Thứ tư, ngày 27 tháng 11 năm 2024
01:20 (GMT +7)

An toàn thực phẩm: Nói là một chuyện, thực hiện là một vấn đề

VNTN - Trong hội thảo về an toàn thực phẩm được tổ chức tại Quảng Ninh mới đây, Thứ trưởng Bộ Công Thương, ông Trần Quốc Khánh kể rằng đang có một vấn đề lớn ảnh hưởng tới hiệu quả của quản lý an toàn thực phẩm.

Đó chính là tâm lý thương người nghèo, ủng hộ người yếu thế không đúng cách. Ví dụ cụ thể là trước đây Bộ Công Thương đã dự kiến đề xuất xây dựng mô hình chợ an toàn thực phẩm, chợ này không bán gà còn sống và giết mổ gà ngay tại khu vực chợ nữa. Nhưng khi đưa ra xin ý kiến thì vấp ngay phải phản ứng là chợ đã hình thành từ lâu, thói quen bán gà sống và giết mổ tại chợ đã hình thành từ lâu, giờ không cho phép thì khó cho người nghèo- những người có khi chỉ có một vài con gà mang đi bán...

Kết quả là Bộ chùn tay, không dám quyết định về mô hình chợ an toàn thực phẩm nữa. Nghèo không phải là lý do chính đáng để sản xuất nhếch nhác và làm bẩn, ông Khánh nhấn mạnh.

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh là một trong ba vị thứ trưởng đi suốt bốn ngày trong tuần qua cùng đoàn giám sát tối cao của Quốc hội về an toàn thực phẩm, do Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển làm trưởng đoàn.

Phó trưởng đoàn thường trực là ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội.

Tại hội thảo nói trên, ông Phan Xuân Dũng nhấn mạnh, đại biểu quan tâm, cử tri bức xúc, Quốc hội đã chọn việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011 - 2016 là chuyên đề giám sát tối cao đầu tiên của khoá 14.

Đoàn giám sát tối cao đã đã tiến hành giám sát tại 19/21 tỉnh thành được chọn thực hiện trong chuyên đề này và chương trình giám sát mới đi được non nửa hành trình.

Thông tin từ hội thảo cho thấy, mỗi năm Việt Nam sản xuất trên 45 triệu tấn lúa gạo, trên 5 triệu tấn thịt lợn, trâu bò, 12 tỷ quả trứng, 795 ngàn tấn sữa, 3,3 triệu tấn thuỷ sản, 375 ngàn tấn rau quả các loại, không chỉ đáp ứng cho tiêu dùng của hơn 90 triệu dân trong nước mà còn xuất khẩu.

Nhưng, từ kết quả giám sát có thể khẳng định không thể biết chính xác bao nhiêu trong số thực phẩm nói trên là an toàn.

Bởi, mỗi năm Việt Nam có trên 110 ngàn tấn thuốc kháng sinh cho chăn nuôi, thuỷ sản được sử dụng khá tự do, hoóc môn tăng trưởng cho cây trồng, vật nuôi còn chưa được kiểm soát chặt chẽ.

Rồi, việc giết mổ nhỏ lẻ, không đảm bảo an toàn thực phẩm là phổ biến ở các địa phương. Nguyên liệu đầu vào chưa được kiểm soát chặt chẽ, và quản lý thị trường phân phối sản phẩm thực phẩm còn rất nhiều bất cập.

Đương nhiên, vẫn còn nhiều sản phẩm thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ lưu thông trên thị trường. Ngay như ở địa bàn Lạng Sơn - một trong hai địa phương vừa được giám sát - đã phát hiện và thu giữ 416 tấn chân gà và phủ tạng không rõ nguồn gốc. Nghệ An thu giữ 202 tấn thực phẩm không rõ nguồn gốc, Tp.HCM xử phạt tới 45 tỷ với thực phẩm không rõ nguồn gốc...

Kết quả giám sát liên tục từ 2011 - 10/2016 cho thấy, ngộ độc thực phẩm vẫn đang là thách thức lớn. Toàn quốc đã ghi nhận 1.007 vụ với 30.395 người mắc, 25.617 người đi viện và 164 người chết.

Trung bình có 167,8 vụ/năm với 5.065,8 người mắc và 27,3 người chết do ngộ độc thực phẩm/năm.

Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhiều lần nói đến hai chữ báo động của an toàn thực phẩm nói chung và một số địa phương thì đã đến giới hạn đỏ. Nguyên nhân của tình trạng này cũng được các chuyên gia trong đoàn giám sát chỉ rõ, từ bất cập của luật cho đến yếu kém trong thực thi. Luật An toàn thực phẩm rất cần được sửa khi mà theo chuyên gia Trần Đáng nguyên Cục trưởng Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm (Bộ Y tế) vừa thiếu thực tiễn lại luẩn quẩn, lủng củng. Rồi các văn bản dưới luật nhiều đến nỗi cán bộ còn chả nhớ được hết, nói gì đến nhân dân. Nhưng luật có tốt đến đâu mà người thực thi công vụ ngại thân quen nên không xử, phát hiện vi phạm cũng chủ yếu chỉ nhắc nhở, cũng không loại trừ cả tiêu cực, vụ lợi... thì cũng chẳng có chuyển biến bao nhiêu.

Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển giám sát an toàn thực phẩm tại cơ sở chế biến chả mực ở Quảng Ninh.

Trung tuần tháng 2/2016, đoàn giám sát đã làm việc với ba bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương và Y tế. Và bộ nào cũng than kinh phí rất khó khăn. Nhưng, kinh phí cũng chưa phải là nguyên nhân chính.

Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực thi chính sách, pháp luật về quản lý an toàn thực phẩm giai đoạn 2011 - 2016 sáng 3/3 cho thấy nhiều nguyên nhân khác. Như, ở nhiều địa phương mặc dù tổ chức thanh, kiểm tra nhiều nhưng tỷ lệ xử lý thấp, kỷ cương, kỷ luật không nghiêm, vẫn còn có sự đùn đẩy trách nhiệm giữa các ngành có liên quan. Công tác điều tra, xử lý hình sự đối với các hành vi vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm hiệu quả chưa cao do khó khăn trong việc áp dụng các quy định của pháp luật hình sự...

Chính phủ khái quát nguyên nhân của những yếu kém: nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền, cán bộ, lãnh đạo quản lý về vai trò của an toàn thực phẩm chưa đầy đủ. Lực lượng thực thi các nhiệm vụ quản lý nhà nước còn yếu kém. Nhận thức, ý thức trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng về an toàn thực phẩm còn hạn chế.

Kiến nghị từ Chính phủ với Quốc hội là xem xét sửa đổi Luật An toàn thực phẩm theo hướng đổi mới phương thức quản lý đối với cơ sở sản xuất kinh doanh và sản phẩm thực phẩm hài hòa với quy định quốc tế, hiệu quả và khả thi, đặc biệt là phương thức quản lý nhóm các cơ sở sản xuất kinh doanh chế biến thực phẩm nhỏ lẻ và sản phẩm thủ công truyền thống.

Quốc hội cũng được đề nghị ban hành nghị quyết thành lập hệ thống thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm ở địa phương, đặc biệt với tuyến quận, huyện, xã phường có đủ lực lượng kiểm tra, thanh tra các cơ sở nhỏ lẻ và phù hợp với hệ thống quản lý an toàn thực phẩm các nước trên thế giới

Trúc Bạch 

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy