Ảnh nghệ thuật Việt Nam 2018: thành quả và sự lên ngôi của ảnh bộ
VNTN - Tổng kết và giới thiệu thành quả lao động nhiếp ảnh nghệ thuật trong 2 năm (2017 và 2018), cuộc triển lãm Ảnh nghệ thuật Việt Nam 2018 do Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du Lịch - Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và triển lãm phối hợp với Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh (NSNA) Việt Nam tổ chức, đã diễn ra tại Sun World Hạ Long (Quảng Ninh).
Ở cả hai chủ đề: sáng tác tự do và “Hạ Long - Quảng Ninh - Góc nhìn mới”, đã có 10.180 tác phẩm của 1.436 tác giả gửi tham gia. Trong đó chủ đề sáng tác tự do là 9.001 ảnh đơn, 503 ảnh bộ; chủ đề “Hạ Long - Quảng Ninh - Góc nhìn mới” có 686 tác phẩm ảnh, gồm 620 ảnh đơn và 66 ảnh bộ. Năm nay, Ban tổ chức phát động ảnh bộ, thể loại khó và mới mẻ ở Việt Nam nhưng là một xu hướng của nhiếp ảnh đương đại thế giới. So với các triển lãm ảnh nghệ thuật toàn quốc gần đây, thì đây là lần đầu tiên ảnh bộ chiếm số lượng lớn như vậy.
Bộ ảnh “Hạ Long nhìn từ trên cao” - Huỳnh Văn Truyền - Đà Nẵng Nguồn: vapa.org.vn
Kháng chiến chống Mỹ cứu nước thắng lợi, đất nước thống nhất (30/4/1975), nền nhiếp ảnh nước nhà đã có những tác phẩm chấn động thế giới như: “Từ thần sấm xuống xe trâu” của tác giả Văn Bảo; “Phúc Tân kêu gọi trả thù” của Vũ Ba; bộ ảnh về chiến tranh giải phóng miền Nam của Anh hùng - liệt sĩ Lương Nghĩa Dũng (phóng viên Thông tấn xã Việt Nam)… Song hơn 40 năm qua, ảnh bộ Việt Nam hiếm khi xuất hiện ở giải ảnh báo chí thế giới. Phải chăng vì chưa xuất hiện kiệt tác nghệ thuật nóng bỏng, đầy tính nhân văn?
Ảnh bộ là một câu chuyện kể từ 5 ảnh, có nội dung, kết cấu logic, các ảnh hợp thành, bổ sung cho nhau nên rất ưu thế trong cách chuyển tải chủ đề. Với 569 ảnh bộ nhận được trong triển lãm, có những câu chuyện dẫn dắt người xem đến từng ngõ ngách cuộc sống, mở ra những không gian văn hóa mới… Nó chứng tỏ sự phát triển đột phá trong tư duy thể hiện đề tài của các tay máy trẻ. Với 1.436 tác giả từ 63 tỉnh, thành phố khắp cả nước, chọn lọc 245 tác phẩm trưng bày, chưa bao giờ số lượng tác giả, tác phẩm lớn như lần này. Với tỷ lệ trên 40 ảnh chọn một ảnh, cho thấy sức hút, sự lan tỏa của nhiếp ảnh trong đời sống xã hội ngày càng mạnh mẽ.
Tác phẩm đoạt Huy chương Vàng là ảnh bộ, gồm: “Hạ Long nhìn từ trên cao” (ảnh bộ) của Huỳnh Văn Truyền (Đà Nẵng), chụp Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long được bảo tồn gắn với sự phát triển năng động của thành phố du lịch. Bộ ảnh được Truyền chụp trong đợt dự trại sáng tác cho các tay máy trẻ do Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và triển lãm cùng Hội Văn nghệ Quảng Ninh tổ chức. “Lễ hội cầu nước” (ảnh bộ) của Trần Nhân Quyền, giảng viên trường Đại học Sân khấu điện ảnh Hà Nội; chụp về một nghi lễ truyền thống của người Việt - cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, được người dân thôn Yên Viên, huyện Việt Yên, Bắc Giang truyền đời gìn giữ, phát huy qua các Lễ hội cầu nước được tổ chức 4 năm một lần… Tác phẩm đoạt Huy chương Bạc cũng có ảnh bộ: “Ngôi nhà giữ biển” (nhà giàn DK1 - Vùng 2 Hải quân) của tác giả Trần Duy Tình. Tay máy trẻ Lê Hữu Dũng (thành phố Hồ Chí Minh) có 3 ảnh bộ triển lãm thì 2 ảnh bộ đoạt giải: “Sapa mùa tuyết rơi” (Huy chương Bạc) và “Giữ gìn nét xưa” (Huy chương Đồng). Rồi bộ ảnh “Người Dao bên cột mốc 1327” của tác giả Trần Cao Bảo Long cũng giành Huy chương Bạc.
Bộ ảnh: “Vị ngọt Cửu Long” - Bùi Văn Chung - Kiên Giang Nguồn: vapa.org.vn
Những tác phẩm được giải đều tạo ấn tượng với người xem, bởi các tác giả đã thể hiện bằng nhiều góc nhìn mới lạ, sáng tạo và đậm chất nhân văn. NSNA Lý Hoài Long, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật (HĐNT) Hội NSNA Việt Nam, Phó Chủ tịch HĐNT triển lãm chia sẻ: “Không có gì lạ khi các tác giả đạt giải ảnh bộ đa số là những NSNA trẻ. Họ năng động, không quản nắng mưa gian khổ tìm kiếm cái mới. Từ lễ hội truyền thống đến biển đảo khơi xa, những sắc màu đặc sắc của người Dao thanh phán (Quảng Ninh)...”. Thưởng lãm các tác phẩm, thấy rằng việc chụp ảnh đặc tả macro, chụp dưới nước và chụp bằng flycam đã thể hiện sự đầu tư, kỹ năng sử dụng thiết bị hiện đại của các tay máy trẻ ngày càng cao. Sự thể nghiệm các góc chụp mới, sử dụng ánh sáng, tạo hình, đánh dấu bước phát triển mới về chất của ảnh nghệ thuật.
Nhìn chung, các tác phẩm ảnh triển lãm khá thành công về mặt ý tưởng (ý ảnh). Ngoài các ảnh được giải, thì có những tác phẩm hấp dẫn người xem ở thông điệp ý nghĩa như một số bộ ảnh và ảnh: Vàng A Khua với tâm huyết bảo tồn hương vị truyền thống chè shan tuyết cổ thụ Suối Giàng. Chuyện về các “Chiến sĩ đặc công Việt Nam”. Nghề kho cá truyền thống gợi nhớ làng Vũ Đại thời phong kiến; đời sống gia đình, nặng lòng “Truyền nghề”… Sự tìm tòi, phát hiện đề tài của người trẻ từ những điều tưởng như đang bị mai một, quên lãng như: nghề chiếu cói, làm bánh ú tro; nghề làm đường phèn ở Quảng Ngãi…, đã góp cái nhìn đa chiều về bảo tồn, phát huy di sản văn hóa phi vật thể gắn với phát triển kinh tế xã hội, du lịch. Lần đầu hiện diện các ảnh bộ chụp tĩnh vật: “Vị ngọt Cửu Long”, tôn vinh các loại trái cây trong văn hóa ẩm thực và xuất khẩu. Ảnh bộ về sinh thái: Hoa của biển. Chân dung một số loài côn trùng chụp đặc tả Macro, Ngôi nhà mái xanh… bảo tồn sinh thái, môi trường... Tác giả Dương Phượng Đại (Quảng Ninh) chia sẻ rằng, anh sẽ tiếp tục hoàn thiện dự án dài hơi chụp ảnh bộ: Độc đáo đàn tính tẩu - hát then vùng Đông Bắc, để xứng danh là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Có thể nói, kể từ sau Liên hoan Ảnh nghệ thuật các tỉnh Việt Bắc lần thứ nhất do Hội NSNA Việt Nam phối hợp với tỉnh Bắc Thái đăng cai năm 1994 (trên 400 ảnh tham dự, chọn trưng bày hơn 100 ảnh), thì ngày nay Liên hoan đã ngày càng lớn mạnh về quy mô và chất lượng, với sự nỗ lực xây dựng phong trào của Hội NSNA Việt Nam, Cục Mỹ thuật và Nhiếp ảnh, phối hợp cùng UBND, Hội Văn học nghệ thuật các tỉnh, thành phố trong cả nước. Các tỉnh Yên Bái, Hà Giang, Cao Bằng, Thái Nguyên, Lạng Sơn xưa kia từng là nơi dừng chân, đặt trạm, tìm người mẫu… cho các tay máy miền xuôi đi thực tế sáng tác về Gang thép Thái Nguyên, thác Bản Giốc, cao nguyên đá Đồng Văn, ruộng bậc thang Mù Cang Chải… thì nay đã đã xuất hiện tác giả người bản địa: Chu Đức Hòa (Cao Bằng) có “Mùa guột”; Chu Việt Bắc (Hà Giang) có ảnh bộ “Làm nhà trình tường của người Mông”; Bùi Vinh Thuận (Lạng Sơn ) có 3 ảnh đều về mùa gặt ở Bắc Sơn. Đặc biệt Yên Bái lần đầu trình làng 6 tác giả có ảnh triển lãm, Nguyễn Tuấn Vũ có ảnh bộ: “Sóng nước Mù Cang” và ảnh đơn “Chiều về bản”… Trong triển lãm lần này Thái Nguyên có 5 tác phẩm được chọn treo: “Mầu cờ sắc áo” (Hồng Định); “Vào vụ” (Hoàng Giang Đông); các tác phẩm “Cơ khí Sông Công”, “Buổi lễ sớm” và “Chùa cổ” (Trần Thanh Huyền).
NSNA Lý Hoài Long tỏ ra tiếc nuối, bởi có những khoảnh khắc rất đẹp không được chọn triển lãm vì lỗi hậu kỳ. Việc chỉnh tương phản và tăng màu quá tay làm mất đi sự trung thực của ảnh. Có những tác phẩm không được chọn vào giải thưởng vì chất lượng ảnh in không đạt, sai màu...
Và mặc dù Ban Tổ chức khuyến khích bộ ảnh có phần chú thích (tối đa 150 từ) giới thiệu nội dung của bộ ảnh, nhưng hầu hết 503 ảnh bộ chủ đề tự do chỉ có tiêu đề hoặc chú thích nghèo nàn, ít được tác giả đầu tư. Ví như dân tộc “Sán Chí” hay “Sán Chỉ”? Chú thích ảnh là H'Mông, nhưng Ban Dân tộc các tỉnh giờ đều ghi là dân tộc Mông... Có những bộ ảnh đoạt giải là xứng đáng, nhưng có bộ ảnh được chọn treo vì mang giá trị nhân văn. Vẫn là tình trạng lượng ảnh gửi dự thi lớn, nhưng nhiều lĩnh vực lại thiếu vắng, trùng nhau, ảnh chụp bằng flycam nhiều… Có những mảng đề tài vắng bóng tác phẩm như Toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc và người chiến sĩ công an nhân dân....
Triển lãm phản ánh sự phát triển khá toàn diện, năng động của đất nước với công chúng trong nước và nước ngoài. Sự “lên ngôi” của ảnh bộ như một minh chứng cho sự lớn mạnh của đội ngũ nhiếp ảnh trẻ, có tính chất như chuyển giao thế hệ. Hi vọng Ảnh nghệ thuật Việt Nam, đặc biệt là thể loại ảnh bộ sẽ bước xa hơn trong nền nhiếp ảnh đương đại thế giới.
Đồng Khắc Thọ
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...