Thứ bảy, ngày 19 tháng 10 năm 2024
15:29 (GMT +7)

Bác Hồ nổi tiếng trên thế giới trước khi nhân dân Việt Nam biết đến

Năm 1990 UNESCO trân trọng vinh danh Hồ Chí Minh là: “Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất”. Trên thế giới, chưa có một danh nhân nào lại được 88 quốc gia ra “Nghị quyết kỷ niệm” như Bác Hồ.


Đến thời gian này thì hơn 90 triệu người Việt Nam, từ già trẻ, gái trai, ở trong nước hay đang sinh sống ở khắp năm châu ai cũng đã biết Bác Hồ.

“Hơn 60 năm qua, từ buổi thiếu niên cho đến phút cuối cùng, Hồ Chủ tịch đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta và nhân dân thế giới. Người đã trải qua một cuộc đời oanh liệt, đầy gian khổ hy sinh, vô cùng cao thượng và phong phú, vô cùng trong sáng và đẹp đẽ.

Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch người anh hùng dân tộc vĩ đại, và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta.”(Điếu văn BCHTW đọc tại lễ Truy điệu Bác Hồ ngày 9 tháng 9 năm 1969).

Cho đến nay Việt Nam có sáu Danh nhân văn hóa được thế giới vinh danh: Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Chu Văn An, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Đình Chiểu và Hồ Chí Minh. Nhưng, trước khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời năm 1945, ở nước ta không nhiều người biết đến Hồ Chí Minh!

Từ trái qua phải, các lãnh tụ của Đảng: Trường Chinh, Hồ Chí Minh, Lê Đức Thọ, Võ Nguyên Giáp tại ATK Việt Bắc. Ảnh tư liệu lịch sử.

Năm 1911, anh thanh niên Nguyễn Tất Thành, lúc này mới 21 tuổi, con trai một vị Phó bảng (hạng cuối trong khoa bảng triều Nguyễn), mồ côi mẹ, nhà nghèo. Anh chỉ là giáo viên dạy tiểu học, anh có tham gia biểu tình chống Pháp như nhiều thanh niên yêu nước, không tiếng tăm, danh vọng, ít ai biết đến anh trong đêm tối của một đất nước nô lệ, với sự theo dõi và kiểm soát gắt gao của bộ máy mật thám, cảnh sát của chính quyền thực dân Pháp và triều đình nhà Nguyễn tay sai.

Với cái tên là Ba, anh đã đặt chân lên nước Pháp xa xôi, lạ lẫm. Để kiếm sống và bắt đầu cuộc đời hoạt động cách mạng, anh đã phải làm đủ mọi nghề: phụ bếp, thợ rửa ảnh, cào tuyết, làm vườn… Trong quá trình hoạt động cách mạng anh đã tiếp xúc, học hỏi các vị đàn anh, như anh kể: “Những ngày đầu đến Paris nếu không được sự giúp đỡ, cưu mang của cụ Phan Chu Trinh, Phan Văn Trường, cụ Khánh Ký thì tôi còn lao đao khốn khổ nữa” (1). Cũng ở Paris thủ đô của nước Pháp và cũng là của thế giới, ông Vũ Đình Huỳnh, thư ký riêng của Bác, cùng tháp tùng Bác sang thăm nước Pháp năm 1946 kể lại: “Bác có một tình bạn vong niên rất thân thiết với hai văn hào Romain Roland, Henri Barbusse chứ đâu chỉ bạn thân với văn hào Paul Vailland Couturier, một thành viên sáng lập Đảng Cộng sản Pháp” (2). Anh cũng là bạn thân của họa sĩ lừng danh thế giới Picasso “Bác là bạn chí thiết của Macxen Casanh, của Pon Vayăng Cutyarie và Maria Leoni, Bác đã kết bạn với “vua hề” Saclo, thân giao với nhà báo nổi tiếng Rappopo, với nữ văn hào Colettơ, với Đại vương Naharagiagiơ Cacputala của Anbani lưu vong, với bá tước Phelich Karolit của Hungary, với bác sĩ Batong của Columbia…” (3), nghĩa là toàn những người nổi tiếng thế giới. Thế giới đã biết đến Nguyễn Ái Quốc qua những tác phẩm, những nhân vật Bác viết bằng tiếng Pháp ở báo Người cùng khổ (Le Paria), Bản án chế độ thực dân Pháp (Le Procès de la Colonisation Française - 1925).

Từ đó Nguyễn Ái Quốc đã đến sống và làm việc ở nhiều nước châu Phi, châu Mỹ, rồi trở lại Anh trong quân phục người lính tham gia chiến tranh thế giới I. Năm 1918 Người trở lại Pháp và tháng 6 năm 1919 thực sự nổi tiếng khi xuất hiện cái tên Nguyễn Ái Quốc với bản Yêu sách của nhân dân An Nam tại Hội nghị các cường quốc họp phân chia thế giới sau Đại chiến Thế giới I ở Versailles. Trước khi sang Liên Xô tìm gặp Lê - nin và Quốc tế Cộng sản, Người đã tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp (1923). Sau đó là những năm tháng hoạt động ở Trung Quốc, Thái Lan, Xin - ga - po... rồi trở lại Trung Quốc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào năm 1930, sau đó bị mật thám Anh bắt ở Hồng Kông. Những người cộng sản thế giới đã lên tiếng phản đối và luật sư Loseby (người Anh) đã cứu Người thoát tù tội.

Tiếng tăm Nguyễn Ái Quốc - Tống Văn Sơ làm náo động thế giới, nhưng mấy ai là người Việt Nam biết Tống Văn Sơ là ai, trừ một số rất ít các đồng chí hoạt động bí mật ở nước ngoài trong Quốc tế Cộng sản. Cuộc đời bí mật và sự nghiệp huyền thoại của Người ẩn hiện với 172 cái tên (vừa bút danh, bí danh, pháp danh…). Người đã sống và hoạt động cách mạng ở 29 quốc gia khắp năm châu và để lại Tổng tập Hồ Chí Minh đồ sộ: 15 tập sách khổ lớn, dày hàng nghìn trang.

Cho đến năm 1941, ông Nguyễn sau “Ba mươi năm ấy chân không mỏi” mới về được Tổ quốc. Và mãi tận lúc này mới có một ít trong số những người đồng chí cùng hoạt động với Người mới gặp Nguyễn Ái Quốc. Bấy giờ mọi người gọi Bác là Ông Ké, Già Thu, Ông Cụ

Rồi những năm tháng gian lao, đói rét và hiểm nguy ở hang Pác Bó, Bác cùng Trung ương Đảng chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền. Ngày 19/5/1941, Nguyễn Ái Quốc thành lập Mặt trận Việt Nam Độc lập Đồng Minh (Việt Minh) ở Tân Trào. Cuộc quốc dân đại hội lịch sử này có “Hơn 60 đại biểu hầu như đều hướng mắt về Ông Cụ vừa chăm chú vừa trìu mến. Nhưng không dám hỏi vì giữ bí mật là một quy chế nghiêm ngặt của Khu Giải phóng. Lúc vào hội trường, Ông Cụ ngồi ở hàng ghế thứ hai. Các đại biểu giới trí thức, nhân sĩ ngồi trên hàng ghế đầu. Tôi thấy ông Hoàng Đạo Thúy, ông Hoàng Văn Đức… thỉnh thoảng ngoảnh lại hàng ghế phía sau nhìn Ông Cụ, nghĩ thầm: có phải ông Nguyễn Ái Quốc đó không?” (4). Như vậy là đến tận thời gian này, ngay các đại biểu vẫn chưa biết Nguyễn Ái Quốc là ai, nói chi nhân dân cả nước ta.

Ngày 13/8/1942: “Trong những người cách mạng Việt Nam, ông Nguyễn là người hiểu biết Trung Quốc và người Trung Quốc hơn hết. Vì vậy mọi người đồng thanh cử ông Nguyễn đi Trung Quốc…”. “Để đánh lạc hướng bọn mật thám, ông Nguyễn lấy tên là Hồ Chí Minh. Và từ đó người ta gọi ông Nguyễn là Cụ Hồ” (5).

Bị Quốc dân Đảng bắt giam hơn nửa năm trời, chúng tra tấn, giam cầm Bác qua 13 nhà lao mới có người biết. Những ngày bị tù ngục ấy đã để lại cho đời, một tuyệt tác văn chương là 133 bài thơ bằng chữ Hán Nhật ký trong tù, tác giả là Hồ Chí Minh. Từ đây cái tên Hồ Chí Minh mới xuất hiện trong đời sống xã hội Việt Nam và càng về sau càng phổ biến, gắn bó máu thịt với mỗi người dân Việt Nam.

Lại nữa, mãi đến tận những ngày Cách mạng Tháng Tám nổ ra, Trung ương chuẩn bị đón Bác Hồ từ chiến khu về Hà Nội khởi nghĩa và tuyên bố độc lập, đã nhờ gia đình ông Trịnh Văn Bô, một nhà tư sản giàu có giúp đỡ. Mọi việc tiền bạc chi tiêu, ăn uống, tiếp khách quốc tế, áo quần cho Bác và các vị trong Chính phủ ngày ra mắt quốc dân đều một tay bà Hoàng Thị Minh Hồ (vợ ông Trịnh Văn Bô) cung cấp đầy đủ. Hàng ngày bà lo cơm nước cho “Ông Cụ” hết sức chu đáo. (Sau ngày 2/9 trong Tuần lễ vàng, ông bà đã hiến tặng 117 lạng vàng và nhiều tiền bạc ủng hộ cách mạng). Gia đình ông bà dành cả ngôi nhà 48 Hàng Ngang cho Bác ở, tiếp khách và viết Bản Tuyên ngôn độc lập lịch sử. Hàng ngày bà lo cơm nước cho “Bác” nhưng “Tôi càng băn khoăn khó hiểu: “Bác” là ai mà được sắp xếp nơi làm việc, nghỉ ngơi một cách kính trọng, yêu thương như tình cha con trong một gia đình lễ giáo vậy!... Ông Nguyễn Ái Quốc là ai?” (6). Nghĩa là đến người gần gũi, tận tình, chăm sóc “Ông Cụ” như vậy mà lúc này vẫn chưa biết đến Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. Mãi đến sáng 2/9 bà mới hết thắc mắc khi nhìn thấy “Ông Cụ'' trên lễ đài, đọc Tuyên ngôn độc lập trong tiếng reo hò dậy đất: “Hồ Chí Minh muôn năm!”… Hóa ra người ấy là Hồ Chí Minh.

Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại đỉnh Đèo De (xã Phú Đình, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên).

Bác Hồ hoạt động cách mạng cả ở trong và ngoài nước đều phải bí mật bởi bị mật thám Pháp và mật thám quốc tế theo dõi ngặt nghèo. Nhân dân Việt Nam ít được biết về Người là vì vậy. Thông tin, sách báo viết về Người không có, hoặc có một ít tin thì không phải là tin thật. Ví dụ khi Bác được luật sư Loseby cứu thoát ở tòa án Hồng Kông, Người trốn sang Singapore để đánh lạc hướng mật thám Anh, Pháp rồi lại trở lại Trung Quốc. Nhiều tờ báo dẫn theo báo Humanite của Đảng Cộng sản Pháp rằng Nguyễn Ái Quốc đã chết. Đó là tin giả, để xóa dấu vết của Nguyễn Ái Quốc. Nhưng ngay cả những người đồng chí của Bác Hồ đang hoạt động trong nước và là lãnh đạo cao cấp của Đảng như Trần Phú, Hà Huy Tập cũng tin là Nguyễn Ái Quốc đã qua đời.

Viết về cuộc đời và sự nghiệp Hồ Chí Minh mà đông đảo nhân dân Việt Nam được biết có lẽ là cuốn sách Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch của Trần Dân Tiên. Sách được xuất bản ở Trung Quốc (1948), rồi ở Pháp (chúng ta đang trong cuộc kháng chiến gian khổ chống quân xâm lược Pháp nên không có điều kiện in ấn, phải in nhờ trên đất bạn). Năm 1951 tác phẩm mới in được ở Việt Nam. Là một tác phẩm quan trọng và rất có giá trị cho mọi người quan tâm đến Hồ Chí Minh. Tác giả Trần Dân Tiên kể lại cuộc đời và sự nghiệp của Hồ Chí Minh nhưng còn nhiều thiếu sót vì điều kiện và nguồn tư liệu về Bác lúc đó còn ít. Hai năm sau (1950), trên đường ra mặt trận Biên giới Bác Hồ đã bổ sung, sửa chữa những thiếu sót ấy trong tác phẩm Vừa đi đường vừa kể chuyện với bút danh T.Lan (7).

Ấy vậy mà trước năm 1924 (Bác rời nước Pháp) thế giới đã biết khá kỹ về Bác. Một trong những người đầu tiên nhận xét, đánh giá và đề cao Bác là danh họa nổi tiếng Picasso “Ngày ấy (năm 1946 ông gặp lại Bác Hồ ở Paris) tôi nói với anh Henri Barbusse (khi cả hai người đang xem tranh vẽ của Bác trên tờ báo Người cùng khổ): Chỉ mấy nét vẽ này ta đã thấy một tư tưởng lớn, một tâm hồn lớn tàng ẩn bên trong. Nếu như anh tiếp tục con đường hội họa thì cũng có thể là một danh họa. Nhưng hôm nay anh Nguyễn đã là Hồ Chủ tịch, tác giả tập tranh Việt Nam đi hàng đầu trong cuộc đấu tranh cho độc lập tự do của các dân tộc” (8).

Cho đến ngày 2/9/1945 cả thế giới đã biết Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Bản Tuyên ngôn độc lập lịch sử, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Cũng từ đó Hồ Chí Minh - Việt Nam trở thành sự quan tâm đặc biệt của những người nước ngoài đối với một nhân vật kiệt xuất. Nhiều nhà báo, nhà nghiên cứu khoa học, nhà văn, nhà thơ, nhà làm phim và họa sĩ đã có nhiều tác phẩm về Hồ Chủ tịch. Có thể còn có chính kiến khác nhau hay còn những hiểu biết chưa trọn vẹn, nhưng bao trùm tất cả vẫn là một sự khâm phục, ngưỡng mộ, kính trọng Hồ Chí Minh, một con người “Đại nhân, Đại trí, Đại dũng”.

Người nước ngoài hiểu sâu sắc cuộc sống của Bác Hồ. Từ tác phong đến ăn mặc, lối sống… như David Hambestan, một nhà báo Mỹ viết: “Đó là sức mạnh của ông Hồ, vì ông là người Việt Nam, của quần chúng và bởi thế cho nên ông không thích dinh thự và đồng phục của thống chế, của các vị tướng. Ông thường mặc bộ quần áo giản dị, một phong cách mà người phương Tây chế giễu trong nhiều năm. Cho đến một ngày nọ họ mới hiểu và nhận ra rằng, chính cái giản dị ấy, cái khả năng hòa mình vào nhân dân ấy là cơ sở cho sự thành công của ông. Địa vị càng cao ông càng giản dị, trong sạch hơn. Hình như ông luôn luôn giữ được những giá trị vĩnh viễn của người Việt Nam” (9).

Báo chí các nước đã viết nhiều về Việt Nam và Hồ Chí Minh ngay sau ngày ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1945, nhất là dịp Bác Hồ sang thăm nước Pháp và ký Hiệp định 6/3/1946. Paris thủ đô nước Pháp (và là trung tâm của thế giới) đã trân trọng đón vị khách đặc biệt của một nước cộng hòa non trẻ với lá quốc kỳ nền đỏ sao vàng. Trong số những tờ báo có uy tín, phát hành khắp thế giới với số lượng hàng triệu bản mỗi kỳ là Tạp chí Time, đã dành nhiều thiện cảm cho Hồ Chủ tịch. Trong số ra ngày 9/9/1946, Time có bài - Ho Chi Minh, Who are You? (Hồ Chí Minh, Người là ai?).

Tác giả cho rằng Hồ Chí Minh là một nhân vật "rất kỳ lạ". Bài báo đã tóm tắt cuộc đời hoạt động tìm đường cứu nước của Bác từ năm 1911 và khi mang tên Nguyễn Ái Quốc đã sống và hoạt động ở nước Pháp, Nga, Trung Quốc, Thái Lan, Hồng Kông,... rồi ở Hội nghị Fontainebleau. Cũng chính Tạp chí Time nhiều lần ra những số chuyên san về Hồ Chí Minh (có tới 5 số báo in ảnh Bác Hồ và in ở cả trang bìa). Riêng số ra ngày 22/11/1954 đã đăng trên trang bìa chân dung Hồ Chủ tịch và dành 5 trang nói về thân thế và sự nghiệp của Bác Hồ cùng với việc Việt Nam chiến thắng Pháp trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

Vậy là thế giới đã biết nhiều về Hồ Chí Minh trước cả nhân dân Việt Nam ngay từ đầu thế kỷ XX. Và đến nay thì đã có hàng chục viện, trường, trung tâm Hồ Chí Minh học trên thế giới; đã có trên 200 công trình nghiên cứu, tác phẩm, ít nhất là gần chục bộ phim (phim nhựa và truyền hình) và hàng chục tạp chí, hàng trăm bài báo của các tờ báo lớn trên thế giới viết về Người.

Hạnh Liên


(1), (2), (3), Vũ Đình Huỳnh trong cuốn Cuộc gặp gỡ định mệnh của Sơn Tùng. Nxb. Chính trị Quốc gia, 2008, tr.172.

(4) Vũ Đình Huỳnh, Sđd, tr.37.

(5) Trần Dân Tiên, Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb. Chính trị Quốc gia, H.2015, tr.129.

(6) Vũ Đình Huỳnh, Sđd, tr.51.

(7) Xem Lê Đình Cúc, Đi tìm tác giả Trần Dân Tiên, Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên, số 2+3/2021

(8) Vũ Đình Huỳnh, Sđd, tr. 176.

(9) Vũ Kỳ, Bác Hồ viết Di chúc, Nxb Chính trị Quốc gia. H.2015, tr.48.

 

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy