Chủ nhật, ngày 22 tháng 12 năm 2024
13:14 (GMT +7)

Bão lụt đã qua và những điều đọng lại

Đợt bão lũ lịch sử năm 2024 đã đi qua, nhưng hậu quả của nó thì những người dân vùng lũ lụt ở Thái Nguyên và các tỉnh phía Bắc chưa thể nào nguôi ngoai. Có nơi vẫn đang vất vả bới tìm từng người mất tích như ở Làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai); như ở cầu Phong Châu (tỉnh Phú Thọ). Nơi vẫn oằn mình khắc phục hậu quả do sạt lở đất như ở Bảo Lạc (tỉnh Cao Bằng). Nhiều doanh nghiệp, nhiều gia đình đang lao vào thu dọn, khắc phục những thiệt hại do bão lũ gây ra. Lòng người vẫn ngổn ngang với những cảm xúc buồn đau và cả xúc động bởi những chia sẻ nghĩa tình.

Nước dâng cao gây ngập một doanh nghiệp nằm bên bờ sông Cầu, ngay đầu cầu Cao Ngạn. Ảnh: V.T
Nước dâng cao gây ngập một doanh nghiệp nằm bên bờ sông Cầu, ngay đầu cầu Cao Ngạn. Ảnh: V.T

Ở bài viết này, tôi không muốn nêu lại những điều mất mát, bởi cảm thấy mái nhà nào không ít thì nhiều cũng bị tác động của bão lũ gây ra. Điều tôi muốn được bộc bạch ở đây là những ngẫm ngợi, những suy tư mà qua một đợt tác động của thiên nhiên mới thấy cái gạch nối giữa CON NGƯỜI và THIÊN NHIÊN, CON NGƯỜI và CON NGƯỜI nó khăng khít, gắn bó, nó cần cho sự tồn tại, bình yên trong cuộc sống của chúng ta tới mức nào.

Cái gạch nối ấy là những điều không mới. Ai cũng có thể biết điều này. Các nhà khoa học đã nói nhiều rồi. Chỉ khi bão về, cây đổ, nhà tốc mái, mưa như trút nước xuống và lũ lụt tràn về ta mới chợt suy ngẫm về nó.  Hậu quả thì quá rõ, nó tác động đến cuộc sống chúng ta vô cùng lớn. Một trận bão lũ nếu tính từ từng gia đình đến các doanh nghiệp, nhà nước, con số thiệt hại chắc làm nhiều người sửng sốt, giật mình. Có thể hàng chục năm lao động, dựng xây cật lực, một trận bão lũ thành quả ấy chôn vùi trong dòng nước. Các nhà khoa học còn dự báo những bất thường về thời tiết vẫn tiếp tục xảy ra và Việt Nam ta cũng nằm trong vùng trọng điểm này. Nói đến những điều trên là để qua trận bão lụt vừa qua, phải tìm ra bài học gì cho những năm tháng dài kế tiếp. Chúng ta vẫn phải luôn sẵn sàng đối phó với những tình huống thiên nhiên phức tạp hơn sẽ còn xảy ra.

Nói về cái gạch nối giữa con người và thiên nhiên là nói về việc bảo vệ thiên nhiên và phòng chống thiên tai. Là nói đến việc bảo vệ rừng, là qui hoach khai thác tài nguyên và xây dựng hồ đập trên sông suối. Là khí thải ra môi trường, là những gì thuộc về tự nhiên mà con người khó lòng thay thế. Việc này tôi không dám bàn ở đây vì nó thuộc phạm vi những cấp quản lý, các doanh nghiệp và cả ý thức người dân. Nó mang tầm quốc gia, thậm chí toàn cầu. Tôi chỉ suy ngẫm ở khía cạnh mỗi cá thể có thể làm gì để thích nghi với cái gạch nối này. Để ta giảm thiểu rủi ro cho chính bản thân gia đình mình, cho sự yên vui chung toàn xã hội.

Xin bắt đầu từ những điều gần cận nhất. Nó vẫn thường xuyên va chạm với chúng ta để chứng minh điều này.

Hàng ngày chúng ta vẫn nghe trên bản tin thời tiết của báo đài, ti vi về nắng, gió, mây, mưa và nhiệt độ. Đấy là thông tin. Người bình thường nghe để biết thế và ít quan tâm. Chỉ có người có việc gì quan trọng mới lắng nghe điều này. Người có việc cưới hỏi. Người ra biển đánh cá. Người có chuyến đi xa. Người xây dựng công trình. Người sản xuất gieo trồng... Tất cả đều quan tâm thời tiết. Đây là mối gắn bó tự nhiên để kịp thời ứng phó hoặc bố trí phù hợp thời tiết trong công việc của mình. Và đây cũng chính là một khía cạnh trong cái gạch nối thiên nhiên và con người đấy thôi. “Trông trời, trông đất, trông mây…”, từ ngàn xưa vẫn thế rồi. Ông bà chúng ta ngày xưa ít thông tin, nhưng cứ thấy kiến rồng rắn tha trứng lên cao biết có mưa to hay lũ lụt. Nào củi đuốc, gạo nước, thức ăn, chằng níu nhà cửa đã chuẩn bị rồi.

Ngày nay thông tin nhiều lắm. Trên báo đài, ti vi, thậm chí trong điện thoại ngay túi áo mọi người đều có. Cơn bão số 3 Yagi vừa qua ai cũng biết cấp độ gió, lượng mưa, hướng đi, bao giờ vào Việt Nam, các tỉnh thành nào sẽ bị ảnh hưởng. Khi bão vào, may mắn cho Thái Nguyên lượng gió không mạnh nhưng mưa thì to và ròng rã mấy ngày liền. Gặp ai tôi cũng được nghe nhận định: Đợt này chắc chắn lụt to rồi. Vậy mà sau bão hậu quả vẫn nặng nề với nhiều gia đình đến thế. Bảo nước lên nhanh quá không chạy kịp. Tôi không tin vì có phải lũ đâu. Chỉ có lũ bất thình lình như làng Nủ (Lào Cai) hay sạt lở đất ở Cao Bằng, Yên Bái thì mới là điều khó tránh. Đằng này nước lụt lên từ từ, mấy tiếng đồng hồ mới nhích lên vài chục cm. Bảo không chạy kịp, phần lớn do sự chủ quan của mình thôi.

Nhà tôi cách sông Cầu vài trăm mét, cũng trong vùng lụt, nước ngập vào nhà hơn một mét. Nước ra chỉ vất vả dọn dẹp còn chẳng thiệt hại gì đáng kể. Năm 2001 cũng lụt to, nhà tôi khi đó có cửa hàng tạp hóa, hàng lỉnh kỉnh rất nhiều nhưng cũng may mắn không bị thiệt hại. Xin lấy chính gia đình ra không phải tôi khoe điều gì, cốt là để thấy sự cảnh giác phòng tránh để bảo vệ tài sản của mình. Do sợ mất chính thành quả mình lăn lộn, gom góp tháng ngày nên phải sớm khuân vác, kê kích hết khả năng cho phép để đỡ thất thiệt thôi. Năm nay, nghe thông tin về bão qua ti vi, dự đoán có lụt gia đình tôi đã trong tâm thế sẵn sàng đối phó. Dù nước chưa lên, nhưng phải dự tính nếu thấy dấu hiệu nước lên, cái gì nặng không kê kích tại chỗ được phải đưa đi gửi. Cái gì nhẹ đưa lên tầng trên. Cái kê kích tại nhà phải tính cao hơn mức nước vào nhà năm 2001 (vì năm 2001 đã là lụt to sau mấy chục năm), càng cao bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu.

Một trẻ sơ sinh được các lực lượng cứu hộ chuyển ra ngoài. Ảnh cắt từ Clip do Công an tỉnh cung cấp
Một trẻ sơ sinh được các lực lượng cứu hộ chuyển ra ngoài. Ảnh cắt từ Clip do Công an tỉnh cung cấp

    Khoảng mười chín giờ ngày mùng 8 tháng 9, khi phát hiện dòng nước đỏ ngầu chảy dọc con đường Bến Oánh, tôi biết nước sông Cầu đã tràn vào chứ không phải dòng nước úng như mọi lần mưa to. Thăm dò thông tin trên Bắc Kạn qua người nhà, biết Bắc Kạn mức nước dâng lên rất cao, lại còn phong thanh đôi con đập trên đó phải xả lũ. Mấy chục năm sống ở vùng lụt này tôi biết, Thái Nguyên có mưa to cả tuần cũng chỉ gây úng cục bộ thôi. Nếu Bắc Kạn cũng mưa nhiều và nước trên đó lên cao đột biến thì dứt khoát Thái Nguyên sẽ bị lụt vì nước dồn. Vậy là tôi di chuyển xe ô tô, xe máy đi gửi.  Cả nhà lao vào khuân vác đồ đạc lên tầng trên ngay trong đêm. Năm giờ sáng ngày mùng 9 nước mới lên được ba chục phân, nhưng từ sáng đó nước lên nhanh hơn rất nhiều. Như vậy phải từ 10 tiếng trở lên nước mới dồn từ thượng nguồn về đến Thái Nguyên. Nếu chịu khó nghe thông tin cảnh báo, theo dõi sát nước sông Cầu và thông tin trên thượng nguồn, ta đã có thể biết lụt sẽ đến để đối phó.

Vẫn phải quay lại câu hỏi vì sao biết có lụt mà vẫn nhiều nhà thiệt hại thế. Sau lụt thì có câu trả lời. Tôi lên phường Quang Vinh rồi thăm dò một số bạn bè nữa cùng phường Túc Duyên, tất cả đều bảo không ngờ nước lại lên mức ấy. Có anh bạn có ô tô đã chạy lên để ở đoạn đường tự cho là cao rồi, bạn bè gọi điện bảo di chuyển tiếp đi. Anh cười: Đây mà còn ngập thì cả thành phố này ngập tủm. Rồi khi nước lên dần, giật mình muốn di chuyển, nước đã vây quanh các ngả không còn đường đi được nữa. Xe ngập, sau lụt chả móc hầu bao nhà mình ra khắc phục thì lấy ở đâu. Đứa cháu tôi kinh doanh gạo. Sau lụt bảo cháu bị ngập mất hơn tấn thóc, chạy khắp ngả đi sấy gỡ gạc phần nào. Chỉ một chuyến xe chuyển đi trước lụt nhẹ nhàng hơn nhiều lại không thất thiệt tiền của.

Tình trạng xe ô tô, xe máy, của cải bị ngâm trong nước phần lớn chỉ do chủ quan thôi. Khi giật mình muốn chạy thì không còn đường di chuyển nữa rồi. Ngày xưa toàn nhà cấp bốn, nhà tranh vách đất cha ông ta đối phó với lụt khó hơn nhiều. Chỉ làm được cái gác nhỏ trên xà nhà để vài bao thóc và người nằm trên đó. Ngày nay, phần lớn đã có nhà tầng, chạy tài sản, ăn ngủ, nấu nướng bếp ga lên tầng trên đỡ vất vả và an toàn hơn rất nhiều. Để xảy ra rủi ro khi còn có thể phòng tránh, phải chăng ta đang coi nhẹ cái gạch nối con người và thiên nhiên. Ta chủ quan nên không xoay sở kịp với các tình huống bất thường.

Giờ là chuyện về cái gạch nối giữa CON NGƯỜI và CON NGƯỜI. Bão lụt qua rồi mà ngồi nhớ lại những điều ấy lòng vẫn rưng rưng, nước mắt nhiều lúc chỉ chực tràn ra. Những chia sẻ trên mạng ngắn gọn mà bỗng thấy tình con người sao bao la, sâu nặng quá. “Đoàn X chúng tôi gồm năm xe thực phẩm và nhu yếu phẩm đang trên đường đến Thái Nguyên, xin được chia sẻ nơi nào đang ngập lụt nặng để chúng tôi đến với bà con kịp thời”; “Chúng tôi có 8 thuyền cứu hộ loại lớn, đội ngũ lái thành thạo, có kinh nghiệm cứu hộ. Xin các nhà xe hợp tác để đến được Thái Nguyên”. Rồi ít phút sau đã thấy có tin “Đoàn xe trọng tải lớn ở tỉnh Y đã kết nối được với đội thuyền tình nguyện chở ngay trong đêm”. Rồi “Đội thuyền của chùa Hương cùng các tay chèo giỏi đã tới phường Quang Vinh”. Rồi các nhà từ thiện ở ngay tại Thái Nguyên hàng ngày nấu hàng nghìn suất cơm cho vùng lụt. Nhiều. Nhiều lắm những thông tin cứ đầy ắp tình nhân ái như thế. Nhiều. Nhiều lắm các đoàn thể, cá nhân từ các tỉnh miền Bắc, miền Nam, miền Trung đi xuyên ngày đêm để đến với Thái Nguyên và các tỉnh phía Bắc. Nhiều. Nhiều lắm những hình ảnh mà chỉ có tình con người mới lý giải được vì sao nó bỗng chốc lấp lánh sáng lên như thế. Tôi là người trong vùng lụt, tuy vẫn tự lo được cho mình nhưng đọc được những tin ấy, lòng cứ trào dâng một cảm xúc được yêu thương, được chở che. Tôi biết những giây phút ấy, trong mỗi con người lòng sẽ dâng lên điều hướng thiện, chỉ muốn làm được một điều gì đó cho mọi người.

Cũng là trong vùng lụt, tôi không có điều kiện chứng kiến ở những nơi khác như phường Quang Vinh, Đồng Bẩm, Linh Sơn, Huống Thượng, Gia Sàng, Cam Giá nhưng ngay Túc Duyên cũng đủ thấy những hình ảnh nghĩa tình. Túc Duyên có ba điểm tiếp xúc với vùng cứu trợ đó là cổng Đài Truyền hình trên đường Bến Oánh. Đường Phan Đình Phùng và đường Động lực. Những chuyến xe đỗ sát mép nước. Những thùng, những túi, những suất cơm, bánh trái, sữa, nước liên tục được xếp lên thuyền, lên mảng để đưa đi. Những chiến sỹ bộ đội, công an mặc áo phao, ướt sũng trong mưa, trong nước lụt, lội về các ngả cứu trợ. Rồi các tổ chức thanh niên, phụ nữ cũng quần quật mấy ngày như thế. Nhìn những gương mặt có chút mệt mỏi vì đi lại nhiều mà thương, mà cảm phục tinh thần vì đồng bào của các chị các anh. Tôi còn biết có những gia đình nhà sát bờ sông, nước xiết vây quanh. Khi xuồng cứu trợ của công an phường đến hỏi có cần giúp đỡ gì không. Gia đình bảo đã chuẩn bị đủ rồi, chỉ xin mấy chai nước lọc thôi. Vậy là mình còn lo được thì nhường gia đình khác. Cái tinh thần tương thân, tương ái ngay trong vùng lụt với nhau cũng ngời sáng điều này.

Chuyển đồ cứu trợ xuống trụ sở Công an tỉnh để chia suất gửi vào tiếp tế cho những người bị ngập lụt, ngày 10/9. Ảnh: A.T
Chuyển đồ cứu trợ xuống trụ sở Công an tỉnh để chia suất gửi vào tiếp tế cho những người bị ngập lụt, ngày 10/9. Ảnh: A.T

Có một câu chuyện mà bất ngờ tôi nghe được từ con gái cũng trong đợt bão lụt này mà không thể không kể lại ở đây. Đó là em sinh viên Mã Thị Xuân, Trường Cao đẳng Công nghệ kinh tế kỹ thuật công nghiệp ở Sông Công. Trong vụ sạt lở đất ở Bảo Lạc (Cao Bằng), cả bố mẹ em đều bị vùi lấp trong chiếc xe 16 chỗ. Ngày 11 tháng 9 em nhận được tin, nhưng không có xe về Cao Bằng ngay. Con gái tôi đăng trên mạng nhờ có đoàn hoặc xe nào lên Cao Bằng cho em về cùng kịp nhìn thấy bố mẹ lần cuối. Tin đăng lúc 20 giờ 30 thì 21 giờ đã có nhiều nhà hảo tâm tìm đến giúp đỡ. Đến 22h anh Bạch Trung Kiên từ Phú Lương xuống đưa em về Bảo Lạc ngay trong đêm. Trong vòng một tiếng đồng hồ các khoa trong trường với lòng hảo tâm của mọi người cũng kịp quên góp cho em 11.750.000đ. Chuyến xe vượt qua quãng đường tới nhà em ở thôn Nà Đuổn, xã Hồng Trị, Bảo Lạc, Cao Bằng là hơn 400km, trong đó có 10km phải gửi xe đi bộ vào. Anh Kiên đã phải lặn lội hai ngày hai đêm trong việc giúp đỡ hoàn cảnh của em hoàn toàn miễn phí, trong khi anh là người lái xe nhà chưa dư dả gì. Một tấm lòng trong bão lũ vừa qua.

Cái gạch nối tình người còn nhiều lắm. Giờ bão lũ đã tan mà những việc làm tình nghĩa vẫn được nối dài. Dù có mất mát trong lũ lụt thì lòng người dân Thái Nguyên vẫn được ấm lên, vẫn đọng lại bao điều sâu nặng của tình con người trên chính quê hương và cả muôn miền Tổ quốc thân yêu. Đó sẽ là cái nắm tay nhau để cùng nhau hướng về điều tươi sáng.

Ký. Phạm Quý

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy