Thứ sáu, ngày 20 tháng 09 năm 2024
11:18 (GMT +7)

Biến “cá mèo” thành đặc sản?!

Đã có nhiều món ăn, trước đây được coi là “hạ đẳng”, chỉ khi nghèo đói, túng bấn mới phải tìm về để ăn trừ, ăn độn, như cây măng rừng, rau lang, rau má, tầm bóp… hay các loại động vật: rắn, lươn, ốc, ếch, cua, hến,… nhưng ngày nay lại trở thành “đặc sản” vì “ngon, bổ, rẻ” và đặc biệt là vì “lạ miệng”. Câu chuyện dưới đây là một trong số đó.

1. Đến thăm nhà chú Trần Đại Thế, ở tổ 14, phường Tích Lương, TP. Thái Nguyên sau cơn mưa rào tháng Bảy. Chú thím bảo: hôm nay ở đây ăn cơm, rau dưa tình cảm thôi cháu nhé, chú thím sẽ chiêu đãi món “đặc sản” quê hương!

Sản phẩm “Cá hồ chiên” của gia đình Hiên Ninh, xã Lục Ba, huyện Đại Từ
Sản phẩm “Cá hồ chiên” của gia đình Hiên Ninh, xã Lục Ba, huyện Đại Từ

Chả là chú tôi có “nghề gia truyền” chuyên thả đăng ngoài suối, nên hôm đó, sau khi trời mưa, chú mang về chừng nửa xô cá đang nhảy lách tách, chủ yếu là cá mương (to chừng ngón tay, loài cá người hơi dài, thân bạc trắng, ăn nổi trên mặt nước, không tanh như con cá mại ăn chìm phía dưới). Con suối này bắt nguồn từ những kênh, mương, cánh đồng thu nước ở hồ Núi Cốc chảy ra, do vậy, những con cá mương cũng có nguồn gốc sâu xa từ đó. Đặc điểm của cá mương là cá tự nhiên, chỉ ăn những con côn trùng trên nước mặt, và ăn cả rong, rêu nên bụng bé, ít ruột, lâu bị ươn hỏng so với những loại cá đồng khác.

Thím tôi rán cân cá mương tươi rói, ra vườn hái lá lốt cho mọi người quấn và chấm nước mắm để ăn cơm. Ai cũng xuýt xoa: sao ngon thế! Ngay tôi cũng thấy lạ: ngày xưa vẫn con cá này, chả mấy khi ăn, vậy mà hôm nay ăn sao thấy ngon vậy! Cá rất ngọt thịt, lại thơm, giòn, mỗi con vừa một miếng, nhấp với rượu đế thật là tuyệt! Thấy tôi cứ tấm tắc khen, cậu út nhà chú cười cười, nửa đùa nửa thật: có mà bố em vẫn bắt được, ăn quen rồi nên mẹ em mới gọi là đặc sản để mời anh, chứ cá này ở ngoài chợ họ bán cho mèo ăn í (!).

2. Bẵng đi một thời gian. Một lần, mẹ tôi đi chợ và cầm về 1 hộp cá rán sẵn, trên vỏ in dòng chữ “Đặc sản Hồ Núi Cốc” và nói: “cá mèo” đặc sản như của nhà chú Thế đây nhé! Quả đúng vậy, bên trong là những con cá mương đã được chiên giòn. Tuy không có vị ngọt như những con cá tươi đã ăn ở nhà chú, nhưng vẫn rất ngon cơm. Nhìn vào địa chỉ ghi trên tem nhãn: “Đ/c xã Ký Phú, Đại Từ, Thái Nguyên”. Vậy thì đúng là cá sông Công - hồ Núi Cốc rồi còn gì! Nhưng không biết đã nhiều người ăn món này chưa, nghĩa là đã có bán ở nhiều nơi chưa? Vậy là tôi quyết định tìm hiểu.

Rủ thêm một cô bạn phóng viên, long rong xe máy từ TP. Thái Nguyên đi qua trung tâm huyện Đại Từ, rẽ trái sang bờ hồ phía bên kia thuộc đất Ký Phú. Theo số điện thoại, liên hệ với gia đình làm hàng, nhưng có vẻ như họ muốn giấu nghề hay sợ cán bộ thị trường vào kiểm tra gì đó, không muốn tiếp nên lý do: gia đình giờ không làm cá nữa. Cũng không sao, đoán chừng ven hồ thế nào cũng có những người đánh bắt loại cá này, chúng tôi rẽ vào xóm để hỏi. Thật may mắn, mọi người cho biết, không chỉ Ký Phú, mà cả Lục Ba, Vạn Thọ, Cát Nê (là những xã ven hồ Núi Cốc) cũng có một số nhà làm cá này, thậm chí mãi trên mạn Định Hóa cũng có…

Xóm Gò Lớn, xã Lục Ba, huyện Đại Từ, đúng như tên gọi, là một cái gò bị hồ Núi Cốc bao bọc xung quanh, thành một bán đảo nhô ra. Người dân ở đây gọi loài cá này là “tép dầu” (những con cá nhỏ, lụn vụn họ gọi là tép). “Tép dầu” có sẵn ở trên hồ, sống thành từng đàn trên mặt nước, vẫn được người dân đánh bắt về, nhưng chủ yếu là phục vụ chăn nuôi chứ ít người nấu ăn.

Hỏi thăm, chúng tôi tới gia đình ông Nguyễn Văn Ninh. Bà Hiên, vợ ông Ninh cho biết: gia đình mới làm “tép dầu” chiên giòn để bán được gần hai năm nay. Trước đây, ông Ninh hay ra hồ thả lưới bắt về, chủ yếu sử dụng làm thức ăn chăn nuôi, mãi sau này tìm hiểu được cách chế biến và làm thử thấy ăn ngon, nên mới mạnh dạn đóng hộp đem ra chợ bán. Hiện mỗi ngày gia đình sản xuất được 30 - 40kg cá chiên đóng hộp, khách hàng chủ yếu là người quen, giao cho một số quán ăn nhỏ ở xã Lục Ba và các xã lân cận. Có khi khách hàng đặt nhiều thì cũng làm và giao được 100kg. Số lượng tăng lên, ông Ninh không đi đánh bắt trực tiếp mà thu mua lại cá của những người cùng xóm. Sản phẩm của gia đình ông được khách hàng đặt mua, cứ chế biến xong là khách đến tận nhà lấy, một số khách hàng ở xa, ông đóng hộp gửi xe ô tô. Doanh thu từ bán cá mỗi ngày được khoảng từ 1 đến 1,5 triệu đồng.

Ông Ninh cho biết: ở “bán đảo” Gò Lớn này, người dân đánh bắt “tép dầu” chủ yếu vào ban đêm. Họ dùng lưới vét thả xuống hồ, ngồi đợi 20 - 30 phút cho lặng nước, cá bơi vào thì vớt lưới lên. Trung bình mỗi đêm, một tay lưới có khi thu được khoảng 100kg cá. Để có sản phẩm cá chiên giòn vừa ngon vừa có mẫu mã đẹp, sau khi đưa cá về phải chọn ra những con kích thước lớn bằng ngón tay để chế biến, số cá nhỏ loại ra sẽ được bán cho các gia đình chăn nuôi. Loài cá này không lớn bởi vậy công đoạn chế biến phải rất kỳ công. Sau khi cắt bỏ đầu đuôi và bóp nặn ruột từng con, cá được rửa đi rửa lại nhiều lần rồi vớt lên, để ráo nước; sau đó ướp với riềng xay nhỏ, mì chính, hạt nêm, hạt tiêu, bột ớt từ 10 - 15 phút và đem chiên với dầu thực vật. Muốn cho cá chiên xong thật thơm và giòn, chiên xong phải làm cho ráo, không còn bám dính dầu ăn rồi mới đóng hộp.

Một mẻ “Tép dầu chiên giòn” được làm theo cách thủ công
Một mẻ “Tép dầu chiên giòn” được làm theo cách thủ công

Nói thì đơn giản vậy, nhưng để làm ra một mẻ “Tép dầu chiên giòn” thơm ngon thực sự tốn mất nhiều thời gian và công sức, thậm chí phải có những “bí quyết” riêng để cá không bị “già” hay “non” lửa hoặc bị khét do cháy các hương liệu tẩm ướp… Mặt khác, trước đây người dân không biết cách chế biến cứ tưởng cá nhỏ không có ruột nên họ rán cả con trong khi đó “tép dầu” có mật rất đắng - bà Hiên chia sẻ.

3. Chị Hoàng Thị Hồng Phương, một tiểu thương bán thực phẩm chế biến sẵn ở tổ 8, phường Phú Xá, TP. Thái Nguyên cho biết: chị vẫn lấy loại cá hồ chiên giòn đóng hộp này của một gia đình ở xã Ký Phú (Đại Từ) để bán cho bà con trên địa bàn, giá mỗi hộp là 25.000đ. Gia đình chị cũng hay ăn. Chị còn giới thiệu cho một người nhà ở Sơn Tây nhập hàng này về bán. Nhìn chung khách hàng dùng xong đều khen ngon, nhất là khi cuốn cá với lá lốt rồi chấm với mắm ớt hoặc tương gừng. Mặc dù chưa được nhiều người biết đến, chủ yếu bán cho khách quen, nhưng hàng bán khá chạy. Cứ hết hàng, chị Phương lại gọi điện và gia đình chế biến cá lại chuyển hàng xuống tận nơi.

“Tép dầu” hay một loại cá mương nhỏ - từ loài cá ít ai chú ý, vốn chỉ để bán làm “cá mèo”, nay được những người dân chế biến đưa ra thị trường và trở thành “đặc sản”, không những làm phong phú thêm thị trường thực phẩm, mà nó còn giàu thêm sản phẩm văn hóa ẩm thực cho vùng đất Thái Nguyên, tạo thêm việc làm, thu nhập cho người dân. Những ai chưa một lần thử sản phẩm này, hãy mua ngay một hộp về ăn để đối chứng!.

Văn Lường - Thu Giang

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy