Thứ bảy, ngày 21 tháng 09 năm 2024
00:36 (GMT +7)

Ăn quà ở chợ

VNTN - Những cách so sánh quen thuộc: đông như chợ, vui như chợ, ầm ầm như chợ vỡ… đều chứng tỏ không khí rộn ràng, sầm uất của chợ phiên. Và một trong những lý do đem đến niềm vui ngày chợ, ấy là thú vui… ăn quà.

Chợ là không gian sinh hoạt kinh tế, văn hóa đặc trưng của cư dân nông nghiệp. Mặc dù trong truyền thống, người Việt Nam ta có xu hướng ức thương khuyến nông, song không vì thế mà chợ Việt thiếu sức sống.

Sinh động sắc màu dân gian

Ngày nay, người Việt hay dùng từ “quà” với ý nghĩa tặng vật mà người này biếu gửi người khác trên cả phương diện vật chất lẫn tinh thần. Song, nghĩa gốc từ “quà” vốn để chỉ đồ ăn thức uống lặt vặt, mang tính chất chơi bời, cốt cho vui miệng chứ không như cơm bữa.  Trong tâm thức của người Việt, quà bánh thường gợi ý niệm về sự dân giã ít tiền, bày bán nơi đường chợ và mang đậm tinh thần văn hóa bình dân, dẫu đó là là bánh đúc bánh đa hay thanh tao hơn như những thức quà ngon Hà Nội.

Chợ truyền thống Việt Nam, bất luận to nhỏ, sang hèn, đều có hàng quà. Người nhiều thời gian, dư dả tiền bạc, tính tình phóng khoáng thì kề cà bún riêu, phở nóng, bánh đúc canh, bánh cuốn tráng… Kẻ vội vàng sấp sấp ngửa ngửa cũng có thể tranh thủ sà xuống thúng xôi, mẹt bánh dợm, bánh giò, gánh ngô bung, rổ bồ quân, táo chín… Văn chương xưa viết về cái mộc mạc của hàng quà lều tranh mái siêu, cái tinh tế, thi vị của món ăn đường phố Hà Thành nhiều lắm. Những trang sách của Nguyễn Tuân, Thạch Lam, Băng Sơn, Vũ Bằng còn nồng nàn mùi phở, bùi dẻo cốm thu. Mới đây bộ sách tranh mang tên Lê la quà vặtĂn quà xuyên Việt của họa sĩ Đặng Hồng Quân và nhà văn Nguyễn Trương Quý gây thích thú cho bạn đọc khi tái hiện văn hóa ăn quà của người Việt như một cuộc dạo chơi.

Chợ núi và chợ quê đều có hàng quà, song dễ thấy, hàng quà ở chợ vùng cao nhiều hơn, tấp nập hơn, trung tâm hơn, trong khi, ở đồng bằng, ăn quà ở chợ lại là điều không phải ai cũng dễ dàng chấp nhận. Nói đến chợ phiên vùng cao không thể không kể đến văn hóa ẩm thực. Các món ăn bán trong chợ phiên là đặc trưng cuộc sống của người vùng cao như thắng cố, mèn mén, phở chua, bún miến, bánh cuốn, lạp xưởng, thịt xấy gác bếp…và đặc biệt không thể thiếu rượu. Dưới xuôi, cảnh say rượu ở chợ thường không mấy diễn ra bởi chợ họp vào sáng sớm, ai nấy vào ăn cũng chỉ chớp nhoáng để còn làm việc, mua bán tiếp. Trong khi đó, ở phiên chợ vùng cao, đi chợ còn là chơi chợ, thời gian không bó buộc nên việc dừng lại ở một quán rượu, ăn bát thắng cố, uống cút rượu ngô là thú vui. Hơn thế nữa để xuống chợ, người ta phải dậy sớm, đi từ trong đêm nên ăn một bữa no say được coi như sự đền bù, để rồi, tan chợ lại ngật ngưỡng ra về, trong men say của tình, của rượu…

“Trai khôn chọn vợ chợ đông…”

Quà chợ, được nhiều người miêu tả như hồn cốt làng quê, như mảnh hồn tuổi thơ vương vãi. Nhà văn Băng Sơn nghẹn ngào: “những thức quà đơn sơ tôi có được hồi nhiều chục năm trước, nay nhớ lại, tôi vẫn còn thấy lòng mình rưng rưng (...) mẹ tong tả chiếc đòn gánh trên vai, bước qua cái cổng chống lên bằng một đoạn tre, mẹ chìa tay ra cho tôi nắm rồi chia cho mấy anh em tôi những thứ quà chợ quý đến thế, ngon đến thế, ngon đến lúc tóc tôi bạc trắng mà vẫn còn ngon...” Những đứa trẻ làng, từ muôn đời nay, vẫn coi quà chợ như một niềm sung ướng vô tận: Mong như mong mẹ về chợ. Không chỉ làm vui cho con trẻ, đồng quà tấm bánh còn là cách để người đi chợ thảo hiền, ý tứ thể hiện sự quan tâm giản dị đến những người già.

Nhưng quà chợ, ở một khía cạnh khác, với một đối tượng khác có thể đi kèm với ý niệm phê phán. Xưa có bài ca dao ngộ nghĩnh dùng để hát ru:

Cái cò là cái cò quăm

Chưa ra đến chợ đã chăm ăn quà

Hàng bánh, hàng bún bầy la

Con mắt tỏm tẻm lướt qua mọi hàng

Bánh đúc cho lẫn bánh đàng

Củ từ khoai nướng, lẫn hàng cháo kê

Ăn rồi lại trở ra về

Thấy hàng chả chuột lại lê chân vào(…)

Nói dối rằng mua cho chồng

Đến giữa cánh đồng ngả nón ra ăn…

Dân gian mượn hình ảnh cái cò quăm để chê cười người phụ nữ biếng làm, tục ăn (ăn nhiều, ăn giữa đường và những món có phần “thô” như mắm tôm, chả chuột), lại ăn giấu, ăn vụng. Tương tự như thế, có không ít câu nói dân gian phê phán người đàn bà ăn đường, ăn chợ: Đi chợ ăn quà về nhà đánh con, Hàng bấc thì qua hàng quà thì nhớ; Chưa đi đến chợ đã lo ăn quà; Ra chợ bánh đúc bẻ ba/ Mắm tôm quệt ngược cửa nhà anh tan… Khi viết truyện ngắn Vợ nhặt, Kim Lân thật sâu sắc khi miêu tả người đàn bà đói khổ “ăn một chặp bốn bát bánh đúc chẳng chuyện trò gì”, rồi “ra quán cơm đánh một bữa no nê”. Phải chăng, đó là cách nhà văn gợi lại câu chuyện về cái cò quăm, về người đàn bà “bánh đúc bẻ ba, mắm tôm quyệt ngược” trong dân gian?

Quán rượu tại chợ vùng cao Quản Bạ - Hà Giang.    Ảnh: P.V

Vì sao dân gian khắt khe với những người phụ nữ thích ăn quà? Vì sao hàng quà đầy chợ nhưng lại chỉ dành cho trẻ nhỏ và đàn ông? Chuẩn mực phong kiến lấy sự “ăn trông nồi ngồi trông hướng” để đánh giá con người. Cuộc sống nghèo khổ buộc người ta ứng phó với nỗi lo “miệng ăn núi lở”, nên càng chàng trai xưa nhắc nhau bí quyết chọn vợ: “Nốt ruôi khóe môi, ăn trôi cửa nhà”, “Đàn ông miệng rộng thì sang/ Đàn bà miệng rộng tan hoang cửa nhà”, “Ra chợ bánh đúc bẻ ba/ Mắm tôm quyệt ngược cửa nhà anh tan”, “Những cô béo trục béo tròn/ Ăn vụng như chớp cấu con cả ngày”… Nết ăn quan trọng lắm với người phụ nữ, lại càng bị soi xét kỹ lưỡng trong một xã hội luôn thiếu cái ăn. “Trai khôn chọn vợ chợ đông”  là vì thế. Giữa chợ, người ta có thể quan sát cách phụ nữ mua bán để kiểm định sự sắc sảo, cách phụ nữ ăn quà để kiểm định nét dịu dàng. Người vợ ngoan phải biết “thắt lưng buộc bụng”, “cọng giá bẻ đôi”. Phụ nữ ăn uống đầu đường  xó chợ bị coi là hạng người thấp kém, ích kỷ, chỉ biết ăn cho mình, thậm chí bị coi là ăn bớt tiền chợ của cả nhà. Hơn thế nữa, chợ quê xưa thời gian họp rất ngắn, cho nên ai nấy đều phải tất bật kẻo mà chợ trưa, chỉ còn cá ươn rau héo. Người phụ nữ lê la một chút sẽ chẳng còn thời gian mà chọn mớ rau ngon, miếng thịt béo. Hình ảnh người đàn bà ngồi ăn bên cạnh cánh đàn ông chén anh chén chú cũng bị coi là khiếm nhã, kém duyên. Điều này được nhìn nhận một cách cởi mở hơn trong không gian văn hóa vùng cao, nơi mà những can rượu la liệt nền chợ và những người phụ nữ bán rượu, thử rượu, nhấp mấy ngụm rượu trong điệu khèn lắc lư càng khiến đám đàn ông mê đắm.

Mỏ vàng cho du lịch văn hóa?

Khi tìm đến một điểm du lịch, du khách mong muốn điều gì? Thiên nhiên hoang sơ, diễm lệ, sự sáng tạo kỳ vĩ của con người, phong tục tập quán giàu bản sắc và không thể không kể đến sự hấp dẫn bất tận của văn hóa ẩm thực. Đi chợ mua hàng cũng là niềm thích thú của cả khách nội địa lẫn khách quốc tế bởi chợ là không gian thu nhỏ của hầu hết những giá trị văn hóa. Ở đó, có cảnh quan thiên nhiên đặc thù, có sản vật địa phương, có nét văn hóa dân gian của cộng đồng bản địa. Tâm lý của người phương Đông là đã đi du lịch phải có quà mang về nhà, người phương Tây lại có sở thích mua đồ lưu liệm. Những phiên chợ du lịch mang đậm màu sắc địa phương sẽ dễ dàng chiều theo nhu cầu ấy.

 

Chợ Hà Nội xưa Nguồn: Internet

 

Như vậy, văn hóa ăn quà chợ chính là sự cộng hưởng hai nét hấp dẫn trong tiềm năng du lịch: chợ và quà. Những năm gần đây, khi hoạt động du lịch ở Việt Nam được mở mang, nhiều du khách rất thích thú khi được dẫn đi ăn trên hè phố và ăn ngay trong chợ. Theo họ, ăn uống ở đây rẻ, ngon, lại tiện, không giống ăn ở nhà hàng. Cảm giác ăn trong chợ, ăn với cộng đồng có một sức hút mê hồn với khách du lịch, nhất là những đoàn khách quốc tế.

Le Firago, tờ báo nổi tiếng của Pháp, đã có bài viết nhận xét: Nét hiện đại của Hà Nội mà cả thế giới sắp tới đây sẽ bắt chước đó là ăn uống ở ngoài đường. Tờ tạp chí đã chưa kịp chỉ ra rằng, vượt khỏi ranh giới thủ đô, quà chợ vùng quê mới đích thực là mỏ vàng cho khai thác du lịch. Chỉ có điều, để được cả thế giới ghi nhận, sẽ còn rất nhiều tập quán xấu xí liên quan đến văn hóa thương mại nội địa mà người Việt ta cần thay đổi.

Suối Linh

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy