Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
08:54 (GMT +7)

Bến Tượng xưa

VNTN - Thị xã Thái Nguyên xưa, bám dọc bờ sông Cầu có ba cái bến là Bến Than, Bến Tượng và Bến Oánh. Trong ba bến ấy thì Bến Tượng là to nhất. Cũng là trên bến dưới thuyền nhưng Bến Than, ở phía trên cầu Gia Bẩy chỉ là nơi tiếp nhận than từ mỏ Làng Cẩm rồi bán và chuyển đi các nơi. Bến Oánh ở phía dưới, thuộc địa phận Túc Duyên chỉ chuyên là nơi tập kết, buôn bán gỗ, nứa, tre mà thôi. Bến Tượng nằm ở quãng giữa hai bến vừa như một bến bãi tổng hợp lâm, thổ sản, vừa là chợ lớn phong phú, lại vừa như trung tâm điều tiết, hỗ trợ các bến bãi khác giao lưu. Bến Tượng là cái tên gắn với truyền thuyết lịch sử mà các cụ lớp tuổi nay đã gần trăm còn truyền lại. Đó là khi vua Nguyễn Huệ đem quân ra Bắc cùng đội Tượng binh (voi chiến) hùng dũng hành quân thần tốcđánh bại quân Thanh, dẹp yên bờ cõi. Lịch sử còn khắc họa, bến sông lúc đó nước chảy mạnh, xoáy, có nhiều đá hộc to ở dưới đáy. Một con voi của đoàn quân bị trôi xuống đến đoạn này thì mắc lại, bị đá hộc chẹt vào chân, không thoát ra được rồi bị đói, bị nước xiết nên chết giữa dòng. Dân ở đây thương tiếc vớt lên chôn cất bên một gò cao bên bờ. Từ đó bến được nhân dân đặt tên là “Bến Tượng”. Bến ngày sau càng đông vui, sầm uất bởi nơi đây như một cầu nối xuôi ngược. Bà con áo chàm đem hàng hóa chèo bè, thuyền từ Bắc Cạn xuống, bà con làm lúa, vải vóc tơ lụa từ Bắc Ninh, Bắc Giang ngược sông lên cùng gặp nhau tại đây nên Bến Tượng thành một bến tụ hội đông vui. Và sau này dù hòa bình hay kháng chiến thì Bến Tượng vẫn là một bến chợ họp ngoài trời độc đáo. Vào những chợ phiên (thường là ngày chẵn), chợ đông nghìn nghịt, kéo dài từ cửa chợ Thái bây giờ đến quá nửa mặt sông. Trên sông, thuyền bè đỗ sin sít, người mua bán, đi lại dập dềnh trao đổi nhau gỗ, tre, nứa, lá cọ. Thành giá, các bè nhẹ nhàng tách ra bơi ngược lên chỗ vắng níu lại chờ bốc lên bờ. Giáp ngay bờ sông là khu bày bán các sản vật miền núi như củ nâu, măng, thuốc nam, dây mây, quả cọ, các con vật bắt trong rừng như rắn, kỳ đà, tắc kè, chim quý... Tiếp ngược lên là khu mua bán các loại vật nuôi như lợn, gà, trâu, bò, dê, ngựa. Khu này có cả bãi đóng khung tre bán động vật sống, phía trong chợ là bán thịt đã mổ. Có ngày hàng thịt lợn rừng, thịt nai, sơn dương, khách hàng chen lấn nhau mua đem về vùng xuôi (vì loại thịt này không phải ngày nào cũng có). Nối tiếp khu con là khu bán các loại cây, rau quả thật là phong phú, các loại rau ngót rừng, bò khai, trám đen, trám trắng đến các loại củ như củ hoài sơn đem ở núi xuống, đến khoai, củ từ, đậu, lạc đưa từ xuôi lên đều có cả. Gần phía trên (cổng chợ Thái bây giờ) là hàng tơ lụa, vải vóc. Thôi thì đủ màu sắc. Từ vải tơ tằm cho đến thổ cẩm của bà con Tày, Dao... Trên cùng mới là khu chợ ẩm thực. Mùi vị, thức ăn miền núi, miền xuôi thơm ngon, hấp dẫn gọi mời khách muôn phương. Bến Tượng trước kia là nơi thu hút nhiều thương nhân nổi tiếng. Không ai quên được khói thuốc lào đậm đà của hàng ông Hải, người Vĩnh Bảo, Hải Phòng. Ông còn đem thuốc lào lên tận các vùng xa xôi hẻo lánh xa hơn chợ Bến Tượng. Người sành ăn mọi miền không quên bánh đa nem bà Khôi vừa mỏng, vừa dẻo, dai, vừa có độ đậm. Khi gói nem rán không thể chê vào đâu được. Ngày sắp tết, khắp nơi về Bến Tượng tìm mua bánh đa nem bà Khôi. Những ngày trước rằm, mồng một ai ai cũng tìm mua mấy bó hương thơm của nhà ông Tác (Đồng Mỗ). Hương nhà ông làm không những thơm ngát mà tàn của nó còn đậu, xoắn lại trên bát hương thật là huyền diệu. Ngày nay, cùng với Thái Nguyên khởi sắc, thì Bến Tượng cũng hoàn toàn khác. Thay vào cái đường ngầm trải đá phục vụ xe người qua lúc cầu Gia Bẩy bị bắn phá là một cây cầu đẹp lộng lẫy, đêm đêm điện sáng lấp lánh dòng sông. Khu dân xưa nay là nhà tầng cao ngất, đường mở rộng để người xe đi lại. Dù vậy, đứng ở đầu cầu hiện đại, khang trang lại cứ nhớ về cái Bến Tượng xưa trên bến dưới thuyền mà u hoài mà vơ vẩn. Giả sử thành phố để lại một khu đất ven sông Cầu để tái lập lại một khu chợ như Bến Tượng xưa thì có ý nghĩa biết bao. Giá có một góc bảo tàng của Thái Nguyên khắc họa lại Bến Tượng ngày nào thì lớp trẻ sẽ không bao giờ quên được nguồn cội...

Đình Tân

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy