Bệnh tâm thần và rào cản từ tâm lý, tập quán văn hóa
VNTN - Tâm thần là cách gọi phổ biến, bao hàm nhiều dạng thức rối loạn tâm trí từ nặng tới nhẹ, được khoa học phân loại và gọi tên. Theo thống kê của Bộ Y tế, ở Việt Nam có tới 15% dân số gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần nhưng chỉ có một tỉ lệ rất nhỏ trong số đó được phát hiện, thừa nhận và điều trị. 80% còn lại vẫn sinh hoạt tự do: không xác nhận bệnh, không dùng thuốc, không tư vấn tâm lý, sinh hoạt chung với cộng đồng mà không hề có một cảnh báo nào được đặt ra cho người xung quanh.
Số người trẻ mắc bệnh tâm thần ngày càng gia tăng (Nguồn: easycare.vn)
Kẻ thủ ác loạn thần
Dư luận vẫn chưa quên Nguyễn Thị Vân (Bến Tre) - người đàn bà khủng hoảng tâm thần đã đóng giả người nhà bệnh nhân, lẻn vào Khoa Nhi, bệnh viện xin ngủ nhờ rồi bất ngờ rút con dao nhọn đâm thẳng vào đầu em bé 11 ngày tuổi ngay giữa vòng tay mẹ. Trong cơn rối loạn trí óc vì trầm cảm sau sinh, Ksor Pxưl (Gia Lai) âm thầm vứt con xuống giếng, Phan Thị Trinh (Hà Nội) lạnh lùng dìm con xuống chậu nước rồi thản nhiên lên giường ngủ tiếp sau khi để lại lời nguyền độc địa bằng than gửi đến bố chồng “Tao sẽ giết cháu mày”. Và Hà Giang, Yên Bái, Điện Biên… từng chứng kiến bao vụ thảm sát kinh hoàng sau cơn kích động cực độ của những kẻ tâm thần bấn loạn.
Không khó để kể ra những thảm án đầy bi kịch mà nguyên nhân xuất phát từ hành động bất ngờ của người rối loạn tâm trí. Kiểm soát y tế hạn chế, di chứng chiến tranh, áp lực xã hội hiện đại, tai nạn giao thông, ma túy, sự gia tăng tuổi thọ đều là nguyên nhân góp phần đẩy cao tỉ lệ người tâm thần trong cộng đồng, đồng nghĩa với việc, chúng ta đang sống chung với những rủi ro tiềm ẩn. Buông lỏng việc quản lý người tâm thần trong cộng đồng là con đường đưa đến nhiều hiểm họa. Thế nhưng, sự kiểm soát đối tượng xã hội này đôi khi lại bắt gặp rào cản của tâm lý và văn hóa truyền thống.
Bên cạnh những bệnh nhân bị rối loạn tâm trí do tổn thương não bộ, yếu tố gien, phần lớn trường hợp đều có nguyên nhân liên quan đến tâm lý. Do vậy, sự tương tác giữa người bệnh và môi trường sống ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình phát sinh và chuyển biến của bệnh. Nhận thức được điều đó, trong điều trị bệnh nhân tâm thần, vai trò của gia đình và cộng đồng luôn được đề cao. Tuy nhiên, một số quan niệm và tập tục truyền thống trong xã hội Việt Nam lại trở thành rào cản đối với quá trình chăm sóc, điều trị và quản lý những người bệnh đặc biệt này.
Từ quan niệm tâm linh đến xu hướng xem nhẹ sức khỏe tâm thần
Trong tư duy mang đậm màu sắc tín ngưỡng của người Việt, tâm thần là một loại bệnh đặc biệt được lý giải bằng lý do tâm linh như “trời đày”, “nghiệp chướng” “có căn có số”, “vong nhập”, “quả báo”, “động mồ động mả”, “con giời”, “gánh” nạn cho cả nhà… Với quan niệm ấy, ý thức thừa nhận bệnh và con đường điều trị cho bệnh nhân tâm thần thường chậm chạp và quanh co. Có thể nói, tâm thần là loại bệnh được “vái tứ phương” nhiều nhất: xem thầy, giải hạn, lập đàn, cắt số, đội bát hương, quy y cửa Phật, tập thiền… Không thể phủ nhận, có những bệnh nhân đáp ứng tốt với phương thức chữa bệnh truyền thống, đặc biệt là các dạng thức tâm thần xuất phát từ đột biến tâm lý (như trầm cảm sau sinh, sốc tâm lý sau sự cố…). Môi trường thanh tịnh, cuộc sống giản đơn không còn áp lực, chế độ sinh hoạt lành mạnh là cơ hội để người bệnh cân bằng tâm lý, khai thông trí óc, quay về với cuộc sống đời thường. Tuy nhiên, với bệnh tâm thần phân liệt, tâm thần sau chấn thương, viêm não… thì việc chỉ áp dụng liệu pháp cổ truyền khó đem lại hiệu quả, thậm chí làm cho quá trình trị liệu thêm phức tạp, khó khăn và tốn kém. Hành trình chữa bệnh cho những đối tượng này đôi khi còn bị cản trở bởi sự tâm lý đầu hàng số phận theo kiểu: “nó gánh cho cả nhà”, “bệnh Giời hành thì để ông Giời quyết”, “trả nợ cho kiếp trước”, “đổi lấy lộc về sau”, “nếu không phát điên thì không sống được”…
Không giống hầu hết các biến cố sức khỏe thông thường, bệnh tâm thần đem lại “mặc cảm” lớn lao cho gia đình, dẫn đến tâm ý “giấu bệnh”. Vì thế, bên cạnh những trường hợp điển hình, rất nhiều người bệnh không được phát hiện, thậm chí “cố tình không được thừa nhận”. Ở những vùng khó khăn, người tâm thần vẫn được tận dụng làm nguồn lực lao động, thậm chí vẫn kết hôn, sinh con đẻ cái, bất chấp nguy cơ rủi ro cho các thế hệ sau.
Cùng với đó, với thói quen ứng xử “tế nhị”, “cả nể”, những người xung quanh cũng có xu hướng “hòa đồng hóa” bằng cách cố gắng “lờ đi” biểu hiện bất bình thường của họ, cho đến lúc người bệnh thực sự phát bệnh. Chị N.T.H (phường Tân Thành, thành phố Thái Nguyên) cho biết, trong lớp của con gái chị, có một cậu bé thể hiện rõ những bất thường về tâm thần (thường xuyên la hét, gây gổ, không kiểm soát được hành vi…). Tuy nhiên, vì chưa có những kết luật y tế, nên nhà trường vẫn để cậu học chung với các học sinh khác. Chị H và nhiều phụ huynh rất lo lắng cho sự an toàn của con em mình nhưng lại không dám đưa ra ý kiến bởi sợ bị cho là định kiến, kỳ thị. Tâm lý và lối ứng xử duy tình này vô hình chung đã xóa nhòa ranh giới giữa người thường và người có bệnh. Chúng ta đã đánh đồng cách ứng xử “không kỳ thị” với việc “không phân biệt” và đó là nguyên nhân khiến người tâm thần không được điều trị kịp thời, cộng đồng không được bảo vệ kịp thời trước những nguy cơ khó lường do cơn rối loạn tâm trí. Cũng cần nhấn mạnh thêm rằng, hầu hết các vụ án do rối loạn tâm trí thì thủ phạm lại rơi vào trường hợp bệnh nhân tâm thần nhẹ, chưa biểu hiện bệnh rõ ràng nên ít được đề phòng, cảnh giác. Trong những trường hợp ấy, luật pháp có quy định hoãn hoặc đình chỉ thi hành án nếu bị cáo được chứng minh là có biểu hiện tâm thần. Tuy nhiên, cần thêm những điều luật rõ ràng về việc quản lý các đối tượng tâm thần sau gây án, đảm bảo an toàn cho cộng đồng cũng như tránh hiện tượng làm giả hồ sơ tâm thần để thoát tội.
Cũng liên quan đến vấn đề pháp luật, từ năm 2012, khi hiện tượng người tâm thần gây án đến mức báo động, Cục Cảnh sát Hình sự đã có văn bản gửi công an các địa phương phối hợp với cấp chính quyền tăng cường quản lý, phòng ngừa, đề xuất biện pháp đưa những người có dấu hiệu tâm thần vào các trại tập trung chữa bệnh. Tuy nhiên, hiện nay, chưa có luật nào quy định, đối tượng nào sẽ trực tiếp có nhiệm vụ đưa người tâm thần đi điều trị, chi phí điều trị sẽ lấy từ đâu... Vì thế, một số lượng lớn người tâm thần vẫn sinh sống tự do giữa cộng đồng, lang thang không kiểm soát hoặc bị người thân quản lý cưỡng chế bằng cách giam nhốt, xích trói chân tay, gây ra những ức chế tâm lý nặng nề cho người bệnh.
Bệnh nhân tâm thần gây án
Trong mối tương quan với các nền văn hóa khác, nhìn chung người Việt có xu hướng coi nhẹ sức khỏe tâm thần và coi nặng việc gửi người thân đến những nơi chăm sóc, điều trị tập trung (vẫn thường được dân gian gọi tên một cách tương đối miệt thị là các “trại”). Ở nước ta, hầu hết mọi người xa lạ với bác sĩ tâm lý, chuyên gia tư vấn tâm thần. Những biểu hiện của khủng hoảng tâm thần thường bị bỏ qua. Do vậy, một số đối tượng nhạy cảm như phụ nữ sau sinh, học sinh, người vừa nghỉ hưu… thường phải tự mình đối mặt với những áp lực tâm lý tột độ. Ở phụ nữ sau sinh bên cạnh những khủng hoảng do yếu tố hoóc môn, là áp lực liên quan đến chăm sóc con cái với đầy mâu thuẫn từ nhiều thế hệ (các quốc gia phương Tây, áp lực này ít hơn bởi phần đa, người già không can thiệp vào quá trình nuôi dạy trẻ nhỏ và đàn ông thường chủ động chia sẻ với vợ các công việc liên quan đến thai sản). Người mới nghỉ hưu cũng là đối tượng dễ tổn thương bởi họ phải trải qua những biến cố về công việc, sức khỏe. Bên cạnh đó, không ít người vừa rời bỏ công việc nhà nước thì ngay lập tức phải gánh “nhiệm vụ” mới mệt mỏi hơn, dễ “xung đột” hơn là thay con chăm nuôi các cháu. Đặc trưng văn hóa Việt Nam mang nhiều nét đẹp nhưng ở một phương diện khác, chính sự gắn kết giữa các thành viên lại tạo một áp lực khổng lồ lên tinh thần của người trong cuộc. Đáng nhấn mạnh là những áp lực ấy thường bị coi nhẹ. Sự chăm sóc sức khỏe tinh thần đôi khi bị xem là phù phiếm, “dửng mỡ”. Cho đến lúc, người bệnh thực sự phát bệnh, gia đình lại một lần nữa đẩy vấn đề trở nên trầm trọng hơn với tâm lý giữ bệnh nhân ở nhà, chấp nhận sống chung với hiểm họa bởi định kiến rằng các bệnh viện tâm thần, trung tâm tư vấn tâm lý là “trại thương điên”, đưa người nhà đi “trại” là hành động tàn nhẫn. Bên cạnh lý do tâm lý, còn có lý do kinh tế, bởi kinh phí cho việc điều trị không nhỏ, trong khi nhà nước chưa có điều kiện để miễn phí hoàn toàn cho bệnh nhân tâm thần điều trị tập trung.
*
Chăm sóc sức khỏe tâm thần cho xã hội nói chung, chăm sóc bệnh nhân tâm thần nói riêng là vấn đề bức thiết trong xã hội hiện đại. Đây không chỉ là nhiệm vụ của y tế mà còn của nhiều ban ngành, trong đó, có chính quyền, tổ chức xã hội, cơ quan hành pháp… Và hiển nhiên, chìa khóa giải quyết vấn đề còn nằm trong ý thức văn hóa cộng đồng với việc thay đổi những quan niệm truyền thống đã không còn phù hợp.
Suối Linh
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...