Bảo tàng Văn học Việt Nam: Lưu giữ quá khứ để phát triển tương lai
VNTN - Dòng chảy văn học Việt Nam kể từ khi bắt đầu có chữ viết thì những văn bản, tài liệu có giá trị đã từng gặp không ít hiểm họa bị phá hủy, “xóa sổ” khi dân tộc ta phải trải qua những thời đoạn gian lao đấu tranh với âm mưu hiểm độc của kẻ thù xâm lược. Ở mỗi thời kì lịch sử dựng nước, giữ nước và những khi đất nước thanh bình, văn học luôn là tấm gương trung thực nhất phản ánh tâm hồn, trí tuệ, tình yêu, lòng tự hào của người dân đất Việt đối với Tổ quốc mình. Để lưu giữ được những di sản văn hóa tinh thần đó, cần phải có một bảo tàng riêng dành cho văn học, bởi lẽ ngoài chức năng sưu tầm, bảo quản, nghiên cứu, trưng bày, giới thiệu quá trình hình thành và phát triển thì đó còn là nơi thể hiện rõ nhất các góc cạnh trong quá trình tìm tòi sáng tạo, lao động nghiêm túc của các nhà văn, nhà thơ Việt Nam.
Trưng bày về tác giả, nhà thơ Trần Nhân Tông thế kỷ XIII
Từ những trăn trở của “người trong cuộc”
Ý tưởng xây dựng bảo tàng Văn học Việt Nam có từ Đại hội Nhà văn Việt Nam lần thứ V (năm 1995), các đại biểu đều đồng thuận với việc cần phải có một nơi lưu giữ lại những dấu tích văn học qua các thời kì sáng tác của nhiều thế hệ nhà văn. Đến năm 1999, Thủ tướng Chính phủ đã thông qua chủ trương cho phép xây dựng Bảo tàng. Sáu năm sau (năm 2005), Bảo tàng chính thức được khởi công xây dựng trong khuôn viên 3.600m2, trong đó dự kiến diện tích trưng bày là 2.700m2 chia làm ba tầng để trưng bày hiện vật, tài liệu, di cảo của các nhà văn từ thế kỉ thứ 10 đến thế kỉ 21.
Song song với thời gian xây dựng là công việc thu thập tư liệu cho bảo tàng. Khi đó chỉ có 5 nhân sự trong số 18 nhân sự thuộc biên chế Nhà nước thực hiện những việc như: liên hệ, tìm đến tận nhà của tác giả hoặc gia đình tác giả, phỏng vấn lấy thông tin và tập hợp sách, kỷ vật... Với mỗi tác giả, cần ít nhất 3 lần liên hệ trực tiếp. Kiên nhẫn làm việc trong 10 năm, nhân viên và cán bộ Bảo tàng phải đi lại, đóng gói, chuyên chở hiện vật của hơn 1.000 tác giả sống ở các địa phương khác nhau trên cả nước. Nhận thấy ý nghĩa của việc thành lập Bảo tàng và tâm huyết của những người thực hiện, người thân của các nhà văn quá cố như Nguyễn Tuân, Nguyễn Huy Tưởng, Tố Hữu... đều rất nhiệt tình hợp tác, tuy nhiên có những lúc nhân viên gặp phải tình huống “dở khóc dở cười” khi gia đình nhà văn đòi hỏi Bảo tàng phải trả giá tiền rất cao cho một hiện vật. Sau 10 năm, đúng thời điểm khánh thành Bảo tàng thì các nhân viên cũng thu thập được hơn 40.000 hiện vật, tài liệu và di cảo của các nhà văn qua 10 thế kỉ. Trong đó có 3.454 tài liệu, hiện vật được lựa chọn đưa ra trưng bày giới thiệu cho công chúng.
Sáng ngày 26-6-2015, Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức Lễ khánh thành Bảo tàng Văn học Việt Nam và chính thức mở cửa đón khách tham quan. Ra đời muộn hơn so với nhiều bảo tàng khác, Bảo tàng Văn học Việt Nam tiếp thu kinh nghiệm và ứng dụng hiệu quả những phương tiện kĩ thuật hiện đại vào công tác quản lí, trưng bày. Khách đến thăm có thể hình dung được tiến trình phát triển của văn học Việt Nam ngay từ những bước chân đầu tiên. Chẳng hạn ở tầng một của Bảo tàng là gian khánh tiết rộng, ở giữa đặt biểu tượng hòn đá thiêng hình ngọn bút được rước từ Đền Hùng và dòng thư pháp bay bổng "Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài" của đại thi hào Nguyễn Du. Đây cũng là nơi trưng bày 10 thế kỷ văn học nước nhà (từ thế kỷ 10 đến cuối thế kỷ 19); và lịch sử chữ viết của dân tộc Việt Nam trên các chất liệu giấy dó, vải, kim loại, lá cây. Trang trọng nhất là gian trưng bày riêng dành cho văn học thời nhà Trần, Lê, Nguyễn..., nhiều hiện vật quý như chiếc bàn gỗ cách đây hơn 200 năm Nguyễn Du từng ngồi viết trong thời gian 10 năm sinh sống ở quê vợ Thái Bình; bức tượng Vua Trần Nhân Tông từ chùa Tiêu Sái (nay là chùa Báo Ân), tại Gia Lâm vào thế kỷ 13, khi ông vừa xuống tóc bắt đầu hành trình lên Yên Tử; bộ bàn ghế gỗ gụ Bác Hồ từng tiếp vua Bảo Đại năm 1946; viên gạch đá ong lấy từ Thành Đồ Bàn, nơi chứng kiến cuộc hôn nhân "ngoại giao" nổi tiếng trong lịch sử giữa Huyền Trân công chúa với Chế Bồng Nga; những tấm ván khắc gỗ của dòng họ Phan Huy; bộ sưu tập sách viết trên lá cây của các dân tộc Thái ở miền tây Nghệ An, Chăm ở Bình Thuận, Khmer ở Trà Vinh,... tượng và không gian sáng tác của các tác gia như vua Trần Nhân Tông, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du… cùng nhiều đầu sách văn học cổ, trong đó Truyện Kiều của Nguyễn Du còn được trưng bày kèm một số bản dịch tiếng nước ngoài.
Không gian trưng bày về Đại thi hào Nguyễn Du.
Những không gian tượng minh họa cảnh trường thi, lều chõng, sĩ tử, cảnh vinh quy bái tổ thời phong kiến hết sức sống động, cho người xem cảm nhận được không khí đèn sách, khoa cử náo nhiệt của cha ông một thời.
Tầng hai trưng bày về một số nhân vật tiêu biểu của văn học Việt Nam đầu thế kỷ 20 như Phan Bội Châu, Tản Đà, Hồ Chí Minh; các nhà văn theo các khuynh hướng hiện thực phê phán, cách mạng và lãng mạn. Phần chính của tầng hai là các tác giả được Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học-nghệ thuật.Ngoài ra còn có mô hình tổ hợp xóm Chòi, nơi là Trụ sở Hội Văn nghệ Việt Nam trong kháng chiến chống thực dân Pháp từ năm 1949-1954 gợi những ký ức sống động về một thời văn nghệ kháng chiến.
Góc trưng bày về Nhà thơ - Chủ tịch Hồ Chí Minh
với tác phẩm tiêu biểu “Ngục trung nhật ký”
Tầng ba là không gian trưng bày về các nhà văn được Giải thưởng Nhà nước về văn học - nghệ thuật; văn học khu V, Nam Trung Bộ, các nhà văn sáng tác ở miền Bắc, miền Nam; gian trưng bày tổ hợp Trường Sơn và các kỳ Đại hội của Hội Nhà văn Việt Nam. Trong khuôn viên Bảo tàng còn có hai phòng trưng bày quan hệ giao lưu quốc tế và khám phá nông thôn Việt Nam.
Góc trưng bày về nhà thơ Phạm Tiến Duật và rừng nhiệt đới ở Trường Sơn
Những chặng đường phía trước
Sau khi khánh thành và đưa vào hoạt động, Bảo tàng Văn học Việt Nam đã dần trở thành một điểm hẹn văn hóa độc đáo của công chúng yêu văn học, khách đến tham quan rất đa dạng, từ các em nhỏ đang học phổ thông đến những người cao tuổi. Dù diện tích Bảo tàng không lớn nhưng biết áp dụng các giải pháp trưng bày hiện đại nên đã tận dụng tối ưu diện tích tạo cho Bảo tàng có một không gian trưng bày hấp dẫn, khái quát được lịch sử phát triển của nền văn học Việt Nam. Đến nay nhiều chuyên gia bảo tàng, khách tham quan trong nước và quốc tế đánh giá đây là một bảo tàng hấp dẫn cả về nội dung cũng như hình thức trưng bày. Hiện nay số hiện vật Bảo tàng đưa ra trưng bày khoảng 1/10 hiện vật sưu tầm được. Số còn lại được lưu giữ, sắp xếp, bảo quản trong kho cơ sở của Bảo tàng. Bảo tàng đang trong quá trình xây dựng “kho mở”.
Những năm gần đây, để tăng cường công tác giới thiệu về Bảo tàng, giới thiệu các tài liệu, hình ảnh, hiện vật của các nhà văn, nhân Ngày thơ Việt Nam tổ chức vào rằm tháng Giêng tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Bảo tàng Văn học Việt Nam đều chọn chủ đề phù hợp để tổ chức các cuộc triển lãm. Đây là hình thức để công chúng có cơ hội tham quan, tìm hiểu về hiện vật có trong Bảo tàng.
Để kết nối sâu rộng hơn, Hội Nhà văn Việt Nam đã ký kết với Bộ Giáo dục - đào tạo văn bản hợp tác, trong đó có việc đưa sinh viên, học sinh của các trường học đến Bảo tàng tham quan, gặp gỡ, nghe các nhà văn trò chuyện cũng như đưa triển lãm từng tác giả đến tận trường học. Khi cô và trò trường THCS Nguyễn Tri Phương (Hà Nội) đến thăm bảo tàng, các em học sinh đã say sưa tìm hiểu những trang viết bên ngoài chương trình học trên lớp, có em nhìn không gian tái hiện cảnh mẹ con chị Dậu quần áo rách rưới ngồi cạnh gánh khoai lang đã không kìm được nước mắt. Sinh viên các trường đại học thường tổ chức đi theo nhóm hoặc cá nhân khi cần tìm hiểu về thân thế, sự nghiệp của các nhà văn qua hiện vật sinh động được trưng bày tại Bảo tàng.
Mặc dù đã mở cửa đón khách được hai năm nhưng Bảo tàng Văn học vẫn đang phải giải quyết những khó khăn trước mắt để có được sự phát triển ổn định lâu dài. Ông Nguyễn Thanh Minh - Phó giám đốc Bảo tàng chia sẻ: “Hiện nay Bảo tàng vẫn chưa ổn định về mặt tổ chức. Biên chế chính thức của Bảo tàng có 3 đồng chí nằm trong biên chế của Hội Nhà văn. Nguồn kinh phí hoạt động thường xuyên của Bảo tàng chưa có, kinh phí hiện nay vẫn là kinh phí xin cho công tác sưu tầm nên Bảo tàng vẫn chưa xây dựng được bộ máy chính thức. Cho nên trước mắt là phải ổn định về bộ máy tổ chức của Bảo tàng, có bộ máy tổ chức mới có kinh phí hoạt động thường xuyên. Còn trong tương lai sẽ xúc tiến hoạt động tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về Bảo tàng để thu hút khách tham quan như: tổ chức giới thiệu bảo tàng đến các trường học, viện nghiên cứu, các công ty lữ hành du lịch…; tổ chức các cuộc triển lãm chuyên đề tại Bảo tàng và tổ chức triển lãm chuyên đề lưu động; tổ chức các buổi giao lưu giữa các nhà văn, nhà thơ với khách tham quan tại Bảo tàng...”
Đã hơn 20 năm tính từ khi khởi xướng ý tưởng xây dựng một không gian lưu giữ những giá trị văn hóa tinh thần của nhiều thế hệ nhà văn Việt Nam, với những nỗ lực không ngừng, chắc chắn Bảo tàng Văn học sẽ trở thành một điểm gặp gỡ của tình yêu văn học, lòng ngưỡng mộ và tự hào về văn hóa dân tộc Việt.
Phong Nhi
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...