không đầu không cuối.

Lúc chia tay, lấy hết can đảm, Ly ngập ngừng: “Bạn bè anh hầu hết đã vào chiến trường, anh không thể... Chiều nay anh về đơn vị, chúng mình… ghi thư cho nhau nhé…”.  Văn ấp úng, không nói gì, gò má thoáng ửng hồng. Chợt cô nhìn thấy bức ảnh Ly đặt trên bàn. Bức ảnh nhỏ xíu viền răng cưa. Đó là bức ảnh Ly chụp nhân ngày ra trường. Văn cầm bức ảnh, e lệ: “Anh tặng em bức ảnh này nhé!”. Ly có cảm giác đó là cử chỉ để Văn thay câu trả lời. Vì thế, dù chỉ còn lại một bức, anh cũng không nỡ từ chối. Sau ngày ấy, Ly và Văn chỉ còn gặp nhau qua những trang thư. Đại đội của Ly chìm trong nhiệm vụ liên miên. Không quá xa, nhưng anh vẫn chưa có điều kiện lên trường Sơn Cẩm thăm Văn.

     * * *

- Anh chưa đi nghỉ ạ?

Ly giật mình luống cuống. Trước mặt anh là Hoàn, trung đội trưởng trung đội nữ.

- Trăng đẹp quá! Mình muốn thư giãn một chút.

- Nhớ người yêu chứ gì? Nhớ ở xa thì được. Trong đại đội tuyệt đối cấm. Chính trị viên đã quán triệt. Lát rồi ngủ sớm đi. Hoàn nói nhỏ và quay người, bước nhanh về phòng làm Ly chột dạ như vừa bị bắt thóp.

Ly không nhìn thấy Hoàn tủm tỉm cười ý nhị, bởi cô cũng trải qua tâm trạng nhớ nhà, nhớ người bạn trai đến quay quắt trong những ngày đầu. Chỉ có công việc và bên đồng đội, nỗi nhớ mới dần nguôi ngoai. Hoàn nhắc lại lời đại đội trưởng cũng là để tự dặn mình. Đại đội hầu hết là đội viên nữ trẻ, chỉ có số ít nam giới. Hậu quả đáng tiếc không hẳn chưa từng xảy ra ở các đơn vị khác. Vấn đề tập trung cho thực hiện nhiệm vụ của thanh niên xung phong phải được đặt lên hàng đầu. Tuy không có văn bản quy định nào, đại đội vẫn quán triệt không cho phép đội viên yêu đương. Hoàn không nói chuyện thêm với anh, thực chất cô ngại ai đó dị nghị, khi đêm hôm khuya khoắt chỉ có hai người.

Ly vội vã vào nhà, vặn ngọn đèn cặm cụi viết thêm ý tưởng mới cho bài giảng. Mùi dầu hỏa lan khắp căn phòng đột nhiên làm Ly cảm thấy dễ chịu. “Sống dầu đèn…”.  Lời các cụ xưa dạy đầy ý vị.

Từ ngày tham gia thanh niên xung phong, vốn có trình độ được đào tạo cơ bản, Ly được ban chỉ huy Đội 91 phân công về Đại đội 915 làm giáo viên bổ túc văn hóa. Dù biên chế là giáo viên, nhưng ngoài hai buổi lên lớp vào chiều thứ Bảy và Chủ nhật, hoặc bất cứ thời gian nào tùy tình hình nhiệm vụ đại đội, Ly vẫn tham gia cùng các đội viên thực hiện mọi công việc theo lệnh điều động của ban chỉ huy.

Ngoài trời trăng như sáng hơn. Vẫn chỉ là màu trăng ngày Ly còn bên mẹ, nhưng ở nơi này ánh trăng tỏa rộng trên miệng hố bom chừng như có màu sắc lạ hơn.

Ly thiếp dần trong giấc ngủ.

*  *  *

Lớp học được tổ chức trên vuông đất nhỏ ven đồi. Học viên trải chiếu, kê sách vở lên đùi ngồi tập đọc và tập viết. Sau khi quản ca bắt nhịp hát mấy bài truyền thống, Ly xách chiếc phản gỗ mượn của nhà dân dựa vào thân cây làm bảng. Tiết học bắt đầu. Ly hỏi cả lớp bằng ánh mắt thân thiện:

- Anh chị nào đã thuộc bài và làm bài tập, giơ tay?

Lớp học lặng phắc, nhiều mái tóc cúi sát trang vở giả vờ cắm cúi viết. Ly hỏi cô gái ngồi bệt trên cỏ:

- Chị Cát đã thuộc bài hôm trước chưa?

Cát lóng ngóng đứng dậy vân vê vạt áo:

- Mình chưa có thuộc cái bài đâu vớ!

Nhiều tiếng cười rúc rích nho nhỏ cất lên. Ly ôn tồn:

- Tôi đã dặn trên lớp chỉ có thầy và trò. Đơn vị quy định lúc làm việc, ta xưng hô với nhau là đồng chí. Chị có thể xưng là tôi, chứ đừng xưng là mình!

- Mình…trót quên lố.

Những tiếng cười vỡ ra làm cả lớp bỗng chốc ồn ào, át cả tiếng Ly yêu cầu mở vở tập viết. Nhác thấy đôi nam nữ ngồi chung chiếu phía cuối chòng ghẹo nhau, anh nghiêm mặt:

- Cả lớp giữ trật tự. Anh Hải, chị Phương làm gì vậy?

Hải tỉnh queo:

- Em thưa thầy: Bạn này… cấu em ạ!

- Điêu.

Ly đã quen với tính cách vô tư, nghịch ngợm của các đội viên đang tuổi ăn tuổi lớn, anh tỏ ra bình thản nhưng cương quyết:

- Một khi đã vào học, tôi đề nghị chúng ta cùng nhau tuân thủ nội quy của lớp. Tiết học hôm nay, chúng ta sẽ tập viết tên của mình. Viết tên mình để làm gì, ai biết? Anh Hải có biết không ạ?

Hải lúng túng:

- Thưa thầy để… ký lĩnh quân tư trang.

- Rất đúng rồi, nhưng không chỉ ký lĩnh quân tư trang, mà còn làm nhiều việc khác. Ví dụ mai đây các anh chị lấy vợ, lấy chồng lên ủy ban đăng ký kết hôn, không thể dùng dấu vân tay điểm chỉ.

Cả lớp mím môi, vất vả đánh vần để tập viết tên mình.

Ly bước xuống hướng dẫn từng học viên. Tới gần Phương, nhìn những con chữ nghệch ngoạc, xiêu vẹo, anh nhẹ nhàng:

- Em đánh vần và viết lại đi. Tên em là Phương. Chữ cái đầu đọc là Phờ (ph),  phờ…ương…Phương, chứ không phải là Pờ (p)...

Bất chợt tiếng còi, tiếng kẻng báo động và tiếng loa phóng thanh báo tin có máy bay địch cùng lúc vang lên. Ly cùng các học viên tản ra giao thông hào về các hầm trú ẩn. Từ phía xa, một chiếc xe quân sự chất đầy hàng lầm lũi chạy trên con đường tiến đến giữa khoảng ruộng trống, không hay biết có báo động. Theo phản xạ, Phương chạy tắt ngang đám ruộng chặn phía trước hướng dẫn xe vòng vào con đường nhánh sơ tán. Cô vừa quay trở lại, chưa kịp tìm nơi trú ẩn, máy bay địch đã gầm rít trên bầu trời. Bom và khói lửa trùm lên khu vực lớp học. Thân hình mảnh mai của Phương như chiếc lá rụng xuống mặt đất…

Ly ôm Phương lách đoạn giao thông hào về hầm trú ẩn. Cơ thể Phương mềm nhũn, người bê bết máu. Cùng đồng đội lau vết máu trên gương mặt xinh xắn còn ánh lên nét ngây thơ tuổi mới lớn, giọng Ly như người mất hồn: “Tỉnh lại…tỉnh lại…học viết tên mình đi em!”

*  *  *

Các trận oanh tạc của máy bay Mỹ ngày một khốc liệt. Các nhà máy, công xưởng, kho xăng dầu trúng bom bốc cháy nghi ngút vừa được dập tắt, lại tiếp tục bốc cháy vì trúng bom. Lực lượng thanh niên xung phong rải quân khắp các vị trí trọng điểm phối hợp cùng lực lượng tự vệ xử lý mọi tình huống khẩn cấp. Tuyến quốc lộ 16A, 1B các phương tiện vận tải hàng hóa ra tiền tuyến với lưu lượng lớn. Để đảm bảo giao thông thông suốt, đại đội bố trí đội viên thay phiên nhau ứng trực trên từng cung đường. Các buổi học bổ túc văn hóa tuy vẫn được giữ vững nhưng do học viên làm việc phân tán, sĩ số các lớp ít khi được đảm bảo. Ly nhiều buổi phải dạy kèm riêng từng tổ, hoặc từng nhóm học viên. Với phương pháp giảng dạy linh hoạt, hầu hết các đội viên trong lớp học của Ly đã dần dần thích học chữ và say sưa ôn luyện sau giờ làm việc. Ngồi giải lao bên hồ Bi Gù sau khi san lấp hố bom trên đường, Thủy, cô gái nhỏ tuổi nhất cầm mảnh báo cũ, vất vả đánh vần mấy câu thơ và tỏ ý tiếc nuối:

- Giá em chép được bài thơ này vào sổ tay có thích không nhỉ!

Ly ngạc nhiên:

- Em mua sổ tay bao giờ thế?

Thủy đỏ mặt ấp úng:

- Có một anh bộ đội ra chiến trường, hôm dừng chờ thông xe tặng…

Cô bạn ngồi bên nhanh nhảu:

- Anh ấy thấy con Thủy xinh đẹp, phải lòng nên cho nó làm tin.

- Ai bảo chị thế? Thủy đỏ mặt cãi.

- Chứ không à! Bao nhiêu đứa sao anh ấy chỉ tặng mày? Mày chả hỏi tao anh ấy viết gì ở trang đầu còn gì.

Mấy chị em khác nhao nhao:

- Anh ấy viết gì?

Đến lượt cô bạn đỏ mặt ngắc ngứ:

- Tao đã thuộc hết mặt chữ đâu, chỉ đọc được mối chữ “Em” thôi.

Ly rút khăn lau bùn đất dính trên tay đón mảnh báo cũ:

- Bài thơ này hay lắm. Để tôi đọc cho mọi người nghe. Cố gắng học, rồi ai cũng sẽ tự mình đọc và viết nếu thích.

Một chiếc xe tải đỗ xịch bên vệ đường. Hoàn từ trên thùng xe nhảy xuống hớn hở:

- Tớ vừa qua tòa soạn, ông phóng viên Báo Việt Nam Độc lập gửi tặng bọn mình ảnh đây này! Trên tay Hoàn là hai bức ảnh đen trắng chụp hôm nhóm thanh niên xung phong làm đường tại Nam Hòa.

Quây quần chụm đầu xem, Thủy tủm tỉm:

- Anh Ly đẹp trai nhất bản.

Ly tươi cười, hóm hỉnh:

- Thì mỗi anh là con trai. Không nhất thì nhì được với ai.

Mấy cô gái giành nhau tấm ảnh, la hét ầm ĩ làm mấy chú trâu đang gặm cỏ bên vệ đường cũng dỏng tai ngơ ngác...

Sáng 24 tháng 12 năm 1972, Đại đội 915 nhận lệnh bố trí lực lượng cùng tự vệ Gang thép và các đơn vị bạn tham gia giải tỏa hàng hóa chiến lược tại ga Lưu Xá. Chập tối hôm đó, đơn vị vừa chuẩn bị ăn bữa cơm chiều để tiếp tục bốc dỡ nốt số hàng hóa còn lại. Trận bom B52 dữ dội của máy bay Mỹ trùm lên đại đội, người thầy giáo ấy đã ngã xuống cùng bao đồng đội khác.                                                       

*  *  *

Vào một đêm Noel cách trận bom khốc liệt ấy gần một nửa thế kỉ, chị Hoàn đã kể lại cho tôi nghe toàn bộ câu chuyện về nhà giáo - liệt sĩ Hà Văn Ly. Hoàn khẽ thở dài, than phiền với tôi:

- Chỉ tiếc một điều là nhiều năm nay chúng tôi đã đi gặp rất nhiều người, gõ cửa tất cả những nơi có thể, mong tìm được một bức ảnh của Ly để đặt lên ban thờ liệt sĩ mà không được. Hình như cả đời, Ly chỉ có hai lần chụp ảnh. Một là bức cùng chụp với đồng đội, do ông phóng viên Báo Việt Nam Độc lập gửi tặng, hai là bức chân dung Ly tặng Văn ngày gặp nhau ở Bảo tàng Việt Bắc. Thì anh bảo, ngày xưa việc chụp ảnh là hiếm hoi lắm chứ đâu như bây giờ. Cái ảnh tập thể Ly chụp với đồng đội thì đã thất tán. Còn bức chân dung, hy vọng Văn còn lưu giữ, chúng tôi đã cử người đến tận trường Tiểu học Nông Hạ, nơi sau chiến tranh Văn chuyển về công tác. Đúng là hai vợ chồng Văn đã cất giữ nó như một kỉ niệm cuối cùng của Ly, nhưng không may ít năm sau một trận lụt bất ngờ đã làm hỏng hoàn toàn. Thế là đến giờ không có tấm hình nào của Ly được lưu lại với bạn bè, người thân nữa. Buồn thế đấy anh ạ.

Nhìn ánh mắt tràn đầy nuối tiếc của Hoàn, tôi nói chân tình:

- Chị đừng buồn. Anh Ly không còn bức ảnh nào lưu lại nhưng tôi tin rằng hình ảnh của anh chắc chắn sẽ còn mãi trong trái tim những người đang sống, không chỉ với gia đình, họ mạc, đồng đội mà của tất cả những người biết trân trọng giá trị xương máu của thế hệ cha anh.

Truyện ký. Phan Thái

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Đại đội 915 còn mãi với nước non (Tập 2)

Cuộc vận động sáng tác VHNT về Đại đội TNXP 915 1 năm trước

Đại đội 915 còn mãi với nước non (Tập 1)

Cuộc vận động sáng tác VHNT về Đại đội TNXP 915 1 năm trước

Phối hợp triển khai sáng tác văn học về Đại đội 915

Cuộc vận động sáng tác VHNT về Đại đội TNXP 915 2 năm trước

Tiếp tục tuyên truyền có điểm nhấn về Đại đội TNXP 915

Cuộc vận động sáng tác VHNT về Đại đội TNXP 915 5 năm trước

Những nụ cười vẫn sáng lên

Cuộc vận động sáng tác VHNT về Đại đội TNXP 915 5 năm trước

Họ đã tham gia cuộc chiến như thế

Cuộc vận động sáng tác VHNT về Đại đội TNXP 915 5 năm trước

Nhật ký cô văn thư

Xem tin nổi bật 5 năm trước