Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
06:23 (GMT +7)

Ảnh bộ đã thực sự “lên ngôi”?

VNTN - Gần đây, các cuộc thi nhiếp ảnh ở Việt Nam như đã có “đột biến” mới lạ, khi những “ảnh bộ” được Ban Tổ chức ào ạt trao giải. Điều đó đặt ra câu hỏi rằng, các tổ chức chuyên ngành đang khuyến khích hội viên của mình thử sức với một khuynh hướng sáng tạo mới, hay những bức ảnh đơn đã đi vào cùn mòn, bế tắc?…

Sẽ không có gì phải đắn đo, nếu như ảnh bộ được cân đối trong phòng triển lãm cùng với những thể tài khác… Nhưng nếu xem kĩ số ảnh bộ được Ban Tổ chức chọn treo hoặc trao giải, thì người chơi ảnh lâu năm cũng phải ôm đầu tự vấn: Thực chất thế nào là “ảnh bộ”?

Trong cuốn “Từ điển tiếng Việt thông dụng” của Nhà xuất bản Giáo dục, do Nguyễn Như Ý làm chủ biên, cũng không có cụm từ “ảnh bộ”. Nếu cứ nhặt dăm cái ảnh cùng một chủ đề đem đặt cạnh nhau, vậy là thành một “ảnh bộ” chăng? Thực tế vừa qua có không ít những “ảnh bộ” đoạt giải của Cuộc thi Ảnh nghệ thuật Việt Nam 2018 diễn ra tại Hạ Long, người ta hoàn toàn có thể bớt đi hay thêm vào một hoặc hai tấm, nhưng vẫn không ảnh hưởng gì đến nội dung hoặc thông tin của “ảnh bộ” đó. Điều ấy chứng tỏ bộ ảnh chưa được chặt chẽ và chưa “hay”.

Một bức ảnh đơn, chỉ được coi là tác phẩm ảnh nghệ thuật khi vẻ ngoài của nó có được giá trị thẩm mĩ và bề sâu thì đủ sức khơi gợi cho nội tâm người xem những cảm xúc... Tương tự như vậy, một “ảnh bộ” tuy bao gồm một số những tác phẩm ảnh khác nhau (3 ảnh, 5 ảnh, 7 ảnh…), song kết lại chúng phải xoáy vào một câu chuyện nhất định. Trong nhóm ảnh tạo nên “ảnh bộ” phải xuyên suốt, dẫn dắt người xem khám phá, đi từ ngạc nhiên đến vỡ òa cảm xúc.

Nhiều người trong chúng ta nếu có dịp tham quan những bức ảnh đoạt giải báo chí thế giới năm 2017 trưng bày tại Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam (42 Yết Kiêu, Hà Nội) vào trung tuần tháng 6 năm 2018, thì sẽ thấy trong đó cũng có không ít bộ ảnh đoạt giải cao, những bộ ảnh đó có kết cấu logic, xuyên suốt và bức ảnh chủ đạo luôn được phóng to hơn những bức ảnh khác trong nhóm - như để nhấn mạnh, ngầm hướng dẫn người xem tiệm cận sát hơn với chủ đề của câu chuyện… Vậy một “ảnh bộ” được coi là hay phải có “điểm nhấn”, đâu là ảnh chính, đâu là ảnh phụ. Tựa như xem vở ballet “Hồ thiên nga”, người ta luôn cảm thấy được con thiên nga nào là Nữ hoàng Thiên nga Odette đều xinh đẹp, duyên dáng nhất bầy thiên nga… Một cuộc thi hoa hậu chỉ được coi là thành công khi vào tới chung kết, Ban Giám khảo phải tìm được ra người đẹp đủ sắc, đủ tài để trao vương miện… Khi diễn đạt điều gì đó bằng nhiếp ảnh, nhiều người tưởng rằng chơi ảnh bộ dễ hơn là ảnh đơn. Thiển nghĩ, khi dẫn chuyện bằng một nhóm ảnh, đồng nghĩa với việc tác giả đã ôm vào một đống những rủi ro. Nó giống với một cuộc thi vấn đáp có đáp án đóng, lẽ ra thí sinh chỉ trả lời đồng ý hoặc không đồng ý, có hoặc không, thì nay lại trả lời lòng vòng rồi mới đi đến kết luận. Vừa mất thời gian, vừa dại dột hé lộ cho người hỏi thi biết cái hạn chế thích phô trương của bản thân. Nên dù câu trả lời cuối cùng không sai, nhưng điểm thi lại chẳng được cao như kì vọng.

Một ảnh bộ hay, phải có tiết tấu. Tiết tấu theo trục dọc hoặc theo chiều ngang. Ảnh bộ “Lễ hội cầu nước” của Trần Nhân Quyền trong Cuộc thi Ảnh nghệ thuật Việt Nam 2018 là theo tiết tấu trục dọc. Tác giả đặt phần lễ lên trước và phần hội ở phía sau, như ngầm dẫn dắt người xem đến một tích truyện có đầu, có cuối. Tất cả những bức ảnh trong “tác phẩm” đều khá đẹp (tôi coi cả 5 bức trong ảnh bộ đó là một tác phẩm), nếu tách ra thì chúng đủ sức đứng một mình, còn chụm lại, thì chúng bổ sung cho nhau. Tôi chỉ hơi tiếc cho Trần Nhân Quyền, nếu anh chốt tấm ảnh cuối cùng bằng một bức ảnh chân dung, có khuôn mặt rạng rỡ lấm lem bùn đất, thì bộ ảnh hẳn được người xem tán thưởng hơn rất nhiều! Khi đó “Lễ hội cầu nước” (ảnh bộ) của anh giảm hẳn được nét chung chung và niềm vui cá nhân một con người được đề cao, sẽ thể hiện được chiều sâu tính nhân văn của “Lễ hội cầu nước”.

Những bộ ảnh “Sapa mùa tuyết rơi”; “Ngôi nhà giữ biển”; “Những con đường tỏa sáng”; “Vị ngọt Cửu Long”…, là tiết tấu theo bề ngang. Và cũng giống như các bộ ảnh có kết cấu tương tự, thường mắc vào những nhược điểm khó tránh là dàn trải, loãng và khó tìm ảnh “đinh”. Bộ “Sapa mùa tuyết rơi” của Lê Hữu Dụng thì ba bức (hai, ba, bốn) có thể chỉ cần giữ lấy một là đủ. “Ngôi nhà giữ biển” của Trần Duy Tình thì người xem không thấy có gì mới, nếu đem so sánh với những bức ảnh nhiều người đã chụp về biển đảo trước đó. Nổi cộm, bức chân dung chụp người chiến sĩ hải quân lại quá dễ dãi. “Những con đường tỏa sáng” của Giang Sơn Đông và “Vị ngọt Cửu Long” của Bùi Văn Chung là tập hợp những tác phẩm nhiếp ảnh đẹp, nhưng “ảnh bộ” lúc này đã tương đồng với “ảnh cùng chủ đề”.

Bộ ảnh “Cầu Bạch Đằng những khoảnh khắc” của Nguyễn Tuấn Anh thì người xem cứ bận bịu với câu hỏi, phải chăng tác giả đã sắp xếp trình tự những bức ảnh ngược với thời điểm anh bấm máy? Cái cần cẩu rỗi trên trụ cầu, ánh hoàng hôn, ánh điện, nền trời…, của hai bức thứ tư và thứ năm, hé lộ cho người xem thấy anh đã đứng cùng một góc chụp, và rõ ràng bức hình thứ năm (theo thứ tự của bộ ảnh) được ghi hình trước bức hình thứ tư. Nhìn vào tông độ của nền trời, người xem thấy từ bức thứ nhất đến bức thứ năm, ánh sáng cứ tăng dần… Ngoài ra bức ảnh thứ hai và thứ ba anh đề tít là: “Tiến độ khẩn trương…” và “Nhà thầu thi công khẩn trương…” thì người xem còn chưa thấy cái nhịp điệu “khẩn trương” đó. Thực ra thì, một bức ảnh phong cảnh, lại chụp về đêm thì khó diễn đạt nội dung này.

Bộ ảnh “Người Dao bên cột mốc 1327” của Trần Cao Bảo Long thật hoàn hảo. Một bộ ảnh trọn vẹn cả về hình thức lẫn nội dung. Bức ảnh “đinh” anh trân trọng đặt ở vị trí số một. Toàn cảnh là một vẻ tĩnh tại, bền chắc: cột mốc, mỏm đá, khoảng khí trời đặc trưng của miền đông Bắc bộ vào dịp cuối xuân, đầu hạ… Tương phản với sự rắn rỏi, nổi khối của bê tông, của đá là người phụ nữ nhỏ bé ngồi ôm con thật mỏng manh, nó toát lên vẻ hiền dịu, âm thầm và nhẫn nại. Trụ mốc biên giới vuông vức như chính chỏm mũ đội đầu của người phụ nữ Dao đỏ, đã tạo ra sự đồng nhất cho bức ảnh. Tác phẩm thật gợi cảm và nó có thể “một mình” dấn sâu vào bất kể một cuộc thi nhiếp ảnh nào khác. Nhưng Trần Cao Bảo Long đã dùng thêm một số những bức hình để phù họa cho nó và anh đã kết “ảnh bộ” của mình thành một cụm hình ảnh tràn ngập sự ấm áp và tình người ở đó như cứ đang mở ra…, “Người Dao bên cột mốc 1327” hẳn đã khiến những người xem khó tính nhất cũng phải ưng thuận.

Hình như để so sánh giữa ảnh đơn và ảnh bộ thứ nào hay, Ban Tổ chức hẳn đã đánh đố người xem, khi họ cùng lúc trao giải cho “Hạ Long nhìn từ trên cao” (ảnh bộ) của Huỳnh Văn Truyền với tác phẩm “Thành phố biển tỏa sáng” (ảnh đơn) của Trần Bảo Hòa. Nếu người xem lấy tấm ảnh thứ hai của ảnh bộ so sánh với bức ảnh đơn, thì thấy rằng hai tác phẩm như cùng một góc quan sát. Song thời điểm mà Trần Bảo Hòa ghi hình, rõ ràng đã được cân nhắc, tính toán hơn. Và nếu có ai hỏi, thế tại sao ảnh đẹp hơn, mà lại phải nhận giải thấp, thì câu trả lời chỉ có thể là: Năm ảnh đem đặt lên bàn cân, đã có trọng lượng lớn hơn là một ảnh! Chưa kể đến việc trong một cuộc triển lãm mà treo hai ảnh gần giống nhau sẽ khiến người lạ nghĩ rằng, Hạ Long - Quảng Ninh cũng chỉ có thế!

Nói đến ảnh bộ mà không đọc lời dẫn cho ảnh bộ đó, thì hẳn là một khiếm khuyết. Nhưng ngay trong nhiều ảnh bộ đoạt giải, mà lời dẫn khi đọc lên cứ thấy lòng thòng. Tác giả càng cố gắng diễn giải thì lại làm giới hạn, thậm chí mất đi những ẩn ý tinh tế mà một tác phẩm nghệ thuật cần khơi gợi cho người đọc, người xem. Ảnh bộ với ảnh đơn, đó là số nhiều đối chọi với số ít. Nhưng trong nghệ thuật, đôi khi số ít lại là tinh túy và số nhiều chỉ là sự dàn trải. Đại đa số các nhà nhiếp ảnh vẫn luôn thích chắt lọc đi tìm cái đại diện, cái cô đọng… Bởi hôm nay họ hiểu rằng, dù có cố gắng mấy, thì ảnh bộ vẫn khó có thể lấn sân sang video-clips. Một ảnh bộ, một serie ảnh thực sự có vị trí trong lòng người xem khi nó hội tụ đủ những thành tố về cơ hội, về bối cảnh, và trên hết là tài năng cũng như vốn văn hóa mà người nghệ sĩ tích lũy được, khi vận dụng cho mục tiêu sáng tạo.

Không dám nói rằng ảnh bộ đang “lên ngôi”, người viết cho rằng ảnh bộ hôm nay đang được “thiên vị”. Các tổ chức chuyên ngành dù có cố gắng mấy cũng không thể thay vị thế của hàng vạn người thưởng lãm ảnh. Và họ mới thực sự dẫn dắt người sáng tạo làm gì trong tương lai.

Vũ Kim Khoa

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy